Mà khổ nỗi, các bạn ạ! Tạo hóa đã sanh ra cây lúa, lại sanh thêm cỏ, sanh thêm muôn loại côn trùng, sâu bọ. Dĩ nhiên, thân phận cây lúa là thân phận của một loài ngũ cốc yếu ớt so với cỏ, với sâu rầy, với mọi thứ côn trùng lân láng. Cây lúa chúng tôi không một chút tị hiềm, nhỏ nhoi, ích kỷ.

Vì như các bạn, dù khó tánh đến đâu, cũng phải công nhận rằng cây lúa có mặt trên những cánh đồng là vì loài người, vì đời sống của con người, vì miếng cơm manh áo của các bạn. Chúng tôi hiện hữu trong trần đời này chỉ với mục đích duy nhứt đó, không hơn không kém, một mục đích mà nghĩ cho cùng chẳng khác nào là một cứu cánh, một sứ mạng của đời tôi: sứ mạng nuôi sống loài người. Thành ra chúng tôi đâu có tị hiềm, bon chen với các loài cỏ, loài sâu rầy để làm gì. Chỉ có các loài cỏ và sâu rầy là tấn công, lấn áp, bắt nạt, đục khoét, cắn ngọn, cắn đọt chúng tôi mà thôi. Chúng tôi bao giờ cũng chỉ là nạn nhân của mọi biến động, từ mưa bão đến nắng hạn, từ ruộng sâu đến ruộng cạn, từ đất cũ khô cằn đến đất phèn đất chua, từ nước kém đến nước rong, từ ốc cua đến chim chóc như cò, như vạc, từ sâu keo, sâu lá, sâu ống, rầy nâu, đến bịnh tiêm, bịnh đạo ôn vân vân… Trăm muôn ngàn thứ như sẵn sàng phủ chụp lên đầu chúng tôi những tai ách nhiều hơn là thân thiện, cùng những dằn vặt, những bầm giập.
Mở đầu một trong những tai nạn là nạn sâu keo, một loại sâu được sinh sôi, nẩy nở nhanh nhất khi cây lúa có chút phân lạnh ở dưới rễ, vào ngày thứ mười. Sâu keo màu xạm đen, con nào con nấy như con nhọng, bóng lưỡng, lớn bằng ngón tay út, trông chúng đeo theo thân lúa hoặc bò lểnh nghểnh đến mà phát lạnh xương sống. Sâu keo ăn chúng tôi không thương tiếc. Nó cắn lúa cụt đọt, sát gốc thành từng chòm, từng lõm, từng vạt, từng vạt như bò ăn, bò gặm. Nhưng coi vậy, mà không đến đỗi nào. Dường như, tạo hóa cũng dành ra một điều lệ là “loài nào bạo phát thì thường cũng bạo tàn”. Điều lệ ấy, rất đúng trong trường hợp này. Người nông dân chỉ cần dùng bất cứ loại thuốc sâu nào với lượng dùng bình thường và xịt qua một lần là đám sâu keo hàng hàng, lớp lớp này ngã lăn ra chết như kiến, chết mà không kịp trối. Và rồi, chúng tôi lại lai tỉnh, bắt đầu lại, chuẩn bị tư thế lại để còn kịp lớn, kịp đón nhận những ngày còn lại với bao khó khăn, bất trắc.
Rồi cũng kể từ ngày thứ mười ấy, chúng tôi được nhận thêm một đợt phân bón nữa sau khi sâu keo chết hết. Thật lòng, có thêm phân bón hay không, cây lúa vẫn là cây lúa, không ai có thể gọi cây lúa là cây cỏ được.
Nhưng nhiều lúc, khi đời mình gắn liền với đời của mùa màng, của đất trời, của nắng mưa, của người làm ruộng, chúng tôi cũng băn khoăn trong lòng khi mình quá èo uột, quá thất bát, quá xập xệ, không bằng ai. Buồn cho thân phận mình thì ít nhưng chia sẻ với người nông dân về nỗi lo lắng thì nhiều. Các bạn không ở trong cảnh đời tay lấm chân bùn của họ, các bạn khó mà cảm thông chia sẻ với họ, khó mà thấy họ bấn loạn khi tới kỳ rải phân cho lúa mà trong nhà không tiền, không một hạt phân. Ngó trước, dòm sau, không còn một thứ gì để bán, ngoài bộ lư đồng trên bà thờ ông bà. Nhiều lúc, họ không có đến bộ lư đồng để một lần vương mang những ý nghĩ tội tình này như có được một lần hy vọng, dù hy vọng đó hết sức tội lỗi với tổ tiên. Thôi thì, họ đành chạy ngược, chạy xuôi vay nợ, bán đổ bán tháo “lúa già lúa non” cho có chút tiền còm, để có vài hạt phân cho chúng tôi.
Hỡi ơi! Có ai thấu cho nỗi lòng của những nhà nông nghèo túng như vậy bằng chúng tôi, những cây lúa sống giữa đồng, giữa ruộng. Chúng tôi dù không nói nên lời, nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi đang sống một đời đáng sống, vì chúng tôi đang sống cho tha nhân, cho loài người kia mà. Ý thức rõ điều đó, những chùm rễ lúa bám nhẹ nhàng trên mặt đất vui vẻ hít thở dưỡng khí, hút nước lạnh, nước bùn, hút chút phân bón khiêm nhường, nuôi sống chính mình và hy vọng trả chút nợ với đời.
Thế là, chúng tôi đã đến ngày thứ mười lăm, ngày những cánh đồng lúa bắt đầu lượt ngọn, yên ổn với dáng dấp những thân mạ non đủ sức trang trải cho bạn bè những chòm, những vũng nào bị hao hụt, bị cua kẹp, bị cò giẫm đạp tìm tép tìm cá mà chịu cảnh chết non, chết yểu.
Đến ngày thứ hai mươi, mạ rất vừa để cấy dặm. Chúng tôi được người nông dân chiết từ những đám lúa dày đem dặm lại các chỗ hư hao. Và chậm nhanh thế nào, đến ngày tròn tháng, chúng tôi không còn nhỏ nữa, không còn được gọi là mạ nữa, mà đã bắt đầu một thời kỳ khác trong đời chúng tôi. Đó là thời kỳ “lúa con gái”. Thật dễ thương các bạn nhỉ! Các bạn có tưởng tượng ra thời kỳ con gái của lúa không? Ngày tròn tháng, cũng là ngày chúng tôi được người nông dân, sau khi dặm vá đàng hoàng, sạ đợt phân thứ ba gồm có một số lượng phân lạnh và phân tiêu sữa, tổng cộng khoảng mười lăm ký cho một công tầm cắt. Có lẽ, các bạn nghe tên gọi phân tiêu sữa này hơi lạ. Riêng chúng tôi, mùa nào chúng tôi cũng có nhấm nháp chút ít, nên nhiều lúc như ghiền, không có nó lúa không xanh lâu, không tốt lâu, không chắc hột. Đó chẳng qua là một hợp chất của nhiều chất hóa học, có hạt tròn tròn như hạt tiêu với màu cà phê sữa, nên nhà nông gọi loại phân này là phân tiêu sữa. Các bạn thấy không, người nông dân rất giản dị mà thực tế, mộc mạc mà chân tình. Họ không để ý công thức hóa học làm gì thêm rườm rà, thêm khó nhớ. Họ chỉ lấy cái kết quả thực tế là quan trọng, giống hạt tiêu, giống màu sữa là gọi tiêu sữa, rồi cứ thế mà sử dụng, mà dùng. Giản dị như chính cuộc đời của họ. Một cuộc đời nông dân đầu đội trời, chân đi đất mà phóng khoáng, rộng lòng và phảng phất một chút hưởng nhàn trong cái cực, một chút vui trong cái đắng cay, một chút trầm tư trong lúc ngồi nhìn cánh đồng lúa đang vào thời kỳ con gái.

Lúa con gái
Những lá lúa thời kỳ con gái mượt mà, nở lớn như chưa một lần được nở lớn như vậy. Sáng sáng, khi sương mù tắm ướt chúng tôi trong đêm, chúng tôi im lìm bất động như ngủ vùi, ngủ dập, không một chút thẹn thùng, phơi lộ hết hình hài. Trên bờ bi, một con đê nhỏ chạy quanh vạt lúa chúng tôi, tiếng chân bước chậm đến độ êm êm, không nghe động nhẹ trên đất của người nông dân, chúng tôi hãnh diện đã mang lại cho họ niềm vui khi họ nhìn chúng tôi trong cái rạng rỡ của buổi sớm mai. Hạnh phúc thay được mang hạnh phúc đến cho người nông dân dù ít ỏi, khiêm nhường của giai đoạn này trong đời của cây lúa!
Thời kỳ con gái của lúa còn là thời kỳ của phát triển đẫy đà, thời kỳ của tuổi rong chơi với gió, với trăng. Những đêm trăng sáng vằng vặc, những chiều gió mát rì rào, những trưa trời im, mây xanh thẳm, những cây lúa chúng tôi cũng biến dạng theo từng chập, từng chập với gió, với trăng, với mây, với nắng. Vì là con gái mà, chỉ có một thời con gái trong đời, nên xin đất trời cũng cho phép chúng tôi được khoe sắc thắm, khoe nét đẹp, khoe cái vẻ diễm kiều với tạo vật, với thiên nhiên, với cây cỏ.
Chúng tôi vượt cao lên thấy rõ. Mới cách nay mấy hôm, chúng tôi còn là đà dưới thấp. Bây giờ, chúng tôi đã nhổ giò, có ống chân, cây lúa mập ra, lá lúa dài thêm, thân lúa cao ngang bụng, ngang thắt lưng của bất cứ người nông dân nào khi họ bước vào đám ruộng.
Các bạn ơi! Trong muôn loài sinh vật, chim muông, cây cối, hoa lá, dường như loài nào đẹp thường thường dễ bị dập vùi, dễ bị khổ sở với chính nét đẹp của mình. Chẳng hạn, hoa đẹp dễ bị người đời hái trước, dễ bị ong bướm chờn vờn hút nhụy. Chim muông, con nào có bộ lông đẹp, có tiếng hót thánh thót dễ bị săn bắt đem về nhốt trong lồng, trong giỏ, mất cả một trời thênh thang lộng cánh chim ngàn. Đời cây lúa thời kỳ con gái cũng không vượt ra khỏi cái số phận của cỏ cây, chim muông, hoa lá đẹp. Cái mượt mà của những lá lúa xòe rộng, rào rào theo từng cơn gió một cách ngây thơ, vô tình, có biết đâu rằng, trong từng nách lá là những ổ sâu lá đang âm thầm đẻ trứng, sanh sôi. Vì lúa đang tốt tươi cũng có nghĩa là mồi ngon của loài sâu lá ác hiểm này, một loài sâu chỉ sống với nhựa lúa, với lá lúa thời kỳ con gái này.
Những ổ sâu lá cuốn những đọt lá lúa lại, rồi sanh trứng, hút nhựa, làm lá lúa bạc lạt, trắng dã. Mới đầu lác đác vài ổ, sau đó lan rộng ra một chòm, một vùng, một vạt. Lan nhanh đến độ, nếu người nông dân không kịp xịt thuốc loại chuyên trị sâu lá, thì y như rằng, cả đám lúa chúng tôi mùa này sẽ thất mùa, sẽ bạc lạt. Giống sâu nào cũng có cái độc hại riêng, có cái tàn phá riêng nhưng có lẽ sâu lá là một trong những giống sâu độc hại nhất và chúng xuất hiện ngay vào thời kỳ lúa còn con gái. Vì loài sâu này nằm trong ổ kín, nên việc xịt thuốc rất khó khăn. Chẳng hạn, phải có người đi phía trước dùng nhánh tre quơ quơ cho những ổ sâu mở ra, rồi người khác theo sau xịt thuốc. Có như vậy, cách trị sâu lá mới hiệu quả. Trong trận giặc này, chúng tôi bị thất điên bát đảo, nào là sâu hút nhựa sống của đời chúng tôi, nào là bị người nông dân quơ đập tơi tả trên ngọn, trên lá, nào là những lối mà người nông dân phải lội vào, phải giẫm đạp vào, chúng tôi bị đạp nhầu dưới bàn chân nhiều khi rướm máu của họ. Nhưng chúng tôi không buồn phiền, không than trách, mà còn cảm thông, chia sẻ với họ về những tai vạ này, những tai vạ dường như lúc nào cùng thường trực trong cái nghề làm ruộng nhiều cực nhọc, dạn dày.
Tất cả rồi cũng qua đi, cho dù mọi đe dọa vẫn như thường trực. Thường trực đến đỗi cái thời con gái của chúng tôi mới đó mà biến mất từ lúc nào, không một ai có thể ngờ được. Trong môi trường sinh sống với dưới gốc lúa là nước tù hãm vì có biết bao sinh vật chết do thuốc sâu, thuốc rầy, những thân lúa chúng tôi phải sống trong đó như lửa thử vàng, như thách thức với bệnh tật. Thành ra, vừa qua trận sâu lá tàn phá, chúng tôi, lác đác một vài bụi đọt lúa bị đỏ rồi ngã sang màu vàng, và héo. Chỗ này bị, chỗ kia bị, rồi dịch bịnh này lan nhanh không thể tưởng tượng nổi.
(còn tiếp)