Cây có đặc tính của cây, người có tính nết của người, không lầm lẫn giữa bông với bông, giữa trái với trái, giữa người với người được! Rồi nào là ổi với những cánh hoa màu trắng lất phất bay mang lại những trái ổi xanh xá lị với lớp vỏ mỏng chua chua như mời gọi những phụ nữ có bầu, có bụng thèm thuồng. Đến lúc chín cây, những trái ổi mềm thơm phưng phức như chia sẻ cái miếng ngon với vợ chồng đôi chim trao trảo trong vườn đang hưởng những ngày trăng mật bên vườn đầy trái chín ngạt ngào…

Nhắc đến ổi, bạn không thể không nhắc đến mùa bông cốc trổ. Những cây cốc thân xốp vào mùa nắng tháng Ba bắt đầu trổ bông và kết trái tháng Tư để kéo dài mùa cốc với những tháng mưa dầm tháng Bảy mà cốc vẫn còn oằn nhánh vì mùa cốc quá trúng mùa mang lại nơi nhà quê chút chua chua rất quê mùa mà thiếu cốc, thiếu ổi dường như thiếu thiếu chút gì khó nói lắm.
Nhưng bông khế với màu trắng nhụy tím cũng khoe cùng trời đất chút mặn mà của mình qua những chùm bông sum sê biết bao!
Thường thường nơi làng quê có trồng hai loại khế chua và ngọt, nhưng có nơi cũng trồng thêm loại khế tây. Giống khế này trái hơi dài mà không có khía và vị rất chua. Có lẽ cũng xin nhắc lại một chút về trái khế này, ngày xưa còn gọi là “ngũ liễm tử”, có năm cạnh, mỗi cạnh hình như sống gươm, người ta còn gọi nó là dương đào. Sách “Thảo mộc trạng” nói rằng: “Người Nam gọi cạnh là liễm, nên đặt tên thế”.(1)

Hai cây cau lão vươn lên trời cao bỏ lại dưới kia những chùm phượng vĩ – Ảnh LT
Bạn có lẽ cũng nhận ra bông cau thơm ngát vào mùa Hè. Những cánh hoa thật nhỏ chi chít bám quanh những nhánh non màu xanh lợt sau khi vươn mình ra khỏi chiếc mo nang như chiếc thuyền nhỏ. Những nhụy hoa mong manh bay trong gió mang cái hương ngào ngạt của một loài bông cho những mùa hò hẹn, đính hôn, cưới hỏi những ngày giáp Tết. Vì ở nhà quê, mùa nắng ráo là mùa cưới hỏi.
Tháng Chạp thường là tháng tận, năm cùng, nhưng trong dân gian vẫn thường hay cưới gả, định đôi định bạn cho con cái. Do đó, người đời quen nói “cưới vợ ăn Tết” là vậy. Từ mùa Thu ấp trứng, mùa Hè nở con, mùa Xuân cau dày ruột màu hồng hoặc màu trắng trong ngần làm tươi thắm cho những cặp gái trai thành những đôi uyên ương ấm áp hạnh phúc trăm năm. Tình chồng vợ ở nhà quê thường bền chặt đến răng long tóc bạc, ít khi gặp phải những đổi thay đen bạc thường tình, có lẽ cũng nhờ vào cái duyên mặn nồng của cau trầu mà tổ tiên hằng trăm năm xưa lưu truyền lại.

Cau trong vườn đang trổ bông

Bông khế
Bông ổi xá lị
Bông và những trái cốc còn đọng những giọt mưa – Ảnh LT
1/ Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, năm 2006, Chương IX. Phẩm vật, điều 218, trang 444.