Menu Close

Tỉnh giấc kê vàng

Ả Rập làm giàu vì dầu hỏa, Nam Phi có kim cương, thì Menghai, vùng tây nam Hoa Lục, có trà để khoe với thế giới. Menghai làm giàu qua một loại trà có tên Pu’er, cả một giải đất trong tỉnh Vân Nam sống về nghề sản xuất trà. Chuyện “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” kia không có gì lạ để kể nhưng khi phần “thân vinh” đi ra ngoài tỷ lệ cung /cầu của luật kinh tế thì ta có ảo tưởng và những cái bong bong kia xì hơi như chuyện nuôi chim cút năm xửa năm xưa.

alt

Trà Pu’er của Menghai

Cái bong bóng trà Pu’er lộng lẫy được 10 năm. Người địa phương cày sâu cuốc bẫm, chăm nom các đồi trà, hái trà, sao trà rồi bán trà…

Hầu như mọi loại trà đều phải dùng trong một thời gian ngắn sau khi hái, để lâu sẽ mất hương vị. Nhưng với trà Pu’er thì người ta nói rằng càng để lâu, trà càng thêm đậm đà. Từ thế kỷ trước, trà Pu’er được nén chặt thành bánh để dễ việc chuyên chở. Những tay sành trà thì cho rằng hương vị Pu’er chẳng khác chi các món trà tự khắp nơi, khó lòng phân biệt nguồn gốc, nơi trồng.

Món trà Pu’er kia có hương thơm nhẹ nhưng được mấy tay quảng cáo vung tay múa bút tán tụng rằng món trà này giảm cholesterol và chữa tỉnh những cơn say rượu. Họ nói rằng để chữa cơn nhức (bể) đầu sau một trận rượu túy lúy, say ngất ngư đất trời, uống trà Pu’er là hồi phục sức khỏe, tỉnh như sáo sậu và không nhức đầu nhức mình chi cả. Nghĩa là cứ uống rượu mềm môi, đã có trà Pu’er để chữa cháy!

Chẳng biết trà Pu’er có cái chi ở trỏng mà người ta quảng cáo chữa được hai thứ bệnh nhà giàu quan trọng, ăn nhiều chất béo và uống rượu lu bù. Thế là trà lên giá vù vù như hỏa tiễn, chẳng biết bài bản quảng cáo kia đúng hay sai! Chỉ thấy trên các tấm biển quảng cáo khắp nơi, trong những hàng quán sang trọng, hình ảnh những cô nương xinh đẹp mời trà quan viên, ai cũng hân hoan tươi rói. Người ta bán trà, bán cả cái giấc mơ khỏe mạnh và giàu có cho những người mơ mộng. Uống trà Pu’er là uống cả cái giấc mơ lộng lẫy kia, có cô nương xinh đẹp hầu trà bên cạnh, ta cũng là quan viên giàu sang phú quý…, in như những người trong mấy tấm quảng cáo! Người mua uống trà Pu’er cho thêm phần quý phái, như một cách khoe của, và luôn tiện đầu tư vào các công ty sản xuất trà để làm giàu!

alt

Vị trí Menghai trên bản đồ Trung quốc

Cái bong bóng này mỗi ngày một nở lớn. Từ năm 1999 đến năm 2007, giá trà Pu’er gia tăng gấp 10 lần, một cân Anh (pound) trà bán với giá 150 mỹ kim! Tất cả đều dựa trên căn bản… quảng cáo!

Cả ngàn đại lý, nông trại và những người đầu tiên dốc túi đầu tư vào kỹ nghệ chế trà Pu’er. Người ta nhất nhất tin rằng giá trà chỉ có mỗi một chiều là đi thẳng lên trời, mỗi ngày một cao. Tin tưởng đến nỗi họ nghĩ rằng dự trữ trà Pu’er còn “an toàn” hơn là để dành tiền! Giấc mộng làm giàu cứ như thế mà lớn, người nọ vỗ vai người kia mà chúc nhau buôn một bán mười.

Trà bán được giá nên họ tiếp tục đổ vốn liếng vào việc trồng tỉa với hy vọng những lá trà trở thành vàng lá, vàng ròng! Giấc mộng biến đồi trà thành mỏ vàng khiến người ta say sưa mê mệt mà quên bẵng đi rằng trà thì bao giờ cũng chỉ là trà mà chẳng bao giờ thành vàng bạc hay kim cương. Ngon đến đâu, đặc biệt đến đâu, trà cũng vẫn chỉ là trà mà không là một thứ gì khác. Say mộng, người ta quên một điều căn bản về trị giá thực của sản phẩm kia. Trà không phải là một thức uống xa lạ, mà chỉ là một trong trăm ngàn thứ thức uống, và cũng chỉ là một sản phẩm có mặt trên thị trường cả ngàn năm nay. Trà Pu’er hay bất cứ một loại trà nào cũng chỉ là…trà, hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn theo sở thích và túi tiền của người tiêu thụ. Trà chỉ có một giá trị nào đó, tương đương với món tiền mà người tiêu thụ bằng lòng trả để mua. Không có trà Pu’er người ta vẫn sống phây phây tự bao ngàn năm!

Những tay phân tích tài chánh cho rằng cái bong bóng trà Pu’er xuất hiện vào thời điểm tốt đẹp nhất của kinh tế Hoa Lục. Những người trung lưu bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu và địa ốc, dẫn đến việc thổi phồng trị giá của các sản phẩm kia, kể cả trà. Giá cả lên cao đến một mức độ nào đó thì tự nhiên cái bong bóng sẽ nổ. Hàng hóa xuất cảng cao giá không ai mua, kinh tế ngưng trệ vì hàng hóa không bán được và cả tỷ mỹ kim, các con số xuất hiện trên giấy, từ từ biến mất trong vòng 1 năm, năm 2008!

Mổ xẻ việc suy sụp của kỹ nghệ trà Pu’er, những tay phân tích tài chánh cho rằng chính phủ Hoa Lục đã quá nhẹ tay trong việc kiểm soát kỹ nghệ tài chánh, nhất là việc buôn bán cổ phần. Các tay đầu tư đang say giấc mộng kiếm tiền nên bỏ qua tất cả mọi dấu hiệu nguy hiểm như việc những tay buôn “làm giá”, bỏ vốn ra mua trà liền tay, trà trở nên hiếm, thế là người ta đổ xô nhau buôn bán trà. Như ngày xưa người Saigon nuôi chim cút rầm rộ vì lời đồn (bậy bạ) “trứng cút, thịt cút bổ tỳ bổ vị”. Mấy tay lái buôn bỏ tiền mua chim cút giá cao. Người nọ rỉ tai người kia, người ta mua chim cút để gây giống thế là giá bán lên ào ào. Khi giá trà Pu’er, như giá chim cút năm xưa, lên đến một mức khó tưởng thì các lái buôn tháo chạy sau khi bán hết kho trà dự trữ.

Cả vùng núi Pu’er, từ nông dân đến những nhà máy chế biến trà, đều nếm cái vị đắng chát của sự thua lỗ. Khoảng 3 ngàn nhà máy đã đóng cửa trong mấy tháng gần đây. Những đồi trà kia bây giờ đang được người ta trồng bắp ngô và lúa gạo để cứu đói. Làm ăn thất thoát, trà uống không đỡ đói nên người ta xoay ra trồng ngũ cốc căn bản. Những cửa hàng bán trà bây giờ vắng teo vắng ngắt, người ta ngồi nhìn nhau, uống… trà và lo âu về ngày mai. Họ sẽ làm gì với những tấn trà trong kho dự trữ?

Những người còn lại, cạn vốn cạn tiền, nhìn kho trà của mình mà khóc nức nở! Chim cút ta còn vặt lông nấu cháo ăn cho bớt sầu đời chứ cả kho trà thì uống bao giờ mới hết? Rượu uống càng lúc càng say, trà càng uống càng thức trắng để mà cay đắng?!

alt

TLL