Menu Close

Thiên đường nhiệt đới – Kỳ 1: Một nơi cũng giống quê hương

Vài giờ đồng hồ trên chiếc phi cơ của hãng Jet Blue, bay thẳng từ Orlando đến thủ đô San Jose, tôi với những háo hức khi nghĩ đến một địa danh sắp đến đã nằm trong tâm thức: COSTA RICA – đất nước trù phú với nhiều khu bảo tồn sinh thái và rừng nhiệt đới – một địa bàn thiên nhiên đầy ước mơ của những tay săn ảnh wildlife trên thế giới.

alt

Tác giả ở phi trường San Jose

Máy bay đang ở độ cao 36,000 bộ, tốc độ 524 dặm/giờ.

Điền xong cái đơn khai nhập cảnh, tôi nôn nao nhìn ra cửa tò vò để quan sát; từ góc độ trên không, đất nước Costa Rica như một họa phẩm thủy mặc mộc mạc, thấm đượm sắc màu đại ngàn.

Với diện tích hơn 51,000 km2 và dân số gần 5 triệu người, Costa Rica là một nước theo thể chế dân chủ, nằm ở Trung Mỹ, biên giới phía Nam giáp Panama, phía Bắc giáp Nicaragua, một quốc gia hòa bình nên từ năm 1949, đã không có quân đội cho đến ngày nay.

Chiếc Airbus A320 đang trong tư thế chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường San Jose – thủ phủ của xứ sở Costa Rica; đồng hành Andy dường như vẫn đang bị cuốn hút bởi loạt hình ngoạn cảnh từ trên không, tôi chợt băn khoăn giữa đôi dòng cảm xúc thuận nghịch – chút háo hức xen lẫn hoang mang khi đến một đất nước xa lạ không lệ thuộc vào sự hướng dẫn của tour guide đã là một sự thử thách khá… liều mạng, dẫu những hoạch định về du trình của chuyến đi đã được Andy chuẩn bị rất chu toàn vài tháng trước đây. 

alt

 Costa Rica bên dưới.

Sinh cung nhân mã nên hai lãng tử chúng tôi trót lụy những hành trình viễn du. Tôi nhìn đồng hồ: 2 tiếng 45 phút trọn đường bay từ phi trường Orlando (MCO) đến San Jose (SJO). Thời kế tự động, con người tựa mình vào những gánh nặng của quá khứ nên ngày càng trở nên máy móc với thời gian. Trong hằng thức của riêng tôi, thời gian nằm trong mỗi vật thể vũ trụ và trong sự sâu thẳm của tâm hồn; thời gian có mặt trong mỗi phân tử, mỗi tế bào, mỗi giây thần kinh, mỗi suy tư, mỗi cảm xúc…

Đến sân bay San Jose, âm thanh rù rì băng chuyền hành lý tạo cảm giác thúc giục, hứng khởi. Hai tay săn ảnh hì hục kéo lê đống hành ly cá nhân, kiên nhẫn qua từng khâu kiểm soát an ninh.

Xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi đứng “tám” chuyện với một “Tây ba-lô” thường niên ngao du dọc ngang từng miền của xứ sở Trung Mỹ. Vài trao đổi kinh nghiệm du lịch với chàng huê kiều này cũng tạm trấn an cái tinh thần đang chút dao động của hai du khách da vàng.

Bài học thứ nhất  được truyền đạt là không để bất kỳ đồ đạc cá nhân trên xe, kẻ cắp có mặt ở khắp mọi ngõ ngách.

Tôi nhẹ nhõm sau phần thủ tục nhập cảnh đơn giản, suông sẻ, nhân viên hải quan đóng mộc 90 ngày gia hạn (thời hạn tối đa của visa và điều này còn tùy thuộc vào khả năng đối đáp, và lý do xin nhập cảnh của bạn). Với kỹ nghệ du lịch trị giá 1.7 tỷ Mỹ kim, Costa Rica là nước đông khách du lịch nhất khu vực Trung Mỹ. Ngành du lịch sinh thái trở thành nguồn ngoại tệ lớn nhất, bởi đất nước này cũng không chạy theo đồng đôla của các viện bào chế thuốc tây Âu Mỹ hay của các tập đoàn khai thác phương Tây để bán rẻ tài nguyên thiên nhiên của mình. Nhờ vậy mỗi năm có hơn 2 triệu du khách nước ngoài tìm đến đất nước nhỏ bé này.

Vừa rời khỏi phi trường, hai viễn khách chợt ngơ ngáo giữa một rừng âm thanh hỗn độn; cảnh đưa đón chờ đợi, xô bồ, chụp giựt không  khác gì ở Tân Sơn Nhất, giống luôn cả hơi nóng nhanh chóng pha ập vào người.

Dưới cơn nóng hừng hực trên xứ người – giữa thủ phủ San Jose đậm mùi ô nhiễm không khí lẫn… âm thanh, cảm giác lạc lõng chợt đến. Quãng đường chỉ vài dặm trên chiếc shuttle bus về đại lý mướn xe, chúng tôi lặng ngắm những phố quán, những căn nhà nghèo nàn, nhếch nhác; những con lộ nhỏ hẹp. Nhưng đặc biệt phương tiện xe hơi khá thông dụng và chỉ thưa thớt vài chiếc xe gắn máy trên đường phố.

alt

Khu xóm ở San Jose

Đa số dân Costa Rica mang ít nhiều dòng máu của người di dân Tây Ban Nha; một số không nhỏ có gốc Ý, Đức, Do Thái, và Ba Lan nhưng đông nhất là “mestizo”, hậu duệ thổ dân Châu Mỹ pha trộn với người Tây Ban Nha.
Nhóm người này chiếm 94% dân số, chỉ có 3% dân có gốc châu Phi mà tổ tiên là những người lao động da đen từ Jamaica nhập cư hồi thế kỷ 19. Số còn lại 1% là người Hoa và 1% thổ dân châu Mỹ, khoảng 40,000 người, họ sống đông nhất ở tỉnh Guanacaste phía tây bắc.

Hãng cho mướn xe Adobe cung cấp một chiếc SUV hiệu Hyundai Tucson đời 2012; hai lãng tử chẳng mấy nhiều lựa chọn ở cái xứ sở mà điều kiện đòi hỏi đầu tiên là người lái phải rành rõi số tay. Loại xế hộp số tự động rất hiếm và mắc nên các hãng mướn xe đa số cung cấp cho khách mướn loại xe manual.  Lái xe ở xứ nghèo với những trở ngại: đường xấu, thiếu bảng chỉ dẫn, người lái xe ẩu thiếu ý thức, nguy cơ trộm cắp và vào lúc thời tiết xấu; nên ngoài hệ thống GPS và cái bản đồ Costa Rica hộ mệnh, Andy còn cẩn trọng mua thêm cái bảo hiểm tối đa để chúng tôi có thể an toàn tuyệt đối trên xa lộ.

alt

Đại lý mướn xe Adobe

alt

Rời đại lý mướn xe, chiếc Hyundai Tucson giục giã như con ngựa sắt, vài cú nhấp nhổm ở đoạn cua gấp gãy khúc; tài xế Andy cầm cương khá thành thạo với loại số tay vì đã từng một thời hào hùng cùng tốc độ trên những chiếc sports car. Andy program vào hệ thống định vị GPS. Tôi nín thở giữa dòng xe cộ lang bạt, trố nhìn một “Tí Cồ” (danh từ tico chỉ người dân địa phương) đang nghiến răng nhấn ga trước một người đi bộ băng qua đường. Những tài xế “Tí Cồ” thường tăng tốc độ thay vì phải giảm ga khi có người đi bộ phía trước, và xài kèn thay thắng. “Tí cồ” lại dùng tay ra “signal” chứ không dùng đèn, và họ lắm khi cư xử rất thiếu lịch sự với những người lái xe khác.

Andy nghiệm rằng nếu “phe ta” không tự can đảm, luồn lách và lái theo phương cách “chụp giựt” ở xứ sở này sẽ đi mà… chẳng đến đâu cả; nhất là trong những trường hợp lái xe ở những thành phố lớn.

Bài học thứ hai: Phải rành rõi lái số tay. Không nên “thương lượng” với cảnh sát giao thông khi bị ticket, việc bất đồng ngôn ngữ sẽ gây nhiều trở ngại, các hãng mướn xe sẽ “take care” vấn đề này.

Tôi nhai hết phong kẹo gum. Đã hơi quen nên buông lỏng đầu óc cho thư thả để ngắm cảnh vật bên đường. Xe vòng vèo quanh khu đường đất gồ ghề. Costa Rica giấu cái nghèo nàn trong sự bình yên trên những nẻo ngõ yên ắng; lác đác những bóng cây phượng vĩ hoa đỏ rực, rải rác dăm cây đu đủ xanh trái, hàng xoài trĩu cành và những buồng dừa sai quả. Xứ sở Trung Mỹ bé nhỏ gợi liên tưởng đến một miền quê Việt giữa cơn hanh nắng Hạ.
Tôi đang viếng thăm một quốc gia Mỹ La-tinh chỉ với gần 5 triệu dân, lại được xếp là có chỉ số hài lòng về cuộc sống cao nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng “Happy Planet Index” (chỉ số Hành Tinh Hạnh Phúc HPI) của NEF (New Economics Foundation) thì Costa Rica là nơi hạnh phúc nhất để sống. HPI không tính đến khía cạnh giàu có để làm tiêu chuẩn hạnh phúc duy nhất, mà tập trung vào các yếu tố khác như tuổi thọ, mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân so với mức tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo của hệ sinh thái. Những thể hiện qua HPI cho thấy, con người vẫn có thể sống thọ và hạnh phúc nhưng tác động đến môi trường ít hơn.
Pura Vida! Câu nói cửa miệng của người dân Costa Rica, diễn đạt một lý tưởng của cuộc sống thanh bình, hài hòa với thiên nhiên, gia đình và bè bạn.

Nửa giờ đồng hồ quanh co mới ra được xa lộ Orotina, tôi tập tõm mấy cái tên đường không mấy khó phát âm: Atenas, San Mateo, Escobal… Đường sá tráng nhựa tương đối, không rộng lớn như những xa lộ Mỹ; tốc độ 80 kph. Giá xăng ở đây tính theo lít, mỗi lít tương đương 709 đồng colones (một dollar Mỹ đổi ra khoảng 500 colones). Trạm paytoll đầu tiên, tôi hơi lúng túng với đơn vị tiền tệ khi móc trả lộ phí ¢450.Đồng tiền giấy ¢1000 ($2 US) của Costa Rica tuyệt đẹp; màu đỏ, mặt trước in hình cựu tổng thống Braulio Carrillo Colina và huy hiệu quốc gia; mặt sau tờ giấy tiền là cảnh rừng ở Guanacaste; hoa xương rồng pitahaya; nai đuôi trắng, và bò cạp. Những tấm giấy tiền dù chỉ là một phương tiện trao đổi đa năng nhưng mang một ý nghĩa đặc biệt với riêng tôi về một sở thích sưu tập tiền tệ; vì ngoài tiết họa tinh xảo còn là những bí mật thú vị trên những đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới.

alt

Nhà phố 

Chuẩn bị tiền lẻ để tiện lợi khi chi trả vặt vãnh là điều không nên quên.

Dừng xe cạnh cầu Tarcoles nằm trên xa lộ chính dẫn đến thành phố nghỉ mát ven biển Jaco. Từ lề cầu nhỏ hẹp, tôi chúi nhìn lũ cá sấu khổng lồ ước lượng chiều dài hơn cả chiếc xe hơi đang nhởn nhơ “sun tan”. Cá sấu ở Costa Rica là giống crocodile khác với giống cá sấu ở Florida (alligator) ở những đặc điểm: mũi crocodile ốm và nhọn hơn và da màu nhạt, sinh sống khắp nơi trên thế giới; cá sấu alligator da xám đậm, gần đen chỉ có ở Mỹ và rải rác vài vùng ở Trung Quốc. Ở những nơi hoang dã, alligator nhát người nhưng crocodile thậm chí có thể tấn công người.

Andy tấp vội bên mấy sạp trái cây dọc đường, mấy người bán tranh giành chào hàng; tôi chợt cảm giác như đang đứng ở ngã ba Dầu Giây; điều lạ, khi ngầm quan sát cảnh mua bán thì chỉ thấy toàn cánh mày râu bày hàng trưng quả. Mấy sạp trái cây chỉ có mận, xoài, ổi, mấy trái vú sữa tím cỡ bằng nắm tay, dẫu thế, tôi vẫn hăm hở tìm chút hương vị quê hương trong mấy ký lô vú sữa đầu mùa. Thêm chút tò mò với mấy loại bánh nướng đặc sản treo từng bịch lủng lẳng trông khá bắt mắt.

Dân “Tí Cồ” thường hay “chém đẹp” các du khách nhưng mua bán với thái độ hòa nhã. Tôi ráng vận dụng vốn Spanish căn bản để thực tập “trả giá”; thế nhưng, người mua kẻ bán vẫn mặc sức múa may ngôn ngữ bằng tay. Hiểu chết liền!

Vị chi mấy món ăn vặt: 1 kg vú sữa: ¢1,500; dừa trái: ¢500;  1 bịch bánh dừa đặc sản: ¢1,500; 1 chai nước lọc: ¢700. Xứ sở nghèo và vật giá cao, chắc đời sống của những người dân địa phương nơi này hẳn cũng khá ngắc ngoải.

Bài học thứ ba học được sau chỉ vài tiếp xúc mua bán là trả giá khi mua hàng.

Đường càng xa cơn nóng càng hừng hực, mấy trái dừa tươi tạm nguôi ngoai hai cơ nhiệt đang bốc hỏa. Tôi ăn trái cây vú sữa kiểu dã chiến, bóp mềm, bẻ đôi rồi cạp cho lẹ, mặc cho mủ trái cây tèm lem miệng mũi. Tài xế Andy chưa hề biết qua mùi vị… trái cây nhiệt đới trong cuộc đời, thế nên, tôi độc quyền luôn kí lô trái vú sữa rồi thử qua nửa bịch bánh dừa đặc sản, cảm giác như đang ăn một miếng… đường, không chút mùi vị.

Du trình những ngày kế tiếp được Andy hoạch định đến chi tiết. Tôi khấp khởi trong lòng khi mường tượng đến những địa bàn kỳ thú của một thế giới thiên nhiên đa mang nhiều bí ẩn, lôi cuốn cùng những hành trình săn ảnh lan rừng hoang dã.

Xứ sở Trung Mỹ dần mở ra  một cái nhìn thân thiện, gọi mời. Costa Rica – cô gái quê mang vẻ đẹp chân mộc – dấu ấn ban đầu trong tiềm thức tôi mang.  

Pura Vida! Tôi hào hứng cảm thán!

alt

Những sạp trái cây bên lề đường

ĐMH
Hình ảnh: ĐMH
& Andy Nguyễn
Email:songlove@ndshow.com