Rất nhiều gia đình Việt ở Mỹ – cho dù tài chánh có khiêm tốn đi nữa – cũng tranh thủ cho con mình học thêm một bộ môn nhiệm ý nào đó ngoài giờ học. Phổ biến nhất vẫn là học nhạc.
Tuy việc một số em không thích học mà vẫn bị cha mẹ ‘ép’ học đàn học nhạc không phải là hiếm, nhưng âm nhạc vẫn luôn là một thế giới nhiệm mầu của nhân loại. Có thể các em ‘phản đối’ cha mẹ khi cho các em học nhạc lúc nhỏ, nhưng lớn lên lại mang ơn cha mẹ đã đầu tư cho mình. Tương tự, lúc nhỏ, nhiều em đi học Việt ngữ cuối tuần cũng ‘biểu tình’ và ‘chống đối’ cha mẹ kịch liệt. Lớn lên, các em ý thức được nguồn cội văn hóa và nhu cầu phát triển cá nhân, đã tự động ghi danh học các lớp tiếng Việt tại trường khi vào đại học. Học nhạc, đối với những ‘học viên bất đắc dĩ,’ có lẽ cũng vậy. Có nhiều em lúc nhỏ ghét nhạc, nhưng nhờ cha mẹ khéo léo hướng dẫn – vừa mềm mỏng nhưng cương quyết trong việc học của con – các em sau này đã yêu thích môn nghệ thuật này, và còn đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp.
Việc đọc sách cũng vậy. Những lần cha mẹ đưa con đi thư viện chơi, dự những chương trình đọc truyện, lập một tủ sách nhỏ cho con ở nhà – đều là những viên gạch, xây nên ngôi nhà tri thức cho con sau này. Phụ huynh nào có con đang cắp sách đến trường ắt cũng biết, môn Anh ngữ đóng vai trò quan trọng ở mọi cấp lớp, và nhất là khi thi SAT. Có lẽ ban đầu, nhiều em không ‘hào hứng’ với việc đọc sách, nhưng một khi các em cảm thấy thích thú với sinh hoạt này, việc đọc sách thường xuyên sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc học của các em.
(Ghi chú: Phỏng vấn bà Dorothy Rose và tham khảo tài liệu gốc trong tiếng Anh, tác giả chuyển ngữ.)
Các nhà giáo dục vẫn nhấn mạnh vai trò quan trọng của âm nhạc trong việc phát triển khả năng mọi mặt của trẻ em và sinh viên, học sinh. Các em nào được học một nhạc cụ trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng ít nhất là năm bảy năm, thì phát triển khả năng toán và ngôn ngữ cao hơn hẳn những em không được học. Những tổ chức vô vụ lợi như Dàn Nhạc Giao Hưởng Quận Cam (DNGHQC) đóng một vai trò cần thiết và quan trọng trong việc tạo môi trường cho học sinh – nhất là các học sinh không có điều kiện tài chánh – được thưởng thức, học hỏi, và trau dồi khả năng âm nhạc.

Sứ mạng của DNGHQC tài trợ và thực hiện các chương trình âm nhạc nhằm nâng cao văn hóa cộng đồng và mở rộng sinh hoạt âm nhạc cho trẻ em và phụ huynh, nhất là những ai không có điều kiện dự những buổi hòa nhạc cổ điển. DNGHQC đã tổ chức hàng ngàn buổi nhạc sống tại các công viên và nhiều cơ sở khác tại Quận Cam.
Từ năm 2005, DNGHQC đã thực hiện chín mùa nhạc cho cư dân của thành phố Anaheim và Bắc Quận Cam. Dàn nhạc hoàn chỉnh gồm có 125 nhạc công, đa số đều có bằng chuyên môn về nhạc ở bậc đại học hoặc hậu đại học. Với khả năng trình diễn xuất sắc và bề dày kinh nghiệm, DNGHQC đã được mời diễn tại Carnegie Hall ở New York City – ‘thiên đường’ của những nhạc thủ chuyên nghiệp. Nơi diễn thường xuyên của DNGHQC là Servite Theater Auditorium, với sức chứa 980. Một phần mười số ghế trong mỗi chương trình đều được dành miễn phí cho trẻ em và gia đình, các vị cao niên, và các cựu quân nhân khiếm thị.
Đầu tháng Sáu, 2012 vừa qua, DNGHQC đã thực hiện một chương trình hòa nhạc mệnh danh “The Mayor’s Concert.” Nhạc trưởng, Tiến sĩ David Rentz tuổi trẻ tài cao, điều khiển dàn nhạc. Đặc biệt, tại buổi hòa nhạc này, có bốn vị khách mời đặc biệt. Họ là bốn cựu quân nhân đã mất nhãn quan trong khi tác chiến. Với Ngày lễ tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong mới diễn ra cách đây không lâu vào cuối tháng Năm, rất nhiều khán giả đã đến chào hỏi và cảm ơn các cựu quân nhân đã phục vụ cho Tổ quốc.

Nhìn qua tờ chương trình, tôi nhận ra ngay sự hiện diện và đóng góp quan trọng của nhạc công và nhạc sĩ gốc Á trong buổi trình diễn hôm đó. Tay cello trứ danh gốc Nam Hàn, cô Esther Chu, trình diễn phần solo. Concert master là ông Seungjai Chung, cũng như một số các vĩ cầm thủ hay các tay cello khác cũng là người gốc Á.
Hơn nữa, một phần rất quan trọng trong chương trình, là việc DNGHQC vinh danh tay sáo chính, cô Alice Park. Thị trưởng Anaheim, ông Tom Tait, và Dân biểu Loretta Sanchez cũng cấp bằng tưởng lục cho cô. Bà Dorothy Rose, Tổng Giám Đốc của DNGHQC, đã trân trọng mời Alice Park lên phía trước sân khấu để tuyên dương cô. Bà nói, “Alice Park rất xứng đáng được vinh danh vì tất cả sự hy sinh phục vụ tận tụy của cô cho DNGHQC trong suốt 5 năm qua.”
Cô Alice Park sẽ rời Quận Cam để phục vụ trong Ban Nhạc Quân Đội số 62 tại Arizona. Cô học dương cầm từ khi lên sáu, và bắt đầu chơi sáo lúc mười tuổi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân về kinh doanh tại Đại học Massachusetts tại Amherst, cô hoàn tất cử nhân thứ hai về nhạc tại Đại học Maryland ở College Park, cao học về trình diễn sáo tại Đại học Iowa với học bổng toàn phần, và chứng chỉ chuyên nghiệp tại Trường Hartt ở Connecticut, nơi cô nhận được học bổng năng khiếu. Cô đã theo học với nhiều nhạc sư danh tiếng như Christina Smith, Carl Hall, John Wion, Tadeu Coelho, và William Montgomery. Từ 2002 đến 2007, cô là cây sáo chính cho The Ludwig Symphony Orchestra cũng như The New Atlanta Philharmonic, và cũng diễn solo năm 2004, 2005 và 2006. Cô cũng được chọn diễn sáo solo cho The 2005 Midwest Tour of the Army Ground Forces Band, khi cô phục vụ trong quân đội từ năm 2001 đến 2006.
Thành tích trình diễn và phục vụ của cô Alice Park còn rất dài, nhưng tôi chỉ muốn lược trích những điều trên, để giúp độc giả và phụ huynh người Việt có thêm một gương thành công sống động và thực tế để hướng dẫn con cái. Những em có tâm hồn âm nhạc và tâm huyết phục vụ quốc gia có thể chọn con đường như cô Alice Park – một con đường thật mỹ mãn và hữu ích.

Khi tôi lớn lên ở Việt Nam sau 1975, âm nhạc bị cấm ngặt. Nhiều phụ huynh yêu nhạc và hiểu giá trị của âm nhạc đã phải lén lút, mời thầy dạy kèm cho con mình tại nhà, can đảm đối diện với cái khả năng bị công an phát hiện và bắt bớ.
Nhưng âm nhạc thì bất tử, cho dù khi nó đã bị chôn sống hàng trăm năm hay hàng chục năm. Tại Lithuania, một nước Đông Âu trong vùng biển Baltic, ngay sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Liên Xô ngày 11 tháng Ba, năm 1990, dòng dân nhạc đã được phục hoạt và bừng lên rộn rã. Tháng Năm, năm 2005, trong thời gian nhận học bổng Fulbright toàn phần để nghiên cứu về người Việt tại Bắc Âu, tôi được mời đến thuyết trình tại Đại học Klaipeda, thuộc một thành phố cảng quan trọng nhất cho việc di chuyển của nước này – và cũng là cảng cực Bắc không đóng băng của biển Baltic. Ban tổ chức đã chu đáo chuẩn bị một chương trình dân nhạc độc đáo để giới thiệu đến những vị khách phương xa. Mỗi nốt nhạc ánh lên niềm tự hào của một dân tộc được tự do, yêu văn hóa mình, và rất hiếu khách. Niềm tự hào đó nhắc tôi về nhu cầu còn rất lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 21: phục hoạt nền dân nhạc, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc cho dù đất nước vẫn còn đang chưa được tự do.
Tôi cảm nhận được rằng, người Việt là một dân tộc yêu nhạc. Từ những bài ca dân dã nhưng đặc sắc ở gốc đa sân đình, cho đến những khúc dân ca mượt mà tình tứ ở hội làng, dân nhạc Việt Nam vẫn giữ lại cái hồn quê trong đời sống người Việt, dù ở bất cứ nơi nào. Nhưng hôm nay, ở thế kỷ 21 của kỹ thuật và toàn cầu hóa, dân nhạc Việt đang có nguy cơ bị mai một. Sinh hoạt dân nhạc ở trong nước lẫn hải ngoại đang bị thu gọn trong những chương trình đơn lẻ.
Công việc phục hoạt và duy trì dân nhạc Việt là công việc của mỗi người. Ai cũng có thể đóng một vai trò tích cực và chủ động trong việc giữ gìn dòng nhạc dân tộc. Chẳng hạn, nếu mỗi bà mẹ Việt Nam đều hát dân ca để ru con ngủ, thì cho dù đời sống nhân loại có thay đổi đến thế nào, dòng dân nhạc Việt Nam vẫn thấm đẫm trong tim óc của người Việt ở mọi thời và mọi nơi.