Bàn cờ chánh trị kinh doanh có thể nói được sắp xếp lại từ các cuộc tiếp xúc nửa công khai nửa bí mật giữa Hoa Kỳ với Trung cộng dạo đầu thập niên 1970. Lúc đó, TT Nixon và Ngoại Trưởng Kissinger xoè lá bài kinh tế để chiêu dụ Trung cộng làm đồng minh giả hiệu của người Mỹ, chống lại Nga Sô. Chính những cử chỉ này là nguồn cơn chiến lược cải cách kinh tế và các chương trình “hiện đại hoá” quy mô của Đặng Tiểu Bình đầu thập niên 1980.

Để từ đó, người ta mới thấy hàng hoá nhãn hiệu “Made in China” được đưa đi khắp thế giới. Vào năm 1986, tổng doanh số xuất cảng của Trung cộng sang Mỹ mới chỉ đạt $4.7 tỉ. Hai mươi năm sau, Hoa Kỳ nhập cảng $288 tỉ giá trị hàng hoá Trung cộng — hơn quá nửa con số năm 2002, và gấp 10 lần phúc trình năm 1992. Trong số hàng hoá nhập cảng, quần áo chiếm $25.6 tỉ; đồ chơi, $22.2 tỉ; TV và các máy móc liên hệ, $14.5 tỉ; bàn ghế tủ giường, $13.2 tỉ…
Nhờ Hoa Kỳ đưa lối dẫn đường, Trung cộng trở thành một loại thầu khoán hợp đồng cho người Mỹ và thế giới Tây Phương. Chẳng mấy chốc, Trung cộng trở nên… nhà máy sản xuất của thế giới. Cũng từ đó, nền kỹ thuật kém cỏi của Trung cộng bị lộ diện: họ đơn giản không đủ máy móc lẫn nhân lực có tay nghề. Qua sàng lọc của thời gian, các hãng xưởng, công ty Trung cộng bèn chọn con đường mở cơ sở lắp ráp/sản xuất những món hàng đơn giản, kỹ thuật thấp. Chẳng hạn như kỹ nghệ làm đồ chơi và cây Noel vào mùa Giáng Sinh mỗi năm.
Song các cơ sở sản xuất của Trung cộng vẫn không tránh được tai tiếng vì quá nhiều rắc rối: thiếu vệ sinh; các tài liệu cẩm nang sai be bét; nhân công cẩu thả hoặc tay nghề kém, lắp ráp các bộ phận sai; nhiều mẫu búp bê, đồ chơi trẻ em bị nhiễm độc tố chì; hoá chất độc hại cũng tìm được đường chui vô kem đánh răng, hải sản, các loại gia vị; vỏ xe hơi thì thiếu an toàn, v.v…
Qua nhiều năm làm ăn với nhà thầu Trung cộng, có một diễn đàn dành cho giới doanh gia, đầu tư thảo luận đã đưa ra vài vấn nạn chánh: (1) Nhà sản xuất Trung cộng đơn giản không đủ sức sản xuất, sản phẩm xuất xưởng không đạt phẩm chất theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Tây Phương; (2) khi ký hợp đồng, thường có sự hiểu lầm, xác định món hàng không rõ ràng, gây ngộ nhận; (3) việc thiếu theo dõi, cắt đặt quan sát viên, từ cả 2 phía Mỹ lẫn Tàu, đã để lọt các loại hàng hoá kém phẩm chất ra thị trường.
Sau một thời gian Trung cộng mở cửa “hiện đại hoá”, người ta tá hoả khi nhận ra họ còn có một số thói quen… khó ưa khác. Nạn làm giả lan tràn khiến hàng hoá “Made in China” càng thêm tai tiếng. Hầu như bất cứ món hàng gì, nếu có thể bán lời thủ lợi, Trung cộng đều bắt chước làm nhái: từ hàng điện tử kỹ thuật cao đến rượu nho; từ các tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng đến nghêu sò ốc hến; từ dược phẩm đến dầu ăn, từ vé đi xe lửa giả đến bằng lái xe giả. Nếu có một thị trường tiêu thụ, dù chánh đáng hay không, người Tàu sẵn lòng làm giả…
Có những thời điểm, có thể nói Trung cộng đã là một mô hình kinh tế thành công. Nước này trở nên thế lực sản xuất mạnh nhất thế giới, nơi cho ra lò từng chiếc TV, điện thoại smartphones, v.v…
Khởi điểm nhiều hứa hẹn ban đầu có nguồn cơn từ lượng nhân công rẻ tiền, giúp chi phí sản xuất giảm. Một góc nhìn khác, khi Trung cộng gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới “WTO”, nhà đương cuộc Bắc Kinh phải sửa đổi nhiều luật lệ cho phù hợp với “kinh tế thị trường”. Nhờ các quy định mới này, vai trò nhà nước pháp quyền dần dần được nâng cao, giảm dần ảnh hưởng của đảng cộng sản Tàu.
Tuy nhiên, đến nay, khoảng 1/4 thế kỷ từ sau cải cách, nền kinh tế Trung cộng vẫn còn tập trung xuất cảng các món hàng thô sơ. Bắc Kinh đầu tư không ít tiền của, nhân lực để phát triển các ngành kỹ nghệ như đóng xe hơi, phi cơ… nhưng chưa cho kết quả khả quan. Sản phẩm xe hơi Trung cộng đến nay chỉ được tiêu thụ chánh yếu ở các thị trường nhỏ, ít cạnh tranh như Trung Cận Đông, hay Phi Châu. Ngày nay, trong số 10 công ty lớn nhất thế giới, có đến 5 là tên tuổi Mỹ, còn Trung cộng chưa có tên tuổi nào sáng giá.
Khi Trung cộng mở cửa thị trường lao động, các công ty Mỹ vào đầu tư, đưa nhiều dây chuyền sản xuất sang Hoa Lục. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngày càng nhiều công ty rút ra. Lý do: phẩm chất công việc kém; chi phí chuyên chở cao, thường bị đình hoãn vận chuyển bằng tàu; các vấn đề trao đổi, bất đồng ngôn ngữ. Nói cách chung là chi phí lên cao.

Trung cộng, có thể nói, đang trải qua một gia đoạn khó khăn với nhiều hãng xưởng, công ty lớn lần lượt đội nón ra đi.
Dĩ nhiên, người ta không thể bỏ quên thị trường khổng lồ với 1.3 tỉ người tiêu thụ một cách mau chóng. Nhiều công ty không đi đâu xa, quyết định dời nhà sang các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Nhiều cơ sở quay về Mỹ luôn. Trong hoàn cảnh hiện nay, sản xuất ở Mỹ có thể tốn thêm 30%, nhưng đây là chi phí có thể chấp nhận được. Thí dụ, một cuốn sách in bìa cứng, dày 334-trang, đóng ở Trung cộng tốn 44 đến 45 cent, thêm 3 cent cước vận chuyển. Cũng cuốn sách đó in ở Mỹ tốn 65 đến 68 cent. Nhà sản xuất lại có thêm hậu thuẫn từ giới tiêu thụ, chuộng mua hàng hoá gắn nhãn ‘Made in the U.S.A.’ Hãng GE và Caterpillar (CAT) là 2 trong những tên tuổi lớn, đã biết tận dụng các khoản ưu đãi liên bang để dọn nhà về lại Hoa Kỳ.

Được hỏi yếu tố quan trọng nhất để quay về Mỹ, các câu trả lời là: chi phí lương bổng (57%); phẩm chất sản phẩm (41%); điều kiện làm việc dễ dàng (29%); gần gũi khách hàng (28%).
Vì hàng hoá “Made in China” nhan nhãn khắp nơi, có ngộ nhận phổ biến rằng người Mỹ tiêu thụ hàng hoá Tàu quá nhiều. Thực sự, hàng hoá dịch vụ Trung cộng chỉ chiếm 2.7% tổng doanh số. Đúng là Trung cộng bá chủ thị trường đồ chơi trẻ em, quần áo,… dễ bắt gặp trong các tiệm lớn như Wal-Mart, Target, Toys-R-Us… Tuy nhiên, nền kinh tế Hoa Kỳ đạt đến $14,500 tỉ, so với doanh số Wal-Mart là $260 triệu. Đa phần những món chúng ta tiêu xài lại không thấy bày bán ở Walmart. Người Mỹ chi phí tiền nhà, tiền năng lượng, thực phẩm, và dịch vụ (bao gồm sức khoẻ, tài chánh, giáo dục…) Thống kê năm 2010, trung bình người Mỹ chi 34% thu nhập cho nhà cửa, 13% cho thực phẩm, 11% mua bảo hiểm và quyền lợi hưu bổng, 7% chăm sóc y tế, 2% giáo dục. Tất cả các sản phẩm và dịch vụ này đều “Made in USA”. Lập luận cho rằng người Mỹ sẽ… chết khi không còn hàng hoá “Made in China”, xem ra, không thuyết phục lắm.
