Menu Close

Bolero và đêm mưa tháng 6

Đêm qua Sài Gòn mưa dầm, cứ giọt vắn giọt dài cho đến sáng. Khó ngủ quá, tôi bèn nằm mở máy nghe 3, 4 dĩa nhạc Bolero và chìm đắm trong những lời tâm tình thổn thức ấy, thiệt là đã!

Nếu bạn có theo dõi các diễn đàn âm nhạc và báo chí văn nghệ trong thời gian gần đây thì hẳn bạn sẽ thấy rằng dạo này người ta đang quan tâm nhiều đến thể loại nhạc Bolero. Có lẽ phần nào là do các công ty băng đĩa lớn, các chương trình trình diễn, trong và ngoài nước liên tục có những chương trình vinh danh các nhạc sĩ và ca sĩ chuyên về thể loại nhạc này. Và sau đó là sự kiện các nhạc sĩ của miền Nam như Trúc Phương và Thanh Sơn qua đời.

Các phản ứng có hai chiều: đồng tình và chê bai. Ví dụ như sự kiện ca sĩ Tuấn Vũ đường hoàng bước vào thánh đường giao hưởng – Nhà hát lớn của Hà Nội – đã làm cho nhiều vị nhạc sĩ, trí thức có tiếng “hàn lâm” Bắc Hà phải nhảy dựng lên, suýt thủng cả nóc vòm của nhà hát.

Để định nghĩa hay nói rõ về Bolero của VN, tôi thích những nhận định sau đây của nhà thơ Đỗ Trung Quân, đã đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị trong nước:

“Khái niệm “Bolero” – còn được gọi một cách phổ thông hơn là “nhạc sến” – vượt ra khỏi định nghĩa một nhịp điệu của âm nhạc. Khi đến với tâm thức và ngữ cảnh Việt Nam, nó hình thành một hình thái không ngờ: tâm lý tiểu thị dân. Cần khẳng định ngay chính cái tâm lý ấy đã tạo thành một chân dung khác rất “made in Việt Nam”, trong khi trước đấy ở phương Tây, Bolero vẫn chỉ là một nhịp điệu mà thôi.”

“Một đặc điểm nữa của ca khúc mang âm hưởng Bolero – nhạc bình dân luôn là: kể lại một câu chuyện. Không ca khúc nào của dòng nhạc này không được sáng tác để kể lại một câu chuyện nào đó. Chuyện tình Lan và Điệp là điển hình của một câu chuyện tình éo le, trái ngang bằng âm nhạc. Hàn Mặc Tử cũng là một câu chuyện bi thương khác. Căn nhà ngoại ô, Nửa đêm ngoài phố cũng là những chuyện tình hoặc buồn cho thân phận nghèo hèn, hoặc nỗi buồn phất phơ của một cuộc gặp gỡ tình cờ ngoài phố đêm bên ánh sáng kinh thành. Kiếp nghèo, Phố buồn dù được viết ở nhịp điệu tango cũng được liệt vào loại nhạc mang nỗi buồn ngụ cư, cái mặc cảm thua kém bên cạnh cái hoa lệ đô thị lớn… Kẻ quê lên thành phố, người ở quê lo ngại mất đi cái hồn hậu, thật thà thì kẻ ở phố về cũng đã mang dáng thị thành làm người quê buồn bã, trách hờn. Quê và thị thành luôn là những mâu thuẫn nội tại để trở thành đề tài thường nhật, có thật của con người.”

“Một điều độc đáo của thứ âm nhạc bình dân này không hẳn chỉ là dành cho những tầng lớp bình dân. Cậu học trò năm xưa khi đã đỗ đạt, đã thành tài, đã có cơ nghiệp, trở thành trí thức thì hình ảnh căn gác trọ thuở hàn vi vẫn còn nguyên vẹn đấy, vẫn in đậm trong tâm thức.”

“…Có khi ông Cung Tiến, ông Phạm Duy, ông Trịnh Công Sơn, ông Từ Công Phụng, ông Ngô Thụy Miên, ông Hoàng Nguyên, ông Dương Thiệu Tước, v.v… làm ta thổn thức. Cũng có khi phải tạm gác các ông sang trọng ấy qua một bên bởi bóng dáng một cô cave nửa đêm rời vũ trường hoa lệ về gác trọ bình dân, một em gánh nước Bàn Cờ, một em nhà quê nhập cư ở tận ngoại ô gác nhỏ đèn vàng, thì ta lại phải mời ông Lam Phương, ông Trúc Phương, v.v… giúp ta thổn thức. Cuộc đời đa màu sắc, đa âm thanh, đa tình cảm thế này, biết thế nào là sang thế nào là sến nhỉ?”

“Hơn nửa thế kỷ của âm nhạc Việt Nam, dòng nhạc Bolero này thường được nằm ngoài những nhận định học thuật. Nhưng nó vẫn cứ lắng sâu trong tình cảm của đại bộ phận công chúng mà lạ thay không chỉ là những người bình dân như cách nghĩ ngỡ rằng như thế.” (1)

Và nhận định của nhạc sĩ Tuấn Khanh sau đây:

“Hương vị của quê nhà với nhịp điệu Bolero không thể lẫn vào đâu được. Khi thì ở bến tàu, gầm cầu, trên sông hay vỉa hè… tiếng đàn chập chùng thô sơ của người hát, kèm theo tiếng gõ bàn, gõ đũa… trở thành một cảm giác rất miền Nam, rất Sài Gòn, không ở đâu có thể sánh bằng. Đó cũng có thể là lý do mà hàng triệu người Việt xa quê, làm gì thì làm, vẫn chuộng âm điệu và lời hát Bolero để thưởng thức, dù bên cạnh mình có không biết bao nhiêu điều kiện thuận lợi để đến với rock, với pop…” (2)

Bây giờ, dường như họ đã nói đủ về dòng nhạc này rồi, tôi chỉ muốn bàn thêm đôi lời dông dài mắm muối.

Có phải muốn lĩnh hội được chân lý tối thượng, thì phải giữ cho cái tâm hoàn toàn vắng lặng, phải trút bỏ mọi cái khôn ngoan, mọi cái học thức, mọi cái từng trải ở đời? Nghĩa là, phải trở thành một gã khờ, phải trong veo như một đứa bé chăng?

Tương tự như thế, tôi nghĩ, nếu bạn muốn chơi nhạc Bolero theo kiểu Việt Nam, bạn cũng phải vứt quách những kiến thức về mấy cái Hòa âm, Đối âm, Tẩu âm rắc rối của mấy ông Tây đi. Và nếu khổ luyện, bạn sẽ đạt đến trình độ tối thượng là: Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở… Còn nếu tôi ca vẫn hay, tôi đàn vẫn không dở thì chắc chắn là tôi chẳng bao giờ chơi được điệu Bolero theo phong cách Việt Nam ở những bàn nhậu !

Một ca sĩ khi trình diễn, trang phục phải thế này thế nọ, nhưng ca sĩ  Bolero Việt Nam ta thì có thể cởi trần, trên ngực nên có hình xăm chiếc đầu lâu và cánh tay có hàng chữ đại loại như: Xa quê hương, nhớ mẹ hiền, hay:
Ơn đền oán trả, hoặc: Hận kẻ bạc tình… Những cái này tuy không bắt buộc, nhưng nếu có thì mới thiệt là điệu nghệ, mới là rất Bolero. Phần nhạc đệm phải là cây guitar thùng, tuyệt đối không được dùng nhạc cụ nào khác, nhưng cũng có thể phụ họa thêm bằng những tiếng lách cách của những chiếc đũa gõ trên chén bát hoặc cái vung nồi, người chơi đàn cũng chỉ đổi tới đổi lui vài accord quen thuộc. Khi bài hát chấm dứt, thính giả không cần phải vỗ tay, mà có thể tán thưởng bằng câu: – Nghe anh Hai ca, em nhớ con bồ em quá chừng! Hay là: – Đù M., thằng này ca nghe hay thiệt à! Dô cái đi mày! Hay: -Mày ca mùi quá xá! Làm hết ly này rồi ca tiếp “Sương trắng miền quê ngoại” cho má nghe ngheng Tám!

Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của giai điệu, thì nghe nhạc cổ điển. Nếu bạn muốn lắc lư theo tiết điệu thì nghe nhạc hiện đại. Nhưng nếu bạn muốn tâm tình hay kể lể nỗi niềm thì phải tìm đến Slow, Slow Rock, Blue, Tango, Habanara và nhất là Bolero. Cũng vì thế mà cái tố chất sáng tạo, cách tân không mấy khi thấy xuất hiện trong những tác phẩm thuộc loại này. Không ai cách tân, sáng tạo tình cảm bao giờ. Mà hình như những nhạc sĩ sáng tác theo điệu này cũng không có tham vọng lưu danh thiên cổ, hay đưa ra những cái mới lạ cho người ta xôn xao. Họ luôn luôn trung thành với những cảm xúc của tâm hồn, và thành quả họ đạt được là: Chinh Phục. Tôi từng nghe một nhà thơ sống ở nước ngoài nói rằng thỉnh thoảng trên đường lái xe về nhà trong đêm sau khi tan hãng, mở máy nghe Bolero mà nhớ quê nhà (và mấy cô bồ cũ?) trào nước mắt, tôi tin rằng không chỉ có mình ông ấy cảm thấy như vậy.

Bolero dùng để kể chuyện tình, Bolero cũng làm nên những chuyện tình. Những phút bên nhau ta không hát Opera, Disco, Mambo, Rock, Rap… Vì là ca khúc (ballad) nên ca từ của Bolero rất quan trọng, sự lạm dụng những dấu hoa mỹ (ornament) trong giai điệu, và sự cường điệu quá đáng trong ca từ đã khiến cho điệu nhạc này thường bị gọi là “sến”. Nhưng tôi nghĩ ca từ của một số tác giả Bolero thì không sến tí nào, mà thậm chí còn có tính văn học rất cao nữa là đằng khác. Bạn thử nghe như thế này xem có tuyệt không nhé: -Tôi lớn dần, lớn dần bởi hờn căm và tình yêu, bởi lời buồn quê hương thức trắng đêm hơn mười năm…( “Tâm Sự Một Người Đi Xa Sau Những Lần Mỏi Gối”, của nhạc sĩ Trúc Phương, ca khúc mà ông sáng tác sau Tết Mậu Thân 1968.) Có phải chỉ mấy câu này thôi mà đủ chất chở tâm thức đau buồn của một thế hệ thanh niên, hơi thở hắt hiu của quê hương tan nát trong một thời chinh chiến?

alt


(1) Nhà thơ Đỗ Trung Quân
(2) Nhạc sĩ Tuấn Khanh