Trong cơn hối hả đi, hối hả sống có bao giờ ta dừng lại soi bóng mình trên dòng nước?
“Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ / Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu / Sầu buông theo gió xuôi về cuối trời / Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa…”
Rồi tiếc nhớ.“… tuổi thơ như lá thu rụng cuối mùa/mộng về đêm đêm khát vầng trán ngây thơ…
(Phạm Duy)
Soi mình trên dòng nước, ta khám phá ra những nếp nhăn mới trên gương mặt, những sợi tóc bạc mới trên đầu. Ta đã làm gì đời ta?
“Ôi giấc mơ qua, mộng đời phiêu lãng giang hồ / Sống trong lòng người đẹp Tô Châu / hay là chết bên dòng sông Danube…”
Phần đời còn lại ta sẽ trân trọng giữ gìn hay phung phí nốt? Và có bao giờ trên dòng lặng lờ thao thiết chảy, ta thấy mơ hồ lung linh một hình bóng cũ?
Ngày và đêm, xe hai bánh, xe bốn bánh, xe mười hai bánh lao vùn vụt, thân cầu rung lên, oằn xuống, chịu đựng. Ta chỉ lo cầu sập, lo hết xăng, sợ xe cán đinh, ngại kẹt xe trễ giờ cày cuốc chứ chẳng bao giờ dừng lại bên cầu thương dĩ vãng như thi sĩ.
Rồi em sẽ lại đi như đã đến
Dòng sông kia thôi vẫn chảy xa mù
Ta dừng lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa lòng cây cỏ mọc hoang vu…
(Hoài Khanh)
Những con tàu lớn nhả từng cuộn khói đen bẩn thỉu lên trời, những chiếc phà trọng tải hàng trăm tấn đi về ồn ào tấp nập làm người ta quên mất con đò anh Trương Chi lặng lờ trong trang sách cũ. Nhưng có sáng mai nào đang pha một bình trà, ta nghe văng vẳng từ chiếc máy hát hàng xóm: “Đêm năm xưa, trên con thuyền lẻ loi, khi trót yêu người rồi, xa cách nhau vì đời, tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi… (Phạm Duy)” hay nhớ đến một câu thơ của ai đấy quên mất tên: “Không cầm đến chén thì thôi. Hễ cầm đến lại thấy người hò khoan…” lòng ta rung lên như một sợi tơ đàn. Ta mười sáu hay ta sáu mươi? Ta còn đây hay ta đã về miền nào nhìn mây bay, mà yêu vu vơ một người nào đấy…?
Con đò trôi trên sông, trôi trên trang giấy, trôi vào lòng người, mang theo cả dòng sông và cả những người chèo đò: ông lái đò, anh lái đò, cô lái đò. Có bài thơ kể chuyện người con gái chiều chiều qua sông hái dâu, anh lái đò thầm yêu nàng nhưng ngại ngùng chưa nói. Nhưng, rồi một hôm:
… Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai đi chín con đò rước dâu
Nhà gái nhận chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới vị đâu chín nghìn
Lang thang anh dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền lại thôi…
(Nguyễn Bính)
Tay nghề của nhà thơ quá nhuyễn như tuyệt kỹ của tay cao thủ. Điệp ngữ: con số chín được nhắc đi nhắc lại. Đối điểm: chín nghìn quá lớn so với chín quan tiền nhỏ nhoi, bèo bọt. Hai từ “lại thôi…” gây cảm xúc ngậm ngùi. Dòng sông mênh mang quá, tình người bao la quá giúp tác giả che giấu được kỹ thuật bậc thầy của mình.
Cũng với dòng thơ lục bát và con đò:
Hôm qua trên bến dưới đò
Nhìn nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy anh về đâu
Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm…
Người sành văn chương thường khen câu cuối cùng là tài hoa, xuất thần, nhưng người đang mang trong lòng nỗi niềm thì chỉ thấy một cánh buồm nâu nhỏ dần…nhỏ dần… rồi mất hút. Cánh buồm mang theo một phần đời êm đềm tươi đẹp, quãng đời ta sống bên nhau. Có nhà phê bình cho rằng chỉ với bốn câu lục bát, Nguyễn Bính đã lay động được lòng người, khác với những bài thơ dài dằng dặc, ngồn ngộn những chữ * nhưng chẳng có tác dụng gì.
Tình người ngày xưa đơn sơ lắm, mà tình càng đơn sơ thì càng bền lâu, càng đậm mầu. “Nhớ nhung hoài mảnh tình đơn sơ.” (Phạm Duy). Em yêu chàng vì em thấy chàng đáng yêu. Chỉ là vậy. Một hôm, lữ khách qua sông, làm quen với cô lái đò. Chắc giữa cảnh trời cao sông rộng, họ chẳng có bao lăm chuyện để nói với nhau, chắc chỉ đôi lời bâng quơ. Đến bờ rồi lữ khách từ giã bước đi, đâu biết rằng cô lái đò đã yêu:
“…Trông anh trai phong sương, em thấy mà thương. Ai biết ai hay mắt đợi mắt chờ, nhớ anh nhớ từ dạo ấy. Biên cương xa xôi, người anh thương biết chăng thôn nữ chèo đò chiều nào, đầu tiên đã yêu…”
(Trúc Phương)
Tình ngày ấy tinh khôi, tinh tuyền, tinh chất. Những loại tình ấy bây giờ biến đâu mất. Cô lái đò, anh lái đò, ông lái đò ngày ấy chắc không bao giờ hiểu được thế nào là lừa tình trên mạng, hợp đồng hôn nhân, tình qua đêm, tình của đại gia với chân dài… Không bao giờ họ hiểu được. Và ngược lại, các đại gia và những chân dài hiện đại chắc cũng chẳng thể nào hiểu được thứ tình yêu giản dị mộc mạc mà tinh tuyền, dấy lên như sương như khói, trên dòng sông có bóng con đò, ở những ngày xưa.
*Nguyễn Hưng Quốc (chữ của tác giả)