Tháng Tư, tháng buồn nhất trong năm. Tháng gợi lại bao nhiêu kỷ niệm đau thương không chỉ cho riêng tôi, mà còn là nỗi đau chung cho đất nước. Có lẽ, do đọc nhiều bài viết về tháng Tư đen dưới mọi khía cạnh khác nhau, trí não tôi đã bị ám ảnh một hình ảnh chia ly, tan tác thảm thê. Nó làm cho tôi nằm mơ cả mấy đêm liền, thấy toàn là cảnh người chạy loạn. Trong mơ, tôi là một trong số những người chạy loạn bị lạc mất cha mẹ, anh em Nhưng, giấc mơ hãi hùng nào rồi cũng trôi qua và tháng Tư rồi cũng hết để cho Tháng Năm tiếp đến dần dà xoa dịu nỗi buồn trong tháng cũ.
Tháng Năm là tháng đang vào giữa mùa Xuân. Mặt trời thường dậy sớm, hân hoan mở to mắt làm sáng rực một trời đông vàng chói, rọi những tia nắng ấm đầu ngày lên bao hàng cây xanh, bao đồi cỏ mượt mà, bao vườn hoa tươi thắm trên mỗi con đường. Sáng sáng đi làm, tôi không còn lo chuẩn bị nào quần áo ấm bên trong, áo lạnh bên ngoài, nào vớ, nào mũ, nào khăn quàng cổ, nào găng tay Thời tiết Xuân đã ấm, quần áo giản dị hơn, thay đổi gọn lẹ hơn. Tôi chợt thấy yêu mọi thứ giản dị quen thuộc chung quanh mình; từ tiếng những con ngỗng trời gọi nhau mỗi sáng, đến hình ảnh những đứa bé đeo cặp đứng chờ xe bus ở góc đường. Tôi không biết trên đời này có ai yêu thích thời gian không nhỉ? Riêng tôi, một năm có mười hai tháng thì tháng Năm là tháng tôi yêu thích nhất, vì trong tháng này có ngày của mẹ và ngày sinh nhật của tôi. Bên cạnh đó, tháng Năm còn là tháng mà tất cả những người giáo viên mẫu giáo như tôi đều có thể thở ra nhẹ nhõm, sau khi đã hoàn tất bao nhiêu công việc trong một năm học, để háo hức bước vào mùa nghỉ hè thư giãn. Tuy nhiên sự yêu thích này vẫn không đem lại cho tôi một niềm vui trọn vẹn. Có vui, có buồn lẫn lộn.
Tôi vui trong sự bận rộn với những hoạt động hàng ngày bên trẻ. Ngoài sân chơi vào ngày có nắng gắt, vui nhất là chơi nước. Trò chơi này gây hứng thú cho trẻ rất nhiều, chúng náo nức thay đồ tắm, hào hứng nhìn về phía cái vòi quay tròn đang được gắn lên, chỉ đợi nước vừa phun ra là nhảy ào vô đùa nghịch với nước. Những bé trai thường mạnh dạn hơn bé gái chạy băng dưới ngọn nước vọt cao. Có đứa còn nằm lăn lộn trên cỏ ngửa mặt, há miệng đón những tia nước chảy vào miệng, tràn lên mặt một cách thích thú. Tiếng la hét, nô giỡn, tát nước vào nhau thật là vui nhộn khi cô trò cùng ướt như chuột lột… Những ngày có gió mạnh một chút thì cho trẻ chơi thả diều. Nhìn những con diều đầy màu sắc bay lên trong gió, tôi nhớ đến những con diều giấy ở quê nhà mỗi buổi chiều hè. Những cánh diều đơn sơ làm bằng giấy báo thôi, mà sao nó bay cao đến thế! Ở đây, diều chúng tôi thả lên không bay cao được bao nhiêu đã rớt xuống, dù gió thổi ào ạt. Mỗi khi cánh diều nào bay được lên cao là đám trẻ lại chạy theo sau reo hò, và chúng như thi đua nhau cố bắt cho được cái đuôi diều phất phơ. Rồi lúc con diều rớt xuống, trẻ mất trớn ngã nhoài lên nhau, la chí choé
Ở trong lớp, tôi vui với những bài thủ công cho trẻ về đề tài mùa Xuân. Có tuần lễ thì vẽ bươm bướm, tập viết chữ B. Cắt hoa thì tô chữ F, vẽ con kiến thì chắp hình chữ A. Có tuần thì làm con ong bằng giấy màu vàng, màu đen, sơn cây xanh kèm với chữ T và cắt cỏ dại kèm với chữ G. Tuần lễ vui hơn hết là làm hoa tặng mẹ, có năm tôi mua một gói hạt giống hoa cúc trắng và những chậu hoa nho nhỏ cho mỗi đứa bé, còn mua cả một bịch đất, cô trò khệ nệ khiêng đồ ra ngoài cửa lớp, rồi từng nhóm bắt tay trồng hoa vào chậu. Kế hoạch này, tôi phải làm trước cả tháng để kịp đến ngày “Mother’s day”, cây vừa nhú lá hoặc đã ra nụ cho trẻ mang về tặng mẹ
Tháng Năm giống như đôi mắt mùa xuân mở to ở khắp nơi, khắp chốn. Tôi thấy cả một trời Xuân trong ngôi trường nhỏ bé của tôi, trên bờ tường, bên ngoài các lớp học. Ở đâu cũng dán đầy những cánh hoa đủ màu sắc, đủ kiểu, những con bướm cắt vụng về từ tay trẻ, những chú lady bug bằng đá sơn đỏ bò dọc theo chân tường. Những cây xanh cao to vươn cánh tay dài cho mấy nàng chim đậu lên cùng nghiêng đầu làm dáng. Ngay trên các cửa sổ của mỗi lớp, những giỏ hoa treo lủng lẳng, có một hàng chậu kiểng bé xinh xếp hàng ngay ngắn trên bệ. Trước cửa văn phòng, mùa xuân được chào đón bằng một tấm hình cảnh vườn hoa rực rỡ với hàng chữ: Spring has Sprung
Trong không khí mùa Xuân ấm áp giữa môi trường làm việc, tôi vui lây với những câu hỏi của các bà bạn đồng nghiệp hỏi nhau về dự tính cho ngày của mẹ:
– Chị sẽ mua cái gì tặng mẹ chị vậy?
Hay là:
– Chị định làm gì cho ngày của mẹ không?
Hoặc:
– Chị có dự định dẫn mẹ chị đi ăn nhà hàng chứ?
Nhưng nếu có một người nào vô tình hỏi tôi một trong những câu hỏi ở trên thì tôi thấy rất buồn, bởi tôi chẳng còn có mẹ để mà dự tính điều gì. Nhất là khi nghe mọi người chúc nhau “Happy Mother’s Day” vào cuối ngày của tuần lễ có ngày của mẹ.
Tôi buồn, một nỗi buồn của người chưa bao giờ được làm mẹ. Nỗi buồn cô quạnh trong cuộc sống hôn nhân, mà tôi luôn cảm thấy thiếu sự bền chặt vì không có bóng dáng trẻ thơ làm gạch nối Nỗi buồn cứ lẳng lặng theo tôi vào mỗi tháng năm, và khi trở lại làm việc sau ngày của mẹ. Những câu hỏi như: “Ngày lễ mẹ của chị có vui không?”, “Con chị đã tặng chị cái gì?” lại dấy lên trong tôi một niềm xót xa u uẩn.
Ngày của mẹ, tôi hay đi dạo ở các chợ xem người ta nô nức đi mua hoa, mua bánh, mua quà cho mẹ. Theo niềm vui của mọi người, tôi cũng mua một bó hoa nhỏ đem về nhà để lên bàn thờ mẹ tôi. Nhìn ảnh mẹ, lòng tôi buồn se sắt
Tháng Năm có một ngày là sinh nhật của tôi, “một ngày như mọi ngày” chẳng có gì đặc biệt. Trong ngày đó, tôi thường ngồi nghĩ về cuộc đời mình rằng: Ngày này, mấy chục năm trước. Tôi vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng của cha mẹ tôi. Tôi đã được tận hưởng bao nhiêu sự chăm sóc yêu thương của mẹ từng ngày, từng tháng, từng năm. Ánh mắt mẹ dõi theo tôi qua những giai đoạn từ lúc tôi bắt đầu biết lẫy, rồi biết bò, cho đến lúc biết đi chập chững, biết bập bẹ gọi tiếng mẹ đầu tiên. Rồi phong ba bão táp ập xuống cuộc đời mẹ trong cảnh khổ vô cùng. Mẹ vẫn cố lèo lái con thuyền gia đình một mình trước giông bão, không nản chí buông tay chèo, quyết đưa con đến tận nơi an toàn. Nơi an toàn ấy là sự thành người của chúng tôi, mà mẹ tôi đã kiệt sức trước khi đưa tay chèo sang cho cha để chèo tiếp con thuyền đến nơi mẹ mơ ước cho các con. Tôi có một nghề ổn định như ngày nay cũng là nhờ tấm lòng hy sinh vô bờ bến của mẹ, cùng sự động viên khuyến khích kiên trì cho các con về việc học hành. Tấm gương nhẫn nại của mẹ đã soi sáng cho tôi trên suốt con đường đời ở cả hai nơi là quê nhà và quê người.
Tháng Năm còn ấp ủ nhiều kỷ niệm học đường trong tôi. Tôi vẫn còn nhớ hồi ở VN. Tháng Năm cũng là tháng bận rộn không kém cho việc chuẩn bị lễ bế giảng năm học. Tôi phải tập văn nghệ cho học trò, gói phần thưởng, phê “sổ liên lạc” Bận rộn làm tôi mệt mỏi và đôi lúc cáu gắt, nhưng khi tôi nhìn những ánh mắt trẻ thơ, tôi cảm thấy lòng mình dịu lại, bao mệt nhọc dường như tan biến.
Bây giờ tôi chỉ còn gặp lại những ánh mắt trẻ thơ Việt Nam trong ký ức. Cũng là bây giờ, tôi đang có những ánh mắt trẻ thơ khác, vẫn nhìn theo tôi mỗi ngày để bắt chước từng cử chỉ của tôi, để giành nhau làm công việc “cô giáo” trong lớp. Tôi nhẩm tính thời gian, nếu tính cả thời gian làm việc từ trong nước cho đến tháng 5 năm nay thì tôi đã tròn 30 năm làm việc bên trẻ thơ. Có lúc, tôi cảm thấy chán nản và mệt mỏi với công việc, muốn đổi nghề, vì mỗi năm trẻ em ở đây như càng khôn hơn, khó bảo hơn, nghịch ngợm hơn. Song, những đôi mắt đủ màu nâu, đen, xanh lơ, xanh biển kia đã cho tôi thêm sự kiên nhẫn để ở lại bên các em. Những đôi mắt mang màu sắc tươi vui, hồn nhiên của mùa Xuân, gieo một sự hy vọng vào tâm hồn con người, hứa hẹn một sức sống tươi đẹp sẽ hé mở trong tương lai
Tháng 5, tình yêu của tôi một phần cũng nằm trong những đôi mắt mùa Xuân ấy.
BẢO HUÂN
Thiên Lý
tháng 5/2012