Chúng tôi nghe nói các nhà khoa học đã tìm được một cây thông có tên Methuselah thuộc vùng núi White Mountains có tuổi thọ gần năm ngàn năm tuổi mà nay vẫn còn sống…

Cây thông có tên Methuselah có tuổi khoảng 4.841năm – Ảnh Cesar Fernandez
Thưa bạn,
Điều đó rất mừng cho một đời cây giữa vùng núi khô cằn ít nước ấy, nhưng nơi đây, nơi khu rừng nguyên sinh mà chúng tôi đang sống, thiệt tình mà nói, chúng tôi thấy tuổi già cỡ trăm năm là đã thấy mình già dữ lắm rồi. So với các bậc tiền bối ấy, có lẽ ít ai trong chúng tôi dám khoe mình là có thể sống tới ngàn năm… Bởi trong lớp cây già nơi đây nhiều đứa trong chúng tôi cũng gặp nhiều gian truân của thời kỳ trái đất dường như mỗi lúc một nóng bức nhiều hơn, trong lòng đất những mạch nước ngầm cũng cạn kiệt lắm rồi nên cây chết giữa rừng mà bạn thấy hình bên cạnh, cây đâu đã già lão gì cho lắm!
Bạn ơi, bạn có biết nơi đây có một loại cây vừa là cây mọc vừa là dây leo, mà các nhà thực vật học gọi các bạn ấy là Dalbergia Cadenatensis (dây cẩm lai một hột), hoặc có loại cũng được gọi là Dalbergia Multiflora (dây cẩm lai nhiều hoa) (3), nhưng hôm nay sao chúng tôi thấy các loại dây này được ông già nhà quê gọi chúng là dây cổ rùa và ông còn kể với những người cùng đi với ông là loại dây leo này dân quê thường dùng làm vành lọp, vành thúng, vành rổ thông dụng trong nhà vào những năm mới khai hoang đất lâm làm ruộng nơi vùng Tây Nam nước Việt. Chúng tôi thấy các bạn ấy dù nay đã khá già, thân dây như cằn cỗi qua biết bao năm tháng nắng mưa giữa trời mà chừng như vui lên và đang mỉm miệng cười với cụ già nhà quê từ phương nào mới tới khu rừng này. Niềm vui của các bạn dây leo già ấy có lẽ nhờ có người gọi đúng tên của chúng. Chúng tôi cũng cảm thấy vui vui khi các bạn ấy vui vì từ bấy lâu nay các bạn ấy dường như giấu kín một nỗi buồn là không ai gọi trúng tên mình trên mặt đất này như tự thân mình có cái tên quê mùa ấy!
Điều đó cho chúng tôi hiểu rõ việc gọi trúng tên một vật là điều tối quan trọng. Nếu không phải thế thì làm sao có một vị Thiền sư làm bài thơ “Please Call Me By My True Names” (4)
Thưa bạn, đó là nói về cách gọi tên dù là bình thường như việc xảy ra mỗi ngày như mọi ngày nhưng gọi tên trúng thì bao giờ cũng hợp với lẽ tự nhiên của trời đất hơn. Phải thế không bạn?

Cây non chết giữa rừng
Dây cổ rùa già khắng khít với cây cổ thụ qua biết bao mùa nắng mưa giông bão
Cước chú:
1/ “Một quan niệm về sống đẹp” của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê dịch, Sài Gòn 1964, trang 236.
2/ Theo VnExpress và Khoahoc.com.vn.
3/ “Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Bộ Giáo Dục-Trung Tâm Học Liệu xuất bản, Sài Gòn, năm 1970, trang 852.
4/ Bài thơ “Please Call Me By My True Names” trong cuốn Being Peace của Thiền sư Thích Nhất Hạnh do Parallax Press xuất bản, Berkeley, California (Hoa Kỳ), năm 1987, trang 63.