Mụ Hoa Gà nợ, sáng ni nói chuyện với mụ, mình buồn quá, rứa là mụ không qua Cali được rồi. Tụi mình chừ đã 60, biết tới khi mô mới tổ chức lần gặp mặt nữa? Lần ni cũng thiếu mấy đứa rồi, bây chừ thiếu mụ với ôn Anh, thiệt tình buồn quá! Cả mấy tháng ni tụi mình sửa soạn đủ thứ lung tung xèng, nghĩ tới mô, làm tới đó, miễn là có nhiều trò vui cho các bạn ở tuổi 60. Cái tuổi bắt đầu rụng răng, rụng tóc, cái tuổi “chạm đáy” của nhạc sĩ Y Vân “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời!” rứa mà mụ bị kẹt không qua được!
Thiệt tình, nếu tính cho đúng, tụi mình nhập học năm 63, thì tới năm 2013, mới đúng 50 năm vào trường Phan Chu Trinh. Nhưng từ sáu, bảy năm nay, hồi lớp mình tìm được nhau tới chừ, Ôn Lâm là người gầy dựng nhóm, mà ôn Lâm vô trường năm 62, nhưng ra trường năm 70 cùng đợt với tụi mình, nên Ôn lập cái nhóm trên mạng lấy tên PCT 62-70. Chứ đâu có ai học trung học tới 8 năm trời. Mụ tính có đúng không? Nhưng vì cái tình cái nghĩa, gặp nhau là mừng, nên cái chi cũng được, đâu nỡ phiền hà, thắc mắc lung tung! Bởi rứa mới có cái Dạ tiệc 50 năm vào trường của nhóm Phan Chu Trinh 62-70. Mà cái lớp tụi mình từ hồi học trong trường tới chừ cũng có nhiều cái khác đời.
Hồi đó, lớp tụi mình học xuất sắc, phá cũng dàng trời mây mà duyên dáng yêu kiều cũng chiếm ngôi hoa hậu. Mụ Cẩm Lai gái Huế e ấp nón bài thơ, làm mấy ôn chết lên chết xuống, tới chừ vẫn còn chết. Mụ Hồng Điệp có chiếc răng khểnh làm trụy tim nhiều ôn cùng lớp và khác lớp. Cái răng khểnh nớ tới chừ vẫn làm khuôn mặt mụ tươi rói mỗi khi cười. Còn mụ Xuân Thu hồi nớ nức tiếng vì có khuôn mặt tuyệt vời của thần vệ nữ Venus. Tới chừ, sau nhiều năm gió sương, mụ vẫn như rứa không thay đổi. Còn tất cả các mụ khác trong lớp kể như trên trung bình, nhớ mỗi lần tan trường, các mụ xuất hiện ở cổng trường là xe ngừng chạy, tài xế ngẩn ngơ… ngẩn ngơ. Tới chừ vẫn còn có kẻ “thừ cả người” khi thấy mấy mụ đi qua. Nghĩ lại thiệt là đã!
Nghe mụ kể lể, mình biết mụ với ôn Anh không cách chi qua được, vì mẹ già 93 tuổi bị bịnh bất ngờ, mình đâu dám xúi mụ đi ngang, lỡ bà có chuyện chi, tụi mình sống sao nổi. Mà mụ không qua thì phần văn nghệ trong đêm Dạ tiệc kể như không có người thay thế! Phần hợp ca “Hội Trùng Dương” cũng có mụ, phần đơn ca cũng có mụ, giọng ca opera của mụ ăn đứt Thái Thanh. Rứa mà… thôi mình thông cảm với mụ, mình nhớ hồi mẹ mình bị bịnh, mình cũng không tham dự được những lần bạn bè gặp gỡ. Tới đợt đám cưới con của vợ chồng Lê Xuân Mỹ, mình cũng không tới được vì nhà có chuyện buồn, lúc đó mình buồn và tiếc lắm, nên rất hiểu quyết định của mụ.
Thôi mụ đừng buồn, nghe mụ kể mụ thức suốt đêm, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì không thể đi gặp bạn bè, vé máy bay phải hồi lại. Mình thương mụ lắm. Nhưng tình mẫu tử và lòng hiếu thảo mình phải lo cho tròn mụ nợ. Bạn bè nói già rứa chứ cũng còn răng nhai rau ráu chưa đến nỗi nào. Tụi mình sẽ cố gắng thu xếp buổi gặp mặt khác cho hai vợ chồng mụ. Buổi hàn huyên tâm sự tối Thứ Sáu 23-6 có một không hai, và dạ tiệc tối Thứ Bảy cả đời mới có, sẽ được chụp hình và quay phim, mụ sẽ được coi. Nhưng cái vụ chạy xất bất xang bang tiền dạ tiệc, nếu có kể chắc tụi mình cũng chỉ kể thoáng qua, không quay phim, nên ai nghe được thì ráng nhớ, sau này quên ráng chịu. Riêng mụ không tham dự dạ tiệc vì mẹ già như ngọn đèn trước gió, bị thiệt thòi nhiều. Nghĩ vậy, mình viết cho mụ đọc chuyện các bạn San José làm ăn ra răng trong thời gian tiền đại hội, mụ nhớ giữ làm vốn.
Như mụ biết đó, chương trình của tụi mình có hai đêm, một ngày, đêm Thứ Sáu ở nhà mụ Xinh, ngày Thứ Bảy du ngoạn “17 Dặm Đường Tình”, tối ở Paloma Café.
Ở nhà mụ Xinh chắc chắn tuyệt vời rồi. Khi mô có hội họp, nhà mụ Xinh được tuyển chọn đôi khi không cần hỏi ý chủ nhà.
Nhà mụ Xinh có nhiều điểm thuận lợi cho các bạn. Thứ nhất là gia chủ luôn luôn mời gọi bạn bè; thứ hai nhà cửa rộng rãi sạch sẽ; thứ ba có cái vườn vô cùng thơ mộng và lãng mạn. Lý do thứ tư rất quan trọng đó là chỉ có mụ Xinh là gia chủ, không có ai khác, nên bạn bè vui chơi tự nhiên thoải mái. Lần này, tất cả bạn bè nam phụ lão cũng sẽ trụ lại nhà Xinh, nên mấy bữa nay mụ chùi nhà dọn dẹp bá thở. Còn cái vườn thì từ hai tháng trước, mụ Xinh đã mua sơn cọ và làm bảng tên, cắm ở từng gốc cây, tên của tất cả các loài hoa và cây trái trong vườn để các bạn khỏi mất công hỏi, mà có hỏi mụ cũng không nhớ. Bị nhiều cây quá trời. Mụ Xinh cũng làm cái “Wishing Well” có nghĩa là Giếng “Mơ Uớc” thiệt dễ thương, để mọi người thả ước mơ trong đó. Hồi xưa ai hay hát “em ước mơ mơ gì tuổi 13 tuổi 15” thì bi chừ hãy ước in chang như vậy. Mình sẽ là người lặn xuống giếng lượm lời ước, và lời ước đó sẽ …biến thành sự thật. Ví dụ tác giả lời ước là một ôn mô đó muốn nắm tay mụ trong 5 phút, thì mụ phải đưa tay cho ôn nớ nắm, ôn nớ làm chi cái tay của mụ thì mụ cũng phải chịu cho tới hết 5 phút. Mụ biết không, nghĩ tới đó là đã hấp dẫn và rùng mình rồi!
Đêm ở nhà mụ Xinh sẽ có mục kể chuyện vui, mục tâm tình và văn nghệ Karaoke. Ai muốn hát chi thì hát, nhưng tới giờ ngủ sẽ có màn ca vọng cổ giữa khuya.
Phần ẩm thực đêm Thứ Sáu có BBQ và cháo Cá. Bữa ni mụ Xinh và mụ Cúc (cố vấn của ôn Xuân Mỹ) đi chợ Tây mua sườn bò Đại Hàn và cá Salmon, rồi xẹt qua chợ Đông mua hoa về chưng cho tươi mát và trái cây ăn cho tốt da, dễ tiêu hoá. Mấy bạn ăn chay, thì đã có Tuyết chay trường nấu mấy món Gà hầm thuốc Bắc, Heo quay bánh hỏi, Bò lúc lắc…bằng đậu hủ đem tới.
Tới phần dạ tiệc ở nhà hàng, mụ biết không, các bạn ghi tên tham dự đầu tiên mới có 40 người, nhà hàng nào cũng cả mấy trăm chỗ, làm sao mà đặt nguyên nhà hàng được. May sao tìm được Café Paloma, chỉ có khoảng 70 chỗ ngồi, có thực đơn đặt tiệc, có sân khấu nhỏ thiệt dễ thương và ấm cúng. Nhà hàng đồng ý dành cho tụi mình nguyên tối Thứ Bảy, không nhận khách ngoài. Đúng là trời giúp người hiền. Ôn Xuân Mỹ đặc trách lo vụ book nhà hàng, chọn món ăn, mướn ban nhạc. Cái vụ chọn món ăn mới độc đáo mụ nợ. Đầu tiên tính kiểu “chơi nhiều chứ ăn bao nhiêu”, nhà hàng cũng có thực đơn cho vụ “chơi nhiều chứ ăn bao nhiêu” này. Nhưng sau khi mấy ôn mụ đi ăn thử các món, đã quyết định chọn menu thượng hảo hạng với lý do “Dạ tiệc 50 năm của tụi mình là Dạ tiệc nhớ đời mà ăn sơ sài quá sẽ… mất hết ý nghĩa, uổng lắm, nên làm tới luôn!”.
Chừ tới phần quà lưu niệm. Mụ còn nhớ đệ tứ 3 của tụi mình không? Thầy Kính dạy Lý Hóa là giáo sư chính, và mình làm trưởng lớp, nhớ không ? Năm 2009, thầy Kính từ Việt Nam qua dự Đại Hội PCT lần thứ I, thầy cầm theo cuốn báo Sỏi, tụi mình làm hồi đệ tứ 3. Mụ biết không, cuốn báo cũ mèm, từ năm 1966 mà. Cuốn báo được viết tay, mình không biết hồi nớ “xuất bản” được bao nhiêu cuốn. Nét chữ tròn vo đều đặn của tuổi học trò trên giấy pelure xanh đã ố vàng. Nhiều trang mình thấy có nét chữ đặc biệt của Vị Thủy, chừ không biết hắn ở mô, không ai tìm ra hắn hết, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại. Có tin nói hắn vượt biên hồi năm 76 rồi mất tích luôn.
Nhớ hắn ghê!
Mụ biết không, cầm cuốn báo mình xúc động quá, chỉ biết cảm ơn Thầy đã giữ gìn nó tới bây giờ. Mình như bắt gặp tuổi thanh xuân. Thời tụi mình còn rất ngây thơ, ngày nào trong giờ ra chơi cũng cột hai tà áo dài một bên, rồi chơi u, la hét rân vang cả sân trường.
Các bạn mỗi đứa cầm cuốn báo một chút để lấy hơi ngày cũ, rồi mình được giữ vì là trưởng lớp lưu nhiệm vĩnh viễn! Mụ biết không, mình đọc tới đọc lui mà nhớ ngày xưa quá. Những bài viết, bài thơ ngô nghê dễ thương chi lạ. Tìm hoài không có bài viết của mụ.
Trang sau cuối mới ác liệt mụ nợ, tên của 53 đứa được viết nắn nót dính liền với nhau bằng những gạch ngang, kế đó là tên của 24 đứa tóc ngắn trong đó có mình, mười một đứa tóc ngang vai, và mười tám đứa tóc thề, mụ nằm trong danh sách tóc thề!
Nhân kỷ niệm 50 năm vào trường, các bạn muốn “tái bản” cuốn Sỏi để làm quà lưu niệm. Nhà in mô cũng từ chối vì giấy mỏng và màu mực đã mờ. Cuốn báo rất mong manh, giấy mỏng lét, cái gáy được đóng bằng dây kẽm, rồi dán tùm lum các thứ keo của thế kỷ trước. Chừ mà gỡ ra thì kể như tiêu cuốn báo. Mình tìm nát nước mới có một nhà in nhận “tái bản” cuốn Sỏi, nếu đồng ý cho họ gỡ từng tờ và họ bảo đảm không bị rách. Mình chịu mà lòng thấp thỏm. Sáng ni đi lấy báo, mình muốn khóc vì sung sướng. Cuốn Sỏi cũ được đóng lại đẹp đẽ, cuốn Sỏi “tái bản” dễ thương ghê, nó thơm mùi giấy mới dù coi cũ kỹ, mụ hiểu không, khó diễn tả lắm. Mình sẽ gởi qua cho mụ một cuốn làm kỷ niệm.
Thiệp mời cũng được in, mỗi đứa giữ một tấm để nhớ ngày hội ngộ. Hình trên thiệp mời là bức vẽ của mụ Khánh Thọ. Mụ nớ viết hay mà còn vẽ đẹp, các bức vẽ của hắn nổi tiếng lắm đó. Tiếc là hắn không qua được vì phải dự lễ ra trường của con.
Mụ Xuân Thu ở Nam Cali làm thêm cái ly cho quà lưu niệm. Emails qua lại, bàn tới bàn lui về màu sắc, chữ nghĩa, sau cùng cái ly đã được thực hiện, có Hiệu Đoàn của trường và hàng chữ: Phan Chu Trinh 62-70 Kỷ Niệm 50 Năm Vào Trường màu xanh lá cây trên nền màu kem của ly. Mụ tưởng tượng đi đẹp lắm. Mình sẽ gửi cho mụ đầy đủ 1 cái.
Thêm một món quà khác thật nhiều ý nghĩa, ôn Xuân Mỹ làm CD hình ảnh hai ngày gặp gỡ. Nhạc nền do Kim Thanh soạn. K.Thanh kỳ ni không qua được vì bận công việc bên Nhật. Kim Thanh cũng order bánh để tụi mình cắt mừng 50 năm nhập học PCT vào tối Thứ Sáu. Mình ăn giùm phần của mụ hỉ?
Ôn Xuân Mỹ cũng lo vụ du ngoạn “17 Dặm Đường Tình”. Hai vợ chồng ôn đã đi qua, nên chừ dắt các bạn đi nếm mùi đời. Ôn Mỹ cũng làm cái Banner để chào mừng bạn hữu. Dễ thương lắm với hàng chữ: “Class of 1962-1970 PCT-Dạ tiệc kỷ niệm 50 năm vào trường, San José 23/ 6/2012”.
Kể mụ nghe sơ sơ như rứa, sáng mai mình đi chuyến xe đò lúc 7 giờ sáng lên San José. Nghĩ tới lúc đưa cuốn Sỏi cho các bạn, chào đón ôn Thiện từ Việt Nam sang, mụ Thanh Tâm từ Canada tới, vớt mụ Thanh chúa đảo Hawaii bơi qua, rồi đón mấy ôn, mụ Nam Cali ở bến xe đò HoàngSan José…rồi nhập tiệc nhà mụ Xinh. Sau đó ngủ một giấc, sáng dậy đi du ngoạn, chiều tối áo dài khăn đóng đi ăn tiệc nghe bạn bè hát những bản nhạc một thời, mụ ơi, không còn gì hạnh phúc hơn.
Mình viết cho mụ như rứa tạm đủ để mụ có sức chờ cái Video Dạ tiệc, mụ đừng buồn nữa, ráng chăm sóc mẹ, vì mụ chẳng còn nhiều thời gian bên mẹ nữa đâu. Thương mụ nhiều.