Sau hơn ba mươi phút bay từ phi trường Seattle, chiếc Bombardier Q400 hai cánh quạt hạ dần độ cao, chao nghiêng một vòng trên thành phố Vancouver, Canada trước khi hạ cánh. Chung quanh những đỉnh núi phủ tuyết lật ngang, dưới tầm mắt những khối nhà cao tầng nổi bật vươn mình bên vịnh nước màu ngọc bích. Khung cảnh khá giống Hồng Kông, nhưng lặng lẽ hơn và bình yên trong màu xanh của rừng thông phủ kín. Bởi thế, Vancouver được mệnh danh “Thành phố của thiên nhiên” và từng được bình chọn là một trong mười thành phố đáng cư ngụ nhất trên thế giới.

Theo dòng người ra cửa quan thuế. Trước mắt một rừng người đủ mọi chủng tộc, nhiều nhất từ Châu Á đang cầm trên tay tờ khai quan thuế, xí xô xí xào với nhau bằng mọi thứ tiếng. Họ đi du lịch cũng như tôi lần đầu đến Vancouver nên rất cẩn thận xem nội dung những câu hỏi kê khai trong tờ giấy. Nhìn bảng khai tôi thấy có câu hỏi “Bạn đã có ghé thăm một nông trại và sẽ đến một nông trại nào đó ở Canada?”. Nếu bạn khai là có thì chắc chắn một điều bạn sẽ được “chăm sóc” rất kỹ khi đối diện với viên chức quan thuế mặt lạnh như tiền sau câu chào hỏi mào đầu. Tôi không rõ vì sao họ lại quan tâm đến việc một du khách nào đó sẽ ghé thăm nông trại. Có lẽ họ sợ con người mang mầm bệnh tấn công động vật hoặc cây trồng nông nghiệp hay đến đó mang về một giỏ cần sa. Bệnh bò điên hiện vẫn chưa xóa sổ tại một số nông trại Mỹ. Bệnh lở mồm long móng do virus loại Aphthovirus gây ra vẫn còn ở những nông trại Châu Á. Bệnh có thể được lây lan qua tiếp xúc với thiết bị nông nghiệp, xe cộ, quần áo, v.v… Tất nhiên ngoài những câu hỏi kê khai, bạn phải trả lời những câu hỏi bất ngờ mà viên chức quan thuế sẽ đánh dấu vào tờ khai trước khi bạn ung dung rời khỏi phi trường hay bị nán lại kiểm tra hành lý. Tất cả công việc của quan thuế cũng chỉ nhằm bảo đảm an ninh cho thành phố xinh đẹp của họ nên thủ tục phiền hà có thể cảm thông.

Một điều tôi thích ở thành phố bờ Tây này là lưu lượng xe cộ ít hơn hẳn Seattle của Mỹ với nhiều xa lộ ken chật những dòng xe. Để dãn lượng xe ra vào thành phố, Mỹ phải thiết kế nhiều hệ thống xa lộ vòng đai. Vancouver chỉ có xa lộ 99 xuyên thành phố nhưng lại hiếm khi nào kẹt xe ở các cửa ngõ chính. Chính vì điều đó mà thành phố này có hệ số khí thải thấp, không khí trong lành dù cùng với Seattle nằm sát bờ biển Thái Bình Dương. Một điều nữa khiến người ta thích Vancouver hơn những thành phố khác của Canada, là nơi duy nhất không bị đóng băng vào mùa Đông nhờ những dãy núi bao quanh nên hấp dẫn nhiều sắc dân Châu Á nhập cư sinh sống và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến đây nghỉ mát dù mùa Đông hay mùa hè. Lý giải cho Vancouver có hệ số khí thải thấp chính là nhờ thành phố có được một hệ thống công viên cây xanh nhiều nhất thế giới bên cạnh mật độ dân số khiêm tốn khoảng 3 triệu người, tính cả nội và ngoại thành trên một diện tích lớn gấp đôi thành phố Sài Gòn.

Các nhà phát triển đô thị rất chú trọng đến việc trồng cây xanh trong từng khu dân cư. Cứ cách năm sáu trăm mét lại có một công viên. Phải có đến hàng trăm công viên lớn nhỏ làm thành phố vốn xanh càng thêm xanh. Một thành phố thiên nhiên đúng nghĩa, khiến cảnh vật chung quanh có một vẻ đẹp bình yên. Công viên Stanley được xem như lá phổi xanh trong lòng thành phố. Cánh rừng nguyên sinh này có diện tích 400 hécta, nằm trên bán đảo với ba mặt giáp biển. Trong công viên nuôi nhiều gấu nâu Bắc Mỹ thả rong. Ngoài công viên Stanley, Vancouver còn có công viên hoa cảnh khá lớn như Queen Elizabeth, Kitsilano & Vanier hoặc Capilano với những cầu treo mỏng manh vắt ngang con suối trên độ cao 90 mét. Du khách có thể ngắm nhìn rừng xanh thông, con suối dưới chân mình, thỏa mãn sự kỳ thú phiêu lưu trên không.
Buổi chiều cơm nước xong, ngồi ngoài hành lang khách sạn thả hồn theo khói thuốc. Ngọn núi phủ tuyết phía xa kia hình như bao trùm lên những mái nhà thấp tầng chen trong tầm mắt. “Ngọn núi ngồi trên mái nhà” nghe giống tựa đề một truyện ngắn hơn là đề tài viết gì đó về Vancouver với vẻ đẹp bình yên. Sực nhớ trong khung cảnh này, trời trong, mây xanh, gió se se mát mà không có ly cà phê làm bạn thì thật chán mớ đời. Tôi xuống cầu thang, hỏi cô tiếp tân, nhưng đã hết giờ phục vụ. Cô nở nụ cười gượng gạo cho sự thiếu sót những nhu cầu sơ đẳng trong một khách sạn nằm trong danh sách du lịch của thành phố. Cô người gốc Hoa làm việc cho ông chủ Tây, sai đâu đánh đó, cần mẫn hết giờ, tới kỳ lãnh lương, tích cóp cho tiền nhà mỗi tháng. Tôi hỏi cô biểu tượng hiện nay của Vancouver là gì. Cô ta không biết và cũng chẳng cần biết. Bởi biểu tượng cứ luôn thay đổi theo nhịp sống của một thành phố hiện đại.
Có người bảo những cột gỗ điêu khắc trang trí Totem của thổ dân. Người khác nói, tháp xoay tròn trên tòa nhà Harbour Center ở trung tâm thành phố mới đúng. Người nọ lại cho rằng Tòa thị chính mới chính là biểu tượng Vancouver. Tôi ghé một quán cà phê Việt mua ly đen theo sở thích. Lại hỏi điều này với cô chủ quán chẳng khác nào mở đầu vòng loại cuộc thi “Ai là triệu phú” trên đài truyền hình. “Bác mua ly cà phê có hai đồng mà làm khó em. Em… chả nói”. Chất giọng Hải Phòng của cô chủ nghe ngọt và chua đến mức giữ chân tôi ngồi trong quán cả tiếng đồng hồ. Thật ra cô chủ quán ở Vancouver trên 25 năm rồi nhưng cũng… chả biết gì nhiều về thành phố ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, thu nhập hàng ngày lo cho cái quán vốn đã vài lần đổi chủ. Đối với cô không phải xoay sở đầu này đầu nọ, lo cho cuộc sống trên xứ người là đã quá bình yên trong một thành phố có vài chục ngàn người Việt nhập cư đi tìm cuộc sống mới.
Hôm nói chuyện với người bạn làm nghề kiến trúc, anh ta hăm hở báo tin Vancouver sắp có một kiến trúc mới thành phố. Đó là tháp xoắn tên gọi Beach & Howe là ý tưởng thiết kế của tập đoàn kiến trúc BIG (Công ty kiến trúc Bjarke Ingels Group của Đan Mạch). Công trình này sẽ thay thế vị trí thứ tư của tòa nhà Shaw Tower cao 149 mét với 41 tầng tại Vancouver. Beach & Howe có chiều cao 150 mét, 49 tầng, 600 căn hộ và 9 khu dành cho các hoạt động thương mại khác nhau. Hình dáng của tòa nhà còn thể hiện vẻ đẹp của sự sáng tạo kỹ thuật, thông qua các hình xoắn đa dạng làm cho tháp trở nên độc đáo. Để giúp các cư dân sống trong tòa nhà tránh được các vấn đề về giao thông, phần giữa của tháp được nối với cầu Granville bằng một nhánh phía sau có chiều dài 30 mét. Thiết kế này nhằm tối ưu hóa các điều kiện trong tương lai, cả ở cấp độ mặt đất cũng như trong không gian. Bên cạnh đó, tháp được sử dụng kỹ thuật dần chìa (mở rộng diện tích từ dưới lên trên), cho phép mở tối đa diện tích sàn hình chữ nhật và tăng không gian sinh hoạt ở các tầng cao. Nhờ yếu tố này tòa tháp xuất hiện với nhiều dáng vẻ ở mọi góc nhìn.

Tôi nhận thấy kiến trúc đô thị cao tầng ở Vancouver khá đa dạng, độ cao trung bình từ 100 đến 200 mét, tạo nên một khu đô thị chiều thẳng đứng đẹp mắt, không nhấp nhô, choáng ngộp. Tuy nhiên, Vancouver chưa có công trình nào đặc sắc bằng mô hình tòa nhà Beach & Howe sẽ được xây ngay chính trên con đường Howe phía Nam trung tâm thành phố. Dự án đã được thành phố phê chuẩn và chủ đầu tư đã mở bán những căn hộ trước khi xây dựng. Các công trình nhà ở dân dụng cũng thế, không giống ở Mỹ kiến trúc buồn tẻ na ná nhau cùng gam màu chán mắt. Tôi thấy khá nhiều ngôi nhà mái bằng như những chiếc hộp rất xinh, kiểu dáng mạnh mẽ để lại ấn tượng sau cái nhìn đầu tiên.
Trải qua một thời gian dài hình thành kể từ khi thuyền trưởng George Vancouver tìm ra phần đất màu xanh phía Tây vào năm 1792 và tên của ông được đặt tên cho thị trấn sơ khai này, phải gần trăm năm sau nó chính thức được thành lập (1886) kéo theo người Châu Âu sang định cư trong thời kỳ tìm vàng. Và từ đó đến nay, Vancouver – thành phố đẹp xinh bình yên bên bờ Thái Bình Dương đã phát triển không ngừng thu hút di dân khắp nơi trên thế giới đến đây làm ăn sinh sống.
