Vụ nổ súng rạng sáng Thứ Sáu 21-7 vừa qua làm bàng hoàng xã hội Hoa Kỳ. Đến rạp xem phim người dơi “The Dark Knight Rises” mới ra mắt, ít nhất 12 người phải thiệt mạng và 58 người bị thương chỉ vì một tay súng đơn độc. Đến cuối ngày Thứ Hai, vẫn còn 15 người nằm lại bịnh viện quanh vùng, trong đó 5 người tình trạng nguy cấp.

Cuộc thảm sát lập tức đưa thành phố Aurora, tiểu bang Colorado (chỉ có trên 300 ngàn cư dân) lên bản đồ thời sự. Sự kiện này hầu như chắc chắn khơi lại các cuộc tranh cãi nảy lửa về ảnh hưởng tai hại của phim ảnh và trò chơi video game bạo lực, có thể khuyến khích nạn bạo hành; về đề tài kiểm soát súng ống (gun control); về những bất cập trong hệ thống an ninh; về chính xã hội Hoa Kỳ hiện tại; và cách ứng phó trước nhiều cá nhân với các thương tổn tâm thần, như những trái bom bất hạnh chỉ chờ dịp để bùng nổ.
Chuyện kỹ nghệ màn bạc Hollywood thường bị… níu áo trước tiên mỗi khi nước Mỹ chứng kiến một vụ cuồng sát kinh hoàng không phải là mới. Có nhiều lập luận mạnh mẽ cho rằng phim ảnh ì xèo bom rơi đạn nổ, phi lý và vô vị, nhưng có thể ảnh hưởng ngầm, khuyến khích bạo lực một cách không cố ý. Không thiếu những trường hợp bạo hành mà kẻ manh động chỉ… bắt chước theo phim. Xem phim, cảnh máu đổ đầu rơi như không bao giờ dứt: các phim “Scream”, phim người dơi, người nhện, những kẻ báo thù “The Avengers”, những phim anh hùng không tưởng “Rambo”, “Lethal Weapons”, “Terminator”… Người ta xem phim bạo lực nhiều, hồ như những tầng ý thức bị… nhập, bị… nhiễm, đến nỗi khi nghi phạm thảm sát mở cuộc tấn công ở Aurora vừa qua, có khán giả tưởng là cảnh phim đang bắn nhau ì xèo trên… màn ảnh. Hoặc nữa có khán giả nghĩ có ai đó diễn trò, được đạo diễn từ trước, để buổi ra mắt phim thêm hương vị. Vài giây phút phù du đó, đã có thể là sự khác biệt giữa sống và chết…
Các video game bạo liệt cũng tràn lan cảnh bắn giết, tùng xẻo, kungfu nổ đom đóm. Danh sách các trò chơi điện tử diện này dài hơn trang báo cho phép, có thể kể “Resident Evil 4”, “God of War”, “Killer 7”, “The Warriors”, “Crime Life: Gang Wars”, “True Crime: New York City”… Chỉ cái tên gọi cũng có thể khiến không ít người ngại ngần. Không ngạc nhiên khi xứ sở an bình Na Uy (Norway) năm ngoái chứng kiến cuộc thảm sát ghê rợn khiến 77 người thiệt mạng, hơn 300 thương tích. Hung thủ Anders Behring Breivik là kẻ ghiền chơi các trò chơi điện tử bạo lực như “Call of Duty: Modern Warfare 2” hay “World of Warcraft”. Đây cũng chính là những khí cụ y xác nhận trước toà đã dùng để giải trí, và… tập sự bắn giết… Ngày nào kỹ nghệ trò chơi điện tử còn đi tiếp con đường dễ dãi, chìu theo những bản năng thiếu kiểm soát của đám đông, có lẽ vẫn còn những cáo buộc, quy trách nhiệm liên đới khi bạo lực nổ ra.

Vấn đề tội phạm ở Hoa Kỳ cũng có thể được soi rọi nhân vụ nổ súng này. Là siêu cường, nhưng tính trên mức độ các vụ tội phạm sát nhân, xã hội người Mỹ xếp hàng cao nhất thế giới. Thành phố Phoenix, Arizona là nơi đạo chích trộm xe hoành hành dữ dội nhất. Mỗi năm nước Mỹ có 12 triệu vụ tội phạm, cao nhất hoàn vũ. Hơn 2.2 triệu tù nhân sống đời sau song sắt. Thành tích Mỹ Quốc thua xa nhóm 10 nước an ninh nhất, gồm có: Ireland Cộng Hoà, Ý (Italy), Hoà Lan (Netherlands), Thuỵ Điển (Sweden), Đan Mạch (Denmark), Đức (Germany), Tây Ban Nha (Spain), Na Uy, Áo (Austria), Nhật (Japan).

Tội phạm dễ dàng đưa cuộc đối thoại đến đề tài sở hữu và sử dụng võ khí. Quyền giữ súng có thể nói nằm trong… căn cước người Mỹ, từ thời lập quốc, được ghi vào Hiến Pháp. Tuy nhiên, qua thời gian thay đổi, trước tội phạm về súng ống xảy ra mỗi ngày, nhiều năm qua không ít lần người ta tìm cách viết luật kiểm soát súng ống (gun control) nghiêm ngặt hơn, nhưng vẫn bất thành. Có thể nói không một quốc gia tân tiến nào khác có vấn đề súng ống khó giải quyết như Hoa Kỳ. Trên thực tế, khoảng 270 triệu võ khí hiện đang nằm trong tay thường dân Mỹ. Người ta dễ nghĩ các xứ Trung Đông súng ống… đầy đường, tuy nhiên, chính người Mỹ mới là dân tích trữ võ khí nhiều nhất thế giới. Có thống kê ít nhất 100,000 người bị thương vì… tên bay đạn lạc mỗi năm. Năm 2010, có hơn 30,000 vụ tử vong liên quan đến súng. Nếu không tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn đề võ khí dân sự, người Mỹ còn phải đau đầu nhiều vì chuyện súng nổ… không đúng chỗ.
Trong vụ đa án mạng vừa xảy ra, cũng đã lộ ra vài thiếu sót trong việc kiểm soát sự mua bán và vận chuyển võ khí. Trong 2 tháng trước ngày định mệnh, nghi phạm thảm sát đã ung dung — và hợp pháp — mua sắm đủ loại súng ống cùng ít nhất 6,000 viên đạn, từ các tiệm buôn võ khí quanh vùng hoặc qua internet, đặt hàng chở về tận nhà hoặc sở làm. Nghi phạm cũng xin ghi danh vào bắn thử trong một trường bắn địa phương. Người chủ nhân trường bắn, chỉ bằng giác quan thứ 6, cảm thấy bất an khi nghe giọng nói hơi “weird” (dở hơi) của y, đã từ khước. Biết đâu quyết định này đã chẳng giúp cứu nhiều mạng người vô tội nữa. Không phải quá bất công với giả thuyết: nếu nhà chức trách và giới an ninh có phương pháp dò bắt những mua bán võ khí dị thường đó, biết đâu vụ thảm sát kinh hoàng đã có thể không xảy ra.
Trách nhiệm của cơ quan công quyền cũng chính là vấn đề của xã hội. Vụ nổ súng thương tâm này có thể sẽ mở ra nhiều cuộc mổ xẻ thẳng thắn, dứt khoát, để người Mỹ nhìn lại xã hội của mình, về cách ứng xử, đối đãi với tha nhân, đi đôi với các điều tra về thân thế, động lực của nghi phạm, và nguồn cơn nào đưa đẩy y đến nơi cuồng sát. Những phương pháp phân tâm học cần nhưng có thể chưa đủ để thấu hiểu chiều sâu thăm thẳm của bóng đêm — của đời người và của xã hội. Trên con số thống kê, người ta đã biết các nghi phạm thảm sát đa phần là đàn ông, da trắng, ít giao du, sống biệt lập… Tuy nhiên, không phải ai ít lời, có vẻ xa lánh đời… cũng đều là mầm manh động. Nhiều năm trước, một nhà thi sĩ Việt đã đủ nhạy cảm để viết những dòng sau:
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”
Chế Lan Viên
Và một thi nhân nữa:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”
Xuân Diệu
Những nỗi niềm lơ lãng này thời nào, ở đâu cũng có, và chúng không đủ để dựng nên những cuộc cuồng sát.
Chắc chắn sẽ còn nhiều phân tích, mổ xẻ quanh những nguyên nhân, những đóng góp, những x-y-z cho một bi kịch. Một trong những mối liên hệ thường được nhắc nhở nhất sẽ là phim ảnh, video game bạo lực đối với hành vi tội ác. Cuộc tranh cãi nào cũng mang mầm… bất tận. Nhưng thực tế bi thương, như đã thấy trong đêm Thứ Năm, rạng ngày Thứ Sáu tuần qua, cho thấy bạo lực trên màn bạc có thể chỉ cách thảm hoạ thật vài bước chân. Cái giá phải trả là rất lớn.
