Chỉ mới ba tháng trôi qua trong năm nay mà chúng tôi đã hoàn thành ba cuộc hành trình dài, phiêu bạt qua rất nhiều địa điểm trên từng chặng đường. Ngoài những máy chụp hình hạng “professional” chúng tôi dùng cho những hình với tiêu chuẩn quốc tế, tôi còn mang theo cái Nikon Coolpix để “lấp vào những chỗ trống” do máy ảnh chuyên nghiệp để lại.
Câu khẩu ngữ “Don’t leave home without it” của hãng AmericanExpress được dùng để quảng cáo cho thẻ tín dụng của họ, nhưng lại rất thích hợp với một máy ảnh bỏ túi đối với những ai thường đi du lịch.
Coolpix là một máy ảnh nhỏ, loại bỏ túi, rất tiện lợi, đặc biệt khi bạn đang vác cái ống kính khổng lồ hoặc đang khiêng hai túi ba-lô nặng nề trên tay kia. Tôi chọn cái Coolpix của Nikon vốn vì mình đã trung thành với hiệu này trên 30 năm nay; đối với bạn, bạn có thể mua bất cứ hiệu nào bạn thích, với điều kiện máy đó phải có những đặc điểm để đáp ứng cho những nhu cầu của bạn.

Lợi điểm đầu tiên của những máy ảnh bỏ túi nói chung là cỡ nhỏ và trọng lượng rất nhẹ; nhỏ đủ để bỏ túi áo, túi quần, hoặc bỏ bóp của các cô các bà. Một điều rất tiện lợi khi bạn phải đi du lịch đến một nơi… xô bồ xô bộn… bạn cũng nên tránh phơi bày “đồ chơi” mắc tiền trước những cặp mắt tham lam của một số dân địa phương.
Cái Coolpix của tôi có thể “zoom” gấp 18 lần (18x), và có tầm xa ngang hàng với tiêu cự 450mm. Tôi thường nghĩ thầm và tự gọi đùa cái Coolpix của tôi với cái tên “Thiên Lý Nhãn” (truyện Tây Du Ký).
Coolpix không những có thể nhìn xa mà cũng có thể nhìn rất gần. Khả năng chụp cận (macro) của máy này cho phép tôi để máy gần khoảng 4cm mà vẫn rõ. Nhiều khi làm mình có cảm giác giống điệp viên James Bond 007 với máy hình tối tân nhỏ xíu.
Một đặc điểm của máy Coolpix mà tôi cũng thích là khả năng quay phim video với độ rõ cao (High Definition – HD) và âm thanh stereo. Trên thị trường, những máy khác có khả năng này đều có giá trên $500.
Màn ảnh LCD trên mặt sau của máy Coolpix cũng lớn (3 inch) và rõ, làm cho việc xem lại hình mới chụp rất tiện và chính xác.


Coolpix trong chức năng chụp cận, để sát đồng tiền chỉ cách 4 cm.
Hồi nhỏ, bạn có bao giờ lái xe đạp rồi buông tay ra để khoe với người khác không?
Tưởng tượng bạn có khả năng tự chụp cho bạn nhiều tấm hình mà không cần phải có ai chụp giùm? Thật sự, chuyện chụp hình bằng chế độ đồng hồ tự động (self-timer) và để lên chân máy thì bất cứ máy ảnh nào cũng làm được, nhưng với những máy ảnh bỏ túi (point & shoot) thì việc tự chụp cho mình dễ hơn nhiều – bằng một tay!
Tấm hình thí dụ kèm theo được chụp bằng một tay. Lúc đó, tôi muốn “chụp” cái ánh sáng rạng đông (twi-light) nửa tối nửa sáng, mà kẹt một điều là tôi đang lái xe. Dựa vào tấm hình, chiếc xe đang chạy đúng tốc độ của xa lộ (65 mph) và chúng ta được biết nhiệt độ lúc đó là 52 độ F. Hơn nữa, những vệt mờ của cảnh bên ngoài cho chúng ta biết là xe đang chạy nhanh.
Tôi khuyên các bạn đừng thử làm điều này trong khi đang lái xe, rất nguy hiểm, không khác gì chiến dịch “don’t text and drive”. Bạn có thể thử khi bạn đang ngồi bên ghế khách (passenger seat), hoặc khi xe đang ngừng. Sở dĩ tôi làm được điều này vì có “kinh nghiệm đầy mình”. Tôi đã bắt đầu lái xe và bắt đầu chụp ảnh từ lúc 16 tuổi, tới giờ vẫn… chưa quên.

Nếu bạn đã từng đi chơi ở Las Vegas thì chắc bạn cũng đã biết thành phố này đẹp như thế nào khi đêm xuống.

Trong một chuyến đi săn ảnh gần đây, người bạn “Coolpix” của tôi đã gặp số phận không may. Có thể nói là “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi” vì trong lúc say mê rượt theo con chim bắt cá dưới nước, tôi chạy ào xuống nước sâu tới dây nịt. Tới khi hoàn hồn thì mới sực nhớ cái máy ảnh Coolpix rất đắc lực của tôi đã nằm trong túi quần. Tất cả nổ lực làm “hô hấp CPR” đã không có hiệu quả, cái Coolpix ưng ý đã… ngủm cù đèo rồi!
Trong những ngày sắp tới, chắc tôi sẽ phải tìm mua một cái máy ảnh bỏ túi khác để… “thủ thân”. Cũng đỡ là mình đã biết phải mua máy nào.
