Menu Close

Mong manh

Tôi nắm tay Vinh đi nhanh dưới mưa, thằng bé run rẩy vì lạnh. Vừa đi, tôi vừa nói: “Con biết bây giờ trời đang lạnh, sao không mặc áo ấm?” Không nhìn Vinh, không nghe tiếng Vinh trả lời, tôi biết Vinh vừa nhún vai thay cho câu trả lời, và đôi mắt tròn, dưới rèm mi dày đẹp như mắt con gái chợt tối đi. Vinh hay có thái độ như thế khi bất chợt bị hỏi những chuyện hầu như chẳng bao giờ nó quan tâm đến. Vinh rất ít nói. Những lần tôi đến thăm, đôi mắt ấy ánh lên niềm vui, cái vui trong vắt và yểu mệnh, chạy một mạch từ  tim đến đôi mắt là tắt ngúm, không thể đi xa hơn đến đôi môi để mở lời chào, hoặc lướt kịp đến đôi bàn tay để ôm lấy tôi như những đứa con khác của Luyến. 

Luyến học chung với tôi năm thứ hai tại đại học Khoa Học Sài Gòn. Thực sự chúng tôi không phải là bạn thân, hai đứa chỉ nói chuyện qua lại sơ sài, vì ngồi cạnh nhau trong nhóm thực tập môn Thực vật. Khi tôi chuyển sang học Y, thì Luyến sang Sư phạm, từ đó chúng tôi ít  gặp nhau, dù hai đứa vẫn còn lui tới đại học Khoa Học để học cho xong văn bằng Cử Nhân.

Cuộc đời chúng tôi như hai nhánh sông rẽ hai hướng khác biệt, cho đến một ngày gần cuối tháng 4 năm 76. Trong buổi họp kê khai lại lý lịch của các thành viên trong tổ đan len của quận, tôi vừa viết tên xuống tờ khai, bỗng có tiếng kêu khẽ: “Hương hả? nhớ mình không? Luyến nè!” Tôi nhìn sang người thiếu phụ ngồi bên cạnh, khuôn mặt xương xương, đeo đôi bông tai cẩm thạch nhỏ toòng teng, không nhìn tôi, vừa viết vừa nói: “Mình tưởng gia đình Hương đi hồi 75?” Tôi không nhận ra Luyến. Có lẽ cả tôi cũng đã thay đổi nhiều, vì khi vào phòng họp chúng tôi gặp nhau, kéo ghế, ngồi cạnh nhau, thế mà chào nhau như hai người mới gặp.

Chúng tôi nói với nhau thật nhanh về hoàn cảnh của mình. Tôi vừa sinh cháu đầu lòng. Chồng tôi đi tù tập trung cải tạo. Tôi về ở với mẹ và các em. Còn vợ chồng Luyến là giáo sư, nên được lưu dụng. Khoảng 5 tháng trước, Luyến bị cho nghỉ, vì có giới giáo chức từ Hà Nội vào thay thế. Luyến đi bán chợ trời và sau cùng xin vào tổ đan len để được biên chế nhà nước. Luyến có hai con gái sinh đôi, mới 2 tuổi. 

Tuy cùng tổ đan len nhưng chúng tôi ở khác phường, nên ít gặp nhau. Vả lại chúng tôi cũng không cố ý tìm thăm nhau. Hình như duyên số của chúng tôi chỉ hời hợt như thế. Những buổi họp tổ đan len sau này không gặp Luyến, tôi nghĩ Luyến chuyển nghề khác.

Sáu năm sau, bố tôi và chồng tôi được thả về, gia đình chúng tôi tìm cách vượt biên. Em trai thứ tư của tôi cùng với người anh họ đi chuyến đầu tiên, bị hải tặc, nhưng mọi người đến nơi an toàn. Chuyến thứ hai gồm có vợ chồng tôi, hai con nhỏ và em gái thứ ba của tôi. Chúng tôi lênh đênh trên biển 6 ngày 6 đêm, tàu đụng đá ngầm nhưng may mắn tai nạn xảy ra gần bờ, và tất cả chúng tôi được cứu sống.

Sau khi tạm ổn định đời sống trong trại tỵ nạn, thì một đêm cả trại được thông báo có một chiếc tàu đang theo sóng chạy dạt vào bờ. Chúng tôi chạy ra sát bờ để đón người tỵ nạn. Chiếc tàu  đâm vào bờ cát, mọi người nhảy lên tàu tìm cứu người, 15 người nằm im lìm như những xác chết trong đó có 4 đứa bé, 1 người đàn ông và 10 phụ nữ. Tất cả bị kiệt sức. Lúc vực mọi người lên băng ca cấp cứu, tôi tìm thấy hai con của Luyến, và Luyến nằm úp mặt xuống sàn tàu, chân trái bị dập nát.

Luyến bị cưa chân trái. Sau khi hồi tỉnh, Luyến kể  chồng Luyến vượt biên từ hai năm trước nhưng bặt tin. Luyến vượt biên với hai con, và tàu bị hải tặc. Ở trại tỵ nạn được 2 tháng, gặp phái đoàn cao ủy, Luyến xin đi Canada vì có gia đình bên đó. Ngày chia tay, nhìn Luyến khấp khểnh trên đôi nạng cùng hai đứa bé lủi thủi theo mẹ, tôi đã khóc hết nước mắt. Gia đình chúng tôi sau đó định cư tại Úc, bận rộn với đời sống mới, tôi không liên lạc với Luyến, mặc dù tôi còn giữ địa chỉ gia đình của Luyến.

Thời gian trôi, bất chợt nhìn thấy con số năm 2000, tôi hoang mang ngần ngại không dám nghĩ mình đang bước vào thế kỷ thứ 21. Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thuộc về thế kỷ trước. Những gì vừa xảy ra tháng trước, tuần trước, ngày trước cũng thuộc về thế kỷ trước. Nghe xa thăm thẳm và cũng cảm thấy như mình là người tiền sử, vì hiện diện từ thế kỷ trước.

Năm 2000, tôi có việc sang Canada, nhờ dò hỏi địa chỉ cũ, thật màu nhiệm tôi gặp lại Luyến. Luyến đã lắp chân giả, và có gia đình mới, sinh đôi một lần nữa, lần này 1 gái 1 trai, các cháu được 4 tuổi rất kháu khỉnh.  Hai con gái lớn tốt nghiệp đại học, đã ở riêng. Tôi cũng kể cho Luyến nghe về hai con và đời sống của tôi. Bỗng Luyến nói: “Hương làm mẹ đỡ đầu cho 4 đứa con của mình nghe?” Tôi nhận lời mà không có một thắc mắc nào.

Hôm sau Luyến đưa tôi ra phi trường, chúng tôi nấn ná nói chuyện gần đến giờ boarding, Luyến mới chịu đứng lên và dúi vội vào tay tôi chiếc phong bì màu vàng, bảo về nhà hãy đọc. Chúng tôi ôm nhau tạm biệt thật nhanh, và tôi chạy vội vào cổng chỉ dành cho khách của chuyến bay.

Yên vị chỗ ngồi trên máy bay, tôi điện thoại cho Luyến, giọng Luyến ướt sũng : “Chắc mình gặp Hương lần cuối, vĩnh biệt” Tôi chưa kịp phản ứng thì điện thoại như mất sóng, tắt im ỉm. Tôi bấm lại số của Luyến, chuông reng, rồi chuyển sang phần nhắn vào máy. Tôi thẫn thờ cố tìm hình bóng của Luyến qua khung kính loang loáng ánh nắng, nhưng vô vọng.

Máy bay thình lình rơi vào vùng xoáy, ngỡ như một vật đang rơi tự do. Tôi nghĩ đến câu nói của Luyến: “Chắc mình gặp Hương lần cuối, vĩnh biệt”. Một cảm giác rất lạ lan chiếm tôi, tôi nghĩ nếu có gì không may xảy ra thì bố mẹ, các em, các con, thêm 4 đứa con mới đỡ đầu sẽ thế nào? Tự nhiên có thêm 4 đứa con quấn khăn tang! Vài phút sau máy bay lấy lại cân bằng và lặng lẽ bay. Tôi mới nhớ đến phong thư Luyến đưa. Ba trang giấy dầy đặc chữ, kể cá tính của từng đứa con và căn bệnh hiểm nghèo đang khống chế từ từ sức khoẻ của Luyến. Tôi đã khóc và cảm thấy Luyến âm thầm đi theo cuộc đời tôi. Tôi tin chúng tôi có ràng buộc huyền bí từ một kiếp nào xa xôi.

Chúng tôi điện thoại thăm nhau, có những lúc nói chuyện vui, nghe tiếng Luyến cười vang ở đầu dây bên kia, tôi vui mừng khôn tả, cứ hy vọng Luyến sẽ qua khỏi. Nhưng đôi khi điện thoại nhằm lúc Luyến vừa trải qua phần chữa trị bằng chemo, thì tôi chỉ muốn bay sang Canada để ở bên cạnh Luyến. Tôi nhớ ngày tôi báo cho Luyến biết tôi sẽ sang Hoa Kỳ làm việc, Luyến mừng lắm, vì chồng Luyến cũng có ý định đem hai đứa bé sang Mỹ ở với người chị, nếu Luyến có mệnh hệ gì. Một năm sau Luyến mất.

Tôi sang Canada ngay sau đó, buổi tiễn đưa Luyến thật đơn sơ và thật buồn. Sau tang lễ, tôi ở lại Canada hai tuần với các con của Luyến. Chúng sinh đôi, nhưng bản tính rất khác nhau. Thảo, đứa con gái ở vai chị, khuôn mặt cứng cáp, tính nết mạnh bạo. Vinh, đứa con trai có đôi mắt đẹp, hay e thẹn. Cả hai rất dễ thân thiện, chúng quanh quẩn bên tôi và dường như không nhớ là mẹ đã đi vắng khá lâu. Tôi cũng ngỡ trẻ thơ hồn nhiên vô tư không biết buồn chỉ biết vui, thế nhưng ngày tôi trở lại Úc, hai đứa bé nắm chặt áo tôi khóc đòi theo đi, đã khiến tôi đứt từng đoạn ruột.

Sáu tháng sau, tôi sang Hoa Kỳ làm việc, các con của Luyến cũng được cha đem sang Hoa Kỳ nhờ người bác chăm sóc. Chúng tôi may mắn ở cùng một tiểu bang, nên việc thăm viếng cũng thuận tiện.

Hai đứa bé lớn nhanh, con bé gái có bản tính tự lập, trưởng thành trước tuổi, còn thằng bé út luôn mút tay và lẽo đẽo theo tôi như cái đuôi. Nó ăn và chơi trong yên lặng. Mỗi lần tôi đến, Thảo chạy ào ra ôm chặt cổ tôi, hôn lấy hôn để. Còn Vinh nhìn tôi, đôi mắt nó như đang cười, như tràn đầy niềm vui. Chờ cho Thảo buông tôi ra, Vinh mới lò dò đi tới và cọ đầu vào ngực tôi. Tôi bế nó vào lòng, chợt cảm thấy không thể thiếu nó trong đời. Ngày tôi đi, Thảo khóc nức nở, thì Vinh  đứng dán người vào góc tường lén nhìn tôi, đôi mắt to với rèm mi dầy lóng lánh ướt, họa hoằn lắm tôi mới nghe tiếng nấc.

Luyến mất được hai  năm, chồng Luyến báo tin lập gia đình. Từ đó, tôi cũng bớt đi lại thăm hai đứa bé. Cách nay 5 năm, nhân đám cưới đứa con đầu lòng của Luyến, tôi mới gặp lại chúng. Vinh năm ấy đã 11 tuổi, nhưng nó nhỏ con hơn chị và có lẽ nhỏ nhất so với các bạn cùng lớp.  Sau đám cưới, khi tiễn tôi về, Vinh nắm tay tôi, nhìn tôi khẽ gọi: “Mẹ”. Tôi rùng mình ngồi xuống ôm Vinh vào lòng, nước mắt tôi ướt đẫm vai áo suit của nó, Vinh dụi đầu vào cổ tôi thì thầm: “Cho con ở với mẹ đi”. “Thảo ở với chị Linh rồi”. Phải cố gắng lắm tôi mới nói được câu: “Bác sẽ hỏi ý bố con”.

Thế rồi tôi cũng không hỏi, Vinh cũng không nhắc. Nhưng tôi thăm Vinh thường hơn. Vinh càng lớn, càng ít nói. Tôi lo Vinh đang bước vào lứa tuổi nổi loạn, vì nó thường nhún vai khi không tìm ra câu trả lời. Một vài đốm mụn trứng cá trên làn da mỏng. Mắt của nó chỉ ánh lên niềm vui trong giây lát khi tôi đến thăm, sau đó tối đi và chúc xuống.

Cách đây một tháng, Vinh điện thoại cho tôi: “Con muốn gặp mẹ”. Tôi lo lắng đến thăm nó ngay. Vinh đón tôi trước cổng nhà, đôi mắt đẫm lệ nhìn tôi ấp úng: “Cho con ở với mẹ”, tôi hỏi “Tại sao? có chuyện gì?” Vinh chợt im bặt, một người đàn ông to lớn từ trong nhà đi ra, Vinh nhìn theo mặt tái nhợt. Tôi lo lắng hỏi Vinh: “Ai vậy?”, “Cậu Hải” “Cậu Hải không tốt, mẹ cho con ở với mẹ mẹ ơi!”. Âm thanh thống thiết ấy đã khiến tôi lạnh xương sống. Tôi vội vã bảo Vinh xếp quần áo và đi ra khỏi nơi này. Tôi gửi tạm Vinh ở nhà người bạn, và thu xếp cho nó ở gần tôi.

Sáng nay, tôi hẹn Vinh sẽ đến đón nó về chỗ tôi. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, tôi xuống xe băng qua đường, tội nghiệp thằng bé đã đứng chờ ngoài hàng hiên với ánh mắt tươi vui nhưng đẫm nước.


BẢO HUÂN

PDH – 5/12