Tóm lại, món kho là món chánh trong mọi bữa cơm gia đình nơi làng quê, nó vừa hợp với khẩu vị thích ăn mặn của dân quê đã đành mà nó còn tiêu biểu cho cái đức tính tiết kiệm của dân quê nữa. Cùng một loài cá tôm nhưng nếu bạn kho, bạn sẽ để dành ăn lâu hơn các món khác rất nhiều. Đức tính tiết kiệm ấy không có gì xấu, mà còn giúp cho mỗi gia đình biết lượng sức mình mà không phung phí các thức ăn dù cá tôm ngày xưa trù phú.
Sau món kho, dường như nhà nào cũng thích món xào. Hủ qua (khổ qua) xào, đậu đũa xào, rau muống xào, giá xào, cà tím xào mỡ hành, nấm mối xào mỡ, cóc nhái xào măng, cá xào giấm, bông điên điển xào với tép rong, tép chấu… Món xào, dường như là món phụ, có bữa có bữa không nhưng món xào đưọc nhiều người thích vì nó làm cho vị mặn của cá kho bớt đi phần nào.
Còn món canh làm cho bữa cơm gia đình mát bụng. Có cá kho thường thường thích đi kèm với món canh, nên bạn thường thấy người ta vô tiệm ăn hay gọi món canh chua và cá kho tộ. Hai món này giống như cặp bài trùng, có món này phải có món kia thì bữa cơm mới đậm đà, mới ngon thêm. Ở nhà quê cũng mê hai món này. Lúc nào có canh chua thì các chị nội trợ cũng nhớ kho một nồi cá kho cho mặn. Dường như chỉ có cá kho mặn ăn chung với canh chua mới tương hợp. Xin cũng nói thêm là món canh chua hạp với món cá kho là vậy nhưng rất bất bình với món mắm kho. Dù người dân quê thường thích nấu canh rau giền, rau diệu nêm chút mắm kho, nhưng canh chua kỵ rơ với món mắm kho này dữ lắm, nên không ai vừa ăn canh chua lại vừa ăn với mắm kho bao giờ. Một phần nó không hạp vì mùi vị khắc nhau đã đành, mà nó còn khắc nhau ở chỗ hai món này mà ăn chung với nhau chẳng khác nào trống đánh xuôi kèn thổi ngược vậy.
Món canh còn rất nhiều loại canh khác nữa như canh bí, canh bầu nhưng có lẽ món canh khoai ngọt, khoai môn, khoai từ, khoai mỡ với nhựa khoai trơn trơn giúp người già dễ ăn hơn các loại canh khác vì người già ăn cơm dễ bị mắc nghẹn nên có canh thì việc mắc nghẹn này bớt đi rất nhiều.
Còn món chiên như có nhắc bên trên, nơi nhà quê cũng thích chiên dù lắm lúc trong nhà hết mỡ vì kẹt chưa đi chợ mua mỡ được, nên nhiều lúc phải xách chén lại nhà hàng xóm mượn đỡ vài muỗng mỡ. Việc mượn mỡ, mượn muối, mượn gạo những lúc thắt ngặt này là việc rất bình thường trong đời sống nơi các làng quê, nó thể hiện tình chòm xóm láng giềng giúp đỡ nhau qua lại khi thiếu hụt và đặc biệt là có mượn và có trả đàng hoàng. Nói thì nói vậy, nhưng đa phần là người ta cho luôn vì vài ba muỗng mỡ, muỗng đường chẳng là bao và cử chỉ ấy làm đậm thêm tình tương thân tương ái trong chòm xóm láng giềng. Điều này chắc ở chợ ít có vì chợ thì ngay trước nhà, có gì thiếu họ ra chợ mua, không hỏi mượn ai nên có lẽ thế mà dù ở sát vách nhau nhưng ít khi qua lại mượn chác gì nhau, lâu dần tạo cho người dân thành thị cái tánh sống biệt lập, không cần đến láng giềng như nơi nhà quê.
Ngoài những món ăn thường gặp trong các bữa cơm hằng ngày trong các gia đình nông dân như vừa kể, các bà nội trợ vẫn khéo tay nấu nướng những món ăn sang vào những dịp giỗ chạp, cưới hỏi không thua gì dân chợ. Trong các dịp tiệc tùng hay cúng giỗ ấy, thường thường những món ở nhà quê hay nấu là cà-ri, ra-gu, rô-ti, gà nấu đậu, giò heo hầm măng tre, cá chiên, mì xào giòn và các món thịt nguội, nem, chả…và chắc chắn hai món sau cùng phải có là thịt kho rệu nước dừa tươi với trứng vịt hoặc cá lóc cùng với món cù-lao dùng làm canh ăn với cơm trước khi chấm dứt bữa tiệc.
Thịt kho nước dừa tươi với trứng
Đó là các món ăn vừa lược kể mà dân quê nhà nhà đều đã nấu nướng qua từ rất xa xưa rồi, nhưng nơi ăn và cách ăn cũng góp phần không nhỏ vào phong cách của nhà quê biết bao. Trước nhất, ăn nơi nào ngon. Thường thường muốn ăn ngon không gì bằng nấu xong dọn ra ăn liền vì các thức ăn còn nóng đã đành, nhưng trong cảnh làm ruộng cực nhọc không gì bằng ăn cơm ngoài đồng nơi các bờ đìa, dưới tàn cây có bóng mát hoặc trong trại ruộng sau khi cày bừa tới giác thả bò trâu nghỉ trưa sau những giờ làm lụng mệt nhọc. Giữa lúc vừa mệt vừa đói bụng mà ngoài đồng trống với cảnh gió đồng rong ngọn thì cơm gì ăn cũng ngon, món gì ăn cũng hấp dẫn.
Còn cách ngồi ăn cũng quan trọng không kém trong đời sống nơi nhà quê mỗi ngày. Dù món ngon món dở gì đi nữa, dù ăn bất cứ trong nhà hay ngoài ruộng, cái tối cần là việc giữ được cái lễ nghĩa, cái từ tốn, cái tôn ti trật tự gia đình trong các bữa ăn. Người nhỏ tuổi bao giờ cũng chờ người lớn tuổi ngồi vào mâm cơm trước rồi mình mới dám ngồi. Như một điều mà ai cũng biết rồi, người lớn ngồi trên, người trẻ ngồi dưới nếu ngồi trên chiếu hoặc nơi bàn dài; còn với bàn tròn, người trẻ ngồi gần chỗ có nồi cơm để khi cần có thể đỡ chén của người lớn mỗi khi bới cơm thêm. Vì thế mà tục ngữ có câu: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là vậy. Do vậy, mà nhìn cách ngồi ăn trong một bữa cơm gia đình chẳng những người ta có thể biết được phần nào cái nề nếp của mỗi gia đình mà còn biết được cái tình trong gia đình nữa.
Còn cách ăn cũng quan trọng không kém. Thuở nhỏ đứa bé nào ở nhà quê cũng đều được dạy cách lựa thức ăn, cách gắp thức ăn và cách ăn. Món ăn dù ngon mà ở phía xa trong mâm cơm, quá tầm tay vói của mình, người có được dạy dỗ đàng hoàng họ sẽ không bao giờ vói quá tầm đôi đũa để gắp món ăn ấy. Cũng tương tự, dù món ăn có ngon, hạp khẩu vị của mình tới đâu đi nữa, không ai cứ gắp hoài một món ăn ngon ấy. Sự biết mình phải làm gì khi ngồi vào bữa cơm là một điều không phải tự nhiên mà có; tất thảy đều có sự giáo dục từ ngày này qua ngày khác kể từ lúc còn nhỏ dại và chính vì vậy mà qua cách ăn uống của một người nào đó người ta có thể đoán biết phần nào về sự giáo dục gia đình ấy và cũng đoán biết được phần nào về phẩm cách của một người qua cách ăn uống của họ.
Tóm lại, các món ăn nơi làng quê vừa giản dị vừa thanh đạm ấy nó hạp với nếp sinh hoạt của các cư dân vùng nông thôn với công việc chánh là làm ruộng. Nghề làm ruộng lúc nào cũng gần gũi với thiên nhiên nên người làm ruộng nào cũng hiểu được cái lẽ thuận với thiên nhiên thì vui mà nghịch với trời đất thì mùa màng không tốt tươi được. Do vậy, việc ăn uống ở nhà quê chủ yếu là ăn để mà sống và có sức lực hầu làm lụng cho kịp thời vụ, mùa màng, chứ ít ai nghĩ mình sống trên đời này chỉ để mà ăn cho ngon miệng bao giờ. Nhưng còn một điều khá quan trọng nữa trong việc ăn uống nơi thôn quê là phong cách ăn uống và chính phong cách ăn uống này nó phản ảnh phần nào phẩm cách của mỗi con người. Điều đó, kể cũng là điều đáng để mọi người nên suy gẫm lại vậy!
LTT
Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 25-04-2012