Menu Close

Tìm hiểu về móng tay

Có nhiều lý do người thợ làm nail (manicurist) vi phạm luật có thể bị phạt tiền, đình chỉ bằng hành nghề hay phải ra hầu tòa vì những tai nạn nghề nghiệp mà một trong những trường hợp đó là thiếu kiến thức các loại bệnh móng. Sự hiểu biết chẳng những giúp chúng ta tạo được niềm tin cho khách khi hỏi riêng tình trạng móng của họ và được tiếp nhận trả lời chính xác, lý do gây ra và phương cách đề phòng hoặc lúc nào cần gặp bác sĩ chữa trị. Đó cũng là lý do chính đáng mà người thợ có quyền từ chối khách có bàn tay, chân và các móng bệnh. Là người thợ chuyên môn không thể làm theo ý muốn của khách vì luật lệ ngành thẩm mỹ quy định.

Móng tay, tóc đều là phần phụ thuộc của da, là loại đạm sừng (protein keratin). Tuy nhiên, chất sừng trong da là keratin mềm (soft keratin), tóc là keratin hơi cứng và móng tay, móng chân là loại keratin cứng nhất (hard keratin).

Móng bắt đầu mọc từ móng non (matrix), được nuôi dưỡng bằng mạch máu, bạch cầu và thần kinh, giữ nhiệm vụ tăng trưởng tế bào móng, nằm dưới gốc móng, như là phần chân lông (papilla). Móng non rất dễ bị tổn thương và khi bị bệnh sẽ làm móng mọc bất thường, nên cẩn thận đừng đè ép móng. Vành trắng nữa vòng tròn là lunula ở gốc móng cũng là chỗ móng non nối liền nền móng.

Móng có đặc tính thấm nước dễ hơn thấm vào làn da và lượng nước có ở móng cũng liên hệ đến sinh họat và môi trường sinh sống. Móng tay nhìn thấy khô, bề mặt cứng nhưng có chứa lượng nước từ 10% đến 30%, móng bình thường chứa khoảng 18% và lượng nước trong móng giữ nhiệm vụ làm móng có độ dẻo dai, móng thiếu lượng nước cần thiết sẽ dẫn đến móng đục và giòn, vì thế thoa lớp sơn lót, hoặc các chất tái tạo cho móng tốt chính là giúp móng bớt đi sự mất nước ở móng. Nồng độ hydrogen (pH) của móng thuộc acid từ 4.5 đến 5.5. Do móng có tính acid nên mỗi lần chùi nước sơn cũ bạn nên dùng đúng chất chùi nước sơn không acetone (polish remover), nhưng thực tế nhiều salon lại dùng acetone (chất gỡ móng bột) có lẽ vì giá rẽ lại chùi màu nhanh nên dễ làm móng bị khô, mất chất dầu tự nhiên trong cơ thể và là lý do dẫn đến da khô, móng giòn, nứt.

Một số nhà khoa học cũng đồng ý trong móng có calcium nhưng không hẳn giữ nhiệm vụ làm cho móng mạnh và cứng. Các nguyên tố vô cơ (inorganic elements) được tìm thấy trong móng gồm zinc, magnesium, potassium, iron, copper, sodium và các hợp tố hữu cơ organic compounds (amino acids) như sulfur và nitrogen cũng tìm thấy trong móng để tạo chất sừng đạm (protein keratin).

Móng tay mọc chậm hơn tóc, sự tăng trưởng của móng, thực tế không có một chất nào thoa lên giúp cho móng mọc nhanh hơn, tuy nhiên việc ăn uống đúng cách (good diet) sẽ giúp cho móng mọc tốt, khỏe hơn.

Móng tay mọc nhanh vào mùa hè, và chậm hơn vào mùa đông, và từng ngón cũng có khác như ngón cái (thumbnail) mọc chậm hơn các ngón khác; ngón giữa (middle fingernail) mọc nhanh nhất. Móng trẻ em mọc nhanh hơn móng của người lớn và càng chậm dần khi về già. Móng chân mọc chậm hơn so với móng tay, tuy nhiên móng lại cứng hơn và dày hơn.

Mục đích móng tay giúp cho bàn tay nắm giữ đồ vật chặt hơn, dễ dàng hơn, nhất là các vật nhỏ, và bảo vệ đầu ngón tay. Móng chân giúp bảo vệ đầu ngón chân và đi đứng vững vàng hơn, bám chặt hơn.

Nhìn qua móng có thể nhận biết được tình trạng sức khỏe. Móng bình thường sẽ có bề mặt móng mịn, hơi cong, không dấu vết trên móng, màu hồng nhạt, hơi có chất dầu, không bị lõm, móng không dợn sóng, cứng chắc và sáng bóng.

Móng trung bình mọc 1/8 inch (0.31 cm) mỗi tháng, mọc với hình dáng vuông, bầu dục, nhọn, hay tròn là tùy mỗi cá nhân. Toàn bề mặt móng tay mọc dài cần thời gian từ 4 đến 6 tháng và móng chân cần từ 6 đến 12 tháng. Tuổi từ 10 đến 14 móng mọc mạnh nhất và yếu dần lúc đến tuổi già.

Là chuyên viên thẩm mỹ cần nhìn qua  màu sắc của móng để nhận biết như:

– Màu trắng là thiếu chất đạm, bị gan, và thận.

– Màu vàng là bệnh hệ thống bạch cầu, nhuộm tóc, chất nicotine thuốc lá.

– Màu xanh do nhiễm trùng.

– Màu nâu đỏ do nước sơn làm oxít móng, khô móng.

– Màu nâu do nấm, sưng nhiễm trùng lâu ngày.

– Màu đen do nấm lâu năm và thiếu trầm trọng vitamin 12.

Là chuyên viên móng (manicurist), bạn phải hiểu biết để thông báo cho khách những bệnh móng không thể làm được phải cần giới thiệu khách đi bác sĩ chữa trị, cũng như loại móng nào an toàn thợ làm được.

Thợ không nên làm

Da và móng nếu có sưng dù nhiễm trùng hay không; rách; trầy xước; sưng đỏ (paronychia); đau, có mủ (onychia); lỏng móng (onycholysis); móng thúi do nấm chuyển từ vàng sang đen (mold); bị nấm vàng ký sinh có đốm trắng và đường sọc hơi vàng (onychomycosis); móng rụng do nóng sốt, giang mai (onychoptosis); sưng và có màu đỏ trong móng (pyogenic granuloma); hoặc móng sưng phồng, cong làn da nhô cao hơn (onychogryposis); móng bầm (bruised nail) không nên làm móng giả lên móng bị bầm; móng và ngón rụng do bệnh giang mai (onychoptosis); mặt móng rụng do nhiễm trùng ở móng non (onychomadesis); móng mọc đâm khóe bị nhiễm trùng (infected ingrown nails). Những móng kể trên không thể làm được và khuyên họ cần đi bác sĩ trị liệu.

Thợ có thể làm

Như móng gợn sóng (furrows); móng mỏng trắng vỏ trứng (eggshell nail); móng bị xước (hangnails hoặc agnails); móng dày (onychauxis hay hypertrophy); móng chẻ (onychorrhexis); móng mọc đâm khóe (ingrow nail hay onychocryptosis); móng có đốm trắng (leukonychia); móng có nốt ruồi đen, nâu (nevus); da mọc chồm lên móng (pterygium); móng bị teo nhỏ (onychatrophia hay atrophy); móng mất màu  do tuần hoàn kém (discolored nail); thói quen cắn móng (onychophagy); móng dày phồng (onychophyma); lớp sừng mọc dày ở nền móng (onychophosis); nốt ruồi nâu hoặc đen trong móng (nevus); móng cong đều từ móng non đến đầu móng (tile-shaped nails); da mọc tràn lên mặt móng và dưới đầu móng (eponychial disorders); mặt móng có lằn sợi đen từ nền đến đầu móng (melanonychia); nâu cứng, cong như kèn do không chăm sóc, tổn thương móng non (onychogryphosis); móng biến dạng từ móng non ngón chân, đầu móng có hình vuông (plicatured nail); móng xanh do tuần hoàn kém (blue nails); và loại móng bầm (bruised nail) nếu không sưng. Tất cả các loại móng trên được phục vụ manicure hoặc pedicure.

Bề mặt dưới móng tay gồm có

Nền móng (nail bed) chứa dây thần kinh, nhiều mạch máu dinh dưỡng cho sự phát triển móng.

Móng non (matrix) là phần chính phát triển móng rất nhạy cảm, do đó người thợ móng cẩn thận đừng ép mạnh dễ bị tổn thương làm móng phát triển bất thường và gây bệnh. Móng chứa nhiều dây thần kinh, máu đỏ, bạch cầu kiểm soát mức tăng trưởng của móng. Móng non sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi nhận đủ sự dinh dưỡng cho tế bào móng. Móng sẽ mọc chậm lại nếu sức khỏe kém hoặc tổn thương móng non.

Móng mọc nhanh lúc còn trẻ, lúc phụ nữ mang thai, chơi đàn piano, đánh máy vì có sự kích thích móng và ngược lại móng sẽ mọc chậm hơn vì thiếu dinh dưỡng, dùng thuốc kích thích như cần sa, thiếu máu, rối loạn nội tiết, xuống trọng lượng nhanh, sẽ ảnh hưởng đến móng.

Với một số kiến thức cần có của chuyên viên thẩm mỹ cũng tạm đủ để giải thích cho khách những tình trạng về bệnh móng, đồng thời giúp cho khách nhận biết những loại nào thuộc phạm vi của người thợ để tránh những đáng tiếc khi họ bị từ chối phục vụ.

Tóm lại với một cách tổng quát nếu bàn tay, bàn chân và các móng không bị trầy xước, sưng đỏ, nhiễm trùng, nấm, mốc là phục vụ cho khách hoặc khách trong tình trạng cần chữa trị, bạn cũng khéo léo đừng chẩn đoán lung tung càng làm cho khách lo âu không cần thiết. Tuy nhiên là chuyên viên thẩm mỹ, bạn cần giải thích một cách tế nhị, giúp họ hiểu rõ vì sao bạn không làm được và hẹn sẽ gặp lại họ sau khi mọi tình trạng trở lại bình thường. Được vậy, chẳng những bạn tránh được những vi phạm đáng tiếc trong nghề nghiệp như bị mất bằng, bị phạt, bồi thường mà còn tăng thêm giá trị chuyên viên thẩm mỹ đối với người khách bản xứ.

LV