Sớm. Dãy mây trắng lảng vảng trên dãy núi Talamanca Mountain Range. Ba giờ đồng hồ trên xe. Tôi chao người theo độ cong của con đường đèo uốn lượn. Xe lên đến độ cao 7,200 bộ. Vùng núi đồi uốn mình trong chiếc áo the xanh, đẹp như bức họa phong cảnh cổ điển.

Con suối cạnh cánh rừng nơi săn tìm tổ Quetzal
Mặt trời mọc. Dãy mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi Cerro Buena Vista (núi cao thứ nhì của Costa Rica). Tôi nhâm nhi hương vị “café con leche”. Tâm yên lắng trước vẻ đẹp thanh bình của vùng đồi núi thiên nhiên.
Đoạn đường đất nhồi sốc, xuống gần chân núi dần thu hẹp như con đường một chiều. Andy Nguyễn điều khiển khá nhuần nhuyễn con ngựa sắt số tay trên từng miền địa thế hiểm trở. Những ngày nơi đây, anh dần hình thành thói quen lái xe “chụp giựt” như dân Tí Cồ chính hiệu.
Xe đến chân núi. Hai tay săn ảnh vác máy xông xáo khắp vùng; khám phá thiên nhiên bằng loạt hình ảnh phong cảnh, và những loài chim đặc hữu của vùng rừng núi Talamanca. Mảng rừng đa sắc nguyên khai. Những con suối luồn lách trên miền đá. Róc rách âm thanh của dòng chảy xiết.

Chim Quetzal trống với lông đuôi dài 3 feet ở khu Rừng Mây
Định nghĩa của Rừng Mây có thể mơ hồ với nhiều quốc gia không dùng thuật ngữ này. Riêng tôi, nhãn thức đã ghi nhận khái niệm về cloudforest. Từ góc độ trên không, vùng Rừng Mây như một tấm thảm “bông gòn” khổng lồ bồng bềnh dưới đôi cánh sắt.
Cloudforest nhiệt đới, mây thấp và sương mù thổi triền miên qua cánh rừng vùng này, kể cả mùa khô. Những giọt đọng rơi qua tán lá, hoặc chảy theo thân cây xuống mặt đất. Rừng Mây được hình thành từ luồng không khí nóng ẩm từ đại dương. Lượng không khí này tăng đến mức độ nhất định. Và nguội dần hình thành những đám mây. Chỉ có 1% của rừng toàn cầu được bao phủ bởi cloudforest.
Vượt ngàn đến Costa Rica. “Target” chính của những tay săn ảnh là loài chim Resplendent Quetzal (Pharomachrus mocinno). Loài chim mang vẻ đẹp lạ thường này chỉ sống ở những khu rừng mây Trung Mỹ, ở độ cao từ 4,000ft đến 10,000ft. Thổ dân người Mayans xem loài chim thiêng này như thần điểu. Quetzal nổi bật trong những sử họa đầy huyền thoại của bộ tộc Mayans.

Cánh Rừng Mây San Gerardo qua cửa sổ xe ở độ cao 7,000 feet
Đối với người Aztec và Maya cổ xưa, chim Quetzal là biểu tượng của thiêng liêng, tự do và giàu sang. Và chỉ những tầng lớp quý tộc và thầy dòng tu mới được phép trang sức bằng lông chim này. Những sợi lông đuôi dài được nhổ từ những chim Quetzal bị bẫy bắt, và rồi được thả đi để chim mọc lông đuôi mới. Bất kỳ thường dân bị phát hiện cất giấu lông chim sẽ bị tội tử hình. Với nền văn hóa Mayans xưa, lông chim Quetzal rất quý, giá trị hơn cả vàng. Cả người Maya lẫn người Aztec đều thờ cúng chim thiêng Quetzal. Họ tin rằng chim thiêng Quetzal có mối quan hệ gần gũi với thần rắn Quetzalcoatl. Và bảo vệ họ trong chiến trận. Quetzal, có thể là nguồn gốc của loài chim “Phượng Hoàng” trong huyền thoại cổ.
Và dẫu với lịch sử thiêng liêng, Quetzal vẫn đang trong mối nguy cơ đe dọa tuyệt chủng bởi sự săn bắt, hệ sinh thái bị tiêu hủy thành môi trường trồng trọt ở Trung Mỹ. Costa Rica là một trong những nước đã thiết lập hệ thống rộng lớn của công viên quốc gia; và khu bảo tồn động vật hoang dã để bảo vệ môi sinh của Quetzal.
Vài giờ sau. Chúng tôi có cuộc hẹn với một naturalist người địa phương, ông Marino.Thổ địa của vùng rừng núi này sẽ hướng dẫn chúng tôi đến địa điểm của Quetzal làm tổ. Tìm kiếm loài chim hiếm quý Quetzal là một thử thách, ngay cả với những tay thổ địa của miền rừng núi này.
Khu Rừng Mây bảng lảng những đám mây trĩu nặng. Cơn mưa đột ngột phủ chụp cánh rừng. Chúng tôi cùng Marino trên một chuyến xe. Cơn mưa rừng ngày càng nặng hạt suốt dọc đoạn dốc gập ghềnh, lở lói.
Dừng xe mé bìa rừng. Tôi lùng thùng trong chiếc áo phông mưa. Từng bước lầy lội trên con đường đất sình lầy.

Tổ chim Quetzal
Chúng tôi dừng bước ở một đoạn rừng, cạnh con suối xiết chảy. Trên nhánh cây cổ thụ, ẩn hiện một hình dạng kỳ lạ với chiếc đuôi dài lượt là, buông thỏng. Quetzal khoác trên mình bộ lông mão lộng lẫy; sắc lông ngực đỏ chói tương phản với màu xanh biếc rực rỡ. Lần đầu được chiêm ngưỡng Quetzal. Nhịp tim tôi chợt nhảy nhót trong lồng ngực. Tôi hít mạnh một hơi, để nỗi háo hức đương sôi trào dần lắng xuống. Tôi đặt tên cho loài chim huyền thoại của riêng mình là Phượng Hoàng Xanh.
Vài tia nắng nhạt dần len lỏi qua những tán lá. Những cái đầu kiên nhẫn ngóng lên cây. Quetzal đang ở một vị trí ngất ngưởng. Hai tay săn ảnh khá thất vọng, vì dẫu với ống kính 600mm vẫn khó có thể đạt được góc cạnh ánh sáng như ý muốn. Miền rừng này không cho phép những tay photographer chụp hình bằng flash. Họ lo ngại với sự có mặt, quấy phá của con người, loài chim hiếm quý này sẽ rời bỏ môi sinh và không trở lại vùng rừng này nữa.
Phượng Hoàng Xanh bất chợt vụt cánh. Dàn ống kính ngẩn ngơ hướng theo chuỗi đuôi thượt thà, buông thả theo chiều gió.
Một khoảnh khắc xúc chạm đến thờ thẫn cả tâm hồn! Tôi nhìn sang Andy, ánh mắt anh tụ thành tia sáng đầy đam mê khi dõi theo cánh chim Quetzal.
“Hãy kiên nhẫn, nó sẽ trở lại với vài con thằn lằn, vì lũ chim con đang đói mồi”, ông Marino trấn an chúng tôi bằng nụ cười. Và rồi ông hướng ống nhìn spotting scope trên một thân cây, khẽ bảo: “Hãy nhìn vào cái lỗ hổng tròn vo trên thân cây sần sùi kia, đó là tổ của Quetzal đấy!”. Mấy cái ống kính, thoắt đã săm soi vào cái cửa sổ tí hon tròn vo. Và hy vọng sẽ chớp được vài khoảnh khắc chim con ló đầu ra tổ ngóng mẹ.
Mùa sinh nở, “vợ chồng” chim thay phiên ấp trứng. Chim trống với cái đuôi dài quá khổ luôn phải thò ra khỏi tổ. Những chiếc lông đuôi tuyệt đẹp này dài đến 3 feet, và thường bị hư hại sau những mùa ấp trứng thay “vợ”. Ông kể rằng vào mùa “tìm vợ”, chim Quetzal trống thực lả lơi với vũ điệu tán tỉnh rất điệu nghệ. Để chiêu dụ các nàng chim mái, vũ điệu của chàng chim trống luôn mở đầu bằng màn vút thẳng trên không. Quetzal trống vừa lượn vòng, vừa hót. Và khi chúi bay, Phượng Hoàng Xanh kéo theo chuỗi đuôi lượt là, xanh biếc như chiếc đuôi sao chổi tí hon, tuyệt đẹp.
Tôi đứng bên con suối cạnh rừng. Mường tượng đến lời kể của “thổ địa” vùng rừng núi. Nơi dòng suối này, loài Quetzal vẫn thường ra “tắm” suối mỗi sớm mai.
Vùng rừng San Gerardo là môi sinh của 18 cặp Quetzal sống rải rác. Ông Marino bảo vẫn thường rất hiếm thấy được chúng. Cho nên dù có nghiên cứu trên tài liệu, sách vở để lấy tất cả thông tin cần thiết cho đầy đủ trước khi đi săn ảnh ở vùng này, thì cơ hội được nhìn thấy chúng giữa núi rừng thâm u này cũng không dễ. Tôi thầm nghĩ tìm chim cũng khó như tìm… kim đáy biển.
May mà có ông Marino, một naturalist địa phương.
Khác với những loài chim di tản theo hướng Bắc-Nam, Quetzal di tản theo độ cao giữa vùng Rừng Mây và triền núi. Một đặc điểm khác thường về loài chim kỳ lạ. Quetzal khi bị săn bắt và nhốt trong lồng, chim sẽ chết. Quetzal không thể sống trong sự giam cầm. Và cũng không có một sở thú nào sở hữu được loài chim này. Nên Phượng Hoàng Xanh là biểu tượng của sự tự do.
Hai tay săn ảnh có được cơ hội ghi nhận hình ảnh của loài chim Quetzal mái. Nàng Quetzal, sắc lông sặc sỡ, đuôi ngắn. Và dẫu đẹp mặn mà cũng vẫn khó thể so sánh với “nhan sắc chim sa” của chàng Quetzal nhà ta.
Khu rừng chiều thẫm đậm một màu buồn cây lá. Chúng tôi rời cánh rừng trong vương vấn.
Chiếc Tucson hì hục đổ dốc trên đoạn đường đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Vùng Rừng Mây phủ chụp trong màn sương mờ đục. Tôi nhấp nhổm, lo ngại, tầm mắt hướng vào khoảng không gian trước mặt như một bức tường trắng đục. Andy căng thẳng tay lái giữa màn sương mù dày đặc. Xe cố bám sát một chiếc xe tải cồng kềnh đang xuống dốc. Đoạn dốc sương mù bỗng chợt thành nỗi ám ảnh. What a nightmare!
Ra khỏi vùng sương mù. Nhịp tim tôi vẫn liên hồi disco giữa lồng ngực. Thế mà, hình ảnh Phượng Hoàng Xanh đã xâm chiếm, mê hoặc cả cõi hồn.
Và sẽ không xa lắm, ngày trở lại khu Rừng Mây huyền hoặc, tôi chợt nghĩ.

Tác giả đội mưa săn ảnh
Hình ảnh: ĐMH
& Andy Nguyễn
hanhphoto@yahoo.com