Menu Close

Ám ảnh

Con Barbie khoan thai đi tới bên tôi, đôi mắt xanh long lanh ma quái chớp chớp, cái miệng nhỏ xíu đỏ chót mấp máy như  sắp nói điều gì, tôi càng lùi, nó càng tiến và cao lên từ từ… Tôi thét lên… giật mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm, căn phòng ngủ ngột ngạt. Tôi ngồi dậy, bật đèn, cũng là lúc mẹ tôi chạy vào phòng tôi lo âu: “Chuyện gì vậy con?”. Tôi chưa kịp trả lời, chợt thấy con búp bê Barbie trên bàn học đang nhìn tôi, tôi chạy ra khỏi phòng, kể nhanh giấc mơ kinh dị và năn nỉ mẹ tôi đem ngay con búp bê đi nơi khác.
Mẹ tôi chắc lưỡi, cầm con Barbie ra phòng ngoài và bảo có thể tôi học thi căng thẳng quá, nên có ác mộng. Tôi chợt rùng mình sợ hãi, khi thoáng thấy con búp bê với chiếc áo đầm màu xanh dài tới gót, mái tóc vàng óng thắt bím hai bên, nằm dốc ngược trong tay mẹ tôi.

Barbie ở với tôi từ thời niên thiếu. Năm tôi học lớp Tư bậc tiểu học, bố tôi đi Mỹ tu nghiệp. Khi về nước, ông mua cho tôi và các chị con của hai bác tôi, mỗi đứa một con búp bê Barbie. Tôi yêu nó đến độ suốt ngày ôm ấp, chải tóc cho nó. Tôi xin vải vụn của bà thợ may bên cạnh nhà, lui cui cắt và khâu những chiếc áo đầm đủ màu cho nó.
Khi cả gia đình theo bố tôi dọn ra miền Trung, tôi không nhớ tôi có phải đeo túi xách nào không, nhưng tôi nhớ rõ, tôi ôm gọn con Barbie trong tay, và đặt nó ngủ bên cạnh tôi trên chiếc giường trong toa xe lửa. 
Lên trung học, tuy có nhiều bạn mới, và các môn học khó khăn hơn, nhưng  việc may áo cho con Barbie vẫn là một đam mê đặc biệt. Tôi đã miệt mài với chiếc máy may Singer của mẹ tôi, để may những chiếc áo đầm phức tạp rườm rà cho Barbie. Mỗi ngày sau khi đi học về, tôi phải may áo mới cho nó. Đôi lúc tôi và nó mặc cùng màu áo, hoặc có cùng màu dây cột tóc.
alt
Bảo Huân
Cuộc sống thần tiên như thế kéo dài đến đúng kỳ thi Tú Tài phần I. Qua giấc mơ khủng khiếp, Barbie ra khỏi đời tôi, và tôi bắt đầu sợ búp bê từ đó. Con Barbie không còn trên bàn học, và không còn ở nhà, vì mẹ tôi đã vất nó ở đâu tôi không biết, nhưng tôi luôn có cảm giác nó ở đâu đó và đang theo dõi tôi. Nỗi sợ này đã chiếm hết tâm hồn tôi, đến nỗi tôi phải xin đổi phòng với cậu em. Thế nhưng, mỗi lần đi ngang căn phòng cũ, tôi cứ có cảm tưởng con Barbie đang giam mình trong đó. Tôi đã xa lánh nó, tôi đã vô cùng sợ nó, nhưng hình như nó cố bám víu cái không gian xưa cũ đã có với tôi. Điều này đã ám ảnh tôi suốt năm đệ nhất.
Sau khi đậu Tú Tài II, tôi vào đại học, sống xa nhà. Cuộc sống bận rộn với giảng đường, bạn bè, và tình yêu, đã khiến tôi quên dần chuyện con Barbie, và nỗi sợ búp bê cũng từ từ chìm sâu trong tâm thức. Hình như suốt những năm học đại học, tôi không có dịp  gặp bất cứ con búp bê nào, nên đã có lúc tôi quên là mình từng có nỗi sợ búp bê sâu kín. 
Năm 1982, vợ chồng chúng tôi và hai con cùng cô em thứ ba của tôi đi vượt biên. Chuyến đi nhiều sóng gió nhưng chúng tôi may mắn đến được trại tỵ nạn Mã Lai. Vì có hai con nhỏ, nên tôi và một số phụ nữ cùng hoàn cảnh luôn được ưu đãi: có thêm sữa hộp, quần áo, đồ chơi cho con từ các vị trong Cao Ủy Tỵ Nạn. Một hôm mở gói quà từ bà Cao Ủy Canada, tôi hét lên và ngất xỉu vì trong gói quà đó có hai con Barbie. Sau khi được cứu tỉnh, tôi không dám hé răng vụ tôi sợ búp bê, mọi người nghĩ chắc tôi bị trúng gió. Chỉ có cô em của tôi biết chuyện tôi sợ búp bê, nên đã kín đáo đem hai con búp bê ấy cho người khác. 
Khi chúng tôi được đi định cư và hai con gái tôi bắt đầu tuổi lớn, thích chơi búp bê, thì nỗi sợ ấy đã trở lại tươi rói và thách thức tôi. Các con tôi không có con Barbie gầy khẳng khiu, với mái tóc vàng óng như các bạn cùng tuổi. Một lần được đi shop Target, hai chị em đã chạy nhanh đến quầy chưng bày búp bê, hằng hà sa số búp bê Barbie. Tôi đành đứng thật xa trông chừng hai con, trong tôi bỗng dâng lên một nỗi sợ khó tả. Tuy không nhìn, nhưng tôi biết những con búp bê được xếp đứng san sát bên nhau, chúng chỉ chờ được lôi ra, và được bồng ẵm nâng niu trên những đôi tay thiên thần bé nhỏ. Bỗng hai con tôi hí hửng mỗi đứa ôm một con chạy về phía tôi, tôi hoảng hốt chạy, tôi nghe tiếng hai con tôi òa khóc chạy theo phía sau. Những người trong shop không hiểu gì, họ chạy theo chận tôi lại, tim tôi muốn rớt ra ngoài, các con tôi đã trờ tới, trên tay vẫn ôm chặt hai con Barbie, tôi nép vào sau lưng người phụ nữ bán hàng, hổn hển chỉ về phía hai con tôi: “Barbie, barbie, I am very scared”. Không ai hiểu tôi muốn nói gì, hai con tôi đã chạy đến, chúng ôm chân tôi, hai con búp bê được ấn sát vào người tôi, tôi hét lên, hất hai con ra và vùng chạy. Mọi người chạy theo giữ tôi lại, tim tôi đập thình thịch, tôi mơ hồ thấy hai con búp bê đang lừng lững khiêu khích đi về phía tôi, tôi không còn biết gì nữa.
Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường trong căn phòng nhỏ, chung quanh là hai người phụ nữ bán hàng của Target và hai con của tôi. Chúng không còn cầm  búp bê nữa. Tôi ngồi vụt dậy, ôm chặt hai con và lí nhí cảm ơn hai người phụ nữ tốt bụng. Họ hỏi tôi chuyện gì xảy ra, tôi mơ hồ nghe mình kể lại giấc mơ năm xưa và thoáng thấy đôi mắt họ mở to kinh ngạc. 
Từ đó, hai con tôi không bao giờ dám nhắc đến búp bê. Những lần đi shop, chúng xin đến dãy bán búp bê để xem và không bao giờ đòi mua. Tôi tạm yên tâm vì biết các con đã hiểu được nỗi sợ của tôi. Nhưng nhìn khuôn mặt ỉu xìu buồn thiu của hai con khi rời khỏi dãy búp bê, tôi cảm thấy áy náy, có lỗi với con. Tôi đền bù cho con những đồ chơi khác. Tôi mua đủ loại Leggos xếp hình, bút màu giấy vẽ, nhưng không thể nào lấp đầy lòng nhân ái của trẻ thơ muốn bồng ẵm nâng niu em bé mà con búp bê là biểu tượng.
Khi con gái nhỏ của tôi được sáu tuổi, một trong những gói quà sinh nhật của nó là con Barbie. Tôi biết bố nó mua cho nó. Tôi đã nhận gói quà từ bưu điện. Tôi không bao giờ quên ánh mắt vừa vui mừng, vừa sợ hãi vừa thương cảm của con dành cho tôi khi nó mở gói quà. Con bé đột nhiên đứng dậy ôm tôi, hôn lên má tôi, kéo tôi ra ngoài vườn và dặn: “Mẹ đứng ở đây, con cất Barbie đi chỗ khác rồi mẹ vào nghe.” Tôi gật đầu, tim tôi đập liên hồi, mồ hôi rịn ra ở lòng bàn tay. Một lát sau, con gái lớn của tôi ra vườn kéo tôi vào, vừa đi vừa nói: “Mẹ, mẹ đừng sợ, chỉ là con búp bê bằng nhựa thôi mà. Con và em Bê sẽ giấu nó dưới gầm giường, mẹ sẽ không thấy nó, mẹ đừng sợ nghe”. 
Sau đó, tôi không dám vào phòng hai con, mọi dọn dẹp trong phòng, hai chị em phải quán xuyến. Tôi chỉ dám đứng ngoài cửa, nhưng tôi luôn bị ám ảnh sẽ có ngày con Barbie bước ra khỏi phòng. Thương con, tôi cố chịu đựng nỗi sợ, nó gặm nhấm tâm hồn, khiến tôi mòn mỏi, như mất hết sinh lực. Tôi cứ nghĩ con Barbie năm xưa đã trở về, nó muốn quấn lấy tôi, nó muốn được tôi cưng chiều. Càng nghĩ, tôi càng khó thở và nỗi sợ tăng dần đến một ngày, tôi thấy con Barbie trong đống drap giường các con tôi bỏ ra giặt. Tôi run rẩy chạy sang bà hàng xóm, nhờ bà đem nó ra khỏi đống quần áo và cất nó bên bà, chờ các con tôi đi học về. 
Chiều hôm ấy, tôi kể cho hai con nghe về sự ràng buộc giữa tôi với con Barbie từ thời thơ ấu, và giấc mơ liên quan đến nó. Tôi nói với hai con sự khiếm khuyết của tôi đối với hai con, bởi sự sợ hãi của mình. Tôi hứa với các con rằng tôi sẽ vượt qua sự sợ hãi đó. Bằng tình yêu con vô vàn, tôi tin tôi sẽ vượt qua. 
Nhưng các con tôi quyết định đem con Barbie cho hội từ thiện. Nhìn các con thu xếp cho con Barbie rời nhà, tôi thấy mình nhỏ bé, ích kỷ so với sự trưởng thành và lòng nhân ái của các con. Các con tôi lớn nhanh, những mặc cảm không tên tiếp tục chồng chất trong tôi, tôi luôn cố tìm cách bù đắp khoảng trống không được chơi búp bê của chúng. 
Một thời gian sau, vào một buổi chiều đi làm về sớm, tôi muốn ghé shop mua quà cho các con. Vừa bước vào tiệm bán đồ chơi trẻ em, những con búp bê bằng vải, khuôn mặt tròn vo, đôi mắt thơ ngây, cái mũi xẹp, cái miệng mím hoặc chúm chím, tóc bằng những sợi len nâu, len đen, len vàng, chen chúc nhau ngay trên kệ phía ngoài. Hàng chữ “Cabbage patch kids” treo ngang tầm mắt. Có muốn tránh cũng không tránh được nữa, Tôi cố kềm giữ sự sợ hãi. Tôi tự nhủ, đây là những con búp bê bằng vải, bằng len, không như con Barbie giống người thật, nhưng lại có kích thước bất thường ma quái! Tôi bước ra khỏi tiệm, tìm ghế ngồi và cố trấn tĩnh. Các con tôi sẽ mừng lắm nếu chúng có con búp bê này. Tôi trở lại tiệm bán đồ chơi, lén nhìn từng con búp bê và hướng ý nghĩ về đường kim mũi chỉ xem họ may như thế nào, len làm tóc loại gì, màu gì, để tỉnh táo trấn áp cơn sợ hãi. 
Tôi sờ tay, sờ chân và vuốt cái má phính có lúm đồng tiền của một con búp bê Cabbage mặc chiếc váy đầm màu dưa cải, có hai bím tóc bằng len đen tuyền. Chất mềm mại của len khiến tôi cảm thấy gần gũi. Tôi thử cầm con búp bê ra khỏi kệ tủ, tôi hơi có cảm giác sợ sợ. Tôi cố nghĩ nó chỉ là con thú nhồi bông, tôi ngắm nghía và thử ôm nó. Thốt nhiên tôi rùng mình, hoảng hồn đưa con búp bê cho người bán hàng. Bà bán hàng có lẽ để ý đến tôi từ nãy nên hỏi: “Bà lấy con này hả?” Tôi chưa kịp trả lời, bà ta nói thêm: “Đây là con Brunette, nó còn có thằng em trai là Bratz mặc quần yếm màu đỏ, đội cái mũ lưỡi trai màu xanh ở trên kệ, phía bên trái kia. Bà nên “nhận nuôi” cả hai chị em, chúng nó có giấy khai sinh đàng hoàng”. Theo ngón tay chỉ của bà bán hàng tôi bắt gặp Bratz, khuôn mặt linh hoạt phá phách dưới cái mũ lưỡi trai đội ngược. 
Tôi phân vân không biết tính thế nào. Tôi muốn các con tôi được chơi búp bê như mọi đứa trẻ gái bình thường khác. Tôi không sợ Cabbage patch kids như sợ con Barbie, tuy tôi vẫn còn nhờn nhợn khi cầm chúng. Bà bán hàng lại hỏi tôi có mua không? Tôi bối rối nhìn bà gật đầu, tôi mua cả hai. Bà bán hàng cho hai con búp bê vào hộp, cùng hai giấy khai sinh, và bỏ vào hai cái túi có in hình của chúng. 
Chuyến xe lửa cuối ngày dường như mệt mỏi, uể oải lăn bánh rin rít trên đường sắt. Xe thưa khách, nên tôi để hai túi đựng hai con búp bê trên ghế bên cạnh. Đột nhiên tôi thấy hình như  hai con búp bê Cabbage Patch kits nhúc nhích. Tim tôi đập nhanh, tôi lại như rơi vào trạng thái sợ hãi. Tôi cố trấn tĩnh, không có gì sợ cả, chúng như những con thú nhồi bông, chúng sẽ là niềm vui bất ngờ và đặc biệt cho các con tôi. 
Xe lửa ngừng ở trạm gần nhà, tôi bước xuống, luống cuống lọng cọng với hai túi đựng hai con búp bê. Các con tôi đang ngóng tôi ở sân ga. Vừa thấy tôi xách hai cái túi có hình búp bê Cabbage Patch kits, hai chị em nhìn sững tôi. Sau một lúc kinh ngạc, mỗi đứa dành một túi, rồi ôm lấy tôi. Tôi nghe tiếng thổn thức của hai con: “Ôi, Mẹ”. Tôi đi giữa hai con và chơi vơi hạnh phúc. 
PDH – 6/12