Khi chúng tôi dự trù tổ chức “Chiều Nhạc Nguyễn Đình Toàn”, chúng tôi không nghĩ ra những trận đá banh ở vào thời điểm quyết liệt nhất. Ảnh hưởng của Giải Túc Cầu Âu Châu làm cho một số khán giả của “Áo Mơ Phai – Chiều Nhạc của Nguyễn Đình Toàn” (Áo Mơ Phai là tên tập truyện của Nguyễn Đình Toàn được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc 1972) tổ chức tại Café Canvas, Houston, không đến được. Tuy nhiên số người tham dự vẫn đông đảo. Chúng tôi khai mạc đúng giờ đó là một sinh hoạt đúng với tinh thần văn hóa, không kéo dài thời gian chờ đợi và tất cả quý khách tham dự rất lịch sự giúp cho chương trình tiến hành một cách tốt đẹp.

Từ trái: Việt Anh, Việt Quân, Đỗ Thọ và Bích Loan
Nói đến Nguyễn Đình Toàn thì những anh chị em lớp tuổi trên dưới 60 đều biết. Ông là một người phụ trách chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên đài Phát Thanh Sài Gòn từ năm 1962 đến thập niên 70, với một giọng đọc hấp dẫn của chính ông, đã làm say mê lớp thanh niên thuở ấy. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ có tài. Tên tuổi của ông chiếm ngự trong lòng người thưởng ngoạn. Nên buổi chiều “Áo Mơ Phai” thu hút khán thính giả mà ngày xưa đã từng thưởng thức những sinh hoạt văn nghệ của ông. Tuy nhiên với số tuổi 76 của ông, không cho phép ông tung hoành như ngày xưa. Thế nhưng tối hai hôm trước tại nhà tôi, gồm có anh chị Ngu Yên, anh chị Tô Thẩm Huy, anh Cái Trọng Ty, anh Lương Thư Trung và vợ chồng tôi. Anh ôm cây đàn hát một lúc mấy bài. Anh trong phong thái rất nghệ sĩ đã hát với một giọng hát nhẹ nhàng điêu luyện. Chúng tôi nghĩ ngay với số tuổi đã cao mà hát như vậy thì ngày xưa anh tài hoa biết mấy.
Chương trình mở đầu với nhà thơ Ngu Yên. Ngu Yên đã đưa thính giả đi vào thế giới âm nhạc tổng quát trước khi bước vào những ca khúc của Nguyễn Đình Toàn. Lời mở đầu chào đón của Ngu Yên thật súc tích và lãng mạn, đã đưa mọi người bắt đầu đi vào “Chiều Nhạc Nguyễn Đình Toàn” với nỗi háo hức đợi chờ…
Dẫn chương trình là anh Tô Thẩm Huy. Với một giọng Bắc nhẹ nhàng, đầm ấm, Tô Thẩm Huy dẫn nhập chương trình một cách hấp dẫn, khéo léo. Trong một không gian tĩnh lặng đúng với nhạc thính phòng, Tô Thẩm Huy đã giới thiệu từng ca khúc, từng ca sĩ một cách trang trọng để người nghe hiểu rằng ca khúc nào thích hợp với giọng ca sĩ đó. Nói như vậy để biết rằng các ca sĩ đã chọn lựa bản nhạc mình yêu mến và tập luyện một cách rất công phu trước khi trình diễn. Các giọng hát và tiếng nhạc đã làm nên “Áo Mơ Phai – Chiều Nhạc Nguyễn Đình Toàn” tại Houston thành công gồm có: Kim Khánh, Bích Vân, Phương Nga, MiMi, Lê Vũ, Huy Thắng, Hoàng Cương, Trọng Hiệp, Võ Đức Phương.

Ca sĩ Bích Vân và Phương Nga
Chấm dứt chương trình vào lúc 6 giờ chiều với tiếng hát truyền cảm thiết tha của ca sĩ Mi Mi qua nhạc phẩm “Tình Khúc Thứ Nhứt”, dường như âm vang của lời nhạc và tiếng hát mượt mà ấy muốn níu kéo người nghe và khán giả còn chần chừ vẫn chưa muốn ra về… Gặp nhà thơ Nguyễn Lập Đông đến bắt tay, anh nói với tôi là lâu quá mới nghe được một buổi nhạc rất hay và hợp với anh em mình, thật tuyệt vời. Gặp một người bạn của tôi, không ở trong giới văn nghệ, anh Trương Đình Phúc nói với tôi rằng nể bạn mời nên đến tham dự. Tôi nghĩ sẽ tới chừng một lúc rồi đi vì có hẹn cuộc nhậu chiều nay. Thế nhưng ngồi nghe hấp dẫn quá, không đứng dậy được, nhậu thì lỡ bữa nầy, còn bữa khác. Còn mất một bữa nhạc hay như thế nầy làm sao tìm lại. Tôi nghe những lời chân tình nầy mà lòng cảm thấy ấm lại.
Sau buổi nhạc anh Tô Thẩm Huy có nhã ý mời các ca nhạc sĩ đã giúp cho chương trình nhạc dùng bữa cơm thân mật và nhân dịp này để nói lời cám ơn các anh chị ca nhạc sĩ cùng anh chị Nguyễn Đình Toàn dù đường sá xa xôi nhưng anh chị không phụ lòng những người hâm mộ những bản tình ca một thời của anh từ mấy mươi năm nay. Anh chị em rất vui vẻ và nhất là vợ chồng anh Nguyễn Đình Toàn rất vui và hạnh phúc với tấm lòng quý mến của bà con Houston dành cho anh chị.
Chưa xong bữa tiệc chúng tôi xin phép tạm chia tay để còn đi Dallas vì ngày hôm sau Chủ Nhật 24/6/2012, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp cùng với anh chị em tuần báo Trẻ Dallas và thân hữu tổ chức “HIÊN CÚC VÀNG – CHIỀU NHẠC NGUYỄN ĐÌNH TOÀN”. Chúng tôi cần phải đi sớm để kịp cho ngày mai.

Từ trái hàng dưới: Cẩm Tú, Bích Vân, Thu Hiền, Lan Hương, Thu Đào và Kiều Trang. Hàng trên: Trần Đại Phước, Ian Bùi, Trần Văn Khôi và Tôn Thất Phương
Ngồi trên xe, anh chị Nguyễn Đình Toàn vẫn tấm tắc khen một buổi chiều nhạc mà các ca sĩ hát không những bằng chất giọng rất riêng của mình mà bằng cả một tấm lòng trong đó. Rất khó có một chương trình văn nghệ nào đạt được như vậy.
Vào lúc 2.30 giờ chiều ngày 24 tháng 6 năm 2012, khi bước vào nhà hàng Quốc Hương trong khu Saigon Mall – Dallas, thú thật, chúng tôi choáng ngợp với khung cảnh tổ chức quy mô và hoành tráng như vậy. Anh Nguyễn Đình Toàn níu tay tôi lại và nói với tôi: Anh em ở đây có lòng quá. Nhìn thấy bày biện trên sân khấu cũng như sắp đặt bàn ghế đủ biết họ là những người tổ chức rất có lòng. Tôi không đếm nhưng hình như trên dưới 30 cái bàn, như vậy số khách trên 300 người chật ních. Một buổi chiều rất nóng, nhiệt độ bên ngoài trên 100 độ F, lúc đó hình như máy lạnh trong nhà hàng không được tốt. Thế nhưng khách vẫn ngồi không một tiếng than phiền.
Mở đầu chương trình, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp (một người bạn lâu năm của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn), giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Đình Toàn mà anh đã biết, anh cùng bạn bè đến thăm nhà Nguyễn Đình Toàn tại làng Báo Chí, Thủ Đức. Một căn nhà mà anh em văn nghệ bảo là nhà của một hàn sĩ. Sau những năm cải tạo trở về, tất cả mọi người đều xác xơ chứ không riêng gì Nguyễn Đình Toàn. Ông sáng tác nhạc phẩm “Nước Mắt Cho Sài Gòn” khi ra hải ngoại bản nhạc đổi thành “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” là những ngày đầu Miền Nam mất vào tay Cộng Sản.
“Hiên Cúc Vàng” là bài thơ và bản nhạc nổi tiếng của Nguyễn Đình Toàn. Có một điều lạ là những ca sĩ có người còn rất trẻ mà Nhạc của Nguyễn Đình Toàn không phải là nhạc dễ hát, lại không mang tính đại chúng, không được phổ biến rộng rãi thế mà các em chịu khó tìm tòi và hát một cách vững vàng. Một cháu gái sinh trưởng tại Hoa Kỳ, nói tiếng Việt một cách đại khái. Thế mà em đàn violon và hát nhạc Nguyễn Đình Toàn rất cảm động.
Khuôn mặt và giọng nói của em thật dễ thương, vô tư. Có một bé trai đàn piano cho bố mẹ hát. Lại có một cặp bé trai sinh đôi đàn Violoncel cho bố hát một bản nhạc mà bố em phổ thơ của Nguyễn Đình Toàn. Những hình ảnh nầy tôi nghĩ Nguyễn Đình Toàn không thể nào quên được. Tôi nhìn qua ông trong những lúc nầy, tôi thấy khuôn mặt ông rạng rỡ, đôi mắt ông sáng lên. Như vậy đủ biết ông vui thú biết chừng nào.
Cám ơn Ban Tổ Chức của Hiên Cúc Vàng, cám ơn nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Cám ơn những người bạn trẻ đứng phía sau anh Thiệp. Mặc dù âm thầm, không lên tiếng ồn ào nhưng tôi biết các bạn là những người làm nên buổi nhạc thành công một cách mỹ mãn, các bạn đã đem cả một tấm lòng, hy sinh những thì giờ quý báu lao vào cuộc chơi một cách nhiệt thành, không cần phải so đo, cân nhắc. Tôi thật sự kính phục những hành động đó. Mong rằng bầu nhiệt huyết của các bạn sau nầy sẽ còn phục vụ cộng đồng chúng ta một cách đắc lực

Nhạc sĩ và nữ nhân viên Trẻ Magazine
Được Đinh Yên Thảo (một trong những người của Ban Tổ Chức) cho biết. Hai mươi bản nhạc của Nguyễn Đình Toàn được anh chị em miệt mài tập luyện trong ba tháng trường. Nói như vậy đủ biết tất cả mọi người không phải là những ca sĩ thành danh nhưng với một tấm lòng trước hết là dành cho thính giả và sau là dành cho ông, người nhạc sĩ cũng nhiều trắc trở, khó khăn trong cuộc sống. Một buổi nhạc mà khi lên xe trở về Houston chúng tôi vẫn còn luyến tiếc.
Có một điều mà chúng tôi suy nghĩ mãi là sau hai buổi chiều nhạc của Nguyễn Đình Toàn chúng ta sẽ còn lại những gì? Trước nhứt, phải chăng ở đó chúng ta còn có một nhạc sĩ, một nhà văn, môt nhà thơ Nguyễn Đình Toàn bằng xương bằng thịt mà chúng ta hằng mến mộ đã ngồi nghe các thế hệ đàn em hát lại nhạc của mình. Có lẽ người mến mộ một nhân tài nào chắc cũng chỉ cầu mong có chừng ấy là quá đủ. Nhưng ở đó chúng ta còn nghe ông nói rất ít và nói rất nhỏ khi được ban tổ chức mời ông lên sân khấu. Điều đó khiến cho chúng ta thấy những gì ông muốn trao tặng cho đời ông đã nói hết trong các trang sách, trong những bài tình ca lãng mạn, êm đềm, tha thiết, trong những chương trình “nhạc chủ đề” ngày nào… Dường như, qua các buổi chiều nhạc đặc biệt như hai buổi chiều nhạc ở Houston và Dallas vừa rồi, ông muốn ngỏ lời cảm ơn những người hâm mộ những bản tình ca một thời của ông… Và chắc chắn, nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy trên gương mặt trầm tư của ông có chút gì vừa vui mà cũng vừa xúc động, bồi hồi…
Thứ đến, như một chút tình dành cho người nghệ sĩ tài ba ấy, nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, chúng ta những người mến mộ ông từ những năm tháng cũ, hồi thời “nhạc chủ đề” của thập niên 60 cũng như các thế hệ trẻ sau này đã hát nhạc ông, trong lòng chúng ta còn vang vang niềm vui và muốn nói lời cảm ơn ông, một người nghệ sĩ đã mang tặng cho đời những tác phẩm bất hủ của mình. Bắt chước ông, để cảm ơn những nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ mà ông được đọc, được thưởng lãm, ông đã có tác phẩm “Bông Hồng Tạ Ơn”; còn chúng ta chẳng có gì ngoài tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn một nhân tài.
Nhân dịp này, một lần nữa, chúng tôi xin phép thay mặt tất cả các khách tham dự hai buổi chiều nhạc Nguyễn Đình Toàn tại Houston và Dallas trân trọng gởi đến ông lòng biết ơn chân thành và trang trọng nhất tự đáy lòng, thưa nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn!

“Hiên Cúc Vàng” tại nhà hàng Quốc Hương
Houston, ngày 27-06-2012