Menu Close

Chuyện kể từ Thái Lan – Kỳ 2

“Cuối năm qua, BPSOS – Tổ Chức cứu người trên biển, do tiến sĩ  Nguyễn Đình Thắng làm Giám Đốc, gửi bản tin về những đồng bào tị nạn cộng sản Việt Nam đang trốn tránh ở Thái Lan và kèm theo những hình ảnh đồng bào đang vất vả đối phó với lụt lội bên đó để kêu gọi mọi người tiếp tay giúp đỡ. Nhìn cảnh tang thương này, tôi chảy nước mắt và ước mong mình có thể làm gì giúp người tị nạn…”. Với tâm tình này, bà Tuyết Mai cư ngụ tại Houston, Texas đã tình nguyện sang Thái Lan để giúp đỡ người tị nạn và tiếp tục gởi về Trẻ loạt ký sự sống thực này.   

Kỳ 2


Bắt đầu một tuần mới

Thư trước tôi đã kể chuyện từ lúc khởi sự cho đến khi tôi bị ốm. Hôm nay kể tiếp nhé.

Bắt đầu một tuần mới:

Tuần trước tôi bị cảm nắng chứ không phải bị cúm. Sau gần cả tuần nghỉ ngơi, hôm nay tôi đã khỏe. Sáng sớm tinh mơ tôi đã dậy, dậy trước cả lũ chim vẫn ríu rít đánh thức tôi mỗi buổi sáng. Tuần này tôi bắt đầu chương trình làm việc, công việc này do tôi lựa chọn và sắp xếp. Các bạn biết không, không gì thú vị hơn là được làm những gì mình mong muốn và chờ đợi.

Việc đầu tiên là tôi nhờ LS An Phong (nhân viên của BPSOS) liên lạc với Sơ Lita và nhóm Cồn Dầu để hẹn gặp. Sơ là người giúp cho các nạn nhân đang tị nạn ở đây. Sơ cho biết là Thứ Sáu có thể găp được và tôi gọi đại diện nhóm Cồn Dầu để xác định giờ gặp họ vào sáng Thứ Sáu.

Hôm nay có một điều mới nữa là tôi nhận được email của Luật Sư bên Asylum Access ThaiLand (AAT) nhờ giúp thông dịch cho buổi phỏng vấn một nạn nhân CS chạy từ Việt Nam qua. Luật Sư AP đã giới thiệu tôi cho họ. Tôi không muốn nhận vì ngại là không biết đủ những tiếng chuyên môn để mà dịch cho đúng, nhưng LS bên AAT vẫn cố thuyết phục nên sau cùng tôi nhận lời giúp lần này để thử xem có thể làm được không. Cuộc phỏng vấn vào lúc 2:30 chiều Thứ Sáu này. Tôi cẩn thận liên lạc để nhắc người sẽ được phỏng vấn về giờ hẹn, nhắc mang đầy đủ giấy tờ và tài liệu liên hệ đến trường hợp chạy trốn của anh ta.

Như vậy đến Thứ Sáu này là tôi được bận rộn rồi, Buổi sáng gặp Sơ Lita và nhóm Cồn Dầu, buổi chiều thông dịch cho Asylum Access Tháiland. Nghĩ đến việc làm đầu tay này tôi thật là vui, tuy có chút lo lắng.

Thăm đồng bào Thượng:

Sáng Thứ Ba tôi theo Anna đi thăm mấy gia đình đồng bào Thượng. Họ ở Bangwai, ngoại ô của Bankok, từ chỗ chúng tôi đến chỗ họ thật là xa. Lần đầu đi taxi mất một trăm mấy chục Bạt, đến nơi mới biết là không đúng chỗ, lại đi thêm một lần taxi lâu như vậy nữa mới tới điểm hẹn. Chỗ này là bãi đậu xe của một chợ khá lớn, ở đấy đã có người chờ sẵn để đưa chúng tôi đến nơi họ trú ngụ.   

Chúng tôi phải đi bộ trên đường nắng chang chang thêm cả cây số rồi phải đi luồn dưới gầm cầu để qua đường và đi vào một con đường hẻm nữa mới tới. Cũng là xóm nghèo. Một dãy lầu được xây sơ sài để cho thuê. Ở đây có hơn 3 chục người Thượng. Khu nhà còn nhiều chỗ trống, chung quanh vắng tanh, tôi chỉ thấy có người Thượng ở.

Mục đích đến thăm họ hôm nay là để trao tiền mà thày Huyền Việt gửi cho họ. Chỉ có hai gia đình được, một gia đình mới chạy từ Lâm Đồng qua, người vợ có bầu bụng đã khá lớn, một gia đình chạy từ Gia Lai đến, hai vợ chồng có 5 đứa con, nhỏ lít nhít, trước khi chạy người chồng bị Công An đánh đến nội tạng bị xuất huyết! Họ cho biết ốm đau không có tiền đi bác sĩ, không được vào nhà thương chữa bệnh cho nên họ hết sức lo lắng.
 
Tôi chưa kịp hỏi thì họ đã kể cho nghe là ở quê nhà họ cũng có gia sản, có vườn có ruộng,  lý do họ phải bỏ tất cả mà đi là vì càng ngày họ càng bị đàn áp tôn giáo, bị ngăn cản không cho đến nơi thờ phượng. Họ theo đạo Tin Lành. Không hiểu sao Việt Cộng cấm Tin Lành. Khi họ họp nhau để phản đối thì bị ghép vào tội chống lại chính quyền. Họ bị bắt vào tù, bị đánh đập nên đã phải bỏ chạy. Người chồng trốn sang đây lần đầu bị đuổi về và khi về Việt Nam thì lại bị chính quyền CS bỏ tù, hành hạ dã man hơn. Đến lúc không còn chịu đựng nổi họ đành phải trốn đi. Họ chạy qua đường rừng núi, qua Lào, qua Cam Bốt, chịu đói khát có lúc tưởng chết, khổ sở tận cùng mới đến được đất Thái. Họ biết cuộc sống trốn chạy khốn khổ như vậy nhưng vẫn chấp nhận vì ở lại Việt Nam thì họ không còn tự do mà mỗi lần bị Công An tra hỏi là mỗi lần bị đánh, khó mà sống nổi! Vợ có bầu cũng bị Công An đánh. Người cha già đến tù thăm con cũng bị đánh đến chảy cả máu đầu. Họ thì hiền lành mà Công An CS thì tàn ác, họ không thể sống bình an.

Họ kể khi mới sang, có nhiều ngày không có gì ăn phải ra đường mương bắt ốc về nấu cháo, phải hái rau mọc bên vìa đường về luộc ăn đỡ.  Cũng may có mấy người Thái thấy hoàn cảnh tội nghiệp nên đem cho quần áo, cho đồ ăn và giúp họ đi rửa chén, đi quét giọn cho các nhà hàng ngoài chợ. Công việc này cũng không có nhiều nên họ phải chia cho nhau làm để ai cũng có chút tiền mà sống. Có nhiều lần họ đã bị đói!

Tôi chỉ nghe sơ sơ thế cũng đủ sót sa rồi! Nhìn đám trẻ quanh quẩn bên nhau không có lấy một chút đồ chơi thật đáng thương quá! Anna đưa tiền cho họ và hẹn sẽ gửi thuốc cho nhưng chúng tôi cũng khuyên họ không nên dùng thuốc nhiều, nhất là với trẻ em và người đang mang thai.

Thấy có 3 gia đình ngồi đó mà chỉ có 2 được tiền nên tôi lặng lẽ bỏ ra 1500 Bạt cho con của gia đình còn lại, đây là chút quà của bạn tôi. Anna cho tôi biết còn nhiều trường hợp rất tội nghiệp, rất cần được giúp, họ là dân tộc thiểu số, không được đồng bào hải ngoại quan tâm giúp đỡ. Tại sao thế nhỉ? Hay là đồng bào không được biết?

Buổi tối tôi viết thư về hỏi thăm anh chị tôi và kể sơ về tình cảnh đồng bào bên này. Con của chị tôi cho biết ba anh em sẽ gửi tặng 2 ngàn Đô và nhờ tôi đưa cho những người tị nạn. Chúa ôi! Tôi mừng như chính mình được tặng!  Vâng, tôi sẽ dùng tiền này để giúp cho những người đang cần được giúp đỡ nhất.

alt

Một nhóm người Thượng học Anh Văn

Buổi hướng dẫn đầu tiên:

Sáng Thứ Sáu tôi dậy thật sớm, nấu mì ăn sáng rồi sửa soạn “đi làm”. Hôm nay là ngày đầu tôi giúp nhóm Cồn Dầu. Nghĩ đến công việc này là tôi thấy vui, lòng phơi phới như lần đầu có job.

Hẹn gặp họ lúc 9 giờ nhưng từ 8 giờ tôi đã ra ngoài đường chờ xe. Ai cũng bảo không biết đường thì đi Taxi là chắc nhất. Biết thế, nhưng giá đi xe bus được thì rẻ hơn nhiều. Giờ này là giờ người ta đi làm nên đông quá, chờ mãi mới có được 1 xe trống. Tôi gọi điện thoại cho người Cồn Dầu chỉ đường cho ông Taxi. Ông tài xế biết tôi là người mới tới nên cười thiện cảm.  Nhân cơ hội ông thích nói chuyện tôi đã học được vài tiếng Thái, biết nói cám ơn, hỏi giá, biết từ 1 đến 10, biết nói rẽ trái rẽ phải, đi, đi thẳng, đi vòng lại, chạy, ngừng lại. Mới biết thế thôi nhưng cũng đủ làm tôi vui rồi.

Điểm hẹn cách chỗ tôi ở cũng khá xa, đi Taxi hết hơn 100 Bạt. Tôi đến đó rồi gọi người ra đón. Tôi được đưa vào nhà từ thiện do Linh Mục người Thái  và Sơ người Phi điều hành. Hai người rất vui khi biết tôi sang đây để giúp. Ở đây giúp đỡ cho tất cả những ai cần giúp, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Có một số ân nhân gửi tiền giúp nơi này và Sơ đã mấy lần phải nhờ đến tiền này để chuộc đồng bào tị nạn chưa có giấy đã tờ bị cảnh sát bắt.

Sơ đưa tôi lên lầu để xem chỗ người ta may, có mấy cô Miền Điện và một cô người mình đang ngồi may những hàng do Sơ nhận về cho họ làm. Họ cho biết ai may nhanh thì một ngày kiếm được khoảng 100 Bạt (hơn 3US$). Trong số người tị nạn có lẽ nhóm Cồn Dầu là may mắn nhất vì được ở gần nơi này và được Sơ tận tình giúp đỡ. Đồng bào thiểu số thì đa số ở rải rác và cô lập, ít người biết đến!

Đến 9:30 thì nhóm Cồn Dầu đã tề tựu để nghe tôi nói chuyện như đã hẹn. May quá, Sơ cho xử dụng phòng lớn, chỗ này có sẵn bàn ghế và có cả quạt trần. Mấy chục người hiện diện đều là người lớn, hầu hết là đàn ông. Họ cho biết mỗi gia đình chỉ có một đại diện đến học rồi khi về họ sẽ bảo lại nhau để tránh bị cảnh sát để ý lúc đi lại.

Đây là buổi nói chuyện về đời sống bên Mỹ nên mọi người có vẻ hứng khởi lắm. Tôi chia đế tài làm 2 phần, phần đầu tôi trả lời những vấn đề người ta muốn biết và phần sau tôi nói về những gì người ta nên biết khi sang định cư bên Hoa kỳ.

Mở đầu, tôi khuyến khích họ nêu lên những thắc mắc. Họ lần lượt hỏi về vấn đề học hành của con em, về điều kiện để được đi học, về tiền sách, tiền trường…
Họ hỏi về sự trợ cấp của chính phủ, sự giúp đỡ của các hội đoàn, về phúc lợi cho người cao niên, về công việc làm, về tiền nợ, tiền lời…

Tôi lần lượt trả lời những câu hỏi của họ theo những gì tôi biết. Khi mọi người không còn thắc mắc thì tôi bắt đầu nói về những điều họ nên biết để chuẩn bị tinh thần, vì những khác biệt giữa các nước Đông Tây có thể làm họ bỡ ngỡ.

Trước hết tôi cho họ biết là khi mới sang Mỹ, người lớn có thể là sẽ rất buồn vì đường phố, xóm giềng lặng lẽ, ít người qua lại, không ồn ào náo nhiệt như ở đây. Thêm nữa, ngôn ngữ giới hạn, phương tiện di chuyển không dễ dàng.

Rồi tôi nói về sự khác biệt văn hóa, về đời sống gia đình, về sự tự do cá nhân, về xã hội, về sự kỷ luật và chế độ pháp trị ở Mỹ. Tôi cũng nói về đặc điểm tôn trọng sự thật, tính thẳng thắn, tin người, đúng giờ của người Mỹ, và, tôi nhắc để mọi người nhớ điều quan trọng, là đừng bao giờ để người ta mất lòng tin.  

Cuối cùng, để mọi người không thất vọng, tôi cho họ biết là ở Mỹ nếu chịu khó làm việc thì không thể thiếu được, đó là đất vàng, nhưng phải bỏ công ra đào mới có. Họ sẽ được thấy nước Mỹ cho người ta cơ hội học hỏi, cơ hội tiến thân, cơ hội sống theo ý mình và quí hơn hết là cho tự do, nếu mình không phạm pháp thì cả đời chính quyền cũng chẳng hỏi đến mình. Chính vì những ưu điểm này mà bao nhiêu người trên thế giới dù ghét Mỹ cũng vẫn chọn đến Mỹ lập nghiệp.

 Thời gian qua mau, nói xong thì đã hết 2 tiếng đồng hồ. Ai cũng rất hồ hởi và yêu cầu tôi dạy cho họ tiếng Anh.  Họ muốn học đàm thoại nhửng câu thông dụng để khi cần đến họ có thể dùng, còn trẻ em thì sau này học cũng không muộn. Tôi hẹn sẽ tìm tài liệu để giúp họ. Mọi người ra về rất vui và tôi thì cảm thấy như vừa làm được một điều gì thú vị lắm.

alt

Lớp Cồn Dầu, Sơ Lita và tác giả

Làm thông dịch:

Về đến nhà, tôi chỉ kịp ăn trưa rồi lại sửa soạn cho cuộc hẹn lúc 2 giờ chiều. Chiều nay tôi sẽ làm thông dịch cho một cuộc phỏng vấn của LS bên AAT.

Tôi đã cẩn thận đi sớm, nhưng ông tài Taxi lại không rõ đường! Đi loanh quanh rồi cuối cùng tôi phải gọi lại văn phòng AAT để nhờ họ chỉ đường. Cũng may là đến nơi vẫn chưa muộn.

LS Terence Shum ra gặp tôi là người Hồng Kông và còn trẻ như học trò. Chúng tôi ngồi nói chuyện xã giao rất thoải mái. Trong khi chờ người được phỏng vần đến, Terence nói chuyện về công việc của một thông dịch viên và thuyết phục tôi chính thức nhận lời giúp họ (with pay đấy). Tôi ngại ngùng nhưng rồi cũng đồng ý vì nếu sau này không làm được thì tôi vẫn có thể từ chối mà.
 
Ở bên đây đa số nạn nhân người Việt đã nhờ BPSOS giúp vì các nhân viên nói được tiếng Việt. Tôi không biết AAT sẽ cần đến tôi bao nhiêu lần mà họ  cũng có contract đàng hoàng. Tôi giúp họ cũng như giúp cho nạn nhân người Việt đến đó phỏng vấn mà thôi. Còn tiền thì làm việc vài ba tiếng có đáng là bao. Nhưng bao nhiêu cũng được, tôi đã có chỗ để xử dụng rồi.

Đến 2:30 thì người được phỏng vấn đến. Anh là một thanh niên còn trẻ. Anh hỗ trợ các đoàn thể tranh đấu cho nhân quyền ở VN nên đã bị chính quyền CS bỏ tù 6 năm thêm 3 năm quản chế, mất hết cả tuổi thanh xuân! Tại sao anh phải chạy? Tôi không trả lời được vì đây là vấn đề tôi không được nói ra. Tên tuổi và những hoạt động của anh cũng khá quen thuộc với cộng đồng người Việt hải ngoại vì anh đã được các đài phát thanh phỏng vấn và đăng trên mạng nhiều lần.

Cuộc phỏng vấn diễn tiến bình thường, anh biết Anh ngữ nhưng nghe hơi chậm và tôi giúp anh lúc nào anh không hiểu hoặc không nói được. Cũng có lúc tôi quên cả mấy tiếng rất thông thường, lại phải giải thích quanh co cho họ hiểu. Buổi phỏng vấn kết thúc tốt đẹp, chỉ có tôi là còn chút áy náy.

Trước khi ra về, Terence đưa cho tôi ký vào tờ giấy để cuối tháng “lãnh lương” và đưa mấy xấp tài liệu liên quan đến công việc, trong đó có 5 trang “home work” gồm những tiếng chuyên môn mà họ thường dùng khi phỏng vấn để tôi về nghiền ngẫm. Rõ chán! Bỗng dưng lại phải làm học trò!

Không  biết tôi sẽ nhớ được bao nhiêu trong những xấp tài liệu này, nhưng cảm nghĩ là mình đã giúp được một chút khi người ta cần khiến tôi mỉm cười thoải mái, lòng thơ thới ra về.

Kinh nghiệm đi xe bus:

Thật ra từ văn phòng AAT về chỗ tôi cũng chỉ mất có 6,7 chục Bạt, nhưng hôm nay tôi thấy vui và muốn đi xe bus về. Tôi hỏi cô thư ký về đường xe bus, cô cho biết chỗ chờ xe rất gần và sẵn sàng chỉ cho tôi. Tôi mừng quá, theo chân cô bé liền. Ai ngờ đi mãi đi mãi, qua mấy chỗ rẽ rồi mới tới! Thì ra trẻ khác già là ở chỗ ấy, xa thế mà cho là rất gần! Cuối cùng rồi tôi cũng đến nơi và ngồi ngay vào ghế đá chờ xe tới.

Chờ khoảng 15 phút thì có mấy xe đến. Giờ tan sở nên xe nào cũng đông. Tôi được cô bé dặn là phải đi xe số 92. Có 2 xe số 92, tôi theo đoàn người trèo lên được 1 xe đã mừng. Xe chật nhưng tôi rất hài lòng vì vẫn còn chỗ đứng. Người ta bảo tiền vé có 12 Bạt. Có thế chứ, bõ công tôi đi bộ.

Xe chạy qua đến 3 chạm thì người thu vé tới chỗ tôi. Tôi đưa tiền và cẩn thận lấy địa chỉ ra chỉ chỉ cho họ biết. Người xoát vé mỉm cười nhìn tôi ái ngại và líu lo một hồi, tay chỉ chỉ sang phía bên kia xa lộ. May quá có người biết chút tiếng Anh đứng cạnh đã giải thích cho tôi là địa chỉ chỗ tôi thì phải đi xe chạy phía bên kia xa lộ, ngược chiều với xe này, và tôi phải chờ xe này ngừng ở chỗ có cầu bắc ngang 2 xa lộ thì xuống và leo qua cầu sang bên kia đường để chờ xe 92 ở đó! Tôi ngẩn người, chỉ biết cám ơn họ rồi chờ xuống xe. Ôi cái cô bé thư ký dễ thương đã vô ý chỉ sai chỗ chờ xe rồi!

Một lát sau thì xe ngừng ở ngay chân cầu bắc qua 2 xa lộ cho người bộ hành đổi đường. Tôi xuống xe và leo cái cầu cao để sang bên kia đường chờ xe. Chỉ chờ khoảng 10 phút thì có xe, cũng là số 92, nhưng xe này đi về phía tôi ở. Lên xe, tôi cẩn thận đưa ngay địa chỉ cho ông tài, ông nhìn tôi cười rồi gật gật, thế là tôi yên tâm đứng quanh quẩn gần đó để khi đến nơi ông sẽ cho biết. Tiền vé có 12 Bạt thật, thôi cũng đỡ!

Xe chạy quanh co và ngừng nhiều trạm mới tới khu của tôi, nhưng xe này lại là xe đi bên nhà số lẻ, tôi ở bên số chẵn, lại phải leo qua cầu sang bên kia đường mới về được! Nhìn cầu cũng ngại quá, may là chỗ này không đến nỗi xa lắm!
Thế là lại trèo cầu sang đường! Đi bộ về đến nhà thì quả thật là tôi đã thấm mệt! Hôm nay có lẽ tôi đã đi bộ được đến mấy miles. Xem nào, lần này tôi hà tiện được bao nhiêu nhỉ? Được 55 Bạt, tức là được gần 2 Đô đấy.

Bây giờ thì tôi nhớ rồi, ở đây họ chia như thế này, 1 bên đường là số chẵn, 1 bên là số lẻ. Nếu muốn đến địa chỉ số lẻ thì phải chờ xe bên đường số lẻ, nếu muốn đến địa chỉ số chẵn thì phải chờ xe bên đường số chẵn, nếu chờ sai thì … mệt lắm!

Những “hẹn hò” mới:

Về đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi thì tôi đã nhận được điện thoại của mấy người gọi đến tâm sự. Đây là job mà An Phong và Anna muốn tôi giúp vì cả hai rất bận, không có giờ để nghe người ta than thở.

Tâm sự nào cũng có nhiều điều để nói. Mới nghe được một người kể thôi cũng đã hết cả hơn một tiếng! Quả thật khi nghe cô bé khóc tôi không nỡ ngưng nửa chừng, nhưng cuối cùng tôi cũng hẹn được đến tuần sau sẽ gặp mặt. Tuần này thì xin tạm ngừng ở dây và xin cấu chúc tất cả được bình an hạnh phúc.

alt

TS Nguyễn Đình Thắng và cô Bùi Nhi (Dallas) và giáo dân Cồn Dầu tại Thái Lan

TM