Tuần trước lên FB, chuyện trò với nhà văn Vũ Thư Hiên, ông vẫn ở Pháp, vẫn khoẻ, và có đời sống như thời “sinh viên”.
Tôi nhớ mùa thu 1998, tôi gặp Vũ Thư Hiên, tác giả hồi ký ‘’Đêm giữa ban ngày’’- Tập hồi ký chật cứng những dã man của chế độ cộng sản Hà Nội, và chất ngất khát vọng tự do của người dân miền Bắc – Đọc ‘’Đêm giữa ban ngày’’, tôi tưởng tượng tác giả phải là một người tù gày gò, khắc khổ, thâm trầm. Nhưng Vũ Thư Hiên khác hẳn những gì tôi vẽ về ông, ông phúc hậu, lạc quan, không một chút khắc khổ.

Vũ Thư Hiên
Cũng bởi phong thái này, mà trong suốt buổi gặp, tôi không hề nhắc đến cuốn hồi ký ‘’Đêm giữa ban ngày’’, cũng chẳng một lời chúc mừng ông đã đến bến tự do, mà chỉ chăm chú nghe ông nói đến đứa con tinh thần mà ông đã cưu mang khi ở trong tù, hiện đang được bạn bè giúp tái bản ở Hoa Kỳ: tập hồi ký ‘’Miền Thơ Ấu’’. Tôi có “Miền Thơ Ấu’’ từ năm 2001. Cuốn sách lẽo đẽo theo tôi đến bây giờ. Nó có mùi cũ, nhưng còn nếp mới…
Vũ Thư Hiên viết lời nói đầu cho tác phẩm của mình:
“Tôi sung sướng được viết lời tựa cho ấn bản ‘’Miền Thơ Ấu’’ tại hải ngoại. Đối với tôi đây là niềm vui bất ngờ. Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn sách mà hôm nay bạn đang cầm trong tay, tôi không dám tin rằng sẽ có ngày nó được thấy ánh sáng mặt trời… Đối với tôi, cuốn sách này có ý nghĩa đặc biệt. Một thời, nó đã là người bạn tâm tình, là cái nạng cho tôi vịn vào mà đi trên con đường vô định…
Và trang bìa sau, thật mượt mà:
“Tôi bao giờ cũng nhớ về tuổi thơ của mình với tất cả niềm thương yêu dịu dàng, bởi vì tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thể dành cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp lánh và gió bao giờ cũng ngát hương. Nơi miền đất tuổi thơ, mỗi đám mây bay ngang, cũng gợi cho ta hình dung ra những xứ sở xa xôi từ đó nó bay đến, mặt trăng rằm nào cũng bắt ta phải ngắm nhìn để tìm ra bóng dáng cây đa với chú Cuội cổ tích, thậm chí một con chuồn chuồn ngô cũng có phép màu làm cho ta biết bơi…’’
Nhờ những dòng chữ này, từ ngày đó, tôi bắt đầu nâng niu tuổi thơ. Tôi không hất hủi tuổi thơ, nhưng tôi lãnh đạm, thờ ơ, và đôi khi không màng đến nó. Tôi quan niệm, tuổi nào cũng có cái đẹp và hạnh phúc riêng. Hạnh phúc tươi mới, sẽ có nhiều sinh lực giúp mình chống trả những khắc nghiệt bất ngờ của cuộc sống. Hạnh phúc của tuổi thơ không những quá xa, quá cũ, lại còn quá thơ dại, không trông cậy được gì… chứ có biết đâu rằng, chính cái trong sáng, hồn nhiên, liều lĩnh quả cảm của tuổi thơ, sẽ giúp người ta vượt qua được nhiều sóng gió.
“Ông Hiên kính mến,
Đọc lại “Miền Thơ Ấu”, tôi như trở về với tuổi thơ… Trí nhớ của tuổi thơ như tờ giấy trắng, từng hình ảnh đẹp, xấu, xảy ra, sẽ được in vào trí nhớ những nét rất đậm và nguyên vẹn nhất. Nếu có sự suy xét và phán đoán của lý trí thì cũng đơn sơ, như khi mình viết từng mẫu tự a,b,c… ở lớp vỡ lòng, các chữ chưa được xếp vào với nhau, nên chưa có nhiều ý nghĩa. Vì thế, đôi lúc tôi ngạc nhiên tại sao mình lại nhớ những chuyện của ngày bé đến như vậy.
Tôi hình dung tác giả “Miền Thơ Ấu’’ lúc ấy mới có 7 tuổi, cái tuổi chưa thể suy nghĩ được điều gì xa hơn ngoài việc đánh bi đánh đáo, ăn kem… thế mà đã phải chia sẻ cảnh phân ly của gia đình. Cậu bé trong ‘’Miền Thơ Ấu’’ ít nói, thông minh, đĩnh ngộ, và can đảm. Cậu hiểu được tầm quan trọng của buổi thăm viếng cha, không chỉ thuần là vì nhớ thương. Ông biết không, tôi quý nhất đoạn hai cha con đối thoại:
“- Mẹ sẽ vất vả lắm đấy, con hiểu không?- Bố tôi nói, giọng xúc động.
– Con hiểu ạ.
– Con lên bảy rồi, con đã lớn.
– Vâng.
Bố tôi định nói tiếp điều gì, rồi lại ngập ngừng.
– Con sẽ chăm học. Tôi vội nói cho bố yên lòng.
– Con sẽ không chành chọe với các em.
– Phải chiều các em, bởi vì chúng nó bé hơn con.
– Vâng.’’
Đúng là thông minh và láu lỉnh. Chắc anh chàng đã bị vài trận đòn về tội chành chọe với các em và lười học. Ngày thường, dù biết những việc ấy không đúng, bố mẹ không vui lòng, nhưng vẫn không chừa. Cho nên khi bố bị tù, muốn làm bố vui, anh chàng đã thoải mái tự nhiên “tuyên bố và hứa hẹn’’ y như người lớn. Đây là điểm láu lỉnh đáng yêu nhất của tuổi thơ, phải không ông? Đến đoạn cậu bé trong ‘’Miền Thơ Ấu’’ phải về quê ở với Cô Gái, mới tội làm sao! nhất là khi Cô Gái gọi cậu ta lại để hỏi về việc xem lễ và giữ đạo.
‘’Thằng kia, lại đây.
Cô Gái gọi tôi.
Tôi rụt rè lại gần bà. Tôi không lại với bà như cách tôi đã lại với bà ở Hà Nội, trong nhà tôi, khi bà lên thăm và cho quà. Còn bà, bà nhìn tôi xa lạ, soi mói, phán xét, như nhìn một con vật vừa mua.
– Mày đã đi lễ bao giờ chửa?
– Thưa cô, chưa ạ.
Tôi đáp lí nhí trong họng.
– Hỏng! – Bà đặt tay lên vai tôi, bàn tay như được đúc bằng chì – Hỏng!
Tôi run lên. Tôi muốn tan biến đi để cặp mắt hoay hoáy như hai mũi dùi nhọn không còn thấy tôi nữa.
– Bố mày bỏ đạo, – bà thở dài – mẹ mày là kẻ ngoại giáo. Lạy Chúa tôi, nhà đạo gốc mà con cháu giờ ra như thế vầy. Mày có biết tên Thánh của mày là gì không?
Tôi ngớ ra, tên Thánh, nó là cái gì?
– Không biết hả?
Tôi lắc đầu.
– Mày phải nói: thưa cô, cháu không biết ạ! Rõ con nhà mất dậy. Nghe tao nói đây, mày đã được làm lễ rửa tội, vậy mày là kẻ có đạo, hiểu chửa?
– Thưa cô, cháu hiểu rồi ạ.
– Tên Thánh của mày là Giu-se!
– Là Giu-se! – Tôi nhắc lại, như máy.
– Giu-se là thánh quan thầy cầu bầu cho mày phần hồn cùng là phần xác.
– Thưa cô, vâng ạ.
– Ừ, thế mới được chứ. Con nhà gia giáo, phải biết thưa gửi tử tế, khi nói với người trên phải khoanh tay lại (tôi vội vã khoanh tay), nhớ lấy, con nhà gia giáo chứ không phải con nhà cáo tha.
Tôi không biết con nhà cáo tha nó như thế nào, nhưng không dám hỏi lại, tôi đáp vâng.
– Người có đạo là con chiên của Chúa – bà nói, giọng đã dịu xuống, nếu để ý, bà sẽ thấy cả con chiên nữa, tôi cũng không hiểu là con gì – Khi chết đi, Chúa sẽ rước lên Thiên Đàng ở cùng Chúa đời đời. Kẻ vô đạo sẽ sa hỏa ngục bị quỷ sứ móc mắt, cắt lưỡi, quay trên lửa, luộc chín trong vạc dầu, khốn nạn vô cùng. Mày ở đây với cô, cô dạy cho thuộc kinh bổn. Người có đạo phải siêng năng cầu nguyện cùng là xưng tội chịu lễ.
– Thưa cô, vâng ạ.
Đột nhiên, bà kéo tôi vào lòng.
– Giêsu Maria! Tội nghiệp cháu tôi.
Tôi oà khóc.’’
Thật tội!, ở cái tuổi này, dù láu lỉnh đến đâu, tất cả tuổi thơ đều cần tình thương, cần được ôm ấp, chiều chuộng. Đây cũng là dấu hiệu chịu khuất phục uy quyền của người Cô và là chỉ dấu thân thiện, nương tựa nhau đầu tiên giữa hai người… Hòa bình đến thật dễ dàng phải không ông, chỉ cần đôi bên cùng nhớ đến điều nhân ái.
Ông Hiên biết không, tôi cứ nghĩ thế là cậu bé thoát nạn… ai dè cậu ta lại bị một trận nữa. Trận này thì kinh khủng quá. Đọc đoạn ông viết tôi cũng co dúm người lại:
“Từ bên trong hơi tối, một người đàn bà châu Âu tóc vàng, mắt xanh, vận áo dài thêu kim tuyến, ẵm đứa con trai kháu khỉnh nhìn xuống chúng tôi.
Cúi sát xuống mặt tôi cô Gái thì thào:
– Cháu có biết ai đây không?
Không suy nghĩ, và cũng muốn vội cả khoe hiểu biết của mình để chiều lòng cô, tôi nói ngay, rất vui vẻ:
– Con mẹ đầm.
– Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng
Như bị một cái tát thẳng cánh, cô tôi bật ngửa, bà kêu lên một tiếng gọi Chúa thảm thiết, mặt trắng nhợt, con ngươi chực nhảy ra khỏi tròng.
Tôi lạnh toát người, run lẩy bẩy trước hậu quả của việc làm dại dột.
– Quân vô đạo!- cô tôi rít lên khi tỉnh trí lại, bà thẳng tay cốc cho tôi một cái trời giáng: Lu-xi-phe! Báng bổ!
Người đàn bà, chính là Đức Mẹ Ma-ri-a mà tôi chưa được hân hạnh làm quen, dửng dưng nhìn cuộc trừng phạt diễn ra dưới chân mình.
….
Chưa nguôi giận, cô Gái hầm hầm túm tóc tôi đẩy tới trước bức vách ngăn với phòng bên, trên đó dán la liệt những bức tranh mộc bản loè loẹt.
– Nhìn vào đây này quân vô đạo, con cháu của Lu-xi-phe, của Sa-tăng! Hỏa ngục đấy. Quỷ sứ đấy, kẻ nào sống phạm nhiều tội trọng, chết sẽ sa Hỏa Ngục, bị nấu trong vạc dầu, chịu cho quỷ sứ phân thây…
Ông Hiên kính mến, tôi hiểu Cô Gái muốn cậu cháu của mình trở thành người có đạo, giữ đạo và sau cùng thành người tốt. Nhưng ông có nghĩ rằng cô ấy đã quá cực đoan và giáo điều không? Ông xem, một người chân chất hiền lành như Cô Gái, chỉ vì quá tôn sùng Thiên Chúa, mà cô ấy đã biến thành kẻ bạo hành, đàn áp tinh thần đứa trẻ bằng sự giận dữ, thay vì dùng cái Tâm yên tịnh và thâm sâu để rao truyền đạo. Tôi vừa thương hại cô ấy, vừa không bằng lòng cô ấy.
Con người, ai mà không thích nghe lời nói nhẹ, thích những cử chỉ hòa nhã, thân thiện, phải không ông? Thế mà Cô Gái… thật khổ cho cả hai!
Trong hoàn cảnh cô đơn buồn bã này, cậu bé nhớ những giây phút vui vẻ, thần tiên khi quây quần bên bà Ngoại, mỗi lần Bà đến thăm ở Hà Nội:
‘’Chúng tôi sung sướng nhận tiền của bà để đem đến cho những người ăn mày. Chúng tôi tranh nhau làm việc đó. Bà tôi nheo mắt lại sung sướng nhìn theo lũ cháu mình xăng xái làm việc thiện. Bà cấm chúng tôi không được ném tiền xuống đất để bắt người ăn mày mù sờ soạng tìm, mà phải đặt tiền vào tận tay hoặc bỏ vào đấu chứ không được ném.’’
Ông nhỉ, cả Cô Gái lẫn bà Cụ Ngoại, hai người đều mong ước con cháu mình có đức tin, nghe lời răn dạy của Thượng Đế, để sống làm người tốt, nhưng họ đã chọn cách dạy dỗ khác nhau. Một đằng thì nghiêm khắc, áp đặt, một đằng thì nhẹ nhàng khuyên nhủ…, thật đúng là mỗi người mỗi ý, mỗi cách. Đây có thể là khởi thủy của đa nguyên, tự do và dân chủ, phải không ông?
(còn tiếp)