Người Việt tại địa phương hay từ Mỹ qua du lịch, thăm thú đất nước Canada đều dành sự ưu ái cho những loại trái cây miền nhiệt đới. Điều này dễ thấy qua quảng cáo trên các tờ báo Việt ở Vancouver: “Thứ Tư, Thứ Năm hàng tuần đều có trái cây Việt nhập về”. Lời rao cố ý nhắc nhở khách hàng “nhớ đến mua, trễ kẻo hết”. Thật ra nói đến trái cây thì phải nói về con phố ở phố Tàu Toronto. Trước đây chục năm, tôi có đến con phố đó, hai bên bày bán ê hề trái cây các loại. Chỉ nhìn thôi đã no cái bụng. Tuy nhiên, thời điểm đó, trái cây nhiệt đới hầu hết có nguồn gốc từ Thái Lan hoặc các nước Nam Mỹ.

Không phải tôi chê trái cây Thái hay bất kỳ loại trái cây nào khác ngoài trái cây từ Việt Nam nhập sang. Ở đây là vấn đề khẩu vị đã quá quen thuộc và tôi nghĩ rất nhiều người khác cũng có nhận xét giống tôi vậy. Lấy ví dụ, nhãn, sa bô chê (hồng xiêm) Thái hoặc mãng cầu dai (trái na) Úc, vị ngọt nhưng không đủ hương thơm. Nói đúng ra là mùi hương không giống trong ký ức khiến ta cảm thấy chưa ngon. Nhưng đối với người bản xứ có thể ngon, đủ tiêu chuẩn theo quy trình nông nghiệp sạch, cho nên trái cây họ mới có thể xuất cảng ra nước ngoài được.

Mấy năm gần đây, trái cây Việt như bưởi năm roi, thanh long, chôm chôm, vải, xoài, chuối đã vào được thị trường Bắc Mỹ. Số lượng mỗi năm tăng dần nhưng chưa được nhiều vì vẫn vấp phải những rào cản kỹ thuật, nhất là thị trường Mỹ. Nếu trước đây thanh long và các loại trái cây khác xuất vào Mỹ chỉ phải kiểm tra an toàn dịch bệnh, nhưng giờ luật mới của Mỹ yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong khi tại Canada hình như tiêu chuẩn Global GAP (Good Agricultural Practices) “Thực hành quy trình nông nghiệp sạch (tiêu chuẩn toàn cầu)” bị soi ít khắt khe hơn cho trái cây Việt. Số lượng và chủng loại trái cây được vào thị trường này thoáng và đa dạng hơn. Tôi thấy sa pô chê, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu dai, ổi, vú sữa xuất hiện khá nhiều trên các quầy trái cây xen kẽ với bòn bon, măng cụt, mận, mít tố nữ của Thái. Mãng cầu Úc y chang mãng cầu Việt nhưng trái to bằng cái tô chiết yêu. Trái to bất thường lúc nào cũng không bao giờ ngon. Biết là thế, tôi vẫn mua để chứng minh trải nghiệm của mình với anh bạn thổ địa, là đúng.
Nhìn những trái xoài cát Hòa Lộc má tròn không lẫn vào đâu được bên cạnh những thùng xoài tượng Thái da xanh mơ đẹp không kém. Xoài Hòa Lộc, trái to cỡ nửa ký, dạng bầu hơi tròn, vỏ trái có đốm nâu từ phần giữa đến cuống trái, khi chín vỏ bắt đầu từ xanh vàng mỡ gà chuyển sang vàng tươi, rồi đậm, mùi thơm lừng, núm cuống trái hơi mảnh và có ngấn tròn to cuối trái. Sở dĩ tôi nói nhiều đến xoài Hòa Lộc vì đây là một trong những trái cây nổi tiếng của xứ quê tôi Tiền Giang, nơi được mệnh danh vương quốc các loài trái cây của đồng bằng sông Cửu Long. Loại xoài này đã được giải đấu xảo trái cây ngon cách nay 70 năm tại xã Hòa Hưng huyện Cái Bè. Do đặc tính di truyền với một số loại xoài cát khác nên người mua khó nhận dạng, ngay cả người bán cũng chưa chắc biết rõ về trái xoài cát Hòa Lộc vì xoài cát chu, xoài xiêm núm hay xoài cát Đốc Nghệ gần như giống nhau về hình dạng nhưng khác xa nhau về chất lượng.

Đi lòng vòng vài chợ Việt, mặt hàng trái cây nhiệt đới không khác gì mấy. Tôi chợt hỏi chị chủ chợ về sức tiêu thụ trái cây Việt. Ánh mắt chị vui tươi lên hẳn. Có lẽ lần đầu chị được nghe người khách hỏi vấn đề này. Chị đáp: “Cũng khá nhiều, anh đến vào ngày Thứ Tư hoặc Thứ Năm, trái cây tươi về nhiều lắm”. Nhiều là bao nhiêu? Bởi hầu hết các chợ ở Vancouver đều nhỏ do không có mặt bằng. Hơn nữa Vancouver hay Calgary vẫn chỉ là nơi nhận phân phối hàng sỉ từ chợ trái cây lớn nhất Toronto như tôi đề cập phần đầu bài viết. Tôi có thể hình dung, con phố bên cạnh Chinatown bây giờ khá đa dạng chủng loại trái cây Việt qua những lời kể của bạn bè có dịp đến Toronto. Tôi đi Vancouver, đám bạn bảo sướng há, đến đó tha hồ ăn trái cây tươi. Ăn thử vài loại, mỗi thứ một hai trái chơi thôi, ăn nhiều mắc công “viêm màng túi” và mang nặng nỗi nhớ trái cây miệt vườn.
Những mặt hàng trái cây Việt đang có trên quầy ở các chợ Vancouver nói riêng hay khắp các chợ Việt khác ở Canada nói chung, chỉ là số ít lượng trái cây Việt so với nhu cầu nhập cảng vào thị trường Bắc Mỹ. Một phần giá hơi cao do chi phí vận chuyển và phần khác do khấu hao hư hỏng rất nhiều. Để đến được thị trường xa xôi bằng đường biển phải mất hơn tháng mới xuất hiện trên các quầy siêu thị, đó là chưa kể hàng nằm ở kho chờ phân phối, trong khi chỉ có thể duy trì chất lượng tốt trong vòng 20 ngày. Đi bằng đường hàng không, thời gian ngắn hơn nhiều nhưng giá cao, làm giảm sức mua. Thật ra những khó khăn về vận chuyển không phải là vấn đề đau đầu bằng việc kiểm định tiêu chuẩn và an toàn vệ sinh ở nơi nhập cảng mất từ 4 đến 7 ngày mới được thông quan. Một điều may mắn cho trái cây Việt là Canada chấp nhận tiêu chuẩn Việt GAP cho vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này thấp hơn GlobalGAP phải thực hiện cả trăm hạng mục xử lý trồng trọt từ đất, phân bón, nước tưới và ghi nhật ký kiểm tra hàng ngày.

Đây là một vấn đề nan giải cho những vùng chưa có chuyên canh trên diện tích lớn. Trong khi nông dân với mảnh đất nhỏ lại không đồng lòng liên kết đi theo quy trình sản xuất sạch đúng tiêu chuẩn GlobalGAP đề ra. Tinh thần thiếu sốt sắng tham gia sản xuất nông nghiệp sạch này không hẳn từ phía nông dân chưa nhận thức ra vấn đề lợi ích kinh tế mà do sau lưng người nông dân không có vựa xuất cảng trái cây, nhà cầm quyền không biết cách hỗ trợ, như chính phủ Thái Lan từng hỗ trợ cho ngành xuất cảng trái cây của nước họ. Một ký chôm chôm, chi phí vận chuyển hết 4 đô, chính phủ Thái bù lỗ 3 đô, nên trái cây Thái lúc nào cũng ở thế mạnh so với trái cây Việt. Chính điều này đã làm trái cây Việt đội giá khi đến tay người tiêu dùng ở các nước nhập cảng. Dẫu sao trái cây Việt ngày càng đa dạng trên quầy hàng của những ngôi chợ xa quê đã là một điều đáng mừng cho người trồng ra nó.

Nhiều người nghĩ đâu cần về Việt Nam mới có trái cây, qua Canada tha hồ ăn cho đã miệng. Có thể đúng là vậy, nhưng sướng miệng chỉ vài lần, chứ không thể ngày nào cũng tráng miệng bằng đĩa trái cây vài ba loại mà nếu đong đo khoản chi tiêu các bà nội trợ sẽ giật mình cho túi tiền chợ trong tháng. Và cũng đâu cần phải qua biên giới làm gì, California bây giờ cũng đầy trái cây Việt nhập vào các chợ, giá cả đắt hơn Canada một chút. Mà giá cao nào có đáng kể, khi nhu cầu của bà con người Việt muốn thưởng thức hương vị cây trái quê nhà.