Từ đầu thập niên 1960 đến ngày Miền Nam ngã đạn, dịp 19 tháng 6 mỗi năm đều được tổ chức trọng thể, gọi là Ngày Quân Lực VNCH. Ngày Quân Lực nhắc nhớ một tập thể oai hùng, từng tập hợp dưới cờ hằng triệu thành viên, chung vai sát cánh bảo vệ quốc gia Việt Nam Cộng Hoà, đương cự võ lực xâm lăng của cộng sản Bắc Việt. Chiến cuộc dai dẳng khiến hằng trăm ngàn binh sĩ đền nợ nước. Quân đội cũng ghi tạc vào chiến sử nhiều trận đánh long trời lở đất, như tại cổ thành Quảng Trị, như ở thị xã An Lộc…

Quân đội Miền Nam tự do xuất thân từ “Quân Đội Quốc Gia Việt Nam” thành lập năm 1949 với vài đơn vị tác chiến sơ khai gọi là các tiểu đoàn bộ binh “BVN” (từ chữ “Batallion Vietnamien”). Hợp với Cộng Hòa Vệ Binh, Việt Binh Đoàn, Bảo Chính Đoàn, lực lượng võ trang của các giáo phái… tổng cộng có khoảng 45,000 tay súng.
Sang 1951, Bộ Quốc Phòng Việt Nam được thiết lập với đầy đủ Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Nha Hành Chánh & Quân Lương, Nha Quân Cụ, Nha Quân Y, v.v… Quân số lúc này trên 100,000.
Đến 1952, “Quân Đội Quốc Gia Việt Nam” đã quy củ tương đối. Tổng cộng có 148,000 binh sĩ, được tổ chức thành: 59 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn nhảy dù, 2 tiểu đoàn ngự lâm quân, 8 tiểu đoàn sơn cước, 2 liên đoàn tuần giang, v.v…
Năm 1955, quân đội Miền Nam đổi tên thành ” Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà” dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Quân số đã lên đến 167,000 người. Sau khi chánh phủ quân nhân lên nắm quyền năm 1963, quân đội lần nữa đổi tên thành “Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà”, có thêm Không Quân, Hải Quân, các đơn vị Lực Lượng Đăc Biệt, Chiến Tranh Tâm Lý, Dân Sự Vụ, v.v…
Một trong những thế mạnh của quân đội Miền Nam là công việc huấn luyện quân trường khá công phu, hiện đại, đã cho ra lò nhiều cấp chỉ huy giữ những trọng trách điều hành quốc gia sau này. Các cơ sở huấn luyện có truyền thống từ trước Đệ Nhị Thế Chiến, do những nhóm và xu hướng khác nhau manh nha. Có thể kể trường huấn luyện quân sự Lục Quân Trần Quốc Tuấn, còn gọi là trường sĩ quan Yên Bái (của Đảng Đại Việt); trường Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam); trường “Nội Ứng Nghĩa Đinh” và “Nội Ứng Nghĩa Quân” (một tên tuổi rất nổi tiếng về sau là tướng Trình Minh Thế xuất thân từ đây); trường huấn luyện Cái Vồn (của Hòa Hảo) v.v…
Trên tầm mức quốc gia, Trường Sĩ Quan Hiện Dịch đầu tiên đặt ở Huế năm 1948-49. Khóa 1 “Phan Bội Châu” cho ra lò tướng Nguyễn Văn Thiệu, sau này là nguyên thủ nước VNCH.
Sang năm 1950 xuất hiện: Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Trường Sĩ Quan Thủ Đức và Nam Định. Cùng xuất hiện là các trung tâm nhập ngũ ở 3 miền xứ sở: Quang Trung (ở Nam Việt), Phú Bài (ở Trung Việt) và Quảng Yên (ở Bắc Việt).

Với VNCH về sau, khi đã ổn định, có Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt mô phỏng ít nhiều mô hình West Point của Hoa Kỳ. Đất Nha Trang có 3 cơ sở quan trọng: Trường Huấn luyện Không quân, Trường Sĩ quan Hải quân, và Trường Hạ sĩ quan (hay “Trường Đồng Đế”).
Mang tầm quan trọng đặc biệt , có lẽ chỉ thua Võ Bị Đà Lạt, là Trường Bộ binh Thủ Đức. Tiền thân của cơ sở này là Trường Sĩ Quan Trừ Bị, thiết lập tại Thủ Đức và Nam Định năm 1951. Những nơi này huấn luyện nhiều danh tướng lẫy lừng của trận địa nhiều năm sau này: tướng Ngô Quang Trưởng tư lịnh Quân Đoàn 1, tướng Bùi Thế Lân tư lịnh Thuỷ Quân Lục Chiến, tướng Lê Quang Lưỡng tư lịnh Nhảy Dù, tướng Hồ Trung Hậu tư lịnh Sư Đoàn 21, tướng Lê Văn Hưng người hùng trận tử thủ An Lộc 1972… Tính đến tháng 9-1973, Thủ Đức huấn luyện và cho ra trường 80,115 tân sĩ quan.
Vào cao điểm chiến tranh, quân đội Miền Nam, bao gồm chủ lực quân, địa phương quân và nghĩa quân, lên đến 1.2 triệu binh sĩ. Lực lượng này nằm dưới quyền điều động của Bộ Tổng tham mưu và 4 bộ tư lệnh quân đoàn, chia ra bảo vệ 44 tỉnh trên toàn quốc.
Thời đó, quân lực VNCH có 3 quân chủng Hải, Lục, Không Quân. Trong 3… chàng ngự lâm này, quân chủng Lục Quân lớn nhất, có khoảng nửa triệu quân. Lục Quân chia ra nhiều binh chủng khác nhau: Bộ Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp Binh, v.v… Có hai binh chủng đặc biệt — Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Mỗi binh chủng thành lập 1 sư đoàn tổng trừ bị. Khoảng 45 tiểu đoàn Biệt Động Quân trực thuộc các quân khu; 58 tiểu đoàn Pháo Binh biệt lập; 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp (với khoảng 400 chiến xa M-48 và M-41, và cỡ 1,700 thiết vận xa M-113). Trong Lục Quân, còn có các lực lượng Lôi Hổ và Biệt Hải thuộc Nha Kỹ thuật; khoảng 400 tiểu đoàn địa phương quân; và 50,000 nghĩa quân trấn đóng các tiểu khu và chi khu…

Một đặc điểm của quân đội Miền Nam, ít nhất trước Tết Mậu Thân, là võ trang khá… nhẹ nhàng. Bạn đồng minh Hoa Kỳ một thời gian dài chỉ cung cấp cho VNCH những súng ống đạn dược từ thời… Thế Chiến II, như Garant, Carbine… Trong khi đó, từ rất sớm, các lực lượng cộng sản đã được Nga-Tầu trang bị đầy đủ súng AK-47 hiện đại. Sách lược rải 11 sư đoàn bộ binh trấn giữ 4 vùng chiến thuật, khiến nhiều đơn vị phải kiêm nhiệm… đèo bồng gia đình quân nhân, gây khó khăn trong việc điều động binh sĩ, làm suy giảm sức cơ động của quân đội phần nào.
Trên trận địa, nếu có lúc quân đội lúng túng với chiến thuật du kích chiến của địch quân, thì không ít lần các đại đơn vị của quân lực VNCH chứng tỏ khả năng tác chiến cao khi giao tranh với các sư đoàn Bắc Việt trong chiến tranh quy ước, phối hợp tác chiến nhịp nhàng giữa các binh chủng. Trận Mùa Hè Đỏ Lửa cho thấy binh sĩ Miền Nam giỏi đánh cận chiến, và can đảm trong phòng thủ, dù có khi bị đối phương với quân số cao hơn nhiều lần tràn ngập trận địa.
Còn phải kể chiến thuật sử dụng các toán viễn thám, biệt cách đặc biệt hành quân xâm nhập hậu cứ địch quân. Một trong những đơn vị thiện chiến nhất, được ngưỡng mộ nhất của quân lực VNCH, có lẽ là “Đại Đội Hắc Báo” thuộc sư đoàn 1 Bộ Binh. Năm trung đội tác chiến, 1 đơn vị không vận cơ hữu (với trực thăng chuyên chở và võ trang yểm trợ) của đại đội này chưa hề nếm mùi chiến bại, từng bao phen khiến cộng quân khiếp vía. Chính Đại Đội Hắc Báo đã có những binh sĩ chống cự và phản công dữ dội nhất trong trận Mậu Thân 1968 tại cố đô Huế.

Vì nhu cầu đặc biệt trong thời chiến, đa phần các tỉnh quận Miền Nam đều do sĩ quan quân đội điều hành trong vai trò tỉnh trưởng/quận trưởng. Nhờ vậy, an ninh lãnh thổ được khá vững vàng. Nhiều nơi thương mại phát đạt, đường sá mở mang, đời sống dân chúng cải thiện.
Cách tổ chức thành quân khu, với những sư đoàn diện địa chịu trách nhiệm giữ gìn lãnh thổ, cũng giúp quân đội có nhiều kinh nghiệm điều hành các khu gia binh, đủ sức đáp ứng nhu cầu của quân nhân và gia đình họ, trên các phương diện y tế, giáo dục, thực phẩm, thương mại…
Về khoa học kỹ thuật, trong hơn 20 năm, quân đội Miền Nam là nơi huấn luyện và xuất thân của vô số chuyên viên xuất sắc trong các lãnh vực y dược, viễn thông, cơ khí, điện lực, kiến trúc… Một trong những hệ quả của Chiến Tranh Chánh Trị là đã… đỡ đầu cho hằng ngàn nhạc phẩm, tác phẩm văn chương có giá trị…
Quân đội Miền Nam có 2 thành công khác, cách xa mặt trận, ít được nhắc đến, nhưng không kém phần quan trọng. Lục Quân Công Xưởng (Gò Vấp-Sài Gòn) giúp duy trì sức chiến đấu qua việc sửa chữa, bảo trì những chiến cụ nặng như chiến xa, đại bác, v.v… Còn các chánh sách Chiêu Hồi hiệu quả giúp quy thuận hằng chục ngàn cán binh địch, khiến áp lực đối phương bị… bốc hơi ít nhiều.
Đã gần 4 thập niên qua đi sau ngày chiến tranh kết liễu, đối với nhiều người Việt lưu vong, dường như vẫn chưa phai dấu ấn của ngày kỷ niệm quân lực lịch sử 19-6 hằng năm. Nó có thể khơi gợi tìm hiểu, giúp mở ra cái nhìn bao quát hơn về chiến cuộc VN.
