Menu Close

Nhà Văn…to

Nếu… chỉ hát vài bản karaoke trong đám cưới nào đó, hoặc rên rỉ ít bài loại rong rêu lềnh bềnh nhân dịp tiệc tùng văn nghệ cây nhà lá vườn thì được thân mến gọi là ca-sĩ, hoặc can đảm đăng vài bài thơ con cò (cao hơn con cóc) trên mấy tờ báo lá cải (vì hay đăng tin “cãi nhau”), hoặc bỏ tiền túi xuất bản tập thơ, cỡ trăm trang, bìa trước in chân dung, bìa sau tự khai lý lịch, cơ nghiệp Thi-Văn được thổi phồng ngang cỡ Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, bên trong phụ bản màu mè ngô nghê gu thời thượng (du), in ấn loại photocopy, Tác-Giả tự xuất bản, không ghi giá bán, chỉ dành tặng thân hữu… thì được gọi là: Thi-Sĩ!

Như vậy, TÔI: Nguyễn Văn Hổ! Rất xứng đáng được xưng: Nhà Văn to, vì cái thành tích có chục bài thơ đã được đăng báo biếu, một tá truyện ngắn đăng trên nhiều tạp chí, hội đoàn phát hành trồi sụt từ Canada cho tới Mỹ. Tôi! Nhà Văn to… (Chậc! tức nhiên!).

Theo lời khuyên của ông chủ báo ế đang cộng tác:

“Cậu cần phải có tác phẩm lớn”.                 

Như vậy, Nhà Văn Nguyễn Văn Hổ cần phải có một tác phẩm tầm cỡ, để chứng minh: Ta đây là-Nhà-Văn-To, cho mọi người nhớ tới:

“… Tui quen ổng hồi còn ở bển…”,

“…Ờ! ờ! Mình lạ gì ảnh, chung trại tỵ nạn mà!..”

“…Mẹ! tao nhậu với nó hoài!.”

Hoặc ta đây: “Moi thấy nó viết cũng được, bài “Người Mẹ” moi sửa cho mấy trang, nó lên là nhờ moi cho đăng ở báo Con Cọp!”.

…Đại khái như vậy…

Nhưng muốn có tác phẩm để đời.

Tôi phải suy nghĩ!

Tôi phải viết!

Tôi phải làm cái công việc của một người “cầm bút”!

Cho dù không là tác phẩm lớn đi nữa, nhưng tôi cũng phải ngồi vô bàn:

“Viết”!

Nhưng…“Viết”! cần phải có chủ đề, cốt truyện, tác phẩm để đời đâu phải loại thường, phải hay, lạ, hấp dẫn, lôi cuốn từng trang, từng chữ, phải có giá trị xã hội, giá trị lịch sử và giá trị văn học, rất nhiều “Giá” trong đó, mà chính tôi: Nhà Văn to Nguyễn Văn Hổ, phải viết, phải nặn cho ra từ cái đầu và bàn tay mình.

Mấy tuần nay, lá bắt đầu vàng, Thu năm nay về sớm, trời thoáng lạnh như Đà Lạt, tôi tính Phong Thủy, quay cái bàn ngang cửa sổ theo hướng Đông Tây, tránh nắng vô bàn viết, vì mình mạng Thủy, nắng quá sẽ làm khô vận mạng và sự nghiệp “Nhà Văn” của mình, chạy ra tiệm đồ cũ, lục lọi, mua được cái đèn dầu bằng đồng thau của Á Rập, tôi đổ dầu, thắp lên đặt bên phải bàn, mọi thứ coi cũng ra vẻ “Văn Nhân” lắm lắm, sau đó chọn ngày tốt, quyết định khởi đầu tác-phẩm để đời… Tối Thứ Sáu, cơm nước qua loa (Nhà Văn lớn không ăn uống xì xụp, đớp như heo ăn bù, kiểu đó dành cho người tầm thường, cho nên bữa tối của tôi mở đầu và chấm dứt bằng tô Mì Tôm cay hiệu Nissin, ba con tôm xả đá với ly Coke, xong!…), tôi rón rén vô phòng, mở máy, ngồi xuống…

Gần chạm mặt ghế, tôi đứng phắt dậy…

Không được! Viết gì đây?!…

Đầu tôi đông như tiết canh…

Suy nghĩ!… suy nghĩ! Tôi phải viết cái gì?

alt
Tranh: Thắm Nguyễn

Một phút, năm phút, một tiếng, hai tiếng, những truyện dài, ngắn đâu đó tôi đã đọc, chút ánh sáng loé lên,… Ààààà! viết về những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người…!

Nhưng!

…Tôi không có bà con giòng họ, nhà cửa, ruộng vườn hoặc một chút tơ vương gì bên nhà.

Nguyễn Văn Hổ: Mình trần thân trụi, nghèo xác xơ, sống cả tuổi thơ trên chiếc Tam Bản nhỏ xuôi mấy canh chợ nổi trôi, sáng nước lên, chiều xuống dọc bờ Tiền Giang. Ba tôi chết vì lạc đạn ngày 75, lúc tôi ra đời. Mẹ đội nắng mưa, chèo dọc bơi ngang vùng sông rạch bán cây giống. Thuở nhỏ tôi nghèo đến nỗi không có kỷ niệm gì mang theo trong lòng, lớn lên vô được trung học, lớp 12 vẫn không quen nổi một bạn gái như bạn bè cùng lứa. Năm đó Bà già bị bạo bịnh qua đời, tôi buồn, đốt chiếc xuồng nhỏ, gạt nước mắt bỏ thi tốt nghiệp, làm công cho ghe chở lúa, năm sau, ghe đưa mấy chục người vượt biên, tôi bị kéo theo.

Định cư Canada, cố học thêm hai năm, lao đầu tìm sống, rửa chén, rửa xe, bồi bàn, phụ bếp, nơi tôi gặp tình yêu đầu tiên và cuối cùng trong đời mình: Bà vợ tôi bây giờ…

Xin lỗi cho tôi được dài dòng một chút, bả là bếp trưởng, tôi phụ việc, thấy tôi nhỏ con, bả tội nghiệp, cho rửa rau, cắt rau, dọn rau, mấy tháng sau, cho quá giang xe, rồi rủ đi coi phim kinh dị, tới đoạn giết người bả hét lên ôm cứng lấy tôi, nhân tiện, tôi can đảm ôm luôn cho tới giờ!…

Không được!… Không được!

Tôi có thể viết dở, nhưng không viết láo được.

Rõ ràng tôi cũng có một quê hương… Nhưng buồn đến nỗi chưa bao giờ nhớ tới.

Lưu lạc xứ người?!

Chậc!.. Còn láo nữa! tự dưng “bị” người ta cho vượt biên miễn phí qua đây. Chính Phủ nuôi cả năm, tặng tiền ăn học, tôi lấy tiền, xuống phố Tàu cho vay ăn lời, bày đặt xập xình ăn chơi, túng tiền bỏ học đi làm. Chừng sáu tháng, kiếm chuyện nghỉ, ăn thất nghiệp, làm tiền mặt. Bây giờ có vợ, năm con, nhà to lớn, (nhà 6 phòng ngủ, vườn trồng rau, nhà nước cho mướn giá rẻ, bốn trăm một tháng hà!). Hai vợ chồng đều ăn thất nghiệp, làm tiền mặt, năm đứa con hưởng trợ cấp. Tháng nào cũng đẻ ra tiền như gà đẻ trứng vàng, như vậy tôi qua đây là đúng rồi, đất này nuôi tôi sung túc mà! Tóm lại tôi “lưu đúng” không “lưu lạc” gì ráo! Nên làm sao dám bắt chước mấy người khác rên rỉ về cái: Nỗi niềm “lưu lạc” được!

Vậy là tôi quyết định không thực hiện tác phẩm để đời với loại: xa quê hương nhớ Mẹ già hoặc thân đọa đày, lưu lạc xứ người được.

Tôi vò tiếp cái đầu ít óc của mình.

À a!…viết về tình yêu!…

Đúng rồi!

Tất cả những tác phẩm lớn trên đời thường nói về tình yêu.

Tôi mong muốn nghĩ về tình yêu, viết về tình yêu!

Vì…

Tôi cũng chưa biết tình yêu là gì!

Hồi đó tôi có cảm tình với bà vợ tôi, vì cùng là người Việt, cùng ở Tiền Giang. Bà ta là xếp, cho tôi làm việc nhẹ trong bếp, hôm cùng đi coi phim kinh dị, bả sợ, hét lên, ôm tôi cứng ngắc… Lần đầu tiên tôi biết hương thơm của con gái. Vợ tôi to con gấp đôi, nên tôi thấy ấm áp mùi thịt da vô cùng…, và tôi ôm lại, những đụng chạm đầu đời đã khiến hai người nên mối vợ chồng.

Rõ ràng, tụi tôi không qua tình yêu! Mà đi từ ôm nhau coi phim kinh dị, tới thẳng phòng ngủ, tháng sau làm hôn thú! Chấm hết!

Cho nên viết về tình yêu là đúng!

Tôi tốn thêm một tuần, đọc cả chục quyển truyện về tình yêu ở thư viện.

Nhân vật chính là đàn ông và chắc chắn Nguyễn Văn Hổ đóng vai chính.

Tôi, lùn, đen (Ở đây gần ba mươi năm, nước da vẫn nguyên thủy phèn), như những nhà văn khác, tôi có bổn phận tân trang “Tôi”, nhân vật chính của truyện tình này tới nơi, tới chốn.

“Tôi”, ba mươi lăm tuổi, cao lớn, đẹp trai, điêu khắc gia nổi tiếng, chỉ thua có Michael Angelo, giàu có, một vợ, hai con, nhưng yêu! yêu thầm cô gái Tây (yêu gái ta thường quá, phải có chút ngoại mới ăn tiền) ở căn biệt thự màu trắng bên kia đường, éo le thay cô ta cũng có chồng, hai con, cũng giàu sụ, và cũng có tình ý với tôi. Tôi buồn bã đau khổ, tức nhiên là bà vợ tôi không hay biết gì, chồng cô ta cũng vậy. Yêu quá, tôi cặm cụi ngày đêm khắc bức tượng đá “Cô gái áo trắng”, cao 9 feet, tượng được trả giá 5 triệu đô trong cuộc triển lãm, nhưng tôi không bán, mong gặp người  giống tượng sẽ tặng. Lúc ấy cô gái Tây đi nghỉ hè, bạn cô ta, chủ ngân hàng, có mặt trong đêm khai mạc, là người đã trả giá, điện thoại cho cô ta, cô ta xúc động trước tình yêu to lớn của tôi, trốn chồng bay về, nửa đường máy bay rớt, cô ta chết ngỏm! Tôi còn lại với trái tim đau khổ, và bức tượng nặng cả tấn của người mình yêu. Sau đó tôi mang bức tượng đặt trên mộ bia cô ta, không quên kèm theo cái thư kể hết mối tình khổ đau của mình; trời đang cuối Hè bỗng nổi cơn giông tố như khóc thương cho tình yêu của tụi tôi, một tiếng sét lớn đánh trúng tượng, ngã xuống cái rầm! Đè tôi… chết ngắc!….

Trời ơi! hay quá! Hai nhân vật đều chết thảm, cùng nhau về bên kia thế giới vĩnh cửu mà yêu nhau!…

Tác phẩm để đời, tác phẩm lớn là đúng! Có ý rồi, tôi bắt đầu viết, phải viết như truyện phim mới hay.À! tôi sẽ khởi đầu bằng: Chiều cuối Hè, trong nghĩa địa, bên mộ bia của nàng, bức tượng cao lớn đứng đó, tay tôi run run đặt cái thư xuống…! như vậy tôi phải viết thư cho nàng… Đúng! bắt đầu bằng bức thư tình nồng nàn, và tôi ngồi xuống viết thư.  “Montreal- Nov 21…”

Nhưng mà nàng tên gì? À! Phải lựa tên hay, chứ Mary, Lisa, Donna… chán lắm, tôi ngu cả tiếng nữa mà vẫn chưa tìm được tên… bí quá lấy đại tên của con Tây ở kế bên nhà, có sao đâu! đỡ suy nghĩ… à… nó tên là Alison, nghe cũng hay! Kệ! được rồi! tôi trở lại cái thư. “Montreal- Nov 21…

Alison yêu dấu! Bây giờ, nơi nào đó trong cõi hoang đường, em mới hiểu rằng anh yêu em biết bao!…    Ngọt quá! êm quá! viết thư tình như vậy làm sao độc giả chịu thấu! sẽ khối em khóc thút thít khi đọc tác phẩm để đời này… Nhưng không được, Alison là dân Anh, nghĩa là tôi phải viết thư bằng tiếng Anh!… Nhưng tiếng Anh của tôi thuộc loại Shopping (bao nhiêu? mắc quá, cho size nhỏ hơn!, cám ơn! cái này sale hả?), chữ nghĩa đâu mà viết nổi cái thư như vậy! Suy nghĩ nửa tiếng… viết đại, chú thích là tác giả đã dịch lại nguyên văn, khối anh viết truyện đi Tây, tới Tàu, qua Mỹ, ghé Nhật, mà chỉ biết vỏn vẹn tiếng Việt, thì sao!  Tôi viết tiếp “… Em mới hiểu rằng anh yêu em biết bao, anh vẫn thấy em bên ngôi nhà trắng như ngày nào, nụ cười thân yêu của em vẫn còn đây trong lòng anh, anh thầm lặng với tình yêu lớn của đời mình, bởi con vợ anh dữ lắm, anh sợ nó biết, nó mà biết là đời em tàn, đời em tàn là anh tiêu.

Em biết rằng trong anh bây giờ chỉ có em, một mình em, anh quên hết mọi thứ, kể cả chính mình vì yêu em, vũ trụ này sẽ không còn ánh sáng nếu không có đôi mắt nhung rực rỡ của em… Hay thiệt tình! Tôi khoái quá, đứng dậy làm chai bia, kéo điếu thuốc, gật gà gật gù vừa ý, đúng phong thái Nhà Văn to.

“… Alison, ơi cô gái xinh đẹp của ngôi nhà màu trắng, sống gần nhau mà anh cứ ngỡ như hai hành tinh lạ, lúc bà vợ anh đi Ottawa, cũng là lần đầu anh bên em, hơi thở nồng nàn và vòng tay em thơm ngát hương đất trời, anh muốn mọi giây khắc trên đời dừng lại để có em mãi mãi trong tay anh…  Nhưng biết làm sao được, em đã có chồng, anh có vợ!

Dân tộc Việt bao nhiêu năm nổi tiếng đánh bay Tàu, Tây, Nhật, Mỹ, và cũng rất hùng dũng trong việc đa thê, nên anh sẽ không bao giờ từ chối lấy thêm em làm vợ, định mệnh đã đưa em đến với anh như một hạnh ngộ. Alison yêu mến! anh không còn yêu ai trên đời này!…

Cái thư mùi quá, mở đầu tác phẩm lớn như vậy là khá lắm, tôi nhắm mắt lại.

… Trên tầng chót khách sạn Radison, ban nhạc đang chơi một đoạn Vivaldi, nhạc từ từ nhỏ lại… một Nhà Văn có tầm cỡ, với bộ lễ phục đen, mái tóc bạc phơ, khuôn mặt đẹp lão, chậm rãi bước ra, ông ta trang trọng giới thiệu tác phẩm “Cô gái và ngôi nhà trắng”, sau đó là đèn tắt, sàn sân khấu mở ra, lung linh ánh sao khắp nơi… một đóa sen trắng từ dưới đưa lên, sen nở theo tiếng nhạc Cung Đình, tác giả Nguyễn Văn Hổ từ trong đóa sen mới nở, bước ra… tiếng vỗ tay rung rinh lớp cửa kính chung quanh, bao nhiêu phóng viên Báo Chí Truyền Hình của cả thế giới vây lại chung quanh, Nhà Văn Hổ sướng tung người…

– Bộp!… Ngủ gục hả? khuya rồi tắt đèn cho tui ngủ! Mai phải may gấp cả đống đồ!

– Ờ…! ờ! Anh viết cho xong cái này một chút mà em!

Vợ tôi chụp xấp giấy.

– Anh viết thư cho ai hả?   

– Đâu có!…. Anh viết truyện!..

Bả đẩy tôi qua một bên.

– Xích ra! tui coi thử!

Tôi đứng dậy. 

– Truyện của anh! 

– Àà… àà!… ông viết thư cho con nhỏ Alison… con hàng xóm chứ gì?… hai người có tình ý với nhau lâu rồi mà! hèn gì tui thấy nó hay ẹo với ông lắm, gặp nhau lần nào cũng hélô, hé liết!…

– Kh…khôôông phải em ơi! anh đặt ra! 

– Đặt sao đúng tên nó?

Bả làm một hơi, không chấm, phết!

-…Thôi rồi! anh lậm nó rồi! yêu thương, ôm ấp!…đúng rồi! lần đó tui đi Ottawa chứ gì?… trời ơi! tui hiền lành như vầy mà anh vu là dữ lắm, anh bôi xấu tui…! trên đời này chỉ có em Alison thôi!…vậy con này với năm đứa con anh coi không ra gì hết hả?

Bà vợ tôi khóc, rú, la, bứt tóc (của bả), rồi chụp lấy tôi:   

– Anh là người vô lương tâm, vợ con trước mắt mà lang chạ con này, con kia! Anh cũng chết mà con Alison cũng chết với tui!… Tụi bay đâu! Năm đứa con sắp hàng một ngay cửa phòng, tôi xua tay. 

– Thôi tụi con đi ngủ đi, mẹ mày hiểu lầm ba! 

Tụi nó quay đi, bà vợ tôi tỉ tê:

– Anh bày đặt văn chương! Té ra là ngồi cả đêm viết thư tình, con này lo đạp máy suốt ngày cho chồng con, nhà cửa, trăm sự cũng con này hết….
 
– Em đừng nóng, anh mượn tên nó thôi, truyện mà em!  

– Truyện sao đúng phóc nó vậy, nhà nó cũng trắng, nó cũng hay mặc đầm trắng! Anh chối leo lẻo nữa không! Sáng mai nó biết tui!… 

– Em đừng làm bậy, không có mà! 

Tối hôm đó tôi thưởng thức “Đêm không ngủ”, lấy hết miệng lưỡi giải thích cho bà vợ, chuyện vẫn không đi tới đâu.

Hôm sau tôi không dám chào Alison, bà vợ tôi gườm nó như Do Thái canh Palestine, căn nhà lạnh lùng như đám ma, tôi giống thằng tử tù sắp ra trường bắn, mấy đứa con biết có chuyện, trốn luôn trong phòng. 10 giờ sáng, “Người” bắt đầu hành động: 

– Thứ nhất, anh mang trả cái laptop cho con nhỏ nó học, đừng lấy cớ viết truyện, làm thơ gì hết, thợ ủi thì lo ủi… bày đặt “thi phú, văn…g chương!”, có làm ra xu nào nuôi nhà này không? Thứ hai, tui không muốn anh quan hệ với con Tây lẳng lơ đó… 

– Anh đâu có quan hệ gì, hàng xóm mà! 

– Tui không hàng xóm với mấy con khoái trai đó!
 
 -…Anh già chát, xấu hoắc mà em!…  

– Củi gai dễ nấu, Anh xấu để tui xài!  “Người” lạnh như xác ướp: 

– Tôi nói là phải làm! 

Bả đứng dậy, cái thân thể to lớn, phốp pháp làm tôi rờn rợn. 

– …Và điều cuối cùng tôi cho anh hay, tháng Hai này dọn khỏi đây!… 

– Nhà của Chính Phủ cho thuê giá rẻ quá mà em, dọn đi đâu cho uổng! Tháng Hai lạnh lắm! 

– Tôi quyết định đi là đi, lửa gần rơm khó nói, cũng có ngày bén hà!… lạnh ráng chịu, ở đây tui nóng!… anh nghe tui nói chưa! 

Chiều hôm đó tôi ngồi một mình trong nhà bếp, (theo lệnh vợ, tôi không được ngồi nhậu ở phòng khách, vì cửa sổ nhìn thẳng qua cửa sổ nhà Alison) uống chai bia mà nghiền ngẫm cái tội KHÔNG có của mình.

Tác phẩm văn học để đời của Nhà Văn Nguyễn Văn Hổ đã chết tươi trước những quyết định của vợ mình!

Tôi đứng dậy, qua phòng con nhỏ lớn, tần ngần nhìn cái laptop nằm trên bàn học… 

– Thôi Ba! đừng đụng vô nữa!, Mẹ dặn rồi!

Tôi nhún vai.

“… Số mình chưa thành Nhà Văn to được!…”

HĐV
Tập Truyện Ngắn “Và Tôi Cười khóc”