Menu Close

Của người hay của ta?

Ông Zahi Hawass, Tổng Trưởng nha Văn Hóa & Cổ Vật của Ai Cập đòi hòn đá Rosetta Stone hiện đang có mặt tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Anh. Ông ta la lối om sòm rằng món cổ vật kia là của Ai Cập bị mất cắp! Người Anh nín khe chẳng ừ hử chi ráo. Nhưng ông Hawass không phải là người dễ quên hay dễ chịu thua, ông ta đã từng đòi lại được nhiều món cổ ngoạn khác. Lý luận của ông này nghe cũng khá thuận tai. Cổ vật của Ai Cập là của dân tộc và quốc gia Ai Cập, không có mua bán chi ráo vì chẳng ai có quyền đại diện cho một dân tộc mà buôn bán cả. Đánh cắp, đánh cướp hay ăn trộm được cũng vẫn phải trả lại!

alt

Ông Zahi Hawass, Tổng Trưởng nha Văn Hóa & Cổ Vật của Ai Cập

Tháng trước, để chẹt cổ ông Tây lì mặt, chính phủ Ai Cập bắt toán khảo cổ của Louvre ngưng việc đào xới tìm kiếm trên lãnh thổ của họ. Thế là Viện Bảo Tàng Louvre líu ríu trả lại mảnh fresco mà ông Hawass đòi! Viện bảo tàng the Metropolitan của Hoa Kỳ cũng vội vàng làm vui lòng Ai Cập bằng cách mua lại một vật thờ trong bộ sưu tập cá nhân và biếu lại Ai Cập (đổi cho món gì còn nằm tại the Metropolitan Museum thì Dế Mèn hổng biết, không thấy họ nói? Cái xác Pharaoh chăng?).

Kế đến là vị đại diện của Viện Bảo Tàng Neues tại Berlin đang khăn gói sang Ai Cập để thương lượng về bức tượng Nefertiti, rất nổi tiếng mà ông Harwass đang hô hoán đòi về. Đại khái là khắp nơi trên thế giới, viện bảo tàng nào cất giữ cổ ngoạn có nguồn gốc Ai Cập cũng lo sốt vó, chẳng biết bao giờ đến phiên mình bị túm áo đòi hàng. Bao nhiêu tiền của đổ ra để mua cổ ngoạn về chưng cho đẹp, cho có văn hóa mà bây giờ bỗng chốc sắp hóa mây khói. Ai chẳng tiếc? Mà làm mặt lì như Viện Bảo Tàng Anh có được chăng?

alt

Đầu tượng Nefertiti, the Neues, Berlin, Đức – Photo Associated Press

Trong vài thập niên gần đây, các nhà khảo cổ và bảo tàng đồng thuận với các đạo luật nhìn nhận quyền sở hữu của các quốc gia nơi tìm thấy cổ ngoạn, nghĩa là vàng trong vườn ai thì người ấy làm chủ. Những đạo luật này dựa trên một số căn bản (chưa hẳn là bền vững):

1) Cổ ngoạn nên được lưu giữ tại nơi tìm thấy, và

2) Cách bảo vệ những cổ mộ tốt đẹp nhất là giới hạn sự buôn bán cổ ngoạn (không được mua bán thì không mấy ai muốn bỏ sức ăn cắp đào trộm).

Khi các cổ vật được lưu trữ từng bộ chung với nhau tại nơi khám phá, theo thời đại, nghĩa là có đầy đủ yếu tố không gian và thời gian, người thưởng ngoạn có cơ hội nhìn ngắm và tìm hiểu cổ ngoạn dễ dàng hơn. Căn bản này chỉ áp dụng được khi quốc gia kia bình yên, có chính phủ hợp pháp. Nhưng những vùng đất chiến tranh thì sao? Các thế lực chính trị có thể dùng cổ mộ, cổ ngoạn để bày tỏ sức mạnh và quyền lực như nhóm Taliban nổ bom phá nát tượng Phật mấy ngàn năm tại Á Phú Hãn? Các sứ quân mạnh ai nấy cướp phá, bán lấy tiền riêng thì làm thế nào? Cổ ngoạn của thế giới về tay những người mua nhanh bán lẹ theo ngả chợ đen? Trường hợp đáng tiếc nhất là khi Viện Bảo Tàng Metropolitan Hoa Kỳ trả lại Thổ Nhĩ Kỳ một nhóm cổ ngoạn quý giá, trưng bày tại Istanbul chưa được hai năm, thì món quý giá nhất bị đánh cắp không tìm ra tông tích! Nghĩa là các quốc gia cố chủ đòi về mà không có khả năng bảo trì hoặc gìn giữ nên cổ ngoạn của thế giới biến mất. Ta tắc lưỡi tiếc rẻ mà than rằng hoài của, để lại the Met thì ít ra bây giờ, người thưởng ngoạn vẫn có thể mua vé và đến xem!
Hạn chế việc buôn bán cổ ngoạn vẫn không mấy hiệu quả, tương tự như các chính phủ đương thời đang cố gắng dẹp bỏ thị trường ma túy, nha phiến. Chợ đen vẫn mở cửa và người mua kẻ bán vẫn tiếp tục. Nghĩa là chỉ có những con buôn lén lút là hưởng lợi qua sự ngăn cấm.

Khi việc làm ăn được cho phép chính thức, người mua kẻ bán có lý do để duy trì nguồn lợi qua việc đào xới một cách công khai, xin giấy phép, thuê chuyên viên tìm hiểu kỹ lưỡng về gốc gác cổ vật. Quốc gia làm chủ có thể ghi chép lịch sử từng món, đòi các công ty buôn bán cổ vật cho phép các chuyên gia thẩm định tìm hiểu… Nghĩa là chính phủ vẫn có thể kiểm soát các món cổ ngoạn được khám phá mà không cần phải “làm chủ” hay quốc hữu hóa món cổ ngoạn nọ.

Một nhà khảo cổ nổi tiếng, Tiến Sĩ James Cuno cho rằng nên để các nhóm chuyên gia đào xới tìm kiếm. Khi tìm thấy cổ vật, nên cho phép họ giữ một phần (như một cách tưởng thưởng) và chính phủ sở tại lấy một phần; nghĩa là chia phần để mọi người tham gia cùng hoan hỷ mà chung tay góp sức tìm kiếm trước khi kẻ cắp đào xới và rinh đi bán cổ ngoạn mà không ai biết cho đến khi được trưng bày ở viện bảo tàng nào đó?!

Một số quốc gia được xem như nhóm “bảo vệ văn hóa riêng tư” như Ai Cập, Ý và Thổ đang cố gắng đi đòi về cổ ngoạn xuất phát từ lãnh thổ của họ. Nhưng lãnh thổ là một sự phân chia của con người, sự phân chia này thay đổi theo thời đại. Phần đất khám phá cổ ngoạn ngày nay có thể thuộc lãnh thổ quốc gia abc, nhưng vào thời đại khi món cổ ngoạn được chế tạo chắc gì đã có quốc gia abc kia? Thí dụ rõ ràng nhất là món Rosetta Stone đang được giằng co kể trên.

Tiến Sĩ Hawass có thể cãi cối cãi chày là hòn đá lẫy lừng nọ xuất phát từ Ai Cập (theo tiêu chuẩn biên giới và quốc tế công pháp thời nay) nhưng khi Rosetta Stone được khám phá năm 1799, thủa ấy nào đã có quốc gia Ai Cập? Mảnh đất nơi người ta tìm ra vật cổ ngoạn còn là lãnh thổ của triều đại Ottoman, tổ tiên của người Thổ Nhĩ Kỳ ngày trước!

alt

Rosetta Stone

Phức tạp hơn nữa là các dấu vết khắc trên hòn đá được định tuổi 196 năm trước Tây lịch, thời đại Hellenist, truyền nhân của họ đâu còn bao nhiêu? Khi chiếm đóng vùng đất do triều đại Ottoman thống trị, quân đội của Nã Phá Luân tìm thấy hòn đá và mang ra tìm hiểu. Rồi người Pháp thua trận, hòn đá về tay Anh, kẻ chiến thắng, và họ rinh về Luân Đôn làm của. Gốc gác của Rosetta Stone ly kỳ và phức tạp như thế thì người Anh có lý do để phản đối. Phải là chủ nhân thì mới có quyền đòi chứ, phải không bạn?

Nhưng năm 1799 thì quốc tế công pháp chưa có mặt, các điều luật về cổ ngoạn chưa ra đời, cổ ngoạn chưa được đặt vào tay một chủ nhân nào, như thế có thể kết luận rằng Rosetta Stone vô chủ, và ai tìm được, người ấy làm chủ? Có lý nào ta áp dụng luật pháp ngày nay vào một vật thể xuất hiện trước đó vài trăm năm?

Thử tưởng tượng một vài điều: Hòn đá kia được khám phá qua việc đào xới riêng tư, không có giấy phép, viện bảo tàng nào đó mua về và bị níu áo đòi lại. Không trả thì tai tiếng và bị tẩy chay bởi cộng đồng quốc tế, đâu viện bảo tàng nào dám? Các chuyên viên cũng chẳng bỏ thời giờ công sức để thẩm định hay tìm kiếm vì chẳng có tạp chí tên tuổi nào dám đăng bài vở viết về một cổ vật ăn cắp ăn trộm ở đâu về, không rõ xuất xứ… Đại khái là nhiều điều luật ràng buộc và giới hạn việc đào xới cũng như nghiên cứu, và những chuyên viên trong nghề phải tuân theo.

Nếu chẳng ai đào xới hoặc tìm hiểu để xác định xem Rosetta Stone là cái chi, có dấu vết hay biểu hiện gì thì nó cũng chỉ là một hòn đá vô danh như trăm ngàn hòn đá khác. Nếu không có các công trình khám phá tìm hiểu, thì ngày nay nào có ngành học “Egyptology” riêng rẽ về cổ ngoạn Ai Cập? Và khi chẳng biết gì về nền văn hóa của tổ tiên, chắc chi người Ai Cập biết về cổ ngoạn, sự quý giá của nền văn minh xưa cũ, thì biết chi mà đòi? Cái vòng luẩn quẩn khó thoát!

Như thế, đến một lúc nào đó, ta phải nhắm mắt mà chấp nhận rằng vì lợi ích chung, con người nên chia sẻ với cộng đồng thế giới những cái hay, cái quý của nhân loại?

TLL