Trên đường từ Austin trở về Fort Worth, gần đến xa lộ 79 tôi chợt nhớ một vườn nho đang mở cửa cho khách nếm thử rượu vang, mà ba tuần trước đó tôi có việc đi ngang qua và thấy treo bảng quảng cáo. Vườn nho không lớn, thuộc địa phận thị trấn nhỏ Georgetown của Texas. Buổi sáng tầm 11 giờ đã thấy khá nhiều xe và có cả màn trình diễn solo của một anh ca sĩ nghiệp dư người Mễ phục vụ khách ngồi nhâm nhi ly vang đỏ.

Nói chung tôi ít uống rượu bia, nhưng nếu được dịp, dù bất cứ loại nước uống có cồn nào tôi cũng không bao giờ từ chối. Tất nhiên là thử thôi. Một ly, một chai tùy theo tửu lượng. Mấy đứa bạn bảo “uống rượu không say nào hay”, đã uống phải say, còn uống tỉnh queo, ôi dào phí của trời. Cũng nhờ tửu lượng “cao thủ” của tôi, mấy thằng bạn thường rủ tôi đi nhậu, để say có người chở về. Uống rượu tỉnh queo trong trường hợp của tôi như vậy không biết là tốt hay xấu. Tôi tự nhận thấy cả hai. Đưa bạn an toàn về đến nhà là tốt. Xấu là không chia sẻ sự chếnh choáng với bạn bè lè nhè, bao nhiêu tâm sự thầm kín trong lòng phun ra trên bàn rượu. Tuy ham thử rượu, nhưng tôi chẳng nhận ra cái tinh túy của chất men quyến rũ nam nhi đại trượng phu. Tôi thấy rượu này rượu kia na ná nhau, bởi đối với tôi rượu bia cũng chỉ là một thứ giải khát, uống chơi cho biết, nhiều ít tùy theo nồng độ.
Một ly vang thì không đến nỗi làm nồng độ cồn trong người tôi vượt quá 0,8%. Thế nhưng người phục vụ chỉ rót cho tôi một ngụm và nói “Bạn có thể nếm ba loại”. Tôi yên tâm, có uống hết ba ngụm cũng chưa tới nửa ly, nên chẳng lo chuyện lái xe trên đường thiên lý. Loại nào tôi cũng bảo ngon, tuyệt, nhất. Chính yếu là hiểu thêm đôi nét về lịch sử rượu vang Texas và các loại vang đỏ, vang trắng của người nhân viên đang quảng cáo đối với khách hàng. Vang Texas vẫn còn mới mẻ so với California hay Washington hoặc New York đã có từ lâu đời. Ngành rượu vang và trồng nho Texas mới phát triển sau này vào đầu thập niên 70 trên những khu vườn nhỏ. Hiện Texas có khoảng 120 lò rượu vang, đa số tập trung ở tam giác Dallas-Austin-Houston. Riêng Đại học Texas Tech có khoa học chuyên về nghề trồng nho sản xuất vang. Còn Đại học Sonoma ở gần San Francisco trở thành trường đại học đầu tiên ở Mỹ chính thức có khoa MBA quản trị kinh doanh ngành vang. Riêng nếm vang là cả một nghệ thuật thưởng thức. Ngày nay nhiều trường đại học Mỹ mở các môn nếm vang cho sinh viên được mở rộng tầm mắt. Thậm chí tại Pháp, Nếm Vang là một ngành học chuyên môn, đào tạo ở bậc cử nhân. Như thế mới thấy rượu vang giờ là vua trong các loại rượu, được đào tạo bài bản hẳn hoi. Không những thế, vang còn là một loại thuốc phòng được nhiều loại bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Y khoa Tây Nam Texas, sử dụng rượu vang đỏ thường xuyên với lượng vừa phải sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư ngực ở phụ nữ. Một nghiên cứu cho biết, chất resveratrol có nhiều trong rượu vang đỏ có thể ngăn chặn các tế bào ung thư ngực phát triển bằng cách ức chế tác động tăng trưởng của estrogen. Tuy nhiên, rượu vang trắng lại không có tác dụng này ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu cho biết, rượu vang trắng và đồ uống có cồn khác thúc đẩy việc chuyển đổi nội tiết tố androgen, làm tăng hormone giới tính và estrogen trong cơ thể phụ nữ.
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư ngực. Nhưng rượu vang đỏ có thể ngăn chặn quá trình hình thành estrogen ở phụ nữ. Nó có tác dụng như một số loại thuốc được dùng để ức chế aromatase, ngăn tái phát ung thư vú của người bệnh. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, Los Angeles cho biết, những người uống khoảng 226ml rượu vang đỏ mỗi ngày có thay đổi đáng kể việc tái phát ung thư vú so với người uống cùng một lượng rượu vang trắng. Hợp chất resveratrol còn có khả năng làm hạ mức đường huyết và cải thiện nồng độ insulin khi được tiêm trực tiếp vào não chuột. Điều này có thể giúp các nhà khoa học bào chế một loại thuốc mới chống lại căn bệnh đái tháo đường type 2. Đây là một tin tốt đối với quý bà và cả quý ông. Vì từ nay, ông chồng không phải đi nhậu với đám bạn bè, ở nhà đã có người tri kỷ đầu ấp tay gối cùng “cưa” chai vang đỏ, vừa được hưng phấn, vừa phòng ngừa những bệnh hiểm nghèo.
Đi theo nhóm khách ra phía sau xem vườn nho cùng kho chứa rượu. Ở đây không được xem quy trình chế biến vang và hầm ủ rượu nên hầu hết khách khoái đứng nhìn ngắm màu xanh tươi tốt của vườn nho bắt đầu ra trái. Trong thời gian này, nhà vườn phủ lưới để tránh chim muông, sóc rừng phá hoại mùa màng. Nho đỏ nho xanh nhỏ bằng đầu đũa tô điểm cành lá trông vui mắt nhưng lác đác những chùm nho tươi mọng trái mùa trông mới ngon lành làm sao. Phải đến đầu tháng tám, mới đến mùa thu hoạch nho. Vào thời điểm này, các nghệ nhân sẽ quyết định khi nào hái trái, nhằm đạt lượng acid thấp nhất và lượng đường cao nhất để chế biến theo khẩu vị riêng của mình. Thời điểm các trang trại gặt hái nho cũng được thể hiện rõ trên nhãn của các loại rượu vang. Ví dụ: “Campo Viejo 2010”, có nghĩa là loại rượu vang này được chế biến trong vụ nho 2010.

Rượu vang được làm từ các loại nho nguyên chất và được lên men một cách tự nhiên. Vì nho vốn có hai đặc tính tự nhiên là đường và men nên nước nho được ép ra, trải qua một quy trình ủ sẽ trở thành rượu vang. Ngày xưa khi chưa có máy ép, người ta ép nho bằng chân. Các cô gái làng với đôi chân trần thay phiên nhau giẫm đạp nho chín chứa trong bồn gỗ cho đến khi nào còn trơ lại xác. Nước nho ép được qua vải lọc trước khi vào thùng gỗ lên men. Người ta ủ nước cốt nho này từ 3 đến 6 tháng với một nhiệt độ cố định là có được vang nguyên chất. Với cách làm vang truyền thống, người ta không tận dụng hết được tinh chất của nho và màu sắc làm cho vang đỏ tím. Tuy nhiên các sản phẩm rượu vang mà chúng ta thưởng thức ngày nay thiên nhiên không thể tự làm ra được mà nó chính là nhờ vào bàn tay của con người. Chính con người đã làm cho quy trình sản xuất rượu vang trở nên ngày một hoàn thiện hơn. Nhờ máy ép nghiền nát hạt nho, vỏ và kể cả sử dụng cuống nho khi ủ men cho ra màu vang đẹp hơn và có lợi trong việc tạo ra hợp chất ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Tôi thấy xu hướng hiện nay quý ông thích vang hơn bia, chắc vì được uống rượu mà không bị vợ la rầy uống riết bụng bự. Uống vang vui hơn. Em làm một ly, anh “lỳ một lam” cho cả hai có sức khỏe dài dài khỏi tốn tiền bảo hiểm. Em uống ít, anh uống giùm đỡ đần nhau cho chai rượu vơi dần. Mỗi ngày một chai xem ra tốn tiền bằng tiền đi chợ chứ chả chơi mà không biết hiệu quả có đúng như những nhà nghiên cứu lâm sàng trên chuột.
Nói cho vui vậy thôi chứ nhiều người, nhất là thanh niên vẫn khoái rượu mạnh. Thị trường rượu mạnh trên thế giới giá trị vẫn cao hơn rượu vang mặc dù doanh thu rượu vang hàng năm mang về 180 tỷ đô la Mỹ. Riêng rượu vang Texas sinh sau đẻ muộn, chỉ chiếm chưa đến một phần trăm thị phần trong thị trường nội địa. Một con số nhỏ so với 89% thị phần của vang California. Nhưng dẫu sao tôi thấy đi thăm thú vườn nho và nếm vang ở Texas vẫn thú hơn ở Napa California vì những lò vang Texas còn quy mô sản xuất nhỏ mang tính gia đình. Do vậy cách quảng bá và tiếp thị vang mang tính truyền thống hơn, không cầu kỳ lại miễn phí cho du khách đến nếm. Và dù có mua vang hay không, chủ nhân vẫn nở nụ cười thân thiện.
