Mùa hè nào mà không có BBQ, pháo bông, và … kem chống nắng! Gần đây, cơ quan FDA đã phổ biến những quy lệ mới vì thấy các nhà sản xuất thường “lập lờ” về phẩm chất của những sản phẩm họ đưa ra thị trường.

Xin lược kê các quy lệ mới như sau:
1. “Broad spectrum” mà không phải là “broad”
Có hai loại tia cực tím (Ultra Violet ray, viết tắt là UV – còn gọi là tia tử ngoại): UVA và UVB. Loại A là tác nhân gây ra những thay đổi vì tuổi tác trên làn da: nhăn nhúm và đổi màu. Loại B sinh ra bỏng rát, cháy nắng. Cả hai thứ tia này đều góp phần gây ra ung thư da. SPF (Sun Protection Factor) như chúng ta đã đề cập trong bài trước, chỉ có tác dụng che chở da đối với UVB. Nhưng một số sản phẩm lại “lập lờ” ghi nhãn “broad spectrum” có nghĩa như bao trùm rộng khắp, che chở đủ loại.
Quy lệ mới: Muốn để chữ “broad spectrum” lên nhãn thuốc chống nắng, sản phẩm phải ngăn được 90% tia cực tím loại A và có SPF tối thiểu là 15, có nghĩa là nó cũng ngăn chặn được cả tia loại B nữa.
2. SPF không đáng tin cậy nơi mỹ phẩm
Đừng tin những quảng cáo về SPF trên các sản phẩm làm đẹp, vì trước đây nhãn không cần phải theo đúng quy lệ của thuốc chống nắng.
Quy lệ mới: Từ nay trở đi, các sản phẩm dùng ngoài bãi biển và mỹ phẩm sẽ được coi như nhau xét về khả năng bảo vệ da chống nắng ghi trên nhãn. Có nghĩa là những chất làm ẩm da, hoặc lớp kem lót nền trên mặt phải hội đủ tiêu chuẩn như kem chống nắng, và phải có nhãn ghi dược liệu nếu nó bảo có SPF. Do đó sẽ thấy nhiều sản phẩm mất đi quảng cáo này vì không hội đủ tiêu chuẩn.
3. Dầu gội đầu và xà bông không phải là sản phẩm chống nắng
Trong quá khứ nhiều loại sản phẩm (kể cả thuốc gội đầu và phấn) đều tự cho là có yếu tố chống nắng, và có thể ghi trên nhãn số SPF nào đó.
Quy lệ mới: FDA đang xiết chặt luật lệ trên những loại sản phẩm tự quảng cáo là có tác dụng chống nắng. Các loại phấn, khăn lau, giấy lau, dầu gội đầu, xà bông tắm… nay không còn được xếp vào loại chống nắng nữa. Ngay cả những loại keo xịt cũng cần được thử nghiệm để xác định xem có phù hợp với tác dụng ghi trên nhãn hay không.
4. “Chống nước (waterproof) và chống mồ hôi (sweatproof)” là những chữ không chính xác
Những từ ngữ này từ lâu đã gây ngộ nhận về phương diện an toàn cho da. Dù với công thức nào đi nữa thì kem chống nắng cũng phải được thoa mỗi hai giờ một lần, hoặc là sau khi bơi lội, ra mồ hôi, hoặc dùng khăn lau mình.
Quy lệ mới: Luật mới về nhãn chỉ cho các công ty được quảng cáo một sản phẩm chống nắng là “water-resistant trong vòng 40 phút” hoặc “very water-resistant trong vòng 80 phút”.
Chúng ta dùng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím loại A và B như nói trên, nhưng cũng nên biết về một thứ tia khác, đó là tia hồng ngoại (infrared ray, gọi tắt là IF).
Nói giản dị, tia này sản sinh bởi mặt trời, các lò nướng, máy sấy tóc và bóng đèn… 54% năng lượng mặt trời đến tiếp xúc với da chúng ta là tia hồng ngoại. Tương tự như tia cực tím, tia này có ba loại: IFA, IFB và IFC. Tia IFA tuy không sinh nhiệt, nhưng thâm nhập da sâu hơn tia cực tím, và làm hại đến mitochondria (thể hạt sợi, tức là những nội bào tạo sinh năng lượng) và các phần khác của tế bào da. Nó còn làm tăng việc sản xuất ra sắc tố bên trong da. Những nghiên cứu mới đây cho thấy IFA còn làm sưng cũng như tạo ra các dấu hiệu của tuổi già như các vết nhăn.
Các sản phẩm chống nắng thông thường không che chở được da khỏi bị tác hại của tia hồng ngoại. Chỉ có một loại đã được thử nghiệm và thấy có hiệu quả là SkinCeuticals C E Ferulic, nhưng giá còn khá cao.