Menu Close

Đề phòng mất cắp lý lịch trên mạng

Những trò gian lận mới nhất để ăn cắp thông tin cá nhân hiện nay đơn giản và hiệu quả đến mức đáng sợ. Ai cũng tưởng cắt xé nhỏ các tài liệu là đủ an toàn để lý lịch khỏi bị lộ, nhưng kẻ trộm đã tìm được những cách thức mới để ra tay. Chẳng thế mà trong năm 2010 có tới 9 triệu người ở Mỹ đã làm con mồi cho bọn trộm lý lịch với tiền mất mát trung bình từ túi mỗi nạn nhân là 3 ngàn đô. Sau đây là 3 kiểu trộm đạo mới nhất và cách đề phòng.

– Mánh khóe: Tìm mồi ở các trang mạng xã hội

Cách thức: Kẻ trộm dạo trên mạng Facebook và Twitter, kiếm thông tin cá nhân để tìm ra địa chỉ của bạn. Sau đó, chúngï có thể giả danh bạn gửi đơn xin thay đổi địa chỉ để chuyển tất cả thư từ bạn đến hộp thư của chúng. Chúng còn có thể tìm ra mật khẩu của bạn bằng cách dùng các thông tin tưởng chừng vô thưởng vô phạt bạn đưa lên mạng, như tên thú vật cưng, tên trẻ em, mà nhiều người thường dùng làm mật khẩu. Khi có được thư từ của bạn, biết được mật khẩu bạn dùng, họ dễ dàng rút tiền từ tài khoản trong ngân hàng, hoặc gây nhiều bất lợi khác cho bạn.

Cách bảo vệ: Không chia sẻ quá nhiều thông tin trên mạng. Đừng ghi đúng ngày sinh và quê quán trên trang Facebook của mình. Chỉ với hai yếu tố nhỏ này họ có thể truy ra số an sinh xã hội, theo nghiên cứu của đại học Carnegie Mellon. Một khi có được số an sinh xã hội của bạn, kẻ trộm có thể làm đủ mọi chuyện, từ truy cập thẻ tín dụng của bạn, đến chuyện giả danh bạn để xin vay tiền.

Các mạng xã hội trên mạng

– Mánh khóe: Trộm đạo qua các điểm Wifi

Cách thức: Nếu bạn vào mạng trực tuyến tại sân bay, thư viện, cửa hàng cà phê hoặc bất kỳ nơi công cộng khác mà có WiFi miễn phí, những tên trộm bằng cách sử dụng cùng một kết nối có thể hack vào máy tính xách tay hoặc điện thoại đa năng của bạn. Những gì chúng tìm: mật khẩu, số tài khoản tài chính và thông tin cá nhân khác, hoặc được lưu trữ trên điện thoại của bạn, hoặc bạn gõ vào máy tính xách tay khi truy cập vào các trang web.

Cách bảo vệ: Khi đi ra ngoài, tránh sử dụng kết nối không dây, đặc biệt là những kết nối miễn phí không đòi mật khẩu (có nghĩa là thông tin không được mã hóa), dù chỉ là để kiểm tra email. Nếu bạn phải đăng nhập, đừng chuyển sang tính năng WiFi mà dùng điện thoại di động có hệ thống 3G hoặc 4G là những nơi an toàn hơn, tin tặc khó xâm nhập hơn.

Nếu thích sử dụng máy tính xách tay hãy gia nhập vào một mạng ảo tư nhân (virtual private network – VPN), mạng này mã hóa hoặc “giấu” những gì bạn làm trực tuyến. Chi phí cho HotSpotVPN khá thấp, chỉ có $8.88 một tháng.

– Mánh khóe: Các ứng dụng “đánh hơi” cài vào điện thoại đa năng

Cách thức: Thấy một trò chơi vui nhộn bắt mắt, bạn tải nó về điện thoại mà không biết là có thể đã chỉ đường cho kẻ trộm truy cập được lý lịch của mình, là vì các ứng dụng (apps) có thể được dùng để cài đặt phần mềm gián điệp (spyware) và rút được tài khoản hoặc các thông tin nhạy cảm khác từ điện thoại di động. Tin tặc còn tạo ra các ứng dụng giả mạo, thường là các trò chơi miễn phí, với những cái tên hiền lành như “Cờ Tướng”, để ghi mỗi chữ mỗi số bạn gõ vào máy, từ mật khẩu đến số thẻ tín dụng. Bạn dễ biến thành mục tiêu cho chúng nếu bạn sử dụng điện thoại đa năng (smart phone) để mua sắm trực tuyến hoặc truy cập vào ngân hàng (mobile banking).

Cách bảo vệ: Gần như không thể xác định xem một ứng dụng có hợp pháp hay không. Dấu hiệu cho thấy bạn bị trúng mồi: tuổi thọ pin ngắn hơn bình thường, và điện thoại hoạt động chậm hơn. Chỉ nên truy cập các ứng dụng từ những công ty có uy tín và nổi tiếng (như Google hay Apple) hoặc đã được xét duyệt trong các tạp chí đáng tin cậy.

Dùng iPhone của Apple, bạn được bảo vệ hơn một chút vì Apple kiểm soát kỹ lưỡng các ứng dụng trước khi đưa vào iTunes. Còn nếu sử dụng điện thoại Android hãy cẩn thận: Không ai kiểm tra các ứng dụng trên thị trường của nó.

Nên thận trọng với các quảng cáo. Đừng bấm vào các cửa sổ pop-up, chúng cố gắng lôi kéo bạn tới các ứng dụng miễn phí và có thể là ổ gian lận.

HV