Dilma Rousseff, nữ Tổng Thống (dân cử đầu tiên) của Brazil, cách đây vài tuần đã làm một chuyện hiếm thấy trong lịch sử ngoại giao. Bà mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm hữu nghị. Hai người trạc tuổi nhau mà còn vốn là đồng chí. Thuở thanh xuân lãng mạn, bà Dilma từng là tín đồ chủ nghĩa Mác và lên rừng tham gia phong trào du kích Cộng sản chống lại chính quyền Brazil lúc ấy. Sau này bà giác ngộ dân chủ, quyết tiến bước trên con đường chính trị bằng lá phiếu của cử tri (chứ không dựa vào súng ống và lựu đạn). Chuyến viếng thăm này được nhà nước hai bên chuẩn bị kỹ càng mấy tháng trời. Trên đường đến Brazil, đồng chí Trọng ghé ngang Cuba thăm viếng đồng chí Fidel Castro đang chờ đi gặp cụ Mác, cụ Lê. Gần đây có tin đồn đồng chí Fidel đi đâu thì CNXH mà đồng chí tạo dựng ở Cuba sẽ theo đấy. Có lẽ vì sợ tin đồn thành sự thật nên đồng chí Trọng đến Nico Lopez, trường Đảng Cao cấp của Cuba, để giảng một bài cho các đồng chí Cuba về những thành tựu vĩ đại và tương lai rực rỡ của CNXH. Vừa giảng xong thì, ngay trong ngày hôm ấy, đồng chí Trọng nhận được tin Tổng Thống Dilma hủy bỏ việc đón tiếp đồng chí đến Brazil. Không một lời giải thích!
Không chỉ trong ngoại giao mà ngay trong xã giao hằng ngày, chủ nhà không đời nào làm chuyện thiếu tế nhị như thế. Chẳng hạn như bà Lena Ek, bộ trưởng môi trường Thụy Điển, tuần qua có tổ chức một bữa tiệc tối để bàn thảo về các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Khách mời là những chính trị gia cao cấp đang nắm hoặc đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ. Có một vị khách được mời nhầm. Tên bà là Margareta Winberg, trùng tên với nữ cựu bộ trưởng nông nghiệp của Thụy Điển. Bà Margareta “giả, cũng trùng tuổi với đồng chí Trọng, đang nghỉ hưu mà được mời dự một bữa tiệc như thế thì quá sung sướng! Dù biết người ta mời nhầm nhưng bà vẫn cứ đến dự vì nghĩ đây là dịp “ngàn năm một thuở” đối với một phó thường dân như bà. Nữ bộ trưởng Lena Ek sau đấy cũng biết sự nhầm lẫn này nhưng vẫn để bà Margareta “giả đến dự tiệc; thậm chí cuối bữa tiệc còn mời bà ngồi chụp hình lưu niệm với mọi quan khách hôm ấy.

Bà Margareta Winberg “giả (X) ngồi chụp hình lưu niệm với quan khách
thật.
Thụy Điển lâu nay nổi tiếng về thiên tài bác học Nobel, người phát minh ra chất nổ. Sau này ông Nobel thấy phát minh này của ông gây ra quá nhiều thảm họa đối với loài người. Vì thế, ông đã dành hết gia tài to lớn của mình lập ra giải Nobel để tưởng thưởng những ai thực sự có công lao vĩ đại cho hòa bình và hạnh phúc của nhân loại. Bà phó thường dân Margareta tuy không có tài năng và công lao gì cho sự an bình của thế giới và đất nước Thụy Điển nhưng vẫn được đón tiếp trịnh trọng từ đầu đến cuối buổi tiệc. Có lẽ một phần lớn là nhờ bà tự biết mình, chỉ ngồi tựa ghế nghe người khác bàn chuyện. Giả sử, dẫu nghe chán mà buồn ngủ, bà cũng không nói với quan khách: “Thôi giờ tôi ngủ, các bác thức nhé! Khi tôi thức dậy thì các bác đi ngủ. Để giữ an bình cho thế giới, tụi mình phải thay phiên nhau!” như lời của một đồng chí của đồng chí Trọng khi đến thăm Cuba vài năm trước đây. May mà sau đó đồng chí này không tính đi (tiếp) thăm Bacu, một thành phố thuộc Liên Xô trước đây. Không thì cũng bị đuổi về như đồng chí Trọng.
Brazil lâu nay lại nổi tiếng về thiên tài bóng đá Pele, người có trên một ngàn cú sút long trời lở đất vào khung thành đối phương. Hơn ngàn cú sút ấy đều có giá trị vì Pele đã không hề ở thế việt vị. Ông đã dẫn bóng lừa qua nhiều đối thủ trước khi sút. Ngược lại, đồng chí Trọng ôm bóng (hình) Mác mà không lừa được ai cả. Kinh tế Việt Nam ngày nay có khá hơn thời bao cấp là nhờ bỏ bớt nền kinh tế quốc doanh và làm ăn với tư bản. Mấy chục năm trước đây làm đồng chí với Cuba và các nước (anh em) XHCN khác, Việt Nam bị đói dài dài. Bây giờ còn dư gạo đem (theo) tặng Cuba 5,000 tấn. Dân chúng Cuba hiện nay còn đói như Việt Nam thời bao cấp là vì vẫn phải (toát mồ hôi) “Xếp Hàng Cả Ngày” theo đồng chí Fidel. Thành ra, đồng chí Trọng đã nhận bóng Mác trong tư thế việt vị mà vẫn sút. Lại còn sút rất căng!
Chủ nghĩa xã hội chỉ là một giấc mơ đẹp cho những người thích mộng mơ. Nó lãng mạn như tình yêu trong thơ Hồ Dzếnh. Có lẽ nữ Tổng Thống Brazil hủy bỏ việc tiếp đón Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam trong khi vị khách còn đang trên đường đi, như là một lời nhắc khéo cho người đồng chí cũ của mình:
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau
lơ lửng… với nghìn xưa
chuyenkhongdau@gmail.com