LTS: Nhà Văn Trùng Dương đã tháp tùng theo phái đoàn của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đến thăm các trại tị nạn cũ của người Việt tại Nam Dương trong chuyến quay phim”Việt Story”. Những dấu chân của thuyên nhân đã được lưu giữ tại nơi đây, và chính phủ Nam Dương đã lập thành khu bảo tàng. Mời quý độc giả theo dõi phóng sự hình của nhà văn Trùng Dương.

Di tích thuyền nhân được dựng thành đài tưởng niệm trên đảo KuKu cùng với ước mơ phát triển ngành du lịch của chính phủ Nam Dương. Ảnh Trùng Dương
Trong công viên Trại Việt Nam có một bảo tàng viện được thiết lập trong đó trưng bày một số di vật và rất nhiều hình ảnh về sinh hoạt trong trại từ 1979 tới 2005 là năm AVBP hướng dẫn chuyến Về Bến Tự Do đầu tiên tới thăm trại.
Tôi để ý cuốn sổ cho khách ký tên tại viện bảo tàng: chỉ trong mấy tháng đầu năm 2012 mà đã thấy số người ký tên chiếm tới gần nửa bề dầy của cuốn sổ, với nhiều tên Nam Dương. Tôi cũng ký tên mình vào đó, kèm theo lời cám ơn quốc gia Nam Dương đã duy trì trại cho các thế hệ sau có dịp chiêm nghiệm một chương sử đầy đau thương của những người đi tìm tự do bằng mọi giá, và cũng nói lên lòng nhân đạo, tình nhân loại của quốc gia nhận chứa họ trong giai đoạn chuyển tiếp.
Khung hình lôi kéo sự chú ý đặc biệt của các đoàn viên của chuyến Về Bến Tự Do là khung gồm những bức hình về các cuộc biểu tình chống cưỡng bách hồi hương vào giữa thập niên 1990, dưới tựa đề “Demonstrations of the Refugees to UNHCR, Demand the Appropriateness of Life”. Xem thôi không đủ, các bạn đồng hành của tôi còn giành nhau chụp hoặc thu hình lại những bức hình lịch sử trước cái nhìn có lẽ là ngạc nhiên của nhân viên an ninh đứng ở hậu cảnh trong hình bên trái.
Hàng trăm thuyền nhân cả phụ nữ và trẻ em, đầu đội khăn tang trắng biểu tình chống cưỡng bách hồi hương vào khoảng năm 1992 tại Galang. Tấm hình bắt đầu phai mờ vì thời gian và bụi bặm tại “Viện Bảo Tàng dã chiến” trong làng tị nạn Galang
Hình ảnh cuộc biểu tình của trên 500 thuyền nhân phản đối chương trình cưỡng bách hồi hương năm 1994. Theo lời của Tèo, một nhân chứng, thì nhóm người đeo băng trắng quanh đầu ngồi ở giữa là những người tình nguyện tự sát để phản đối lệnh cưỡng bách hồi hương.
Miếu Ba Cô dưới cây bồ đề lớn không xa trụ sở UNHCR là mấy. Theo lời kể của anh Lưu Dân và cũng được ghi lại tại Web site http://refugeecamps.net/, hai trong ba cô là hai chị em vượt biển bị hải tặc hãm hiếp nhiều lần. Đã vậy, khi tới đảo thay vì là thương cảm thì một số người đã nhìn họ bằng cặp mắt coi thường. Theo anh Lưu Dân thì giọt nước làm tràn cái ly là khi hai chị em bị buộc tội ăn cắp cái bóp của một bà thiện nguyện viên người Mỹ. Chịu không nổi nữa, hai chị em rủ nhau treo cổ tự sát. Cái bóp về sau kiếm lại được, do một người đàn ông ăn cắp thú tội. Cô thứ ba cũng cùng cảnh ngộ bị hải tặc hãm hiếp, quá tủi hổ nên tự sát về sau này. Người trong trại thương cảm lập miếu thờ. Chúng tôi tới thắp nhang, đốt vàng mã và cầu nguyện cho vong hồn các cô siêu thoát, an bình nơi miền vĩnh cửu.
Lối vào nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, một bên là tượng Đức Mẹ Maria với hàng chữ “Mẹ Nguồn Cảm Thông” và một bên là tượng Thánh Giuse với hàng chữ “Cha Niềm An Ủi”. Trong khuôn viên bên hông nhà thờ là một pho tượng Đức Mẹ mặc áo dài Việt Nam xanh da trời tay bồng Chúa Hài Đồng, có lẽ là do một thuyền nhân nghệ sĩ tạc. Cho chắc ăn, một pho tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu có hình bản đồ Việt Nam trên một con thuyền bằng xi măng mang số VN.02.1985 (có lẽ là thời gian tượng được hình thành) được dựng gần đó.
Hình ảnh một người mẹ, qua Đức Mẹ Maria, chắc chắn đã là niềm an ủi vô biên đối với các thuyền nhân có đạo Thiên Chúa, cũng như Phật Bà Quan Âm (Ảnh Internet) đối với các thuyền nhân theo đạo Phật.
TD