Menu Close

Con tôm tại vựa

Mùa đánh bắt tôm tại vùng vịnh Mexico khởi sự từ giữa tháng 5 đến tuần đầu của tháng 7, sau đó từ tháng 12 đến đầu tháng 2. Đây cũng chính là thời điểm các vựa tôm lớn bắt đầu hoạt động cho việc thu mua chế biến cung cấp cho các nhà phân phối, nhà hàng và các chuỗi bán sỉ trên toàn quốc. Bên cạnh hệ thống hoạt động của các vựa lớn, còn có các vựa nhỏ chuyên mua bán lẻ hải sản tươi sống, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại chỗ. Thế nhưng, đừng tưởng bước chân vào các vựa này, bạn sẽ mua được tôm tươi giá rẻ. Trái lại giá các loại hải sản bán tại đây đều đắt hơn ở chợ.

alt

 Các loại tôm thẻ bày bán trong một vựa tôm nhỏ bán lẻ tại cảng cá Corpus Christi

Lẽ ra sản phẩm tại gốc phải rẻ hơn giá thị trường mới phải. Tôm các cỡ tại các vựa bán lẻ ở Corpus Christi, Galveston (Texas), Westwego (Louisiana) đều có giá gần như tương tự, đắt hơn tôm cùng cỡ ở chợ đúng một đô. Chuyện này thật sự làm tôi ngạc nhiên và tự hỏi phải chăng các chủ vựa tôm đều thống nhất một giá dù rằng sự cạnh tranh trong ngành nghề vẫn luôn âm thầm diễn ra. Có thể đó là giá đã được tính toán có một mức lãi cố định sau khi trừ đi các chi phí hoặc giả khi ứ hàng, bán hạ giá vẫn không làm giảm lợi tức. Điều này có nghĩa các chủ vựa bảo vệ thu nhập lẫn nhau, không dẫn đến phá giá làm rối loạn thị trường bán lẻ, tự giết nhau bằng sự cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, giải thích chuyện đắt rẻ, một chủ vựa nhỏ ở Westwego cho rằng, tôm ở vựa là tôm tươi không hóa chất bảo quản. Nghe hợp lý. “Bán chạy như tôm tươi”, câu nói ví von dân gian rất đúng trong mọi trường hợp dành cho hàng “best seller”, nhất là con tôm, một loại hải sản ưa chuộng nhất tại Mỹ vì cung không đủ cầu. Vùng biển vịnh Mexico mỗi năm chỉ sản xuất ra được hơn 120 triệu cân tôm thẻ. Tính trung bình, mỗi năm một người dân Mỹ chỉ ăn được chừng hơn chục con tôm tươi nội địa.

alt


Các tàu thuyền đánh bắt của người Việt neo đậu tại Bayou La Batre, Alabama

Theo một báo cáo của Hiệp hội Nghề cá Quốc gia Mỹ (National Marine Fisheries Service), mỗi năm người Mỹ tiêu thụ 1.3 tỷ cân tôm thẻ, và con số này cứ tăng thêm 0.5 phần trăm cho năm kế tiếp. Như vậy để bù số lượng tiêu thụ, nước Mỹ phải nhập cảng đến 90% tôm từ các nước trên thế giới mà chủ yếu từ nguồn tôm nuôi. Chắc sẽ có nhiều người như tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao người Mỹ không nuôi tôm như nuôi cá Catfish? Câu trả lời là một vài tiểu bang dọc theo sông Mississippi đã từng nuôi nhưng không hiệu quả vì giá thành cao hơn tôm nhập cảng, lại phải lo vấn đề môi sinh, môi trường. Ngay cả vấn đề nuôi cá da trơn của người nông dân Mỹ cũng đang gặp những khó khăn do sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng và trên đà suy giảm do một vấn đề khác ai cũng thấy rõ là sự ảnh hưởng của cơn bão Katrina năm 2006 đã làm thiệt hại ngành hải sản và gần đây nhất là sự kiện tràn dầu ngoài khơi Vịnh Mexico năm 2010 do công ty khai thác dầu khí BP gây ra khiến nghề đánh bắt vốn chưa phục hồi lại càng thêm dấn sâu vào cơn suy thoái. Tình hình này khiến ngành tôm cá phải đối mặt với nhiều thử thách và người Việt sinh sống bằng nghề đánh lưới dọc theo vùng biển từ Texas đến Florida đã bỏ nghề không ít.

Một chủ tàu đánh tôm người Việt ở làng Versailles (Louisiana) cho biết, trước đây tại làng này có đến ngàn tàu thuyền, thì hiện nay con số này đã mất đi phân nửa. Một chuyến đẩy tôm ngay cửa biển thu được dưới hai trăm cân xem ra lỗ trắng nếu không lấy công làm lời, không mướn nhân công. Giá nhiên liệu chiếm hết bốn phần mười thu nhập. Ngành công nghiệp đánh bắt tôm lớn nhất vùng vịnh Mexico ở khu vực Bayou La Batre, Alabama đang suy giảm nghiêm trọng, số người bán tàu bỏ nghề khá nhiều do làm ăn thua lỗ mà chưa biết phải xoay xở ra sao. Trong khi đó, sản lượng tôm của khu vực này chiếm đến 80% sản lượng của cả nước Mỹ, với những đặc sản tôm trắng, hồng và nâu. Ông Văn Hào, một người chuyên đánh tôm ở vịnh Mexico cho biết, “Giá dầu tăng trong nhiều năm qua dẫn đến thu nhập giảm nên chúng tôi phải giảm thời gian ra khơi, chỉ đi vào cuối tuần. Không những thế, giá tôm thu mua tại các vựa lại rớt thê thảm, thấp hơn cả cách đây hai mươi năm. Ngày trước, giá cập cảng trung bình mỗi cân tôm đánh bắt nội địa là 1.45 đô một cân, đến năm 2006 đã giảm xuống 94 xu, hiện nay chỉ là 1.2 đô. Với giá này, tàu ra khơi năm bữa mười ngày không trúng luồng tôm xem như lỗ nặng. Đó là chưa kể tàu ra khơi xui rủi gặp những trục trặc bất thường phải kéo lưới về không”.

alt

Điểm thu mua hải sản nằm ngay bến tàu

Giá thu mua tôm loại trung bình hiện nay tại vịnh Mexico quả thật là 1.2 đô, thậm chí các vựa lớn có dây chuyền chế biến chỉ mua vào 1.1 đô. Tuy giá thu thấp nhưng người đánh bắt ngoài khơi trong mùa thu hoạch vẫn phải bán cho các vựa mà không thể tự tiêu thụ sản phẩm của mình được. Vì nhiều lý do: Một là người bán phải mua giấy phép bán sỉ và hoạt động như một vựa cung cấp. Hai là phải cung cấp số lượng ổn định cho một chợ bán lẻ chẳng hạn. Một ngư dân không thể làm một lúc hai ba chuyện khi trong tay không đủ tài chánh và nhân lực. Điều này chỉ có thể làm được đối với một vài ngư dân đánh bắt nhỏ có thể bán được giá cao hơn ở những chợ trời nông sản. Nhưng đây chỉ là trường hợp ngoại lệ. Cho nên buôn bán theo một hệ thống lúc nào cũng thuận lợi hơn nhiều. Tôm vào các vựa lớn, sau khi phân loại chế biến, giá thành một cân tôm tăng gấp hai do chi phí nhân công, chi phí bảo quản, bến bãi và điều hành. Số tôm tươi thu mua trong mùa, chế biến cất trữ nhiều khi vài ba tháng để cung cấp ổn định cho đơn đặt hàng của các nơi tiêu thụ khi lượng tôm đánh bắt thưa thớt hoặc hết mùa. Do vậy, các vựa lớn vẫn là đầu mối tiếp nhận và phân phối nguồn hải sản và dù trong thời kỳ kinh tế suy thoái, thiên tai vẫn duy trì được hơn hai trăm ngàn việc làm cho ngành hải sản tại vùng vịnh Mexico, trong đó có hàng chục ngàn người Việt theo nghề đánh bắt và chế biến.

alt

Phân loại tôm trong một vựa lớn có dây chuyền chế biến đông lạnh ở Louisiana

Khởi đầu mùa đánh bắt năm nay là một tin vui trúng mùa hải sản trên vịnh Mexico. Sau hai tuần ra khơi, ngư dân vùng Biloxi (Mississippi) đã trở về cảng với những con tàu đầy tôm. Nghe đâu con số hơn 1.1 triệu cân. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên cho mùa bội thu hải sản, Bộ Thương mại quyết định cắt giảm 30% lượng tôm nhập cảng từ Thái Lan. Thái Lan mấy năm qua luôn là nước xuất cảng tôm lớn nhất vào thị trường Mỹ (năm 2011, Thái Lan xuất cảng tôm thẻ vào Mỹ với số lượng lên đến 150 triệu cân). Việc cắt giảm này làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của ngư dân Thái rất nhiều, khiến giá tôm cỡ trung bình rớt mạnh ngay tại thị trường trong nước từ 2.5 đô một cân xuống 2 đô. Ngược lại, ngành hải sản Mỹ được lợi khi hạn chế các sản phẩm đông lạnh nhập cảng cho tới mùa thu hoạch năm sau, tạo thêm việc làm cho người dân làm nghề chế biến hải sản trong nước.

Dù sao đi nữa, đó cũng là niềm an ủi cho ngư dân đánh bắt tôm trên vịnh Mexico yên tâm một điều rằng, giá tôm hiện nay tại các vựa thu mua không thấp hơn so với giá tôm mà những người đồng nghiệp Thái đang phải vật lộn với sự cắt giảm tôm nhập cảng vào Mỹ.

alt

Một chủ tàu đánh tôm người Việt chuẩn bị ra khơi


NL