Căn phòng vẫn tràn ngập ánh sáng dù đã 5 giờ chiều. Bình hoa hướng dương cắm từ hôm qua, vẫn tươi tắn, hớn hở vươn tới chùm ánh sáng cuối ngày le lói ngoài cửa sổ. Trúc tắt đèn, hôn con, kéo chăn tới cổ thằng bé, rón rén đi ra và khép nhẹ cửa phòng, như sợ tiếng động sẽ làm con thức giấc. Ngày nào cũng vậy: buổi sáng, Trúc chở Lâm đến trường, sau đó đến bệnh viện với cu Bi. Quãng 4, 5 giờ chiều, nàng thu xếp về đón Lâm. Trúc ra vào bệnh viện nuôi con như một cái bóng, từ mười năm nay.
Cu Bi bị hư não vì một tai nạn và sống đời sống thực vật. Nhưng Trúc có niềm tin huyền bí và mãnh liệt là con nàng chỉ đang chìm trong giấc ngủ dài và sâu. Nàng tin nếu nàng nói chuyện với con đều đặn, một lúc nào đó, cu Bi sẽ vươn vai thức dậy, sẽ nhoẻn miệng cười, sẽ giơ tay đòi bế, nàng sẽ ôm con vào lòng hít hà mùi sữa thơm nồng từ chiếc miệng xinh, từ cái cổ nhiều ngấn hay đôi má phính vì bụ sữa.
Niềm tin ấy hiện hình ngay từ lúc chiếc xe cứu thương thắng gấp trước nhà và cu Bi được chở thẳng vào bệnh viện, ngày ấy cu Bi mới tròn hai tuổi. Qua hai lớp kính dày của khu cấp cứu, và qua làn nước mắt, Trúc nhập nhoè thấy con nằm thiêm thiếp, trắng bệch, bất động trên chiếc giường bệnh viện rộng lớn. Bác sĩ, y tá bao quanh cu Bi. Họ thoăn thoắt gắn những ống thở sâu vào mũi vào họng nó, thốt nhiên, Trúc đau tức đến nghẹt thở và muốn ói. Nàng ngã quỵ xuống đất, cào vào mặt kính và khóc không ra tiếng.
Niềm tin ấy càng thôi thúc hơn, khi vị Bác sĩ trưởng khoa kể cho vợ chồng nàng nghe câu chuyện đứa con của Thượng Đế. Ông nói rằng: Thượng Đế trực tiếp cai quản thế gian, Ngài cảm động vì tấm lòng nhân ái của con người. Để khuyến khích và vinh danh những người tốt ấy, Ngài thường cho những đứa con của mình xuống trần gian làm con những người này. Nhưng một thời gian sau, Thượng Đế thương nhớ con, cầm lòng không đậu, Ngài lén đem con về để nhìn ngắm rồi trả chúng lại trần gian, nhưng cũng có khi Ngài giữ chúng lại. Đứa con yêu mà Thượng Đế gọi về lần này là cu Bi. Cu Bi là con chung của Thượng đế và của nàng. Bác sĩ khuyên nàng hãy “let go”, hãy để cu Bi trở về trời.
Nàng đã vật vã, đã phẫn nộ, đã trách cứ vị bác sĩ không tận tâm cứu con nàng. Nàng khẩn khoản xin vị bác sĩ cứu cu Bi bằng mọi cách, nàng sẵn sàng bán hết nhà cửa để chữa chạy cho con, nàng sẵn sàng nuôi con dù nó phải sống đời sống thực vật, nàng chỉ muốn được nhìn thấy con hàng ngày, nàng không thể nhẫn tâm rút ống thở, dụng cụ duy nhất giữ sự sống cho đứa con bé bỏng của nàng.
Thời gian bi thảm ấy lùi sâu vào quá khứ. Cu Bi tiếp tục lớn, nay đã là cậu bé 12 tuổi, thân thể và tay chân dài ngoằng, chiếm gần hết chiều dài cái giường. Gương mặt vẫn còn nét thơ ngây. Lúc thức giấc, đôi mắt cu Bi mở lớn, nhưng lạnh ngắt như hai viên bi trong suốt. Mọi sinh khí linh hoạt nó gửi trên Trời, còn hình hài bất động là phần của Trúc.
Những lúc ngồi một mình nhìn con, Trúc như vẫn nghe tiếng thét của Kính, chồng nàng ngoài vườn: “Em ơi gọi 911 ngay, cu Bi bị nghẹt thở”. Nàng chụp điện thoại bấm 911: “Con tôi bị ngạt thở, nhà tôi ở số… Xin đến nhanh cho”. Trúc chạy bay xuống vườn, Kính bế cu Bi trên tay, thằng bé trắng bệch, mềm nhũn. Kính vừa lay con, vừa áp miệng vào môi con cố làm hô hấp nhân tạo. Kính lắp bắp: “Cu Bi úp mặt xuống nước, con bé Lâm gọi bố sao em Bi không chịu dậy, anh chạy lại… Trời ơi!” Trúc khuỵu xuống, nàng chợt thấy con bé Lâm 5 tuổi, đang run rẩy trong cái bồn tắm cạn nước ướt nhẹp, mắt đỏ hoe, khóc nức không ra tiếng.
Có tiếng xe cứu thương, Kính bế con chạy ra cổng, hai người y tá đỡ cu Bi và nhanh chóng đặt nó lên băng ca, chụp ống thở vào mũi thằng bé. Chiếc xe hú còi chạy thật nhanh khỏi khu phố. Hàng xóm xôn xao thăm hỏi. Trúc chỉ kịp gửi bé Lâm cho người hàng xóm. Hai vợ chồng lên xe chạy theo xe cứu thương.
Trúc cũng không thể quên buổi tối đầu tiên ở bệnh viện, khi hai vợ chồng bị ngăn lại ở cửa phòng cấp cứu, Trúc đã rên rỉ, giọng khàn đặc: “Anh giết con rồi!”; “Anh nghĩ trời nóng bức, nên cho chút nước vào bồn tắm, để hai chị em chơi, nghịch nước trong đó, anh rảnh tay trồng cây mít xuống đất, anh đâu ngờ!” Trúc gào lên: “Anh đòi phải bỏ cái bồn tắm vì nhà có con nít, anh nói lỡ chúng nó vặn nước rồi trượt chân ngã thì nguy hiểm, vậy tại sao anh còn cho con chơi nước trong đó, trời ơi, anh giết con tôi rồi!” Kính ôm đầu vật vã: “Anh không ngờ, anh chỉ đổ một chút nước thôi, chỉ xấp xỉ trên mắt cá chúng nó, trời ơi, tại sao lại xảy ra chuyện này!”
Trong lúc Trúc đau đớn hoảng loạn vì tình trạng của cu Bi, Kính nhắc nàng phải về với bé Lâm. Trúc giật mình, đứng vội lên, nàng còn một đứa con nữa, chao ôi, đau thương đứt ruột đã khiến nàng mụ mẫm, không nhớ đến đứa con gái tội nghiệp lạnh run trong cái bồn tắm quái ác. Trúc quệt nước mắt, chạy ra bãi đậu xe. Kính dặn với theo: “Em ơi, bình tĩnh, nhớ lái xe cẩn thận!”. Trúc mất hút sau cánh cửa dày.
Cho xe vào garage, Trúc chạy sang bà hàng xóm. Con bé thấy mẹ oà khóc nức nở. Trúc ôm chặt con, vỗ về, đi về nhà. Nàng tắm rửa cho con, cho nó vào giường, bé Lâm bỗng hỏi: “Bao giờ em Bi về hả mẹ?”, “Mai em về”.
Con bé vừa dụi mắt ngái ngủ vừa nói: “Lần sau con không bắt em Bi úp mặt xuống nữa”.
Trúc thất thần hét lên: “Hả, con nói cái gì!” Con bé hoảng hốt khóc ré lên. Trúc chụp bé Lâm lay mạnh: “Hả? con nói gì? Con bắt em úp mặt xuống nước hả?” Bé Lâm nhìn mẹ, mắt căng cứng sợ hãi, khóc nức lên không ra tiếng. Trúc kịp định thần, ôm chặt con vào lòng, tóc nàng xõa tung, phủ kín thân thể bé bỏng. Trúc hiểu điều gì đã xảy ra. Tiếng rít đau đớn như của con thú bị thương thoát khỏi lồng ngực nàng, hòa cùng tiếng nức nở nhỏ rí của con bé, tạo thành những âm thanh ma quái.
Trúc ôm bé Lâm thật chặt, nàng che con kín mít để Thượng đế không thấy nó. Không bắt tội nó. Con bé không có bất kỳ một lỗi nào. Tuổi thơ không bao giờ phạm lỗi. Đâu đây vang vang tiếng cười trong suốt của hai chị em. Chúng như đôi chim chuyền cành ríu rít. Chúng cần có nhau. Chúng là của nhau. Không đứa nào nỡ hại đứa nào. Chẳng có tai họa nào giáng xuống chúng cả. Nhưng ôi trời, cu Bi…
Trúc buông con ra, bé Lâm đã ngủ say. Hơi ấm của con khiến Trúc tỉnh táo hơn. Nàng đặt con xuống giường, đắp chăn cho con và xuống bếp. Trúc đói cồn cào, nàng nấu mì gói. Mùi thơm quen thuộc kéo nàng đứng vững với thực tại: Cu Bi bị chết đuối trong bồn nước cạn. Bé Lâm ở bên cu Bi lúc đó, đôi bàn tay nhỏ bé của nó đã ấn đầu thằng bé xuống nước. Thằng bé chắc chắn vùng vẫy, nhưng không ai nghe. Cha của nó đang bận rộn với đất cát cây cối. Mẹ của nó đang dọn dẹp căn phòng tắm mới sửa. Lỗi tại ai? Cha? Mẹ? Hay đứa chị thơ ngây thiên thần nói chưa sõi tiếng trần gian?
Hai năm sau ngày bi thảm, thống khổ lại bùng lên và lần này gia đình nàng tan nát: Kính bỏ đi. Trúc nhớ lá thư Kính viết có đoạn: “… Suốt ngày suốt đêm anh không thể quên được tiếng gọi của bé Lâm: “Ba ơi, cu Bi không chịu ngồi dậy”. Anh cũng không thể quên được cảm giác ôm thân thể mềm nhũn của cu Bi. Anh càng không thể quên ánh mắt sụp tối của bé Lâm. Nó như chứa tràn tội lỗi và hối hận. Nhưng nó cũng ánh lên cái sắc lạnh quái gở, khiến anh sợ hãi. Đã có những đêm ánh mắt ấy đuổi theo anh, anh chạy lên núi cao, nó đã đứng trước mặt. Anh lặn sâu xuống nước, nó đã bơi lên trước đối mặt với anh. Trúc ạ, anh xin em tha thứ, anh không thể chịu đựng được nữa, anh không thể nhìn cu Bi sống như cái xác không hồn. Anh không thể sống khi nhìn bé Lâm mỗi ngày mỗi lớn và băn khoăn về điều gì đã xảy ra cho cu Bi. Lẽ ra, anh không được bỏ đi trong lúc này. Đúng hơn, anh không được phép bỏ đi bất cứ lúc nào, nhưng xin em tha thứ cho sự bất lực của anh…”
Cuộc sống của Trúc thu gọn hơn. Mỗi cuối tuần, con bé Lâm theo mẹ vào thăm em. Nó bắt chước mẹ lau mặt, chải tóc cho em, đọc truyện cho em, thủ thỉ kể chuyện bạn bè trường học. Con bé chỉ có những chuyện loanh quanh như thế.
Lâm mỗi ngày mỗi lớn, năm nay đã 15 tuổi. Nó học giỏi và ít nói. Lâm đến thăm cu Bi thường xuyên hơn. Có hôm tan học, mẹ đến đón, Lâm đề nghị mẹ ghé tiệm mua thức ăn to go, rồi hai mẹ con trở lại bệnh viện, để ăn cơm tối chung, có cu Bi bên cạnh cho có không khí gia đình. Trúc đã khóc ròng vì hạnh phúc nhỏ nhoi trong nỗi bất hạnh to tát phủ chụp xuống gia đình.
Cuộc đời nàng bây giờ chỉ còn có Lâm. Con bé hiền lành, phúc hậu. Họa hoằn lắm Trúc mới thấy nó yên lặng nhìn ra vườn, nơi để cái bồn tắm năm xưa.
Hôm nay, hai mẹ con lại mua cơm to go, và trở lại bệnh viện ăn cơm có cu Bi bên cạnh. Ăn xong, vừa nắm tay em, Lâm vừa rụt rè hỏi mẹ: “Con không nhớ rõ hôm em Bi bị vô bệnh viện. Chuyện gì xảy ra vậy mẹ? Con chỉ nhớ con đứng trong bồn nước và gọi ba để bế em Bi dậy”. Tim Trúc như vuột khỏi lồng ngực. Quá khứ đang được đào lên, sự thật đang đòi trỗi dậy. Hình ảnh bé gái 5 tuổi mắt đỏ hoe khóc nức không ra tiếng trong bồn nước cạn. Hình ảnh đứa con gái bé nhỏ lẽo đẽo theo mẹ đến bệnh viện nuôi em bất kể trời mưa hay nắng. Đôi bàn tay mũm mĩm vừa dìm đầu em xuống nước, nhưng cũng vừa nâng niu vuốt má em, lau mặt cho em. Hình ảnh cô gái có đôi mắt lúc nào cũng tối sẫm không nguyên do, rồi tương lai, rồi cuộc sống của nó?
Trúc ôm con vào lòng, nàng nói từng tiếng thật nhỏ: “Em Bi bị bệnh kinh phong, hôm đó chẳng may em lên cơn, nên té xuống nước, em bị uống nước, nên ngộp thở. Con còn bé quá, không giúp em được, con gọi ba, ba không nghe, mẹ thì ở trong nhà. Đến khi ba nghe được thì đã trễ. Nhưng em Bi vẫn còn ở với mẹ con mình. Còn Ba vì không chịu đựng được hoàn cảnh nên ba đi. Bây giờ chỉ còn hai mẹ con. Con phải khoẻ mạnh từ tinh thần đến thể chất để giúp mẹ sống với con và em.”
Trúc nghe tiếng thở dài thật nhẹ, như tiếng trút bỏ bao cát mịn xuống dòng sông. Lâm thút thít: “Dạ con cũng nhớ mang máng con có gọi ba, thật lâu ba mới nghe. Em Bi lúc đó nặng lắm, con không kéo em dậy được. Mẹ ơi, con thương em quá, con ước gì lúc đó con bị kinh phong, con lớn hơn em, chắc có bị té cũng không uống nước nhiều”
Trúc nhìn con, đôi mắt luôn sẫm màu ấy đang sáng lên, như vừa cởi bỏ được oan khiên, vừa được gột rửa tội lỗi. Nàng bỗng thấy lòng mình nhẹ tênh, những ràng buộc với quá khứ bỗng đứt đoạn. Trúc mơ hồ thấy như chính nàng cũng đang trút bỏ được mặc cảm tội lỗi sâu thẳm: nếu có nàng ở ngoài vườn, chắc chắn cu Bi không gặp nạn. Sự giữ cu Bi lại, ngoài tình mẫu tử còn là sự tự trừng phạt chính nàng vì tội lỗi đó.
Trúc bỗng cảm thấy mình chấp nhận được sự “vô thường” của vạn vật mà mọi người hay nói đến. Nàng cũng cảm thấy nhẹ nhàng khi nghĩ đến số phận của mỗi con người. Thốt nhiên cuộc sống trở nên mềm mại, không đông cứng như bao năm nay.
Trúc kéo Lâm về phía mình, âu yếm vuốt tóc con. Trúc ứa nước mắt khi nghĩ đến tuổi thơ của Lâm trôi qua buồn thảm và lẻ loi. Không còn phim hoạt hình hay công viên, cầu tuột. Con bé bước vào tuổi lớn một mình. Thời gian qua, nó chỉ là cái bóng cần thiết phải hiện hữu bên Trúc, cho Trúc yên tâm. Từ nay nàng sẽ chăm sóc Lâm nhiều hơn, bù đắp cho nó nhiều hơn. Hai mẹ con sẽ có cuộc sống khác hơn. Nàng sẽ dắt con đi phố sắm sửa áo quần. Nàng sẽ thuê người chăm sóc cu Bi để nàng và Lâm có dịp đi chơi đây đó. Nghĩ đến đây, liếc nhìn khuôn mặt cu Bi thánh thiện, không giận hờn, Trúc thấy thật bình an.