Menu Close

Lời tự sự của rừng già – Nhân ngày trái đất (Kỳ 2)

Bạn thử nhìn ngắm bất cứ chòm cây cổ thụ nào nơi đây, dường như các thân cây cao vút lên trời xanh ấy cũng đều bao quanh bởi những chùm dây leo uốn lượn như những con rồng xanh đang bay bay trong gió giữa mây trời. Hình ảnh ấy làm rừng già thêm xanh và quyến rũ biết bao! Nhưng có lẽ khi bạn thấy thân cây rừng lâu năm với lớp da cây sần sùi và nứt nẻ thành những vảy con rùa, chắc bạn cũng đoán biết được chúng tôi già nua đến bực nào rồi ! Sở dĩ da chúng tôi sần sùi và nứt nẻ ấy, một phần vì mình già, vì tuổi tác cao đã đành nhưng phần khác cũng vì do thiên nhiên thay đổi nữa.

alt

Hồi tưởng lại những năm chúng tôi còn bé nhỏ, trái đất đâu có nóng dữ dội như ngày nay. Hồi đó con người còn rất ít, đất hoang vu nhiều, mọi sinh vật cỏ cây trong vũ trụ này sống là sống tự nhiên theo từng căn gốc của mình, nên không ai biết thế nào là ô nhiễm, là khói độc bay lù lù trong không khí như ngày nay trên trái đất này mà bạn đang sống. Hồi đó chúng tôi lớn lên trong môi trường mát lành ấy nên cũng ung dung lớn lên dần mà ít lo nghĩ gì nhiều. Dĩ nhiên rồi, tuổi trẻ mà gặp thời thái bình của không khí sạch nữa thì cây cối nào mà chẳng mừng. Còn ngày nay, như bạn thấy trên thân chúng tôi rải rác trong rừng nguyên sinh này có đứa dính vết sơn gạch chéo màu vàng vàng như hình chụp bên cạnh là coi như đời mình cũng sắp kết liễu rồi vậy!

alt

Nhìn da cây nổi những vảy rùa, bạn chắc biết cây nay cũng đã già lắm rồi!

Bạn ơi, khi mấy người có bổn phận chăm lo cho rừng họ chờ nhiều mùa mà da chúng tôi không xanh tươi lại, lá chúng tôi rụng đã lâu quá rồi mà không thấy đâm ra những chồi non mới là họ bắt đầu đem nước sơn vàng làm dấu để chờ một ngày định mệnh nào đó tới nơi họ sẽ dùng cưa hạ chúng tôi nằm xuống đất như tấm hình những khúc gỗ cắt lìa từng đoạn, từng đoạn nằm bên gốc chết.

Tuy vậy, chúng tôi, trong lớp lớp rừng cây trăm năm này cũng có rất nhiều đứa lại được chết già, rồi như bạn thấy những mảng rêu màu xanh đọt chuối non hơi lợt bám đầy lên thân gỗ mục làm thành màu thời gian đằng đẵng biết bao mùa!

alt

Vệt sơn màu vàng gạch chéo, là dấu hiệu của một bản án tử hình đối với loại cây rừng trăm năm

May mắn thay, hôm nay là ngày trái đất, có một ông già nhà quê, khi đi ngang tôi, ông tách khỏi đoàn người cùng đi với ông và rồi ông ngồi xuống mân mê những thân rêu màu xanh đọt chuối bám đầy trên tấm thân bị quên lãng ấy, và rồi dường như ông muốn nhắc cùng bạn nơi đây đang có chúng tôi, đứa đang sống, đứa đang chết khô giữa rừng và đứa đang nằm sát đất từ nhiều đời kiếp nào rồi mà ít có người để ý bước lại gần. Nhìn gốc cây già cỗi nằm giữa rừng phủ lớp rêu xanh với bao nghĩ ngợi về sự biến hoá của trời đất, dường như, trên gương mặt xương xương ấy ông già nhà quê rất bất bình về câu thơ mà ông đã nghe ai đó đọc một đôi lần bên tai ông:
“Những thân củi mục, thuyền không đáy …”

Không, thưa nhà thi sĩ, nếu nhà thi sĩ được làm thân gỗ mục bám đầy những lớp rêu xanh như chúng tôi, thì đó cũng chưa hẳn là những gì vô dụng! Nếu bạn là người chìm nổi giữa dòng đời tang thương dâu biển nhiều phen rồi, bạn sẽ nhận ra từ những thân cây nứt nẻ ấy với những thớ gỗ vặn vẹo và nằm từ năm này qua năm khác với bao mùa nắng mưa dông bão giữa rừng già, bạn sẽ không dám xem nhẹ những thân gỗ mục như câu thơ mà ông già nhà quê vừa nhớ lại. Cây trăm năm đã hiếm, cây chết trong rừng trăm năm mà vẫn còn ghi lại dấu vết màu thời gian càng hiếm biết bao! Bạn có thấy thân gỗ mục ấy có nói gì đâu, nhưng những bài học từ những thân gỗ im lìm ấy đã nói với bạn biết bao điều ! Cái giá trị của một đời cây chết lâu năm trên rừng già lúc bấy giờ không phải chúng tôi thuộc là loại gỗ gì mà chính là rêu xanh nói với bạn về điều ấy!

alt

Hết rồi, một đời cây!

LTT