Menu Close

Thuốc lá

Tôi là một độc giả của tuần báo Trẻ. Tôi có một cháu bé được 8 tháng. Ông xã nhà tôi ghiền thuốc lá đã hơn chục năm nay. Ổng cũng biết hút thuốc lá là không tốt nhưng bỏ không được. Điều tôi e ngại là nghe nói khói thuốc lá có hại cho trẻ em. Xin bác sĩ cho biết hại đó là như thế nào, để tôi cho ông xã tôi biết. Cảm ơn bác sĩ.

Elise Ngọc ở OKC

Đáp

Thưa cô

Chắc là cô muốn nói đến hậu quả của khói thuốc lá đối với sức khỏe của cháu bé mà ta thường gọi là khói thuốc lá dư, vì cháu nó không hút mà chỉ bị hít khói thuốc lá từ bố cháu đang hút. Thực ra hậu quả này rất tai hại đấy cô ạ. Tôi xin phân tích vài điều căn bản như sau để cô và độc giả Trẻ cùng đọc.


Cấu tạo khói thuốc

Khói thuốc dư là hỗn hợp của hai thành phần:

a- Khói mà người ghiền hồ hởi hít vào phổi rồi khoan khoái hoặc sặc sụa thở ra không gian.

b- Thêm vào đó là khói thuốc thoát ra từ đầu điếu thuốc đang âm ỉ cháy, kẹp giữa hai ngón tay vàng khè của tay ghiền hoặc khói tỏa ra từ chiếc gạt tàn đầy ắp những cuống thuốc đang cháy dở.

Theo Hội Phổi Hoa Kỳ, hai phần ba số khói từ đầu điếu thuốc đang cháy sẽ lan tỏa ra môi trường chứ không vào phổi người hút. Lý do là một điếu thuốc cháy hết trong dăm phút mà người ta chỉ hít vào khoảng hai ba mươi giây cho mỗi điếu. So với khói mà người hút hít vào phổi, khói dư chứa nhựa thuốc và nicotine nhiều gấp đôi; nhiều gấp ba chất gây ung thư benzopyrene, nhiều gấp năm lần khí carbon monoxide và nhiều gấp năm mươi lần khí amnonia.

Trong khói thuốc có đến vài ba ngàn phần tử hóa chất mà hơn 40 chất đã được xác nhận gây ra ung thư cho người và súc vật.

Khi khói thuốc được thong thả bay bổng trong một không gian kín mít, không khí sẽ bị ô nhiễm nhiều hơn không khí thường tới 40 lần.

– Ngồi trong môi trường này, nhiều người bị kích thích, mắt cay sè, giàn giụa nước mắt nước mũi, ngứa cuống họng, đau ngực, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn. Sau nửa giờ tiếp tục hít thở, lượng carbon monoxide trong máu tăng, nhịp tim đập mau, suy luận phán xét giảm sút.

– Nghiên cứu cho hay khói thuốc dư ảnh hưởng rất nhiều tới thai nhi khi người mẹ hút thuốc.

– Nghiên cứu ở một đại học tại Pensylvania cho hay, vợ tiếp cận với khói thuốc do chồng hút sẽ giảm thọ tới 4 năm. Bên Nhật và Hy Lạp, đã có xác định là vợ không hút thuốc nhưng chồng hút thì nguy cơ ung thư phổi tăng rất nhiều.

– Chuyên gia John Barzhaf cho rằng hàng năm số người chết vì hít thở khói thuốc lá nhiều hơn là tử vong vì tai nạn xe cộ, tội phạm và bệnh HIV/AIDS.

– Quan sát từ San Diego cho thấy công nhân không hút thuốc làm việc với công nhân hút thuốc thì các chức năng của phổi suy giảm đáng kể.

– Kết quả một nghiên cứu đăng trên Tạp Chí Hội Y Khoa Hoa Kỳ ngày 4 tháng Giêng năm 1998 cho hay khi tiếp cận với khói thuốc lá thì con người dễ bị vữa xơ động mạch hơn người không tiếp cận tới 20%. Người có bệnh tim mà liên tục tiếp cận với khói thuốc lá thì bệnh tình sẽ trầm trọng gấp bội.

Về khía cạnh pháp lý, bác sĩ Ginzel cho biết là khi làm việc với người ghiền thuốc rồi bị hít khói thuốc dư, sinh bệnh thì nạn nhân có quyền kiện đòi bồi thường. Nếu người ghiền có quyền tự do cá nhân hút ở đâu và hút lúc nào thì cái quyền này đã gây ra rủi ro cho người không hút. Nạn nhân cũng có quyền yêu cầu chính quyền can thiệp để được sống an toàn.

Ấy là chưa kể, ngồi trong căn phòng đầy khói thuốc lá, quần áo, đầu mình tẩm mùi hôi rất khó chịu. Tránh được khói thuốc thì họ sẽ cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng hơn. Dân ghiền đâu có thấy rủi ro này của người không hút.


Rủi ro cho trẻ thơ.

Một số những lý do mà trẻ thơ bị nhiều rủi ro trầm trọng khi hít phải khói thuốc lá mà cha mẹ hút trong nhà:

1. Hai buồng phổi của trẻ thơ còn nhỏ, chưa tăng trưởng hoàn toàn;

2. Hệ thống miễn nhiễm bảo vệ cơ thể của các em còn yếu vì mới được tạo sinh;

3. Vì thở nhanh hơn người lớn nên các em hít vào nhiều hóa chất có hại trong cùng thời gian;

4. Các em cũng không tự bảo vệ bằng cách tránh xa hoặc nói lên sự không muốn hít khói thuốc dư, nên chịu trận hít tiếp.

Trong báo cáo của US Surgeons Hoa Kỳ có ghi rõ ràng là khói thuốc gây nguy hại cho trẻ em và nhấn mạnh: “Ở nơi nào mà thuốc lá được tự do hút thì không có cách nào để bảo vệ các em với khói thuốc nguy hại này”.

Một số rủi ro bệnh hoạn cho các em:

a- Khi mới sanh mà đã hít thở khói thuốc lá thì sự tăng trưởng của phổi không được hoàn hảo, đưa tới giảm chức năng hô hấp, kém sức khỏe;

b Trẻ thơ hít khói thuốc dư sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi như sưng phổi, viêm cuống phổi. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi Trường Hoa Kỳ thì hàng năm có đến 300,000 trẻ em dưới một tuổi bị nhiễm trùng phổi với 15,000 em phải nhập viện điều trị, chỉ vì hít khói thuốc dư;

c- Khói thuốc khiến các em hay bị ho, lên đàm, vướng mắc trong cuống họng, thở khò khè. Nhiều em phải giải phẫu cắt bỏ cục thịt dư trong họng để tránh nhiễm trùng;

d- Khói thuốc làm nhiều chất lỏng tích tụ nơi tai trong khiến phải giải phẫu để điều trị hoặc phải đặt ống thoát nước;

e- Trẻ em bị suyễn mà hít thở không khí có khói thuốc sẽ lên cơn hen nhiều hơn và bệnh cũng trầm trọng hơn. Ngoài ra khói thuốc cũng là nguy cơ gây bệnh suyễn ở trẻ em chưa bị bệnh này. Nghiên cứu bên Anh và Do Thái kết luận cha mẹ hút thuốc lá, bệnh sưng phổi của con tăng gấp đôi.

f- Khi cha mẹ hút thuốc thì con có thể sanh thiếu cân, chết yểu sau khi sanh hoặc bị Hội chứng Tử vong Bất Ngờ. Lý do có thể là vì dưỡng khí tới thai nhi giảm, vì nicotine làm co mạch máu và khí carbon monoxide chiếm chỗ của oxy trong huyết cầu tố.    

Sau khi sanh mà mẹ vẫn tiếp tục hút thuốc thì con chết bất tử gấp đôi. Khi ghiền nặng thì tử vong tăng gấp năm lần vì con hít chung không khí có khói thuốc dư từ thuốc mà mẹ hút.

Mẹ không hút nhưng người bạn đường hút thì con sanh ra đều nhẹ ký.

g- Đã có bằng chứng có sự thay đổi bệnh lý đưa đến vữa xơ động mạch rốn trẻ sơ sinh khi người mẹ hút thuốc hoặc khi hít thở khói thuốc dư.

h- Nghiên cứu bên Anh cho thấy hít khói thuốc dư làm giảm khả năng đọc chữ của trẻ thơ.

Ấy là không kể, cha mẹ hút thì khi trẻ em lớn lên cũng bắt chước hút theo và trở thành ghiền.Và cái vòng luẩn quẩn lại tái diễn thế hệ này qua thế hệ khác.

Trên đây là những ý kiến của các nhà chuyên môn về sức khỏe. Cô nên đưa cho ông xã coi, để ông sớm có quyết định ngưng hút hoặc chỉ hút ở ngoài chứ không ở trong nhà.

Chúc cô và gia đình hạnh phúc, cháu bé mau lớn và khỏe mạnh.

NYD