Từ làng Versaille phía Đông New Orleans, phải mất thêm hơn hai mươi dặm chúng tôi đến bến tàu đánh tôm neo đậu trong con lạch dẫn ra hồ Catherine. Đứng trên bờ thấy rõ cây cầu 90 làm ranh giới cửa nối với hồ Pontchartrain. Chếch về phía Tây-Nam dòng nước từ đây lại dẫn về hồ Borgne trước khi đổ ra vịnh Mexico. Như vậy nước trong vùng hồ đi qua hai cửa thoát tự nhiên trực tiếp làm giảm áp lực dòng chảy trong mùa lũ, đồng thời trở thành nơi trú ngụ an toàn cho các loài tôm cá ngoài biển vào sinh sản, tạo thành ngư trường cho các tàu nhỏ đánh bắt theo mùa.

Đêm nay tàu của vợ chồng anh Trọng có thêm hai người khách, một quen một lạ. Chúng tôi muốn thử theo xem cuộc sống ngư dân trên hồ để xem cách đánh bắt như thế nào. Thật ra lòng tôi muốn đi một chuyến đánh bắt trên vùng biển mênh mông hơn, khi đó con người trở nên nhỏ bé giữa bao la trời nước. Cái cảm giác này đối với người lần đầu đi tàu đánh tôm đêm như tôi hẳn sẽ lạ và háo hức lắm. Nhưng rất tiếc tàu anh chỉ hoạt động trong hồ, ra biển phải là tàu lớn đủ sức chịu đựng sóng gió. Vợ anh Trọng cho biết: “Làm nghề đánh bắt nhiều năm chứ vợ chồng em dở lắm, không chịu nổi say sóng, những hôm gió mạnh, tụi em đâu dám giong tàu ra hồ”. Nghe cũng lạ. Dân vạn chài mà còn sợ say sóng thì huống gì tôi thi thoảng mới có dịp lênh đênh sóng nước. Bây giờ, ngồi trên nắp hầm máy, tôi đang có cảm giác lâng lâng, người lắc lư theo nhịp sóng con tàu, dù rằng đêm nay gió chỉ mơn man trên mặt nước.

Có lẽ nhờ gió mùa Hè phả hơi ấm nhè nhẹ làm tôi cảm thấy dễ chịu không đến nổi ngầy ngật. Một chiếc tàu đẩy sà lan đi qua, sóng đập vào mạn tàu, vài bọt nước văng vào mặt vào miệng làm tôi nếm được vị lợ của nước. Người ta nói tôm sống vùng nước lợ thịt ngọt hơn vùng nước mặn. Không biết có đúng như vậy không, nhưng mấy món tôm tôi được thử ở tiệm ăn, ngọt thịt hơn tôm chợ ở Texas nhiều. Vừa lúc đó, anh Trọng lên tiếng làu bàu vì chiếc tàu đẩy trước mặt không nhấn còi báo hiệu, lại không có đèn sáng dẫn đường, cứ lù lù tiến ngang. Anh đánh vòng, cho mũi lái hướng về cầu 90, nước đang chảy ngược ra biển, con tàu giảm tốc đột ngột. Trong khi đó, chị vợ nhấn nút điều khiển thả hai cục sắt nặng xuống nước để dằn miệng lưới phía dưới đến tận đáy hồ và hạ hai càng giăng tay lưới thẳng ngang mặt nước. Hai miệng lưới mở rộng như hai cánh bướm, thu nhỏ dài ra phía sau thành một cái túi buộc miệng được thả xuống nước bằng ròng rọc tự động. Mọi thao tác chuẩn bị cho việc đánh bắt diễn ra trong vòng năm phút là hoàn tất. Anh Trọng giải thích, đây là cách đánh sâu trong các vùng hồ hay sông lạch. Nhờ sợi xích căng ngang, miệng lưới dưới nước chạy sát đáy hồ, tôm sống tầng đáy theo xuôi con nước búng vào đi thẳng xuống cuối tụng lưới. Tôi nhìn vào màn hình chiếc máy dò độ sâu, đáy hồ gần như bằng phẳng và độ sâu không thay đổi nhiều trong vòng năm sáu mét.

Tàu chạy ngược nước, tiếng máy rì rì ở tốc độ chậm gần như bất động tại chỗ. Ánh hoàng hôn muộn vừa khuất thì những chiếc tàu đánh tôm khác tiếp tục xuất hiện trên hồ. Xa phía dưới cửa dẫn vào hồ Borgne ánh đèn của hàng chục con tàu lập lòe trong bóng tối chập choạng dưới ánh trăng mờ cũng vừa ló dạng. Phía trước mặt, bên kia cầu 90 cũng hiện ra ánh sáng những ngọn hoa đăng trắng giăng dọc theo chân cầu. Đó là những tàu đánh tôm ra sớm chặn ngay cửa thoát. Anh Trọng nói, tuần này là tuần trăng, tôm đi ngược ra biển nhiều nên cũng nhiều tàu ra đánh bắt. Tôi hỏi: “Sao tàu ta không đến đó?”. Anh cười hề hề: “Mình đánh bắt những con tôm đi lạc”. Lý do anh không đến đó vì những tàu đã đến trước quá đông, thêm một tàu chen vào chỉ tổ làm người ta phát ghét. Tôi ngây ngô hỏi tiếp: “Sao lại ghét?”. Anh đáp: “Cũng như mình thôi, đâu có thích người khác đẩy tàu đánh trước mũi của mình”. Hèn chi anh chọn vùng đánh bắt ở giữa, không đụng chạm với ai, một mình một cõi mênh mông, tha hồ thả lưới. Hình như không phải mình anh mới có ý nghĩ như thế, có thêm một con tàu trắng cũng vừa đánh vòng ra cửa lạch, bung càng căng lưới chạy song song với tàu anh. Tiếng máy tàu bên nghe giòn tan trong đêm trăng sáng.

Trời về khuya, ánh trăng càng sáng tỏ, gió êm, sóng lặng và mát hơn. Từ lúc bắt đầu đánh, anh Trọng đã kéo lên ba mẻ lưới đổ ra cái bồn chứa đặt ở cuối đuôi tàu. Cá tôm lẫn lộn, nhưng xem ra cá nhiều hơn tôm. “Cá chưa đi ngủ”, anh Trọng pha trò cho câu chuyện giữa chúng tôi rộn lên. Tôi xoay qua bồn chứa, cầm lên con tôm còn ngoe ngoảy mấy đôi chân, hai con mắt sáng đỏ như đầu nhang đang cháy. “Làm sao biết được tôm nào đực-cái?”, tôi hỏi bất chợt. Thật ra, tôm có nhiều loại, phân biệt đực-cái không khó nhờ vào hình dạng và màu sắc. Tuy thế, nhìn vào đống tôm sú búng lách tách không sao nhận dạng được. Anh Trọng nói: “Tôi nghe nói tôm đực nó có “cây kim” ở bụng. Biết vậy thôi, chứ làm sao mà thấy được khi nhìn bằng mắt thường. Dễ nhất nhận ra con tôm cái có màu trắng toàn thân”. Nói xong, anh dùng cào bới đống chiến lợi phẩm tìm ra một con tôm trắng cho tôi xem. Khi nào trong hồ có nhiều tôm trắng, ngư trường đóng cửa. Loại tôm này từ biển trở về hồ, sông, lạch làm nơi sinh sản. Cơ quan quản trị ngư trường thường xuyên theo dõi sinh thái của các loài hải sản trong hồ sẽ quyết định lúc nào mở hoặc đóng cửa ngư trường. Thường làm nghề đánh tôm trong hồ chỉ hoạt động chừng năm sáu tháng trong năm. Vì vậy ngoài nghề đánh tôm tay phải, anh Trọng còn có thêm nghề tay trái cũng “đánh”, nhưng là đánh đàn keyboard theo kiểu “One man band” cho các đám cưới hay những buổi ca nhạc của hội đoàn địa phương. Đúng là nghệ sĩ “tay lưới tay đàn”.

Đã quá nửa đêm. Cá vẫn nhiều hơn tôm khiến tàu đồng nghiệp quần thảo từ chập tối đến giờ chán nản, xếp giã cào về bến. Giờ chỉ còn mỗi tàu chúng tôi cô đơn bươn mình trong dòng nước ngược. Đúng thời điểm những con mắt bắt đầu buồn ngủ và câu chuyện thưa dần trong đêm đen thì sự kiên nhẫn của anh Trọng được đền bù bằng những mẻ lưới tôm nhiều hơn cá. Anh Trọng hào hứng cho biết “càng khuya tôm càng có nhiều. Nhiều lúc trúng luồng đánh lên toàn tôm không có cá. Những đêm như thế xem như trúng mánh, bốn năm trăm cân là chuyện thường”. Làm nghề đánh tôm, công đoạn cực nhất không phải đánh bắt mà là lựa tôm, phân loại. Cá nhỏ bỏ lại xuống nước làm mồi cho đám binh tôm cua tướng. Nhìn những con cá đuối to đùng bị trả lại cho “Hà bá” mà tôi thấy tiếc. Cá đuối tươi nấu chua và dùng gan của nó băm nhuyễn nêm nước mắm xào dầu, rắc thêm đậu phộng rang vàng giã nhỏ làm nước chấm thì tuyệt cú mèo. Muốn ăn món này chỉ ở vùng biển mới ngon, cá đuối đông lạnh bán ở chợ không còn ngon nữa vì vị khai của cá.
Gần bốn giờ sáng, hơn hai trăm ký tôm đã nằm yên trong thùng đá. Chúng tôi cất lưới, kéo cục dằn lên, càng căng nhấc bổng nửa chừng. Gió tung giã lưới như hai cánh bướm la đà trên mặt nước xoay một vòng tròn theo mũi tàu về bến biến thành một vũ điệu thật đẹp dưới ánh trăng đêm trên hồ Catherine.
