Menu Close

Lang thang Đà Lạt mùa này

Bức tranh kinh tế Việt Nam suốt tháng Tư có thể nói khá ảm đạm, dựa trên mãi lực giảm sút và số doanh nghiệp giải tán tăng vọt. Nhưng chả hiểu sao, càng ảm đạm lại càng caravan, festival dầy đặc: Ngoại trừ “phét” (festival) diều quốc tế Vũng Tàu bị bão đầu tháng Tư phá đám nửa chừng, thì “phét” cung đình Huế kéo dài chín ngày, “phét” dừa Bến Tre năm ngày, “phét” Chol Chnam Thmay Sóc Trăng, Trà Vinh ba ngày. Hai ngày cuối tháng Tư thì “phét” pháo hoa quốc tế trên bờ sông Hàn Đà Nẵng. Một tuần “phét” Hạ Long do Quảng Ninh tổ chức, nhân vụ Vịnh Hạ Long được một trang web tư nhân ít tên tuổi nào đó công nhận là… một trong bảy kỳ quan mới của thế giới (?). Đà Lạt phải chờ đến tết Tây mới có một “phét” riêng, độc đáo, là “phét” hoa. Còn mùa Hè, nhân lúc trong Nam nóng ẩm, đầy khó chịu, học sinh sinh viên lại nghỉ học, nên Đà Lạt xoay ra làm du lịch, đón khách Sài Gòn, các tỉnh trong Nam, duyên hải miền Trung đổ lên Đà Lạt nghỉ mát.

Hình thức trồng rau, hoa trong nhà lưới rất phổ biến ở Đà Lạt hiện nay

Thời xưa đường sá khó khăn, đi Đà Lạt mất nửa ngày trời, người say xe rất ngại. Ngày nay, đường tốt, vé xe giường nằm chỉ 200,000 đồng, lịch sự, sạch sẽ. Người đi không phải chuẩn bị lỉnh kỉnh, cứ ngồi nhà gọi điện cho hãng xe đò Thành Bưởi, Phương Trang, chọn chuyến chạy 10 giờ đêm. Bảo đảm bốn năm giờ sáng là lên tới Đà Lạt, co ro ngồi nhấm nháp cà phê vỉa hè. Xong lên đường Hàm Nghi làm tô phở Bằng “chất lượng cao” giá 25,000 đồng (khách Tây khá thắc mắc ba chữ “chất lượng cao” này). Rồi ghé chợ trên mua quần áo, đồ dùng cá nhân, xuống chợ dưới ngắm bắp cải, xà lách, cà rốt tươi ngon, tán tỉnh các cô bán chuối, bán bơ má hồng tự nhiên, nói tiếng Đà Lạt nhẹ êm như hát. Thi vị là thế nhưng gợi truyện thân tình với khách du lịch một buổi, hỏi cảm tưởng về Đà Lạt, thì trăm người như một, cả Tây lẫn ta, lẫn Tàu, đều khen ít hơn chê. Lời hứa trở lại thăm Đà Lạt càng ít. Kẻ viết bài, vốn là dân Đà Lạt một thời, đâm tự ái. Đành tự mình tìm hiểu nguyên nhân. Mới biết “ở trong còn lắm điều hay”…

Quốc lộ 20 dài 300 cây số nối Sài Gòn với Đà Lạt đoạn qua đèo Bảo Lộc bắt đầu cao dần, lạnh dần và đẹp dần. Từ đó về Đà Lạt, dài 100 cây số là đoạn đường “ăn tiền” nhất của chuyến đi. Toàn đồi chè, đồi cà phê, núi cao gối lên nhau, rừng thông um tùm, nhà cửa nhỏ xinh như bao diêm, xa tít tắp. Hít mạnh trong gió, nghe mùi hoa thơm mơ hồ, rất dễ chịu, chả biết rõ là hoa gì. Qua đèo Prenn, hàng trăm ngàn bông hồng trồng ngay ngắn giữa trục giao thông dẫn vào cửa ngõ thành phố, tạo nên sự thích thú, bất ngờ. Trên đường Trần Hưng Đạo, Mai Anh Đào, Hai Bà Trưng… hoa hồng vẫn tiếp tục thu hút mắt nhìn và tình cảm của du khách. Mỹ hiệu “Thành Phố Hoa” của Đà Lạt xem ra rất đúng. Tuy vậy phải xuống ấp Vạn Thành (nằm trên đường đi thác Cam Ly cũ) sắc hoa Đà Lạt mới thực sự phô bầy hết vẻ huy hoàng, phong phú. Cả ấp là một vương quốc hoa. Hoa trồng trong nhà lưới, sát dọc đường đi, ngoằn ngoèo lên đồi, xuống thung sâu, kéo vệt khuất trong núi. Giữa hoa là nhà ở, xưởng sơ chế, đóng gói, giao nhận hoa. Tiếng người, tiếng điện thoại chen lẫn tiếng xe tải ăn hàng, phá tan sự tĩnh mịch của một vùng thung lũng rộng lớn.

Cửa ngõ thành phố hoa

Ngoài hoa tươi Vạn Thành, còn “hoa vĩnh cửu”- cách gọi nôm na của thứ hoa tươi nhuộm mầu, sấy khô của Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng Hoa. Bên cạnh hoạt động xuất nhập cảng giống mới, bán hoa cắt cành, công ty này rất coi trọng việc đẩy mạnh quảng bá mặt hàng hoa cẩm tú cầu, cẩm chướng, hồng, cúc, các loại lá màu trang trí, được sấy khô tạo hình thành tranh hoa, hoa kết bó cầm tay, hoa đóng hộp. Tại địa chỉ 7A/1 đường Mai Anh Đào (đường Phù Đổng Thiên Vương cũ, dẫn từ đầu trường Đại Học lên dốc Đa Thiện, cắt qua Thung lũng Tình yêu), công ty dành hẳn một showroom và một cafeteria rộng rãi sang trọng để trưng bày, bán sỉ lẻ sản phẩm hoa sấy khô. Nhiều tua du lịch đưa khách tới showroom đều đặn. Ai cũng thưởng thức cà phê, trầm trồ khen ngợi, chụp hình không gian hoa huyền ảo, nhưng không mấy người chịu bỏ ra 50,000 đồng để sở hữu một bông hồng sấy khô bé nhỏ.

Thăm thú ban ngày, Đà Lạt có khá nhiều địa chỉ dẫn dụ “ma mới”. Muốn thác, có thác. Muốn đồi, có đồi. Muốn golf, có golf. Muốn chùa, có chùa. Muốn “mọi”, có “mọi”.

Còn thăm thú ban đêm “tua gai” (tour guide) không mặn mà “chỉ đường cho hươu chạy”. Quanh quẩn trung tâm phố đêm, khách Sài Gòn kêu chán vì không gian Đà Lạt loãng, lên dốc xuống dốc nhiều. Mới tám giờ phố vắng hoe, lạnh buốt, tối mò. Đà Lạt không có món ăn mang nét riêng, đã thế quán ăn không xuất sắc, giá cả không rẻ. Chỉ sữa đậu nành nóng, bắp luộc, xôi, cháo, bún Huế, mì Quảng quấy quá nhì nhằng. Một nhóm thanh niên Sài Gòn rủ nhau vào cà phê Tùng, gọi cà phê. Uống mấy hớp họ nhăn mặt đứng dậy. Nhóm khác thích thiên nhiên, tìm ra hồ Xuân Hương ngắm cảnh. Chiếc hồ được ví như tấm gương soi, như trái tim của thành phố cao nguyên một thời xinh đẹp. Năm ngoái, đáy hồ mới được nạo vét, phần hạ nguồn của hồ cũng được xây thành công viên. Nhờ thế năm nay, khách thăm hồ không còn phải chun mũi vì đủ thứ mùi kỳ cục xông lên từ nước hồ nhơn nhớt, xanh lè.

Mặt trước trường Bùi thị Xuân, với tượng đài Đô Đốc Bùi Thị Xuân mới dựng

Khá nhiều khách du lịch lớn tuổi tâm sự, về Đà Lạt chủ yếu vì kỷ niệm một thời từng yêu đương, sáng tác ở Đà Lạt, từng là học sinh, thầy cô trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Đại Học Đà Lạt, Võ Bị, Chiến tranh Chính trị…. Với những người này, “Đà Lạt đương” hầu như không tồn tại. Nó hay nó dở kệ thây nó! Chỉ “Đà Lạt cựu” là có giá trị. Trò truyện với kẻ viết bài, cô S., giáo viên Văn trường trung học Bùi Thị Xuân cho biết, thỉnh thoảng cổng trường vẫn xuất hiện những phụ nữ tuổi không dưới năm mươi. Có bà ăn mặc xuềnh xoàng, có bà chải chuốt phấn son. Có bà đi một mình, lặng lẽ xin vào quay video, chụp ảnh lớp cũ, gốc cây, góc sân sau. Có bà rồng rắn một đoàn vừa Tây vừa Ta, ồn ào chỉ trỏ. Mỗi bà một niên khóa khác nhau, nhưng cùng chung kiểu mắt nhìn xa xăm và cách kể chuyện bắt đầu bằng hai chữ “hồi đó”. Dân Đà Lạt gốc, nghe khách phương xa hát trường ca “hồi đó” chỉ cười cười. Nụ cười không ra tươi, cũng không ra héo, chỉ thuần là động tác kéo mép, hé răng. Hầu hết họ đều thuộc “thế hệ bỏ đi”, sống thời hoa niên khốn khó sau năm 75, dở dang việc học, bươn chải đủ nghề, khổ đau thiệt thòi đủ kiểu. Vậy mà sau gần bốn mươi năm vẫn đủ sức giỡn hớt, gọi mày xưng tao ỏm tỏi mỗi khi tụ tập đông vui. Chuyện của họ hay tránh né đề tài thời sự, ít phê phán cá nhân, nhiều chất hài dung tục gây cười.

Mưa thì mưa vậy, ghi đề cứ ghi! (ảnh chụp trước nhà thờ Con Gà)

Khách lang thang Đà Lạt vài hôm, tốt nhất nên thuê xe gắn máy với giá 150,000 đồng/ngày. Lái xe vi vu, với bản đồ trong túi và những ký ức một thời, không sợ lạc đường. Kinh nghiệm của nhiều lần lái xe Đà Lạt một mình cho biết, đừng mong đợi, đừng ngạc nhiên, mà cũng đừng quá xúc cảm vì Đà Lạt không bao giờ như mình nghĩ. Tưởng người ta đang kiến thiết Đà Lạt, dựa vào những hoa hoét dọc đường, những khu du lịch nghỉ dưỡng đang động thổ, những trường đại học này cao đẳng nọ, té ra trong thực tế, Đà Lạt thuộc dạng tỉnh có dự án treo nhiều nhất cả nước. Thấy hoa tươi, hoa khô sung mãn, cà phê, trà trồng bạt ngàn, tưởng nông dân sống khỏe, thực ra họ đang ngắc ngoải vì không nắm được vốn và thị trường, càng không địch lại được hàng Tàu giá rẻ. Thấy các con đường chính như Bùi Thị Xuân, Hàm Nghi… khách sạn san sát, tưởng ngành du lịch Đà Lạt xịn, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng, chừng bước vào thuê phòng mới bật ngửa vì kiểu làm ăn “tay không bắt giặc”. Thấy chị em tiểu thương, anh em xe ôm kể chuyện tiếu lâm cười rũ rượi tưởng họ đú đởn phởn phơ, thực ra đều héo hắt ruột gan vì không cứ mùa du lịch mà ngày thường giá cả sinh hoạt vẫn rất “tàn bạo”.

Khách du lịch bị chém đã đành, đến “ta với ta” cũng giết không nương tay! Vì thế, xin cảnh báo, ngồi chơi hồ Xuân Hương lâu nhớ phải cho tay vào túi giữ máy ảnh, ví tiền, điện thoại cẩn thận nếu không muốn đứng lên với chiếc túi nhẹ hều, trống rỗng. Khi đi chơi xa nên xách theo chai nước, không nên tin hàng sữa đậu nành vỉa hè để khỏi dở khóc dở cười như kẻ viết bài, gọi ly sữa đậu nành xong, đứng lên đi “giải thủy”, bắt quả tang bà đậu nành xách nước trong toa-lét ra… pha thêm vào nồi sữa trước khi chiết cho khách với giá 6,000 đồng một ly loãng thếch nhạt phèo.

Ở trên là những điều thấy. Những điều không thấy (vì đã mất) còn nhiều hơn. Chẳng hạn không thấy sương mù trên thung lũng, núi đồi. Không thấy kiểu nhà gỗ cửa kính với hàng rào tường vi vây quanh. Không thấy văn hóa và văn nghệ sĩ thứ thiệt. Càng không thấy Mả Thánh, dân Cây Số Bốn cho biết đồi Mả Thánh đã giải tỏa. Thành phố chưa có nghĩa trang mới, tạm thời ai chết thì thiêu, không thì chôn ở Du Sinh (đường đi ấp hoa Vạn Thành) hay Thánh Mẫu (Cây Số Sáu). Điệu này, xem ra dân Đà Lạt tha hương mất quyền mơ ước khi chết được trở về Mả Thánh, nằm trong tư thế “người ôm trăng ngủ trên đồi mây bay”. Chao ôi là buồn! Đến cái chết mà cũng mất quyền mơ ước thì thôi quách làm người Đà Lạt, sang Trung Đông làm con…lạc đà. Coi bộ còn có giá.

Một góc hồ Xuân Hương, vắng và sạch

XH