Menu Close

Vài loài bông trong vườn – Kỳ 1

Đồng quê là cái nôi của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu bạn là người được sanh ra và lớn lên nơi vùng đồng bằng này, bạn sẽ dễ nhận ra cái nôi êm đềm của tuổi thơ của bạn. Còn nếu bạn là du khách từ các vùng phương xa đến như miền Đông qua, miền Trung vào hoặc miền Cao nguyên xuống, hoặc từ mọi miền khác đi ngang qua, bạn sẽ nhận ra những cư dân vùng này được ấp ủ bởi những cánh đồng lúa bao bọc, những mảnh vườn tươi mát quanh năm, những dòng sông nước ngọt bốn mùa… Và, người người ở đây lớn lên với một tâm hồn mộc mạc, đơn thuần, chất phác, hiền hòa theo từng ngày tháng của một miền quê như vậy…

alt

Khung cảnh đồng quê với cỏ nội hoa đồng, với chim muông líu lo trong vườn đã ảnh hưởng sâu đậm vào những tâm hồn bình dị của cư dân đến đỗi trở thành những câu nói, những thành ngữ, những phương ngôn trong đời sống nơi ruộng vườn phong phú vô cùng. Nó nhuần nhuyễn đến độ bạn không cần phải khổ công tra cứu kinh điển, sách vở như nhiều nơi, nhiều miền khác của đất nước mình hay bất cứ nơi chốn nào xa lạ trên thế gian này.

Có thể nói mà không sợ quá lời là nơi miền quê có bao nhiêu loài cây cỏ là có bấy nhiêu loài bông với hương sắc đậm đà. Từ bụi chuối trước khi trổ buồng, cái bắp chuối như một cái bông còn búp thật lớn, mà trong đó khi bắp chuối mở ra những bẹ bắp non, chúng ta sẽ thấy những bông chuối riêng lẻ kết lại thành từng nải với những mật ngọt trong từng nhụy hoa màu vàng bao phủ bởi đài hoa màu trắng, để sau này, mỗi bông chuối nhỏ như vậy trở thành những trái chuối khi đài hoa rụng đi sau thời kỳ trăng mật với ong bướm dập dìu.

alt

Chuối trổ buồng bên hiên nhà

Chỉ tiếc một điều bông chuối có lẽ ít có ai trong xóm trong làng gọi đúng tên mình là bông chuối, mà cứ một mực kêu là bắp chuối hoài. Nghĩ mà thương cho sự hẩm hiu của một loài bông!

Và cũng như mật ngọt của các loại nhụy bông hoa khác đã cho người ta hiểu lý do tại sao loài ong mật thường hay làm tổ vào mùa hoa rừng hoặc các loài bông trong vườn trổ rộ… Và rồi, người nhà quê nghĩ rằng mùa bông trong vườn, ngoài rẫy, trên đồng nội là mùa của bướm ong dập dìu, đùa giỡn. Ong theo các nhụy hoa tìm mật, bướm theo các cánh hoa vì sắc, vì hương thơm.

Một đằng lấy cái ngọt ngào làm lẽ sống, còn một đằng lấy cái sắc, cái hương làm niềm vui ngập đầy nỗi đam mê cho một kiếp sống không bền. Cả hai đang tận dụng những tháng ngày của tạo vật để làm thành thú vui cho mình mà cũng mang lại nét tươi mát cho đời nữa!

Rồi bạn đi ngang qua vườn cam, vườn quít, vườn chanh khi vài cơn mưa đầu mùa thắm ướt nền vườn mới hôm qua còn khô khốc, bạn sẽ nhận ra những nụ bông cam, bông quít, bông chanh nhú ra từ những cành nhánh no nước, một màu trắng tinh khiết. Mỗi bông hoa với năm cánh hoa trắng mỏng manh chở che năm đài hoa nhỏ hơn cũng màu trắng như  từng bậc của một kỳ quan bên trong với những nhụy vàng mà thơm thơm nhè nhẹ một hương vị trong lành, thanh khiết biết bao. Gió đưa hương theo gió lan toả khắp vườn. Cánh hoa trắng cũng theo gió để trải đầy lên mặt vườn im bóng mát như chấm phá thêm một nét vẽ của tạo hóa lên những mảnh vườn cây ăn trái nơi thôn dã này… Bạn sẽ không khỏi chặc lưỡi khen thầm loài bông bưởi trong vườn sao mà ngát hương như hương thơm của một mái tóc người con gái thuở ngồi cạnh bên nhau trong lớp học ngày nào. Cái hương tinh khiết ấy vừa thanh tao, vừa trinh bạch như tâm hồn em trinh bạch ngát hương!

Chẳng thế mà, thi sĩ Nguyễn Bính có lần đã phải thốt lên rằng cái “chân quê” nó quí báu biết dường nào với cái hương vị hoa chanh làm biểu tượng: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh”!

alt

Bông cam vào mùa

alt

Bông chuối mà nơi nhà quê thường gọi là bắp chuối (hình: Lê Thạnh)

LTT