Menu Close

Cư xử giữa nam và nữ

Bà Peggy Post, tác giả những sách về giao tiếp, ứng xử từng nhấn mạnh rằng phong tục tập quán cũng như mọi thứ khác ở trên đời không còn là những điều bất di bất dịch như lời khắc ghi trên đá nữa. Cư xử giữa nam và nữ cũng vậy.

alt

Chúng ta há chẳng biết phụ nữ ngày nay có người lái máy bay chiến đấu, làm lính cứu hỏa, cảnh sát trừ gian, lái xe đua, lái mô tô Harleys, tham gia các đội bóng và cả việc trị nước. Gút lại, phụ nữ có thể làm tất cả mọi việc đàn ông làm. Vậy hà cớ đấng mày râu phải tiếp tục tỏ ra galant bằng cách giữ cửa cho mấy bà bước vào, nhường chỗ cho mấy bà trên xe buýt và tàu điện, tự nguyện mang vác nặng cho mấy bà, trông con cho mấy bà đi shopping. Lý thuyết thì như thế đấy. Và ai cũng biết việc giữ cửa cho người đi sau vào, nhường ghế ngồi cho kẻ đau yếu, hay đứng lên chào một người mới đến… đó là việc chung của bất cứ người lịch sự nào, không phân biệt là nam hay nữ. Đành là thế nhưng thực tế trong mối giao tiếp giữa người và người và sự an lạc chung thì có điều phải nghĩ lại. Phép lịch sự thông thường đối với người khác chứng tỏ ta quan tâm tới sự tiện nghi và an toàn của người. Và khi bạn thực hiện những “luật tắc mới” này về phép ứng xử tức là bạn đã làm một cử chỉ thân thiện và kính trọng đối với tha nhân nói chung.

Vậy, bình đẳng trong ứng xử không có nghĩa là ta dẹp bỏ hết, không quan tâm tới việc đối xử tế nhị với phụ nữ cũng như giữa những người lịch sự với nhau. Dù thế nào đi nữa, phép lịch sự thông thường như từ bao đời nay cũng làm cho đời sống chung bớt căng thẳng và trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Tất nhiên, cuộc sống không ngừng thay đổi. Có nhiều luật tắc phải giảm bớt đi, nhưng có đôi điều phải giữ lại. Và các cô các bà ơi, nếu có anh chàng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nào đó đứng giữ cửa và cúi đầu mời vào một nhà hàng sang trọng thì nên mỉm một nụ cười “xiêu đình đổ quán” duyên dáng chấp nhận. Như vậy chắc chắn cõi trần bụi bặm này sẽ vui hơn, đẹp hơn chăng.

Xin bàn tiếp ở kỳ sau.   

alt
MH
(theo Sue Fox)