Menu Close

Luật Bảo Hiểm Y Tế đứng vững

Hôm Thứ Năm 28-6-2012, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra phán quyết luật bảo hiểm y tế toàn dân (có hiệu lực từ 3-2010) là HỢP HIẾN — toàn bộ luật. Đây là án lịnh chung cuộc, đa phần dân Mỹ có bảo hiểm y tế từ đây, không phân biệt thu nhập, tài sản, gia thế… Các chánh khách Cộng Hoà lập tức tuyên bố sẽ bãi bỏ đạo luật còn được gọi là “Obamacare” này. Tuy nhiên, việc “repeal” luật này là rất khó — còn hơn cả khi tạo ra nó. Phải có Hạ Viện bãi bỏ, Thượng Viện đồng thuận, rồi đến Tổng Thống không phủ quyết — hầu như bất khả thi.

alt

Những người ủng hộ ăn mừng với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện tôn trọng Luật Bảo Hiểm Y Tế của chính quyền Obama ngày 28 Tháng Sáu 2012 ở Washington, DC. (Ảnh: Alex Wong / Getty Images)

Đây là bộ luật rất lớn, phức tạp, cần được áp dụng dần dần. Hai năm qua, đã có vài điều luật nhỏ được ứng dụng. Những phần quan yếu nhất đến năm 2014 mới có hiệu lực. Và năm 2018 thì toàn bộ đạo luật được thực thi 100% trên thực tế.

Với đạo luật Obamacare, mọi người dân Mỹ đều có bổn phận mua bảo hiểm y tế. Đến 2014, ai không mua phải nộp thêm thuế 1% thu nhập, như một kiểu phạt hành chánh. Những người thu nhập thấp, không đủ sức mua bảo hiểm, sẽ được chánh phủ trợ cấp. Mọi cơ sở thương mại có trên 50 nhân viên cũng có trách nhiệm mua bảo hiểm y tế cho nhân viên, nếu không muốn nộp phạt. (Có khảo sát cho rằng tiền phạt ít hơn phí tổn mua bảo hiểm, nên trên thực tế có thể xảy ra tình trạng người chủ thương mại thà chịu nộp phạt còn hơn mua bảo hiểm).

alt


Thủ lãnh khối Thiểu Số tại Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ, CA) xem TV trực tiếp tường thuật quyết định của Tối Cao Pháp Viện tại Điện Capitol. Bà Pelosi, cựu Chủ Tịch Quốc Hội, là một trong những người thúc đẩy dự luật bảo hiểm y tế mạnh mẽ nhất, giúp dự luật được Hạ Viện chấp thuận, và có mặt bên cạnh TT Obama lúc ông ký thành đạo luật quốc gia. ảnh ap

Dù bất toàn thế nào, đây vẫn là một bộ luật tốt, đáng ngợi khen. Nó sẽ ảnh hưởng lên đời sống mọi người dân Mỹ trong nhiều thập niên tới. Nó cũng ghi danh Hoa Kỳ vào danh sách các nước kỹ nghệ tân tiến có chánh sách bảo hiểm y tế cho toàn dân.

Đứng đầu danh sách những lý do người ta chống đối cải cách y tế là điều luật bắt buộc dân chúng mua bảo hiểm, và nỗi e ngại chánh phủ liên bang thao túng ngành bảo hiểm y tế quá ngặt nghèo. Nay Tối Cao Pháp Viện phán quyết chánh phủ không có quyền hạn bắt dân mua bảo hiểm, nhưng có thể… đánh thuế những ai tránh né nó. Đây là những gúc mắc phức tạp của luật pháp, không dễ hiểu với người… ngoại đạo. Về phần bịnh nhân hoặc người mua bảo hiểm, có thể nói không có mấy thay đổi. Người ta vẫn tiếp tục viếng thăm bác sĩ của mình như cũ, vẫn được giữ các khoản bảo hiểm lâu nay. Theo Toà Bạch Ốc, về lâu về dài, luật mới thậm chí có thể cắt giảm chi phí hằng tháng (premium). Điều quan trọng nhất, có hơn 30 triệu người Mỹ hầu như sẽ được nhận bảo hiểm y tế lập tức.

alt


Với đạo luật y tế được Tối Cao Pháp Viện hợp thức hoá, nay ƯCV tổng thống bên đảng Cộng Hoà ông Mitt Romney chuyển trọng tâm tranh cử từ kinh tế sang đề tài bãi bỏ luật y tế, nhằm thu hút phiếu bầu các cử tri bất ưng luật này. Tuy nhiên, ƯCV Romney có một yếu huyệt chết người. Thời còn làm thống đốc Massachusetts, chính ông đã ký thành luật một đạo luật y tế tiểu bang khá tương tự như “Obamacare” hiện nay. Đây có thể là chiến thuật… con dao hai lưỡi, lợi hại bất lường, mời độc giả cùng chờ xem sẽ rõ. ảnh ap

Về phía kỹ nghệ bảo hiểm sẽ có nhiều ràng buộc hơn. Họ phải cho cha mẹ mua ghép bảo hiểm cho con cái dưới 26 tuổi. Họ không được quay lưng với bịnh nhân có tiền sử bịnh lý. Họ không được tuỳ tiện cắt bảo hiểm sức khoẻ của khách hàng…

alt

Một cư dân California đọc những trang bìa nhật báo lớn ở Mỹ. Sáng Thứ Sáu 29-6 tràn ngập các dòng tít lớn về đạo luật y tế của TT Obama được Tối Cao Pháp Viện… cứu mạng ngày hôm trước. ảnh ap

Về phía dân chúng, từ năm 2016, ai không mua bảo hiểm sức khoẻ sẽ phải nộp phạt $695 / năm (hoặc 2.5% tiền thu nhập, tuỳ con số nào cao hơn). Đối với người nghèo (thu nhập $10,830 / người, hay $22,050 / gia đình 4 người, có thể được miễn nộp phạt).

alt


Tin nóng hổi về phán quyết của Tối Cao Pháp Viện trên màn hình TV tại sàn chứng khoán New York Stock Exchange sáng Thứ Năm 28-6. Cổ phiếu lập tức rớt giá mạnh trước tin án lịnh ban ra. ảnh ap

Một yếu tố quan trọng của “Obamacare” là mở rộng chương trình Medicaid dành cho người nghèo. Ở một số nơi, gia đình 4 người có thu nhập thấp hơn 400% mức tài chánh ấn định ($88,200) có thể được cứu xét cho vào chương trình này.

alt


Sáng Thứ Năm 28-6-2012, các ký giả hối hả chạy tới lui với xấp giấy copy bản án lịnh của Tối Cao Pháp Viện trên tay. Cuộc chạy thi với thời gian, tranh đua cùng đồng nghiệp, để đưa tin sốt dẻo nhất, đã khiến có sai sót trong các bản tin đầu tiên. Những phút đầu tiên, ngay cả CNN và vài hãng thông tấn lớn khác đã chạy tít sai, cho rằng luật y tế bị toà tối cao phủ quyết. Tuy nhiên, án lịnh là một văn bản luật phức tạp, dầy hơn trăm trang. Sau vài phút… ngâm cứu nữa, cuối cùng người ta sửa lại tin đúng, rằng toà chấp thuận đạo luật “Obamacare”. ảnh AP

Như chúng tôi đã đề cập bên trên, đây là một đạo luật lớn, có tầm ảnh hưởng rất rộng và lâu dài. Nó tương tự luật an sinh xã hội (Social Security) hoặc Medicare/Medicaid trước kia. Nhiều người Việt có lẽ đã từng đôi lần thọ hưởng ít nhiều những quyền lợi đó, từ những đạo luật được thông qua mấy mươi năm trước. Nay chúng ta đang chứng kiến lịch sử, với một đạo luật lớn vừa tạo ra, cũng giàu tham vọng tương tự. Với các quy định về thu nhập có phần rộng rãi, đạo luật “Obamacare” hầu như là thuận lợi cho nhiều người Việt trong giới tiểu thương, các chủ/thợ ngành nail — những người không đi làm việc toàn thời gian cho các công ty lớn — từ nay dễ được hưởng quyền lợi sức khoẻ. Họ sẽ được chánh phủ liên bang lẫn tiểu bang yểm trợ bằng nhiều phương cách khác nhau — với mục đích cuối cùng: được hưởng quyền chăm sóc sức khoẻ như mọi người dân Mỹ khác. Đây có lẽ là thành công lớn nhất, là nét nhân bản của bộ luật cải cách y tế dưới thời Tổng Thống Barack Obama.

alt

Dân chúng ăn mừng ở Daley Plaza (Chicago) khi nghe phán quyết chung cuộc của Tối Cao Pháp Viện. Biểu ngữ cám ơn 5 vị Thẩm Phán bỏ phiếu chấp thuận luật bảo hiểm y tế là hợp hiến. Có dư luận cho rằng ban đầu TP Roberts định phủ quyết luật này, nhưng rồi đổi ý. Chính ông là người cầm giữ lá phiếu mang tính quyết định lịch sử. ảnh ap

TD