“Mẹ có nghe con không vậy?”, “Nghe chứ, nhưng con nói to lên”, “Con đang hét lên mà mẹ cũng không nghe hả?”
Tự nhiên điện thoại bên kia tắt ngúm. Bê, con thứ hai cũng là con gái út của tôi, gọi từ chiều đến giờ hai lần rồi. Lần đầu nó khoe sẽ lấy một tuần nghỉ, hai vợ chồng nó sẽ đi thăm bố mẹ chồng ở vùng Bắc Úc. Lần thứ nhì nó kể chiếc áo len ngắn tay mẹ tôi đan cho nó bị rách. Đang nói chuyện thì điện thoại bị rè, tiếng nói khó nghe và điện thoại bị đứt. Tôi chờ và nghĩ Bê sẽ điện thoại lại nữa, nhưng chờ hoài chẳng thấy điện thoại reo. Tôi nghĩ chắc nó thấy nói chuyện với mẹ như thế là đủ rồi.
Chợt điện thoại reng, tôi không cần nhìn số cũng đoán là Bê gọi lại. Tôi trả lời: “Mẹ đây, mẹ biết thế nào con cũng gọi lại mẹ mà!” Có tiếng ngạc nhiên ở đầu dây bên kia: “Mẹ, chuyện gì vậy, con đây mà!” Thì ra Ti, con gái lớn của tôi, tôi cười sảng khoái: “Con hả, mẹ cứ tưởng em Bê, nó điện thoại cho mẹ hai lần, lần sau đang nói thì bị đứt, mẹ nghĩ nó gọi lại, đâu ngờ là con”. “Mẹ, mẹ có bức ảnh bà Aung San Suu Kyi cầm tờ bích chương ghi một câu nói của Malcolm X chưa? Mẹ muốn không con gửi qua cho mẹ. “Mẹ chưa có, nhưng câu gì vậy?”. “O, You can not separate peace from freedom, because no one can be at peace unless he has his freedom. Mẹ thích không.”. “Ừ, con gửi cho mẹ đi”. “Dạ, mẹ có khoẻ không? Mẹ có biết em Bê làm rách cái áo len bà đan cho em hồi còn nhỏ không? Em khóc quá trời!”. “Vậy hả, em đang kể với mẹ chuyện đó thì điện thoại bị cúp”. “Bê kể là Bê lấy áo len ra để phơi nắng, nhưng đâu dè cái con gì nó cắn một lỗ nhỏ. “Chắc là con mọt cắn chứ gì?”. “Dạ chắc vậy, Bê giữ kỹ những gì bà cho, bây giờ bị rách cái áo len, Bê buồn lắm”. “Thôi mai mốt mẹ đan cho nó cái khác”. Bất giác con bé cao giọng: “Mẹ, cái áo bà đan cho Bê hồi nhỏ, nó khác cái áo mẹ đan, không thay thế được đâu. Lâu nay mẹ đâu có đan nữa, mẹ lại bận nhiều việc ”. Tôi chưa kịp trả lời, Ti nói tiếp: “Mẹ có uống thuốc đều không đấy? Con thấy thời tiết lạnh bất thường, mẹ thì lại lười mặc áo len, nhớ cẩn thận nghe mẹ, con làm việc tiếp đây!” Nói xong nó cúp điện thoại không chờ tôi trả lời. Các con tôi đã trưởng thành và vững vàng hơn tôi mong đợi.
BẢO HUÂN
Ba mẹ con tôi không sống gần nhau, đó là điều tôi chẳng bao giờ nghĩ đến, thế nhưng mọi việc đã xảy ra như một định mệnh. Bù lại, tình yêu chúng tôi dành cho nhau thật ấm áp và đặc biệt. Chúng tôi thường điện thoại cho nhau, chia sẻ bàn luận mọi chuyện xảy ra trong đời sống. Đã có lúc tôi sống trong ảo giác: mình cùng trang lứa với các con. Cho đến lúc gần đây, nghe hai con dặn dò: “Mẹ phải nhớ uống thuốc, nhớ không được uống cà phê nhiều, nhớ phải đi ngủ sớm, người già phải giữ gìn sức khoẻ cẩn thận”, tôi mới nhớ mình đã qua tuổi xuân từ lâu lắm. Và tuần trước, khi tôi từ chối không muốn đi khám sức khoẻ tổng quát, tôi đã giật mình, vì câu nói của con: “Mẹ không nghe lời con phải không? Mẹ có muốn bị bệnh như bác Hải gái không? Hay là mẹ nghĩ mẹ lớn rồi, mẹ muốn làm gì thì làm, mẹ không cần nghe lời khuyên nữa?”. Câu nói này nghe thật quen, thật gần, tim tôi đập thình thịch. Hình như nó chính là sợi dây huyền bí nối mẹ con, bà cháu chúng tôi xúm xít với nhau.
Tôi nhớ năm 72, sau khi học xong chứng chỉ của khoa Sinh vật tại đại học Khoa Học, tôi dự kỳ thi tuyển vào Đại học Y Khoa Sài Gòn, nhưng ngày xem bảng tìm mãi không thấy tên mình. Tôi đã khóc sướt mướt cứ như là từ nay không còn thấy tương lai nữa. Thật vậy, tôi đã hụt kỳ thi tuyển Y khoa năm trước, vì rớt khóa đầu của chứng chỉ SPCN, bây giờ lại rớt nữa, thì bảo sao tôi có thể bình chân như vại được.
Tôi thiểu não điện thoại về nhà báo tin thi rớt, mẹ tôi khuyên: “Con về nhà rồi ra Huế học cho gần con ạ!”. Thế nhưng Bố tôi đã mở đường cho tôi: ghi danh vào Đại học Y khoa Minh Đức, tiếp tục học ở Khoa Học để lấy Cử Nhân. Tôi mừng vô hạn, tôi chỉ muốn ở lại Sài Gòn.
Cuối năm đó, mẹ tôi điện thoại bảo sẽ vào thăm bác tôi và luôn thể đón tôi về Đà Nẵng nghỉ lễ Giáng Sinh và Tết Tây. Chưa bao giờ tôi cảm thấy muốn ở lại Sài Gòn bằng lúc này. Tôi không thể đi khi chưa biết tin của Trung, người đã yêu tôi đằm thắm. Trung hẹn khi nhận đơn vị xong, Trung sẽ xin về phép thăm tôi. Tôi không có bất kỳ một người quen nào để có thể nhắn tin cho Trung là tôi về Đà Nẵng.
Mẹ tôi vào Sài Gòn buổi chiều ngày 20 tháng 12 và ở nhà Bác tôi, vì tôi ở nội trú. Tôi đến với mẹ mà tâm trạng ngổn ngang, thương mẹ, nhớ mẹ, muốn cùng về Đà Nẵng với mẹ. Nhưng vắng biệt tin tức của Trung đã khiến lòng tôi nóng như lửa đốt. Tôi bồn chồn lo âu. Mẹ tôi tưởng tôi vẫn còn buồn vì thi rớt vào Y khoa, nên bà đã dắt tôi đi phố sắm sửa áo quần, túi xách, giày dép. Chiều nào hai mẹ con cũng đi lên đi xuống khu Thương xá Crystal Palace, rồi qua Passage Eden, rồi thương xá Tax, rồi Pole Nord, hoặc ghé các sạp hàng bán tơ lụa ở chợ Bến Thành mua thêm vải may áo dài cho tôi. Từng ngày chờ tin của Trung đã khiến tôi xác xơ. Mẹ tôi càng lo, càng muốn đem tôi về nhà sớm. Cho đến buổi tối trước hôm về lại Đà Nẵng, mẹ giục tôi xếp áo quần và về nhà bác ngủ, để mai cùng về Đà Nẵng với mẹ. Tôi mới nức nở: “Mẹ ơi, con không muốn về nhà năm nay, con muốn ở lại Sài Gòn” Mẹ tôi tròn mắt: “Sao vậy?” Tôi chỉ biết khóc, không dám thổ lộ nỗi lòng của mình với mẹ. Mẹ tôi dỗ dành mãi, nhưng tôi vẫn nằng nặc đòi ở lại Sài Gòn. Sau cùng, mẹ tôi khóc và nói rằng: “Con không nghe lời mẹ phải không? Hay là con lớn rồi, con muốn làm gì thì làm, không cần đến mẹ nữa, không cần nghe lời khuyên của mẹ nữa?!” Tôi đã khóc sưng cả mắt.
Tối hôm ấy, tôi ngủ với mẹ, mẹ hỏi hay là tôi đã có bạn trai, tôi chối biến: “Không, con chỉ muốn ở lại với các bạn nội trú thôi”. Mẹ tôi hỏi: “Các bạn của con chúng nó không về nhà sao?” Tôi nói bừa: “Con Thanh là bạn thân của con từ Đà Nẵng, nó cũng đâu có về nhà đâu!” Mẹ tôi không hỏi nữa, hai mẹ con ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau, tôi đi với mẹ đến phi trường Tân Sơn Nhất, mẹ đi vào phòng đợi lẻ loi, cô đơn, mắt mẹ đỏ hoe. Lời trách móc của mẹ đêm hôm trước, đã hằn sâu trong tim tôi, đau nhói, nhưng tôi không muốn Trung về tìm mà không thấy tôi. Sau đó, khoảng giữa niên học, tin Trung tử trận đã khiến tôi muốn thoát khỏi Sàigòn. Tôi về thăm nhà đột ngột như một sự chuộc tội đối với Mẹ.
Những năm sau này tôi thường ở xa mẹ, mỗi lần về thăm nhà, khi ngồi ở phi trường, tôi lại như nghe văng vẳng lời trách của mẹ: “Con không nghe lời mẹ phải không? Hay là con lớn rồi, con muốn làm gì thì làm, không cần đến mẹ nữa, không cần nghe lời khuyên của mẹ nữa?!” Rồi tim tôi lại đập liên hồi, như sửa soạn chứng kiến cảnh mẹ tôi về lại Đà Nẵng một mình. Mẹ tôi mất đã ba năm nay, có lẽ bây giờ thì bà biết tại sao tôi không chịu về nhà năm ấy.
Tôi cũng nhớ một chuyện khác xảy ra khi ba mẹ con tôi còn sống chung với nhau. Hôm ấy như thường lệ, trên đường đi làm về, tôi ghé mua bó rau cho bữa cơm tối. Về đến nhà hai con tôi đã nấu cơm xong, mùi cá kho riềng thơm lừng. Tôi đưa bó rau cho con bé lớn và bảo: “Con luộc rau, mẹ thay áo rồi mình ăn cơm”. Con bé vừa cầm bó rau vừa nhìn tôi nói: “Mẹ, chắc con đi Sydney!” Tôi chưng hửng: “Hả?”. “Con đã nộp đơn cho một Law Firm ở Sydney rồi!”. “Sao con không chờ kết quả ở đây xem sao!”. “Bạn con nói ở Sydney có nhiều cơ hội hơn!”. “Rồi chỉ có mẹ với em ở nhà thôi sao?”. “Mẹ, con lớn rồi, em cũng lớn rồi!”
Mắt tôi bỗng đỏ hoe, tôi lo sợ mất con, tôi sợ cái vắng vẻ, lẻ loi. Ba mẹ con đã quây quần với nhau bao nhiêu năm nay. Không biết từ bao giờ, cái ý niệm đi đâu, thì cả ba mẹ con cũng phải dính chùm với nhau, không thể tách rời, đã in vào đầu tôi. Tôi nói: “Không con ạ, con nên tìm việc ở đây! Thế nào cũng có chỗ mà!” Con bé tròn mắt nhìn tôi: “Mẹ, sao vậy? Con đi làm ở Sydney, đâu có xa gì đâu? Mẹ với em Bê có thể đi thăm con, hoặc là con về thăm mẹ, đi máy bay có hơn một tiếng đồng hồ thôi mà!” Tôi ngồi phịch xuống ghế salon, chẳng buồn thay áo. Con tôi như con chim đã đủ lông đủ cánh, nó muốn sải cánh bay trong vòm trời cao, xa, đang rộng mở trước mặt. Nhưng tôi lại muốn ghìm nó lại, tôi cố thuyết phục: “Con đã nghĩ kỹ chưa, con đi rồi, nhà mình sẽ vắng lắm”. Không có tiếng trả lời. Tôi quay lại, hai con tôi đang nhặt rau, mặt chúng buồn so.
Tự dưng tôi thấy no ứ. Trên đường đi làm về, tôi đói cồn cào, chỉ nghĩ đến bát cơm nóng hổi với chút chao cũng đã ngon, huống gì hôm nay con tôi nói nó sẽ kho nồi cá. Không khí tự nhiên dày đặc và nặng chịch, tôi cố đứng lên, vào phòng trong thay bộ áo đi làm ra. Tôi thấy khó thở. Tôi tự trách mình đã không bình tĩnh, chưa gì đã phản đối, làm không khí hạnh phúc duy nhất trong ngày của ba mẹ con bị hư hao.
Bữa cơm trôi qua thật chậm và uể oải, chúng tôi không nói gì với nhau, cả ba vừa ăn vừa xem TV. Tôi không dằn được, lại hỏi: “Con quyết định đi Sydney từ lúc nào?” Con bé lơ đãng trả lời: “Dạ, cũng mấy hôm nay.” Tôi bỏ đũa xuống, cao giọng: “Thế sao con không nói cho mẹ biết?” Con bé nhìn tôi ngạc nhiên: “Mẹ, thì hôm nay con nói với mẹ nè!” Tự nhiên nước mắt tôi tràn ra, tôi nhìn con gay gắt: “Lẽ ra con phải hỏi ý của mẹ trước khi quyết định, con vừa ra trường, vội gì mà phải chọn chỗ làm xa gia đình như vậy?”. “Mẹ, con muốn được như các bạn, bạn Mellisa của con cũng đi nữa!” Tôi đứng bật dậy: “Con không nghe lời mẹ phải không? Hay là con lớn rồi, con muốn làm gì thì làm, không cần đến mẹ nữa, không cần nghe lời khuyên của mẹ nữa?!” Hai con tôi nhìn tôi, mắt đỏ hoe, vì chưa bao giờ từ thuở ấu thơ, chúng bị la mắng như vậy. Hai chị em vừa run rẩy vừa nức nở vì tủi thân. Tôi cũng khóc vì lo sợ, vì bất lực. Rồi con tôi vẫn thu xếp hành lý đi Sydney. Tôi đưa con ra phi trường mà cứ ước mong nó thay đổi ý định.
Thời gian trôi, con gái út của tôi cũng rời tổ ấm bước vào tương lai tươi sáng. Mẹ con chúng tôi thực sự xa nhau từ đó. Mỗi chúng tôi tự xê dịch theo vận mạng của mình, và hẹn nhau cứ mỗi cuối năm sẽ cùng đại gia đình tụ về nhà của bố mẹ tôi. Hạnh phúc, niềm vui đoàn tụ hình như qua rất nhanh và không ở lại quá lâu cho bất kỳ ai. Một định mệnh khắc nghiệt đã xảy đến cho gia đình tôi. Mẹ tôi mất vào ngày cuối năm, vào dịp bầy con cháu của bà tụ về tổ.
Ba năm nay, tôi cứ ngỡ tôi hoàn toàn mất mẹ, các con tôi vĩnh viễn mất bà, nhưng kỳ thực, mẹ tôi vẫn ở giữa chúng tôi lung linh sống động: “Con không nghe lời mẹ phải không? Hay là con lớn rồi, con muốn làm gì thì làm, không cần đến mẹ nữa, không cần nghe lời khuyên của mẹ nữa?!”
PDH- 5/12