“Ngày xưa thì gọi là Đờ-răng, còn bây giờ thì còn cái răng nào đâu mà đờ. Gạo không có mà ăn thì răng cũng rụng ráo hết rồi!” Ông khách ngồi bàn bên trong quán bánh ướt nói, khi thấy tôi nhìn tấm bảng tên của thị trấn được dựng bên kia đường.
Ba hôm trước, họa sĩ Trịnh Cung gọi phôn cho tôi, “Ê, cậu rảnh không? Có muốn chạy ra khỏi Sài Gòn dăm ngày không? Nếu ok thì đi lên Fi-nôm chơi với tôi. Có chỗ ăn ngủ free, có chiếc xe máy cho cậu chạy lòng vòng, chỉ mua vé xe rồi vác xác lên thôi.” Đang chán vì không có việc gì làm cho đời vui, và quá ngán cái nóng như điên của những buổi trưa Sài Gòn trong căn phòng chật, cái nóng dữ dội mà cái quạt máy không kịp làm khô đi từng loạt mồ hôi tươm ra như tắm, tôi đồng ý. “Ok, anh. Em lên anh bây giờ nhé.” Vậy là đi. Anh Cung vừa cất xong ngôi nhà năm ngoái. Ở tuổi trên 70 của ông, làm được điều đó quả là đáng nể. Người quen vẫn gọi ông là chàng thanh niên nhiều tuổi. Thật hài hước, đã thanh niên mà còn nhiều tuổi. Nhưng riêng mình, tôi luôn kinh ngạc và nể cái sức sống hừng hực của ông. Yêu hừng hực mà ghét cũng hừng hực. Kể cả khi chán đời, chán thế thái nhân tình, chán rũ rượi; thì cái chán của ông nó cũng khác người, ông chán hừng hực lửa. Người yêu quý ông thì nhiều, có lẽ cũng nhiều bằng số người không thích, hay ghét ông. Sau này tôi hiểu ra, tuy chưa chắc là tôi đúng, thường người ta yêu cái tài hoa, và ghét cái tính kiêu hãnh của ông. Có lẽ ông xem tôi như thằng em. Có khi tôi làm ông phật ý, ông giận, nhưng rồi lại bỏ qua.
Tên vùng này trên giấy tờ hành chánh là Fimnom, nhưng người ta vẫn gọi nó là Fi-nôm (đọc là phi-nôm). Tôi vẫn thích gọi như vậy hơn là phim-nôm. Điều thú vị nhất là tôi được hít thở những hơi dài không khí mát lạnh, kế đến là tầm mắt không bị chặn lại bởi các tòa nhà cao tầng như ở Sài Gòn, và màu trời thì xanh quá đỗi.
Lễ chiều chủ nhật
Chiều nay hai anh em đèo nhau bằng chiếc Yamaha nhỏ xíu của anh, trông nhỏ vậy mà nó lại rất mạnh, đèo hai cái thân mỗi cái nặng xấp xỉ 65 ký, mà chạy vù vù, tay ga rất ngọt. Từ Fi-nôm chạy về phía Đơn Dương.
Lễ chiều. Thánh đường vừa mới xây hay được sơn lại màu vôi mới. Chúng tôi dừng xe nghe tiếng tín đồ đọc kinh “Lạy Cha” vọng ra, “ xin cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con ” Anh Cung nói nhỏ, “Tớ tha nợ cho cậu!” làm tôi cố nhớ xem mình có nợ gì ông không. Không nhớ, nhưng chắc là có, chừng một vài triệu, không tha thì chắc tôi cũng xù.
Miếu ven đường
Đường nhỏ và vắng, nhiều đoạn đang sửa, đá lởm chởm và mù bụi khi có xe lớn chạy qua. Không biết đây là miếu thờ thần thánh hay người bị nạn chết ở đây. Miếu bên đường bao giờ trông cũng buồn, có khi còn cho cảm giác sợ, vì sự hoang lạnh của chúng. Tôi tự hỏi, “Như thế nào mà người ta gọi là ‘miễu’ và thế nào là ‘miếu’? hay cả hai là một, chỉ khác cách phát âm? Bạn có biết không?”
Quán đỉnh đèo
Chúng tôi dừng lại nghỉ ở đỉnh đèo. Nhìn xuống là vực sâu, sương mây bay là đà ngang tầm mắt. Con đường vòng vo uốn lượn xuống Phan Rang lẫn lút giữa những bụi hoa dại và dã quỳ vàng tươi thắm.
Đường đèo Ngoạn Mục
Nhà vệ sinh dã chiến rất thơ mộng, có thể ngắm trời mây mênh mang, và không chừng có thể làm thơ.
Bánh ướt, bữa ăn chiều
Chiều tắt dần, về thôi. Trên đường về, chúng tôi ghé lại một quán bán bánh ướt. Gia đình này đã sống ở đây 50 năm, từ những ngày đầu thành lập D’ran. Họ là người gốc Bắc di cư vào Nam năm 54. Trong chiến tranh, cũng như nhiều gia đình khác ở miền Nam, gia đình họ có người đi lính miền Nam, có người lên núi. Sau 75, người đi học tập, người về làm cán bộ xã. Tôi nhìn vào bên trong, trên tường treo nhiều bằng liệt sĩ, ba cái bàn thờ lập cho cả người đã chết ở cả hai bên, đề huề.
Trên suốt đường về, gió núi lạnh, trời lắc rắc chút mưa nhẹ. Sương xuống. Tôi có cảm giác mình đang chạy xe như đang lún chầm chậm vào một cõi mơ hồ, hun hút.
D’ran ở sau lưng, Fi-nôm cũng sẽ sau lưng. Mai về Sài Gòn.