Menu Close

Lời tự sự của rừng già – Nhân ngày trái đất (Kỳ 1)

Bạn ơi, chúng tôi là thông, là dây cổ rùa, là bông súng, là rau ngổ, là cá, là rùa, là bươm bướm cùng nhiều loài cây cỏ sinh vật khác hiện đang có mặt tại vùng rừng bách thảo này từ nhiều đời nhiều kiếp lâu lắm rồi, nhiều lúc không còn nhớ nổi tổ tiên mình có mặt tại đây từ hồi nào! Chúng tôi là cháu chắt nhiều đời mà có đứa nay có màu da trên trăm tuổi, nhất là những thân cây cổ thụ đang sừng sững giữa trời dường như không còn biết tuổi của mình là mấy trăm năm nữa, thưa bạn!

Đầm lầy trong rừng nguyên sinh Aboretum, thành phố Houston

Bạn có bao giờ nghe ai nói về khu rừng nguyên sinh Aboretum mà tên gọi trọn vẹn của nơi chúng tôi đang ở là “Houston Arboretum & Nature Center” lần nào chưa?

Nếu bạn đang đi trên xa lộ 610 về hướng bắc trước khi đi ngang qua thành phố Houston, còn vài chục cây số nữa, bạn nhìn qua tay mặt của bạn, bạn sẽ thấy những rừng cây bạt ngàn đang đứng im lìm bên dòng xe cộ rì rầm chạy qua vùn vụt suốt ngày đêm. Rừng cây ấy chính là khu rừng nguyên sinh mà chúng tôi đã ngụ cư từ nhiều đời cho mãi tận đến ngày trái đất hôm nay vậy!

Bạn ơi, khu rừng này nằm về hướng tây công viên Memorial và dường như nó rộng nhứt so với nhiều công viên trong thành phố. Vào khoảng những năm 1917-1923, nơi đây là trại binh Logan, nơi để huấn luyện các chiến binh thời kỳ đệ nhất thế chiến. Do vậy, mà khu rừng này nằm liền với công viên Memorial cũng là để tưởng nhớ đến các chiến binh của trận đại thế chiến ấy.

Mặt cắt của một trong những loại danh mộc trên mấy trăm năm nơi rừng này

Việc bảo vệ cái nét nguyên sinh của khu rừng này là do nhà kinh tế kiêm nhà giáo dục Robert A.Vines nghĩ ra, và gia đình ông muốn hiến tặng khu đất rừng 265 mẫu tây này cho thành phố thay vì bán cho cư dân hoặc các nhà địa ốc thì họ sẽ phá cây rừng và xây cất nhà cửa, lúc bấy giờ còn gì là nét xanh tươi trầm mặc của rừng già nữa. Do vậy mà dáng vẻ thiên nhiên nguyên thủy ở đây còn khá đậm dù ngày nay có thêm vài công trình xây cất khác nhằm mời gọi du khách đến thăm, nhưng cái nét đẹp bẩm sinh của rừng vẫn là nét hấp dẫn vô cùng của khu rừng này.

Nếu bạn thích ngắm nhìn những thân cây rừng già cỗi, và để đặt chân lên biết bao lá rụng chồng chất dày lên qua những năm dài, bạn phải đi bộ khoảng chừng hơn 10 cây số đường mòn mới giáp một vòng khu rừng. Qua những bước chân ấy, bạn sẽ bắt gặp biết bao đời sống của cỏ cây hoa lá chim muông đang có một đời sống rất bình yên giữa đất trời làm xanh mát thêm dáng vẻ vốn đã xanh mát của thiên nhiên. Ở đây, không ai dặn ai nhưng tuyệt nhiên con người khi bước chân vào khu rừng này, là người ta rất trân trọng đời sống của mọi sinh vật của rừng. Không ai dám bắt một con bướm đang bay, không ai dám nhổ một cọng cỏ hoang đang sống nơi bờ bụi nào đó và dĩ nhiên rồi, không ai muốn làm bất cứ cử chỉ nào mang tính khiếm nhã đối với cỏ cây trong rừng nguyên sinh này…

Nơi đó không thiếu thứ cây gì, từ các loại cây danh mộc như gõ, trắc, tùng, bách, thông và nhiều loài cây đại mộc khác có hơn cả trăm năm đang sống nơi này.

Rồi nào là dây cổ rùa, cùng những loài dây leo khác lớp lớp sống cùng nhau trong cảnh rừng già. Theo quan niệm xưa của người Trung Hoa về cái đẹp của thiên nhiên là phải thích hợp. Chẳng hạn như: “Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, nước không thể không có rong, cây lớn không thể không có dây leo, và người không thể không ghiền một thứ gì.” (1). Ở đây, bạn sẽ thấy dây cổ rùa leo quanh những thân cây già làm xanh tươi thêm đời sống của các loài đại mộc và quan niệm ấy ngày nay vẫn còn đúng lắm!

Công viên Houston Memorial

(còn tiếp)