Menu Close

Lò Microwave

Kính thưa bác sĩ Nguyễn Ý Đức, con tên là Hằng ở Garland, hôm nay con có chuyện muốn hỏi về tác hại của microwave đối với sức khỏe. Người  thì nói hại, người nói không. Con cám ơn bác sĩ, kính chúc Bác thật nhiều sức khỏe.

Hằng

Đáp

Cảm ơn cô đã nêu ra câu hỏi này vì cũng nhiều người thắc mắc về mức độ an toàn của lò vi sóng microwave oven. Dụng cụ nấu nướng này hiện nay đã quá phổ biến đối với mọi gia đình cũng như nhà hàng, tiệm ăn. Lò được dùng cho nhiều công việc nấu nướng, từ hâm thức ăn tới nấu cơm, luộc khoai, quay gà, làm bánh…

Những lợi ích của lò vi sóng

– Tiết kiệm điện;

– Giảm thời gian nấu;

– Thực phẩm giữ được nhiều chất dinh dưỡng và hương vị nguyên thủy;

– Không cần pha thêm dầu, mỡ;

– Dễ lau chùi sạch sẽ;

– Không tạo ra hơi nóng trong bếp;

– Không dùng nhiều nước trong món ăn cho nên mất rất ít chất dinh dưỡng;

– Có thể nấu và ăn thực phẩm trong cùng đồ chứa;


Những nhược điểm của lò vi sóng

– Phóng xạ có thể thoát ra ngoài;

– Không phải thực phẩm nào cũng nấu bằng lò vi ba được;

– Trong lò, sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều (chung quanh lò) chỗ ít nóng (giữa lò). Vì thế, ở giữa lò, thực phẩm lâu chín hơn ở cạnh lò. Vì vậy, khi nấu, nên xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dầy quay ra ngoài.

An toàn khi sử dụng

– Không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh.

– Không hâm nóng các đồ nấu bịt kín vì áp suất lên cao bình sẽ phát nổ.

– Không mở lò khi không có thực phẩm trong lò.

– Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò, để tránh cho ống phát sóng của lò bị hư hao.

– Khi món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò. Nước có mục đích hút năng lượng điện từ trường, tránh cho ống phát sóng bị cháy.

– Không chiên ngập mỡ (deep fries) trong lò vì chất béo sẽ nóng quá, gây cháy phỏng.

– Tránh mọi hư hao cho cửa lò như đè lên cửa hoặc nhấc lò lên bằng cánh cửa lò.

– Vài năm kiểm tra lò một lần, coi có bị thất thoát sóng ra ngoài.

– Lau chùi và giữ cửa lò sạch sẽ để cửa luôn luôn khép kín, tránh thất thoát sóng vi ba ra ngoài.

Lưu ý khi hâm sữa

Xin nói thêm là lò vi ba cũng thường được dùng để hâm sữa cho trẻ em. Nhưng nên để ý mấy điều sau đây:

– Sự phân phối sức nóng trong lò vi ba không đồng đều, nên nhiều khi bên ngoài bình sữa thấy lạnh mà sữa trong bình lại nóng quá. Trước khi cho trẻ bú, đậy nắp, lắc ngược bình vài lần cho sữa nóng đều.

– Tháo núm bình sữa trước khi hâm, tránh phỏng miệng con vì núm cao su quá nóng.

– Hâm sữa bằng bình nhựa an toàn, trong suốt, không mầu. Tránh bình bằng thủy tinh vì có thể nứt.

– Trước khi cho con bú, thử vài giọt sữa trên mu bàn tay coi có nóng quá.

Một điểm cần lưu ý là Lò vi ba hiện nay rất an toàn cho người mang máy điều hòa nhịp tim (pacemaker) vì các y cụ này đều được che chở chống lại phóng xạ hoặc sóng vi ba.

Cô nên đọc kỹ bản tài liệu hướng dẫn cách dùng kèm theo lò trong đó họ có chỉ dẫn cách nấu nhiều món ăn rất tiện lợi.

Chúc cô làm được nhiều món ăn ngon bằng lò vi ba, để gia đình có những bữa ăn tuyệt vời.

Bác sĩ cho tôi hỏi điều này nhé. Cách đây mấy tuần, vợ chồng tôi bị đi tiêu chảy và cũng ói mửa nữa. Tôi có đi bác sĩ và bác sĩ bảo tôi bị bệnh flu gì đó ở dạ dày và đã cho thuốc uống. Bệnh hôm nay hết rồi. Trước đó một ngày vợ chồng chúng tôi có đi ăn tiệc đám cưới tại nhà hàng.

Điều tôi muốn hỏi là đây có phải là bị ngộ độc khi ăn cưới hay không và dạ dày cũng bị flu à? Nếu có thì  chữa bằng cách nào, có uống trụ sinh được không và làm sao để tránh. Cảm ơn bác sĩ.- Hoàng.

Đáp

Tôi nghĩ là ông bà có thể đã ăn phải một món ăn nào trong đám cưới có nhiễm vi khuẩn, gây ra ngộ độc thực phẩm. Chuyện ngộ độc này cũng thường xảy ra ở Hoa Kỳ lắm, vì hàng năm có hàng triệu vụ được công bố.

Ngộ độc có thể là do vi khuẩn như salmonella, Ecoli hoặc virus như viêm gan A gây ra. Người Mỹ thường dùng chữ stomach flu để nói tới bệnh tiêu chảy do virus nhưng đây không phải là virus cúm influenza mà là loại virus khác. Đa số ngộ độc là do vi khuẩn nhiễm trong thịt, cá, trứng, rau… không nấu chín. Sữa tươi không khử trùng cũng hay gây ra tiêu chảy. Người cao tuổi hoặc người có bệnh kinh niên trong đó khả năng miễn dịch suy yếu đều dễ bị ngộ độc, phụ nữ có thai và cháu bé cũng vậy

Nếu chỉ có ói mửa và đi cầu nhẹ thường là do virus, còn khi bị nóng sốt, tiêu chảy liên tục thì đa số đều do vi khuẩn gây ra.

Tiêu chảy cũng có điểm lợi là sẽ loại bỏ vi khuẩn gây bệnh và độc chất của chúng ra khỏi ruột nhưng nếu tiêu chảy quá mức sẽ đưa tới tình trạng mất nước và các chất điện giải trong cơ thể. Vì thế nên cẩn thận trước khi uống các loại thuốc chống tiêu chảy tự mua ở tiệm thuốc tây.

Nói chung, tiêu chảy mau hết và nhiều người có thể tự chữa với vài loại thuốc mua tự do. Chỉ khi nào bệnh kéo dài cả dăm ngày mà lại nóng sốt, phẩn có máu thì cần đi bác sĩ và có thể cần phải dùng thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là phải uống nhiều nước có khoáng chất để bù lại lượng chất lỏng và muối thất thoát qua tiêu chảy, ói mửa. Trong khi tiêu chảy nên tạm ngưng tiêu thụ thực phẩm mấy giờ mà chỉ uống nước, ngậm đá cục, nếu đói uống thêm nước thịt hơi mặn và không chất béo.

Khi tiêu chảy ngưng thì ăn lại dần dần với nhiều bữa ăn nhỏ, tránh sữa, cà phê, rượu, thuốc lá.

Bà hỏi làm sao tránh ngộ độc, tiêu chảy thì xin thưa là khi nấu nướng ở nhà thì nấu chín thực phẩm trước khi ăn, cất giữ thực phẩm an toàn, rửa tay trước khi ăn. Còn đi ăn tiệm thì thấy món ăn nào nghi là còn sống, món ăn nguội lạnh thì tránh.

Chúc ông bà vui mạnh

NYĐ