Mỗi lần trở về sau những chuyến đi công tác ở xa (mời bạn đọc những bài ký sự hoang dã của Đặng Mỹ Hạnh trên Trẻ hoặc baotreonline.com), mở email ra, một thùng thư đầy nhóc của những độc giả yêu thích nhiếp ảnh gửi đến. Tôi chú ý tới vài câu hỏi của các bạn về loạt máy ảnh Coolpix của Nikon. Mặc dù trong bài “Máy Không Chụp Hình, Người Chụp” (xem GNA Kỳ 14), đã có trình bày, nhưng chúng tôi cũng xin đi vào chi tiết hơn để độc giả tham khảo.
Gia đình máy ảnh số (digital) rẻ tiền (loại bỏ túi) của Nikon đã ra đời từ tháng Giêng 1997. Máy ảnh ‘Coolpix 100’ là máy ảnh số cỡ bỏ túi đầu tiên do Nikon sản xuất. Ở thời điểm này, giá bán của máy này lên đến gần $1,000. Một giá quá đắt mà độ phân giải chỉ có 0.3 megapixel và ống kính không có khả năng zoom (1x).
Với những cập nhật mới nhất từ hãng Nikon, gia đình Coolpix được chia ra làm bốn nhóm:
– P Series (Performance) – gồm có những máy ảnh “gồ ghề” nhất trong gia đình, thường nhìn giống một máy “chuyên nghiệp” hơn máy bỏ túi. Những máy có họ “P” cũng mang cái giá cao nhất trong gia đình Coolpix. Vậy có phải mẫu tự P được dùng để ám chỉ price không?
– S Series (Style) – có thể nói đây là nhóm lớn nhất với nhiều mẫu máy trên thị trường hiện nay.Giá cả thì cũng không cao bằng nhóm P, nhưng các máy “trung niên” cũng có thể lên đến hơn 3 tờ. Đặc điểm: gọn, thật sự “bỏ túi” được, và có nhiều màu sắc để chọn.
– AW Series (All Weather) – năm 2011, Nikon quyết định tung ra thị trường với loại máy bỏ túi dành riêng cho những người chơi thể thao ngoài trời hoặc thích phiêu lưu mạo hiểm. Máy mẫu duy nhất mang số AW 100 có thể chịu lạnh tới -10°C, chống nước xuống tới độ sâu 10 thước, và không bị bể nếu rớt từ độ cao 1 thước rưỡi. Ngoài ra, máy cũng có hệ thống chấm điểm vệ tinh GPS. Giá thị trường $349.95.

– L Series (Life) – phải nói nhóm này là nhóm “đơn giản” nhất, với những giá cả và đặc điểm cũng khiêm tốn nhất. Video chỉ thâu được với độ rõ 720p. Thích hợp cho những bạn nào tìm mua một máy “để chơi” hoặc để tặng cháu ngoại.
Tất cả máy ảnh trong gia đình Coolpix đều có độ phân giải tối thiểu từ 10 megapixel lên đến 16 megapixel. Chiều ngang tiêu chuẩn của màn ảnh LCD là 3 inch. Tất cả cũng có khả năng thâu video. Giá tiền bắt đầu từ khoảng $100 lên đến $500.
– P510: vừa mới được tung ra thị trường đầu mùa Xuân năm nay. Đáng nể nhất là độ zoom của cái ống kính trên máy này (42x mạnh nhất trong thế giới máy bỏ túi, từ 24mm đến 1000mm).Với giá tiền khoảng $400, chắc sẽ không có nhiều người mua máy này. Thích hợp nếu bạn thích chụp chim chóc hoặc muốn theo dõi những vụ ngoại tình!

– S9300: cũng mới ra năm nay, 16 megapixel, và 18x zoom, nhẹ, nhỏ gọn, giá $350. Bí quyết: nếu bạn chịu “hy sinh” chút xíu, máy S9100 (ra năm 2011) chỉ thua tí xíu (12 megapixel); bạn có thể tìm được dưới $200 nếu siêng ra tiệm “window shopping”.

– S30: với cái giá $99, nhiều người sẽ xem máy này như một “đồ chơi” hơn một máy ảnh đàng hoàng. Dù sao, bé tí của gia đình cũng có những điểm đáng khen ngợi. Nước da trắng ngà khá mát mắt. Có khả năng chụp hình dưới nước, tiện cho những lúc đi tắm biển hoặc ở hồ bơi. Rất đơn giản và dễ dùng.

Dù bạn quyết định mua máy nào đi nữa, nên nhớ đừng để cái máy làm chủ. Bạn phải làm chủ cái máy. Khi mua về, bạn nên bỏ ra chút ít thì giờ đọc kỹ cuốn Manual (cẩm nang) kèm theo máy. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiếp tục theo dõi Góc Nhiếp Ảnh trong những bài đã xuất bản và những bài kế tiếp. Nếu muốn được hướng dẫn trực tiếp từ tác giả (cách nhanh nhất), bạn chỉ cần liên hệ với Andy qua những cách sau đây:
Email: info@wildwingsphotography.com
Facebook: www.facebook.com/wildwingsphotography
Flicrk: www.flickr.com/people/flightshots/
Trang nhà: www.wildwingsphotography.com
