Thế là, chúng tôi đã sống được trên cánh đồng này tròn tám mươi ngày hoặc trồi sụt đôi chút. Với trên dưới tám mươi ngày vừa đi vừa chạy đó, chúng tôi nhìn lại chính mình, trong lòng biết bao vui mừng dù nhiều gian truân, trắc trở. Nhìn những hạt lúa ngậm gạo hơn hai phần ba, chúng tôi rất hài lòng về cuộc hành trình đã đi qua, dù chưa trọn vẹn. Ngày nào cũng như ngày nào, những bạn nông dân của chúng tôi, mỗi sáng tinh sương, mỗi chiều mát dịu, họ rảo bước trên bờ bi nhỏ nhìn ngắm chúng tôi say đắm.

Một vài người gặp nhau bên đám ruộng, mời nhau điếu thuốc vấn, mồi cho nhau chút lửa, rít một hơi dài rồi nhả ra từng sợi khói, trong cái mát dịu của đất trời, trong cái hay hay của những bông lúa vàng mơ, thơm thơm mùi lúa mới, những sợi khói cứ quyện vào nhau như những thân tình giữa người và người, giữa người và đất trời, giữa người và những bông lúa ngập trời. Những lúc như vậy, cũng là những lúc chúng tôi trầm tư nhất, chúng tôi cũng chia sẻ niềm thân ái với họ nhất vì lúc bấy giờ chúng tôi đang lắng lòng nhất trước khi chào một ngày mới rạo rực hay đón một đêm dài êm ả, mát lạnh, thì thầm.
Hôm nay, dường như có điều gì bất thường. Dưới gốc lúa chúng tôi, có những sinh vật lạ li ti bám vào thân, vào gốc làm chúng tôi hơi nóng, lạnh bất thường. Rồi hôm sau, một vài chiếc lá hơi rực đỏ. Dần dần, những nhánh bông của chúng tôi chưa chín mà như rực chín. Thế là, chúng tôi lại bị sâu rầy nữa rồi, cho dù chúng tôi đã đi gần trọn cuộc hành trình của đời mình.
Các bạn ơi! Những sinh vật nhỏ li ti bám dưới gốc chúng tôi, là rầy nâu đấy các bạn ạ! Giống rầy nâu này rất độc hại. Chúng chỉ đeo theo gốc lúa như vậy mà mùa màng coi như gặp đại họa. Dường như, trong bất cứ mùa lúa nào cũng đều bị rầy nâu phá hại, không nhiều thì ít. Mà cơ khổ nhất cho nhà nông là việc chạy tiền mua thuốc rầy, vì những ngày tháng lúa vàng mơ này cũng là những ngày tháng trong nhà đã chắt mót không còn một đồng, một cắc. Rồi lại phải chạy ngược, chạy xuôi, vay hỏi với những món lời “chảy máu con mắt”. Trên cánh đồng lúa bao la, chỗ nào cũng có rầy nâu, hằng triệu hằng triệu con trắng dã ở gốc, ở thân lúa, chỗ nào cũng xịt thuốc, chỗ nào cũng lúa sắp chín với những bước chân của người nông dân chuyên nghiệp lách từng bước, từng bước rướm máu, cẩn thận đưa vòi xịt xuống từng gốc lúa. Những giọt thuốc nhỏ li ti rớt trên gốc lúa rào rào, thấm ướt, chảy tuồn tuột lên mình những chị rầy nâu bụng thè lè trứng là trứng. Những chị rầy độc ác này sặc sụa, ói ra máu liền tức khắc, buông chân, nổi trên mặt nước lềnh bềnh như bèo cám. Các bạn thử tưởng người làm ruộng họ cực khổ biết dường nào! Nếu họ không xịt thuốc kỹ như vậy, rầy không chết, coi như bao nhiêu hy vọng mà nhà nông trông đợi vào chúng tôi, đều hoài công, uổng của.
Chúng tôi vừa bị rầy với những cơn nóng lạnh như làm cữ rét, cùng với mùi hôi nồng nặc của thuốc rầy làm chúng tôi muốn ngạt thở. Với những gốc lúa bị đạp, bị rầy bầm giập, chúng tôi nhiều lúc quên cả đời mình, quên cả những bông lúa sắp chín vàng. Những cây lúa chúng tôi làm sao vui được khi chúng tôi lâm nạn, khi những người bạn nông dân buồn lo, rầu rĩ. Nhiều người vì không chạy được tiền, thuốc không có, đành gạt nước mắt nhìn chúng tôi bị rầy nâu phá hại lụn dần, lụn dần như người hấp hối đang thở những hơi thở dài trước phút lâm chung. Nhiều người mua phải thuốc sâu giả, tốn tiền, tốn công xịt thuốc mà rầy không chết, chúng tôi càng ngày càng khô rụi, vì thế mà có biết bao nông dân “tán gia bại sản” với nạn thuốc giả này. Thật là thảm thương, thảm thương cho chính mình, mà cũng thảm thương cho những người nông dân, lúc nào họ cũng nhận về cho mình những thiệt thòi, những mất mát, những chịu đựng đến rơi nước mắt!
Phong ba nào rồi cũng qua! Tai ương nào rồi cũng phải tan biến! Và sau những bầm giập với nạn rầy, những ngột ngạt với mùi thuốc sâu lan rộng nguyên một cánh đồng cò bay mỏi cánh, chúng tôi đã gượng dậy đi cho suốt cuộc hành trình. Mực nước dưới gốc chúng tôi còn lấp xấp mấy hôm trước, váng một lớp dầu nhớt pha thuốc rầy, phụ lực với thuốc xịt trên gốc lúa, làm cho rầy mau chết cùng với hằng triệu, hằng triệu xác rầy bị chôn vùi, giờ được những nhà nông rút bộng tháo ra ngoài kinh, ngoài rạch, đánh dấu một chặng đường.
Chúng tôi đang ở ngày thứ chín mươi rồi, những ngày tháng xế chiều của một cuộc sống ngắn ngủi này, nhưng cũng là những ngày tháng đẹp nhất, ích lợi nhất với kết quả là cả cánh đồng lúa chín vàng. Những bông lúa đầy hạt, cong mình nhìn lại những thân lúa của mình, được che khuất dưới những lá gai còn tươi với màu vàng sậm, đang nghĩ về những vui buồn trong dòng đời.
Hôm nay trời nắng ấm. Mặt đất dưới chân chúng tôi ráo lại. Những cơn gió làm đong đưa từng chùm bông lúa chạm vào nhau xào xạc, rì rào không ngớt. Những lượn sóng lúa lan dần, lan dần từ vạt lúa này đến vạt lúa khác làm thành những con trăn, con rắn rượt đuổi, lượn lờ vui vui con mắt. Những người bạn nông dân, mỗi ngày họ ra đồng thăm nom chúng tôi không biết bao nhiêu lần. Kẻ qua, người lại, người nào cũng chắc lưỡi trầm trồ, khen ngợi. Vạt lúa này trúng, vạt lúa kia dấu bông. Giống lúa này giống bông dừa khít nách, giống lúa kia phơi bông, phơi hạt. Nào là, công đất này với giàn lúa như vầy, chắc mẻm sẽ bốn mươi giạ một công tầm cắt. Nào là, công đất kia là đất lung, lúa trúng hơn, có lẽ ăn đứt cánh đồng này, vân vân. Chúng tôi nghe họ cười vui, hút thuốc liên miên, khói thuốc bay bay theo tiếng nói nói, cười cười, chúng tôi cũng vui lây, hòa nhịp với tiếng cười, tiếng nói bằng những điệp khúc lao xao của những ngọn gió ngày mùa.
Các bạn ơi! Chúng tôi đã ở vào những ngày cuối cùng của đời mình, tròn một trăm ngày hoặc trội thêm vài bữa, khi những hạt lúa cuối cùng ở cậy bông đã đầy gạo.
Đây rồi, mùa lúa chín! Mùa lúa chín là mùa của chim chóc líu lo, của tiếng hát hò trên đồng, của tiếng gọi nhau ơi ới, của tiếng lưỡi hái xào xạc cắt vào gốc rạ, của những mớ lúa đặt ngay hàng thẳng lối như những người lính đứng trong hàng quân, của tiếng máy suốt lúa ầm ầm trên đồng, của tiếng thúc giục trâu, bò kéo những cộ lúa hột về nhà, của những đàn vịt hãng, vịt tàu rượt đuổi những con mồi, những hạt lúa rụng, của những làn khói nấu cơm chiều bên bờ kinh, của cười vui, của hạnh phúc. Hạnh phúc của con người, của thiên nhiên, của vạn vật và của cả những cây lúa Thần nông trên cánh đồng này.
Thời hiện đại là thời của khoa học tiến bộ. Cây lúa thần nông cũng bị cuốn hút vào thời hiện đại. Nghĩa là mỗi năm có tới hai mùa lúa chín: Mùa lúa chín tháng Hai và mùa lúa chín vào trung tuần tháng Bảy. Mùa trước thì nắng ráo. Mùa sau mưa dầm sùi sụt vì thời tiết tháng Bảy là mùa mưa Ngâu mà. Nhưng mùa lúa chín nào cũng có những đặc tính gần giống nhau, có những vui buồn gần giống nhau, có những rạo rực gần giống nhau, có những sinh hoạt gần giống nhau. Có khác chăng là khác tháng, khác ngày, khác mưa, khác nắng mà từ đó cái cực của người nông dân cho mỗi vụ mùa có khác nhau đôi chút.
Mới hôm qua, những bông lúa vàng ngập đồng, ngàn trùng, cười vui với gió đồng nội trong lành như đi chơi, đi dạo. Thế mà hôm nay, chúng tôi đã thành rơm, thành rạ với những tua quay vòng, ầm ầm, sành sạch, cuộn vào trục máy suốt, bay bổng lên không trung về phiá dưới gió như những cánh chim ngàn. Những hạt lúa tách khỏi mình mẹ tuôn ra ào ào vào bao, vào thúng như đang mang niềm vui đến thật sự cho những nhà nông lam lũ, nhọc nhằn. Chúng tôi được nhiều hạt chừng nào là mừng chừng nấy. Có như vậy, những người bạn nông dân của chúng tôi mới mong trả được những nợ nần, tiền vay, bạc hỏi, lúa già, lúa non, lúa heo, lúa thịt, lúa thuế, lúa vụ, lúa làng, lúa xã, vân vân… Những món nợ triền miên, hết đời, hết kiếp mà nhiều khi không trả nổi. Mà cơ khổ, họ có dám xài hoang phí gì cho đáng tội. Đàng này, là những nợ mua phân bón, nợ thuốc sâu rầy, nợ mướn cày bừa, nợ cắt hái, nợ xăng nhớt, nợ máy móc, nợ trâu bò, nợ lúa ruộng, những món nợ đời, nhiều khi đong lúa trả rồi, người nào cũng chảy máu con mắt. Các bạn có bao giờ tưởng tượng những gánh nặng nợ nần triền miên phủ đầy trên vai, trên cổ của những người làm ra hạt cơm, hạt gạo cho đời không? Riêng chúng tôi, những hạt lúa rời khỏi mình mẹ, được đong đi, đong đi mãi cho những chủ nợ vội vàng, chúng tôi thấy xót xa cho những nhà nông nghèo biết dường nào. Những thùng lúa nợ, ăn trước trả sau, thật hết sức tội tình!!!
Mỗi một mùa lúa thần nông ngắn ngủi như những kiếp sống ngắn ngủi của từng bụi lúa! Vỏn vẹn ba tháng mười ngày với một kiếp sống trong bùn, trong nước tù hãm, trong mùi thuốc sâu phủ lấp triền miên, những bụi lúa chúng tôi luôn luôn gắn liền đời mình với từng giọt mồ hôi của những nhà nông tưới xuống cánh đồng. Chúng tôi chia sẻ cái lo với họ. Chúng tôi bị sâu, bị rầy, họ bấn loạn, chúng tôi cũng tan nát từ những chiếc lá, tới những gốc lúa giập bầm. Chúng tôi trúng mùa, họ vui, chúng tôi cùng vui với họ. Chúng tôi thất mùa, bông con, bông chét, người làm ruộng rầu, chúng tôi rầu với cái rầu của họ. Lớn lên từng ngày, từng ngày trong suốt một trăm ngày, lúc nào chúng tôi cũng vươn lên như kiếm tìm cái thiết thực của đời cây lúa, cái thiết thực cho loài người, cho muôn loài đồng thời với mình mà phải sống bằng lúa, bằng gạo.
Nghĩ cho cùng, bất cứ sinh vật, cỏ cây, vạn vật kể cả loài người, mỗi mỗi đều hơn một lần đóng góp công sức của mình cho sự tươi đẹp, diễm kiều, hài hòa cùng sự sinh tồn của vũ trụ, của vạn vật. Chẳng hạn những loài hoa đẹp làm đẹp đất trời, làm tươi mát cuộc sống, dù cuộc sống con người hay cuộc sống cỏ cây. Hoặc những loài thú, loài cá, loài tôm, chim muông cũng đóng góp phần mình cho đời sống loài người, đời sống của vũ trụ. Riêng đời của cây lúa là một đời cỏ cây gần gũi, thân thiết với loài người nhất, không thể thiếu vắng được; gần gũi, thân thiết đến độ người làm ruộng và cây lúa hòa nhập làm một. Nhưng có lẽ không có nhà nông gieo trồng, chăm bón, săn sóc, chúng tôi cũng chỉ là những bụi lúa rụng, lúa ma hoang dã, không đơm bông kết hạt đúng hạn kỳ và không cho nhiều lúa, nhiều gạo được. Xin các bạn đừng bận lòng về thân phận, về dòng đời những giống lúa Thần nông chúng tôi, một thân phận, một dòng đời dù nhiều vui buồn trong từng vụ mùa, hết mùa này đến mùa khác, hết kiếp này đến kiếp khác, mà nên nghĩ đến những nhà nông tay lấm chân bùn, trước nhất như những ân nhân của loài người, của muôn loài. Vì rằng, hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm rất kề cận với đời thường nhưng những giọt mồ hôi của người nông dân rớt rơi ở những miếng ruộng xa mù, trên luống cày, trong những vũng nước bùn sình, đôi lúc hòa cùng những giọt nước mắt cay cay, với số phận hẩm hiu của họ dường như ít được người đời nhớ nghĩ, đoái hoài! Và chúng tôi, những đời cây lúa, cũng muốn nói lời biết ơn họ, những kiếp đời gần gũi với bùn lầy mưa nắng quanh năm…
Hoa Kỳ, Tháng Tư- 1997
(Trích trong Bến Bờ Còn Lại)