Menu Close

Chuyện các cậu bé con

(riêng tặng ‘‘Cậu bé con’’ của tôi)

Học ăn, học nói, học gói, học mở

Hỡi các cậu bé con
Tuổi các cậu còn son
Các cậu hãy chăm học
Có học mới nên khôn


Có hai cái học khác nhau: học ở trường đời, và học ở trường lớp. Có những điều, thầy cô và phụ huynh có cố công hướng dẫn đi nữa, nhưng chính các thiếu niên phải trải qua những kinh nghiệm tùy theo lứa tuổi của mình để thành nhân. Trong xã hội hôm nay, bài học nhân bản đôi khi phải đi ăn mày trên một mảnh đất thu hẹp vì thế giới tuổi thơ hiện đại đã bị máy móc hóa nhiều. Nhiều trường hợp báo động về trẻ em nghiện ngập internet và trò chơi điện tử đã khiến cho các bậc phụ huynh lo sợ cho tình trạng sức khỏe tinh thần và tâm trí của con em.

Một phương cách để dung hòa sự xung khắc ‘‘mới cũ’’ trong đời sống tân tiến của thế kỷ 21 là khuyến khích và hướng dẫn con em đi vào những phương cách và đề tài giải trí khác. Chúng ta cùng tìm hiểu hai tác phẩm dành cho thiếu nhi ở hai lục địa và hai thời điểm khác nhau, để thử xem ngoài các trò chơi điện tử hóa, những sinh hoạt nào có thể đóng góp cho quá trình phát triển hài hòa và lành mạnh của thanh thiếu niên.


Giấc mơ hải tặc

Tom Sawyer, 1876, là một sách truyện trẻ em kinh điển của văn hào Mark Twain, và được tác giả ưu ái gọi là «‘hymn’ to boyhood» (xin dịch: ‘‘bài thánh ca’’ cho tuổi nam ấu). Tuy chỉ là tác phẩm thứ hai của Twain, nhưng ông đã rất nổi tiếng vào thời điểm ấy, đặc biệt là vì lối hành văn dí dỏm và tài kể chuyện rất thu hút của mình. Tom Sawyer được nhiều độc giả thuộc mọi lứa tuổi ưa thích qua nhiều thời đại, và có mặt ở mọi thư viện tại Mỹ.

alt


Tom Sawyer

Câu chuyện xoay quanh đời sống của một cậu bé mồ côi lớn lên cùng dì Polly trên sông nước của vùng Mississippi. Tom nghịch ngợm, ngổ ngáo, ngang ngược, và rất bạo gan. Không có chuyện gì Tom không dám làm, và kiên trì làm đến nơi đến chốn. Mark Twain có tài giữ độc giả bằng những câu chuyện đan chéo nhau: chuyện mê tín dị đoan, chuyện cậu bé hỉ mũi chưa sạch tỏ tình, chuyện ‘‘anh hùng cứu mỹ nhân’’ (Tom chịu đòn thay cho Becky khi cô bé lỡ tay xé rách sách vần của thầy giáo), chuyện bầy con nít học làm hải tặc. Một thế giới trẻ con nhộn nhịp, hào hứng, đáng yêu, và đong đầy những chuyện đáng kể của tuổi mới lớn.

Một điều rất đáng chú ý là mỗi lần có một đứa trẻ đi lạc, cả làng lo lắng đổ xô đi tìm. Trong cái hoang dã của một miền đất mới phôi thai, tình người gắn bó, ấm áp, và cao cả. Ngay cả hai cậu bé Tom và Huck, tuy ham chơi và không biết vâng lời, nhưng vẫn có một lòng thương người và lòng biết ơn mạnh mẽ. Huck đã liều mình cứu bà góa Douglas vì bà cụ đã nhiều lần quan tâm săn sóc cho cậu, và Tom lúc nào cũng quý mến và nghĩ đến bạn bè. Tình làng xóm, tình gia đình, và tình bạn quyện vào nhau giữa những câu chuyện đáng bật cười của tuổi thiếu thời.

Tuy nhiên, một tác phẩm ra đời cách đây hơn một thế kỷ phải có những giới hạn tất yếu về hoàn cảnh lịch sử của nó. Chúng ta dĩ nhiên không muốn con em tập tành hút thuốc như Tom, hay bỏ nhà đi làm hải tặc như lý tưởng của các cậu bé trong bầu trời tưởng tượng của một Mỹ Quốc thời hồng hoang. Lại càng không muốn con cái mạo hiểm bám sát tên tội phạm Injun Joe, cho dù có thu được ngàn vàng. Thời ấy, Missouri vừa được sáp nhập vào liên bang, và vẫn còn theo chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong câu chuyện có những cái nhìn sai lệch về vấn đề quan hệ sắc tộc và quyền bình đẳng.  Đây là những điều chúng ta cần giải thích cho con em khi chúng đọc tác phẩm này tại trường hay tại nhà.

Chắp cánh âm nhạc

“Les Choristes,” tác phẩm đầu tay của đạo diễn Christophe Barratier (2004, thực hiện tại Thụy Sĩ-Pháp-Đức), là một câu chuyện gối đầu của các nhà giáo dục. Tuy những câu chuyện về các nhà giáo dùng tình thương và sự nhẫn nại để cảm hóa các học trò ngỗ nghịch trước nay không thiếu, ông thầy Clément Mathieu vẫn làm cho trái tim người xem đánh trống.  Giữa một môi trường nồng nặc sự thù ghét và đối nghịch của những nam sinh bị kỷ luật và ‘‘không còn hy vọng’’ ông giáo Mathieu đã chối bỏ kỷ luật và thắp lên hy vọng. Trong hoàn cảnh hậu chiến của nước Pháp lúc bấy giờ (1949), hy vọng có lẽ là một món quà quý nhưng rất hiếm hoi, chưa nói đến cái tối tăm của những con cá mắc cạn tại ngôi trường oan nghiệt Fond de l’Étang.

Mặc cho đám trẻ bày đủ trò để phá phách và thách thức ông, ông giáo Mathieu đã nhẫn nại mang đến cho chúng những điều mà chúng chưa được biết đến: tự do và niềm hạnh phúc trong âm nhạc. Các ca viên đã được phóng thích để trở lại tuổi thơ của mình qua những lời ca điệu hát. Và những thắc thỏm trong câu chuyện sẽ đưa người xem về với chính mình: những hy vọng, những hoài bão, những suy tư, những phút giây thư thả nhẹ nhàng. ‘‘Con quỷ râu xanh’’ tức là ông giáo đầu của trường, Rachin, cũng bị cảm hóa lúc nào không biết, và tuy ngoài mặt vẫn đăm đăm nghiêm khắc, ông bí mật xếp máy bay giấy và trèo lên ghế phóng đi trong văn phòng.

Với nhiều giải thưởng điện ảnh, “Les Choristes” chắc chắn sẽ đứng vào hàng ngũ những tác phẩm phim có giá trị lâu dài, đặc biệt là với những khúc nhạc tuyệt vời trong phim. Và khi gặp gỡ một Clément Mathieu qua màn hình, chính người xem cũng sẽ cảm thấy được niềm hạnh phúc của những cậu bé được ông đổi đời kia. (Xin cảm ơn Cưng đã đưa tôi vào thế giới của “Les Choristes.”)

alt


Phim “Les Choristes”


Trường học, trường đời

“Tom Sawyer” và “Ban Hợp Xướng” là những tác phẩm thích hợp cho tuổi mới lớn với những giá trị nhất định của chúng. Mỗi tác phẩm đều mang theo những âm hưởng của giai đoạn lịch sử và khung cảnh xã hội thời đó. Hai tác phẩm mang hai phong thái hoàn toàn trái ngược nhau. Ban Hợp Xướng thì như xuất thần trong những giai điệu âm thanh mượt mà, lồng giữa những bạo lực và sự dã man của ông hiệu trưởng. Tom Sawyer thì đầy sự mạo hiểm và những bóng đen của những điều bí mật và những tên tội phạm.

Ngoài ra, Tom Sawyer là dạng học đường đời, vì cậu lém lỉnh và ứng xử rất khôn lanh trong mọi hoàn cảnh, ‘có gan làm giàu.’ Pierre Morhrange, một trong những vai quan trọng trong phim, là hình ảnh của một thư sinh nho nhã, có hoài bão, có tài năng phú bẩm, và ‘có chí làm quan.’ Dĩ nhiên, là nữ giới, tôi không có kinh nghiệm thực tế của một thời bắt dế bắn bi như các bậc mày râu. Thuở nhỏ, tôi không được cưỡi trâu như anh và anh em họ của tôi, và rất sợ bị trâu đá. Thế nhưng hai tác phẩm trên đều tạo cho tôi những rung động về một tuổi thơ hồn nhiên, có lúc ngỗ nghịch, nhưng chan hòa tình làng xóm và tình thầy trò. Là những tác phẩm văn học và điện ảnh có giá trị, chúng mang đến cho tôi những giây phút giải trí thoải mái, cho tôi hồi tưởng về chính tuổi thơ của mình qua những sự khôi hài, hấp dẫn ly kỳ, qua những chuyến đi, những sự trưởng thành, những hồi hộp lo toan…

Những chuyến đi không chỉ là những chuyến đi khám phá như kiểu Tom Sawyer. Những cậu học trò tại Fond de l’Étang không được vượt ra khỏi những bức tường. Nhưng âm nhạc đã là một cuộc hành trình kỳ thú, và mối quan hệ với thầy giáo Mathieu và sự đối xử đầy tính nhân bản của ông đã cho những thành viên bị đẩy ra ngoài lề xã hội và những đứa trẻ mồ côi được tìm thấy chính mình và bắt đầu một cuộc sống mới.

Chung khúc

Nhân vật tôi thích nhất trong phim là Pépinot. Cậu bé ấy thật sự tin và nài nỉ quyết liệt với định mệnh của mình: “Tôi đứng đây chờ Bố. Bố tôi đến vào ngày Thứ Bảy.” Cậu từ chối không chấp nhận sự thật cha mình đã tử trận trong Đệ nhị thế chiến. Và mỗi ngày, Pépinot ra cổng trường, dõi mắt về xa, chờ đợi. Và cậu đã nói đúng. Thầy Mathieu bị đuổi việc cũng vào một ngày Thứ Bảy. Khi Mathiew đã lên xe buýt để trở về làng cũ, chợt có tiếng kêu thất thanh trên con đường đất phía sau, “Monsieur Mathieu!!!  Monsieur Mathieu!!!”  Xe dừng, và ông thầy Mathieu thấy một Pépinot đứng giữa cánh rừng hoang vắng, trong chiếc quần cộc, tay cầm chiếc túi vải tí tẹo. “Con làm gì ở đây?” “Thầy dắt con theo Thầy nghe!” cả người thằng bé tóe lên hy vọng. Ứa nước mắt, nhưng Mathiew bảo, “Không được!  Con trở lại trường đi!” Mặt trời vụt tắt, và xe buýt lại lăn bánh. Nhưng trong cái hun hút xa mà Pépinot đang lọt thỏm vào ấy, là một sự đổi đời, bởi bình minh đã mọc trên khuôn mặt cậu lần đầu tiên. Xe buýt dừng lại. Pépinot chạy băng băng về phía trước, và gieo mình vào vòng tay yêu thương của Mathieu.

Pépinot là hình ảnh của bao thiếu nhi, mong mỏi và khát khao tình thương của cha mẹ. Đứng ở cổng trường từ ngày này sang ngày khác, cậu bé mồ côi ấy nhất định không tin là mình không cha không mẹ. Và Pépinot chờ. Với hết niềm tin. Trời đã không phụ lòng cậu. Tuy Pépinot không hề được học lấy một bài hát nào trong cuộc đời thơ dại của mình, cậu lại được may mắn tìm được một người cha không chỉ là một thiên tài âm nhạc, mà quan trọng hơn hết, có một tấm lòng yêu thương vô bờ. Tình phụ tử ấy, đối với Pépinot, có lẽ du dương và ngọt ngào hơn bất cứ một giai điệu âm nhạc nào.

TGT