Menu Close

Thiên đường nhiệt đới – Kỳ 5: Nơi bình yên của thú

Những ngày trên quê hương Tí Cồ, hai lãng tử chúng tôi dần quen với nhịp sống mời gọi của thiên nhiên hoang dã. Du trình săn ảnh luôn háo hức sự khám phá, và nhiều thử thách gian nan. Một ngày của tôi nơi đây, là cuộc hành trình sống trọn với những thách thức trên đoạn trường cuộc sống. 

Khu rừng chuối ở Parc Nacional Carara

Parc Nacional Carara nằm cách San José 85 cây số về hướng Tây Nam. Khoảng 2 giờ lái xe. Rạng sớm.  Chúng tôi tấp vội vào một tiệm tạp hóa ven đường để mua vài ổ bánh mì và thịt nguội. Khẩu vị của dân Tí Cồ hơi thái quá ở vị mặn. Miếng jambon vừa chạm lưỡi đã cảm giác huyết áp tăng vọt. Tôi lóng ngóng tìm sạp bán trái cây định mua vài ký vú sữa. Bán rong trở thành một nét đặc trưng của người dân xứ sở này.

Đến Parc Nacional.  Tôi vừa gặm xong khúc bánh mì, liền khoác vội cái balô đồ nghề và tức tốc quân hành. Những bước chân lần theo con đường rừng. Vài vũng sình đất lầy lội, dấu tích của những trận mưa rừng.  Khu rừng nhiệt đới đa dạng sinh học, bao hàm tất cả sinh vật- cây cối, động vật, và nấm. Các nhà khoa học tin rằng một số lượng cây cối và động vật có mặt trên bề mặt của trái đất sống trong rừng nhiệt đới. Hiếm có quốc gia nào sở hữu nhiều công viên quốc gia tự nhiên rộng lớn như Costa Rica. Trên thực tế, 25% diện tích của đất nước này đều là khu vực được bảo tồn với hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Parc Nacional Carara là môi sinh của nhiều loài chim, thú, bò sát.



Vẹt Tứ Sắc Scarlet Macaw

Dừng chân ở một đoạn rừng. Andy khẽ ra dấu, rồi chĩa ống kính trên một thân cây. Một con kỳ đà đầu vẩy sừng, hình dạng tựa loài khủng long tiền sử, dáng bất động, lớp da nhám xịt như dán chặt vào thân cây sù sì. Loài kỳ đà Basilisk Lizard có thể chạy trên mặt nước khi cần thoát tránh nguy hiểm. Nó có cái tên hơi lạ là Jesus Christ Lizard. Kỳ đà có cấu tạo đặc tính của bàn chân và cách chạy độc đáo giúp nó không chìm xuống nước. Khi bị đe dọa, Jesus Christ Lizard buông tay từ trên cây, rơi xuống ngay mặt nước, rồi bắt đầu cuộc tháo chạy bằng hai chân sau với tốc độ khoảng 5 feet trong một giây. Ở khu rừng này, chúng tôi đã tìm thấy vài giống kỳ đà khác lạ.

Âm thanh chát chúa, khàn khạc của bầy vẹt rừng bất chợt khuấy động cả một khoảng không gian. Chót vót trên ngọn đại thụ ẩn hiện một sắc lông sặc sỡ nổi bật giữa tán cây rừng. Tôi ngóng cổ quan sát cái tổ của đôi uyên ương Vẹt Tứ Sắc (Scarlet Macaw). Tôi gọi tên loài vẹt có 4 sắc màu lông: đỏ, vàng, xanh dương, xanh lá cây là Vẹt Tứ Sắc. Loài vẹt được tôn vinh lộng lẫy nhất trong dòng họ Macaw. Cũng bởi sự quyến rũ của bộ lông cánh tuyệt đẹp, loài vẹt này đã bị săn bắt để bán trong kỹ nghệ làm thú tiêu khiển (pet). Giá khoảng $1,500 một con. 20 năm trước, Vẹt Tứ Sắc đã gần tuyệt chủng ở khu rừng này. Nhưng với sự bảo tồn của chính phủ Costa Rica, vẹt Scarlet Macaw đã phục hồi dân số lên đến 300 con.

 Kỳ đà có tên Jesus Christ Lizard trong khu rừng Parc Nacional Carara.

Và may mắn thay, người dân Costa Rica dần ý thức cao hơn trong việc bảo tồn kho báu động vật hoang dã của đất nước mình. Năm 1986 sau nhiều thập niên với chủ trương phá rừng để chăn nuôi và cải thiện đời sống cho người dân, Tổng  Thống Oscar Arias là người đầu tiên “ký hòa ước” với thiên nhiên. Và gần 30 khu bảo tồn sinh thái liên tục nối đuôi nhau ra đời. Dân chúng Costa Rica vừa có ý thức bảo vệ thiên nhiên, vừa không có nhu cầu săn bắt động vật quý hiếm, không khai thác bừa bãi bất kỳ một loài thảo mộc nào được coi là thần dược.

Thành tựu rõ rệt nhất là sau 30 năm, trung bình mỗi năm lại có thêm 160 loài động và thực vật mới được tìm thấy trong kho tàng thiên nhiên vô giá này. Từ các loài cỏ cây, muông thú quý hiếm nhất đến những giống chim, báo  mà không một nơi nào trên trái đất này có được. Với kiến thức hiện nay, con người vẫn chưa thể khám phá hết những bí mật của kho báu tự nhiên này. Ngành du lịch sinh thái ở Costa Rica lấn lướt ngành xuất cảng chuối và café. Du lịch sinh thái ít có ảnh hưởng đến môi trường nên góp phần vào việc cải thiện cuộc sống của người địa phương. Tôi chợt suy ngẫm về thực trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã ở Việt Nam. Lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối, khó kiểm soát. Và hàng trăm loài vật đang có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng, hệ sinh thái đang bị tổn hại nghiêm trọng.

Hai tay săn ảnh lần theo con đường mòn tiến sâu vào rừng. Vùng rừng này vô số những cụm chuối rừng khổng lồ. Những cây chuối vạm vỡ, nặng buồng xanh trái. Chuối đủ loại. Những buồng chuối rừng thôi miên tôi. Tôi tò mò muốn hái thử vài trái trên một buồng chuối vừa chín tới. Thầm nhủ mấy con khỉ vùng này thật may mắn. Tôi đi giữa khu rừng chuối. Chỉ chuối, mà cảm giác thật gần gũi như đang đi giữa quê nhà. Mấy buồng chuối rừng có chi mà cứ xốn xao tâm hồn. Tôi tự hỏi.



Khỉ Mặt Trắng (White-faced Capuchin)

Tôi đang sống chậm… rãi để thưởng thức cuộc sống. Tự tâm thư giãn, tĩnh lặng để mọi thứ đều bình yên. Để biết mình đang sống, quán chiếu sự sống ở hiện tại.

Dẫu những bụi chuối rừng đầy sức quyến rũ, nhưng đây là môi sinh của một loài rắn lớn nhất và độc nhất Trung Mỹ. Loài rắn độc mang tên “Fer-de-lance” trong tiếng Pháp có nghĩa là “mũi thương” hoặc “đầu nhọn”. Loài rắn sống trong những vùng nhiệt đới ẩm thấp, và chọn nơi gần những bụi chuối vì có nhiều chuột. Đặc tính của rắn độc Fer-de-lance là ngủ ngày, săn đêm. Bắt ếch, nhái, chuột, thằn lằn bằng cách nhử mồi bằng đuôi có chuôi màu vàng. Khi phản ứng tấn công, nó lắc đuôi (giống loài Rắn Lục Lạc) trước khi mổ. Một thổ địa vùng rừng này đã chia sẻ với chúng tôi thông tin về loài rắn khét tiếng này. Với kích thước lớn, răng nanh dài và sản xuất nọc có độc tính cao. Nọc độc chứa một thuốc chống đông máu và gây ra xuất huyết. 

Loài rắn Fer-de-lance trở thành một trong những sinh vật nguy hiểm nhất mà bạn có thể gặp ở Costa Rica. Và gây những ca tử vong khi bị rắn độc “xin tí huyết”! 

Một bạn đọc hỏi tôi rằng nếu tiếp xúc với môi trường hoang dã, làm thế nào để phòng tránh không bị rắn cắn?  Rắn thường kiếm mồi về đêm, ban ngày chúng luôn ẩn nấp trong các hang hốc, hoặc treo mình trong bụi cây rậm rạp, ẩm thấp, tối tăm. Khi đến những nơi này, nên đi ủng, hoặc mang gậy dài vừa đi vừa khua để xua đuổi rắn. Với riêng tôi thì luôn tránh những bụi rậm, gốc cây nhiều hang hốc. Và nếu lỡ phải đi qua những vùng bụi rậm luôn phải bước thật mạnh, rắn có thể nghe được chuyển động để lẩn tránh người.

Cận cảnh buồng chuối rừng

Wildlife photographer là một cái nghề nguy hiểm và không dễ được yêu thích, phải không bạn?

Mặt trời lên. Nắng xuyên qua những tàn lá chuối. Những vạt nắng bình yên giữa khu rừng oi ả. Chúng tôi dừng chân ở một đoạn suối cạn. Vài con vạc thơ thẩn kiếm ăn. Lũ chim rừng đã đi trốn nóng. Tôi nốc cạn mấy chai nước lọc. Muối trong mấy miếng jambon còn dư vị ở cuống họng. 

Tôi dừng chân, tò mò dán mắt vào một đàn Kiến Cắt Lá (Leaf-Cutter Ants) đang khiêng vác những mảng lá xanh nhỏ mong manh. Trông xa cứ ngỡ như bầy bướm tí hon đang nhấp nhô trên thân cây. Loài kiến nhiệt đới thông minh này thực hiện một quá trình cắt và phân hủy những cây lá xanh để làm chất dinh dưỡng nuôi mốc – một loại thức ăn của Kiến Cắt Lá. Leaf-Cutter Ants  không phá hoại cây xanh như loài sâu bọ.

Mối quan hệ cộng sinh giữa các loài vật trong rừng nhiệt đới thường phụ thuộc vào nhau. Cộng sinh là mối quan hệ giữa hai loài khác nhau, hưởng lợi về việc giúp đỡ nhau. Ví dụ, một số loài cây tạo nơi trú ẩn và đường cho kiến. Ngược lại, loài kiến bảo vệ những loài cây này khỏi những loài sâu bọ ăn lá.

Những tán lá bất chợt xào xạc. Một đàn Khỉ Mặt Trắng (White-faced Capuchin) đang di chuyển trên những nhánh cây. Loài linh trưởng thoăn thoắt những màn đu bay từ ngọn sang cành tựa diễn viên xiếc trên không. Hai tay săn ảnh ná thở vác máy, hì hục đuổi theo đàn Khỉ Mặt Trắng. Tôi dõi mắt theo một con khỉ mẹ cõng trên lưng một chú khỉ con tí tẹo trông rất ngộ nghĩnh. Loài Khỉ Mặt Trắng thường chải chuốt cho nhau và không tranh giành lãnh thổ, nhưng rất hung dữ với những thành viên của những nhóm khỉ khác bầy. Những tay săn thú “lậu”, thường săn bắt loài khỉ này để ăn thịt, hoặc làm thú nuôi.

Sau hàng giờ tiêu hao năng lượng rượt đuổi bầy đệ tử của Tôn Ngộ Không, hai lãng tử rời khu rừng trưa oi bức. Âm thanh nhộn nhạo của bầy khỉ rừng dần loãng giữa thinh không.

Vào xe, cái nóng đổ lửa rảy từng vạt mồ hôi rin rít da thịt. Vị ngọt mát của nước dừa tươi chợt lởn vởn trong tâm trí. Tôi quay sang nhắc chừng Andy, đừng quên dừng ở sạp trái cây để mua vài trái.

Tác giả trong khu rừng nhiệt đới

ĐMH
Hình ảnh: ĐMH
& Andy Nguyễn
hanhphoto@yahoo.com