Thi thoảng những suy nghĩ của tôi tự dưng bế tắc, trong đầu trống trơn không có một chút khái niệm gì về dòng chảy cảm xúc của một đề tài. Những lúc như thế này, tôi lại nghe nhạc, bất kể bài gì khi tôi chợt gõ vào con phím trước mặt. “Paris có gì lạ không em”. Nghe hay hay, phù hợp trong hoàn cảnh hiện giờ. Chữ “P” của chữ “Portland” lại thành “Paris”. Vậy thì tạm mượn thơ của Nguyên Sa, nhạc của Ngô Thụy Miên đặt tựa vậy.

Tôi đem chuyện này ra kể trong lúc nhàn đàm với bè bạn. “Xưa rồi Diễm ơi”. Người ta đã viết nào là “Bolsa có gì lạ không em? Sài Gòn có gì lạ không cưng?” từ lâu lắm rồi, ông bạn già của tôi góp ý. Té ra mình vẫn chạy theo đuôi người ta, chẳng có gì mới lạ. “Muốn viết về thành phố Portland của Oregon à. Có ngay tài liệu cho ông anh đang cạn kiệt suy tư”. Người bạn trẻ thân quen của tôi chêm vô. Portland thành phố hoa hồng. Portland thành phố mưa phùn gió bấc, thời tiết y chang Seattle, sáng nắng chiều mưa, tối lâm râm, sương mù giăng lối, suối thác rì rầm. À ở Portland mua hàng không phải trả thuế… Và còn nhiều nữa. Câu “mua hàng miễn thuế” của anh bạn trẻ là tôi thấy thực tế nhất và tôi cũng nghe những người Việt ở Portland nhắc đến vài lần, mặc dù tôi đến “Thành phố của những cánh hồng” (City of Roses) chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ vào một ngày mưa giăng mờ mịt.

Lần đầu tiên đến thành phố của những cánh hồng, hẳn nhiên tôi chú ý đến hoa hồng và tự hỏi vì sao người ta lại đặt cho thành phố một biệt danh như thế? Và tại sao lại có thành phố Portland, trong khi ở tiểu bang Maine phía Đông Bắc cũng có tên thành phố này? Nói đến tên của một vùng đất có rất nhiều chuyện lý thú. Bộ môn địa danh học ra đời và phát triển từ giữa thế kỷ 19 ở Tây Âu. Đây là một khoa học nghiên cứu nguồn gốc địa danh nói đến Tết Congo chưa hết. Trong bài viết này, tôi chỉ làm công việc nhắc lại sự hình thành tên gọi thành phố Portland qua tài liệu lịch sử Hoa Kỳ có nêu những câu chuyện lập thành tên một vùng đất. Năm 1843, William Overton nhận thấy vùng đất này có tiềm năng thương mãi rất lớn nhưng ông thiếu vốn cần thiết để làm đơn xin chủ quyền sử dụng đất. Ông đồng ý hợp tác với một người khác là Asa Lovejoy từ Boston, Massachusetts. Chỉ với 25 xu, Overton được chia phần chủ quyền trên một diện tích đất rộng 640 mẫu Anh (2,6 km²). Overton sau đó bán lại phân nửa cho Francis W. Pettygrove, người sống ở Portland tiểu bang Maine. Cả hai ông Pettygrove và Lovejoy đều muốn đặt tên cho thành phố mới này với tên thành phố quê hương của mình. Cuối cùng họ quyết định dùng đồng tiền sấp ngửa để định đoạt tên thành phố. Pettygrove thắng cuộc nên thành phố được đặt tên theo thành phố quê hương ông là Portland.
Việc lấy tên của một vùng đất đã có trước đó đặt tên cho vùng đất mới rất thường xảy ra trên thế giới, nhất là vùng đất mới tìm thấy trên lục địa hoặc khẩn hoang mở rộng đất đai. Ở Việt Nam vào thời Gia Long, lưu dân Ngũ Quảng vào Nam khai phá đất hoang, nhiều tên làng, tên xã được người di dân lấy tên nơi chôn nhau cắt rún của mình đặt tên cho vùng đất mới để nhớ về quê cha đất tổ. Nước Mỹ cũng thế, giai đoạn tiến về phía Tây mở mang đất mới, tên thành phố, làng mạc cũng từ đó xuất hiện trùng lặp không ít, lúc thì sử dụng địa danh đã có trên vùng đất cha ông di dân đến Tân Thế Giới (phía Đông Bắc Hoa Kỳ), lúc thì sử dụng địa danh nơi chốn quê nhà tít bên trời Âu để nhắc nhớ nguồn cội của mình. Việc này cũng giống như người Việt mình dùng tên “Little Saigon” để kỷ niệm về nơi mình đã ra đi vậy.

Tôi đến thành phố Portland và dõi mắt tìm những bụi hoa hồng trên phố hoặc trên những mảnh sân trước nhà dân cư. Tuyệt nhiên không thấy một cánh hoa hồng làm thuốc. Duy nhất tôi thấy một đóa hồng phấn to bằng chiếc xe tăng vẽ trên nóc ngôi nhà lúc xe chúng tôi lướt trên đường Sandy, khi đi xem tiệm ăn chợ búa của người Việt. Hỏi ra mới biết tháng Tư hoa hồng chưa nở, phải đến cuối tháng Năm khi thời tiết ấm áp hơn, hàng triệu đóa hồng sẽ biến thành vườn hương sắc ở các công viên thành phố. Đặc biệt Vườn Thực nghiệm các giống hồng rộng hơn 60 mẫu Anh sẽ là điểm đến của du khách và cư dân thành phố Portland trong ngày lễ hội hoa hồng.
Nơi đây có hơn bảy ngàn giống hoa hồng phô diễn màu sắc cho du khách thưởng ngoạn. Chuyện Portland được gọi là City of Roses ra đời cách nay rất lâu. Vào năm 1905, nhân kỷ niệm 100 năm cuộc thám hiểm của Lewis và Clark, thị trưởng thành phố Portland đưa ra ý kiến về một lễ hội dân sự hàng năm được lấy tên “Portland Rose Festival”. Lễ hội này bắt đầu tổ chức vào năm 1907 và tồn tại đến ngày nay. Vào tháng 6 hàng năm, một cuộc diễn hành hoa (Grand Floral Parade) trở thành sự kiện lớn nhất với hơn năm trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Portland dự hội hoa hồng. Quả là một con số kỷ lục.

Ông bạn già của tôi lắng nghe đến đây, kéo dài giọng: “Biết… rồi… nói… mãi”, bởi nhiều năm trước ông đã có đôi lần đi hành hương đến núi Đức Mẹ Sầu Bi (núi Grotto, Portland). Đúng là cũ xì! Tôi đem rượu cũ châm vào bình mới vậy mà ổng cũng nếm ra khiến tôi phải cố moi tìm những hình ảnh khác. Tôi nhớ lúc chúng tôi đi Costco mua hàng miễn thuế, xe đi qua vài nhà máy nhỏ làm bia. Bia. Đúng là bia. Thứ đồ uống khoái khẩu của cánh đàn ông ham nhậu làm tôi nghĩ ngay đến thứ bia đen có hiệu “Hair of the Dog”. Một thương hiệu nghe xong hết muốn uống, ấy thế mà loại bia này bán rất chạy không chỉ ở Oregon mà thị trường ở 8 tiểu bang lân cận cũng đã có mặt “Bia Lông Chó”. Tôi không hiểu sao Alan Sprints, ông chủ của hãng bia nho nhỏ này lại có thể đặt tên thương hiệu bia của mình “sốc” đến vậy. Một cái tên giật gân khiến bất kỳ ai yêu mến bia đều phải nhớ. Tôi chợt nhớ bài học nghề báo ngày xưa thầy giảng. Viết “chó cắn người” thì thường, nhưng muốn độc thì phải viết “người cắn chó”. Cái anh Alan Sprints này chắc cũng có ý nghĩ tương tự.

Tại Mỹ hiện có hơn 1700 nhà máy bia, trong đó, chỉ riêng tiểu bang Oregon đã có hơn 50 nhà máy. Song, dù cạnh tranh gay gắt, cả những người mới vào ngành lẫn dân kỳ cựu đều cho rằng ngành bia rượu vẫn còn rất hấp dẫn. Khi phóng viên trang web Entrepreneur phỏng vấn Alan Sprints, chủ hãng bia “Hair of the Dog” ở Portland, Sprints cho rằng nếu cứ còng lưng ra làm thuê cho người khác để rồi thu lại chẳng là bao thì thà rằng làm thuê cho mình còn hơn. Thế nên năm 1993, anh quyết định mở công ty bia “Hair of the Dog” với mong muốn tạo ra một làn gió mới cho ngành bia. Thay vì làm giống như các hãng bia trong khu vực, Sprints chỉ sản xuất và cung ứng bia đen với mùi vị đậm đà và nồng độ cồn cao. Ngoài ra, anh cũng sử dụng hoa quả để tạo hương vị cho một số loại bia và ủ chúng rất lâu trong các thùng rượu vang. Loại bia gần giống rượu này được bán với giá cao hơn. Những sản phẩm sáng tạo của Sprints gần như làm ra bao nhiêu bán ra bấy nhiêu.
Nghe đến đây, đám bạn già trẻ gật gù: Bia thì biết rồi. Nhưng “Bia Lông Chó” thì hơi bị lạ đó em.