Menu Close

Vũ Thư Hiên và “Miền thơ ấu” – Kỳ cuối

Ông Hiên kính mến, nghe ông kể về những buổi đi câu cá thật là vui. Chẳng cứ gì tôi, mà ai đọc “Miền Thơ Ấu’’ cũng phải yêu thích thời gian đi câu của ông với người anh họ, anh Cu Nhớn, con của Bác Hai Thực – người mà ông kể là lớp nhà nho cuối cùng thất thế, nhà nghèo đến “rớt mồng tơi’’, nhưng ra đường vẫn quần trắng, áo trắng, ô trắng- Tôi đọc đi đọc lại đoạn ông đi câu mấy chú cá rô con, mà anh cu Nhớn cho là: “Chúng nó là trẻ con, chưa có trí khôn’’. Dễ thương quá!

“Mùa hè ao nào cũng đầy cá rô non. Chúng to bằng ngón tay cái, bằng ngón chân, màu vàng ngả sang xanh, với một chấm đen ở đuôi. Đó là lũ cá trẻ con rất hiếu động và rất ngây thơ. Từ dưới đáy ao, chúng ve vẩy cái đuôi tí xíu phóng vút lên mặt nước, đớp một ngụm không khí rồi khoái trá lặn xuống tung tăng đi chơi trong nước xanh. Những con rô mẹ vô tư, tưởng con mình đã lớn, chúng mặc cho con cái vui chơi, không hề chăm sóc, không cần bảo vệ.’’

Tôi mê món cá rô rán giòn, ở chợ, chỉ có mấy chú cá rô trưởng thành, vảy đen mun, tròn trĩnh, chứ chẳng thể nào có được mấy chú rô con xinh xắn, với vảy màu vàng ngả xanh, lại thêm cái chấm đen ở đuôi, giá như có thấy chúng ở chợ, chắc tôi cũng chẳng dám mua về ăn, tội quá, ai nỡ ăn đám cá con bao giờ! Cũng như nhìn đàn gà con, lông vàng óng ả, tròn như quả trứng, chạy cun cút theo mẹ, chíp chíp tìm sâu, đẹp ơi là đẹp, ai nỡ ăn thịt? Thế nhưng cũng chẳng hiểu sao, chúng ta lại có thể thản nhiên ăn, khi chúng trưởng thành, ông nhỉ? Có phải theo thời gian, con người và loài vật đã đánh mất những thần tiên của chính mình, khiến cả hai thế giới lao đao, lâm vào vòng sinh tử? Tự nhiên tôi nhớ đến những cuốn phim về thế giới loài vật, đừng nói gì đến những chú nai con, có đôi mắt đẹp hiền lành, khờ khạo, nhón gót trên thảm cỏ, mà ngay cả những thú dữ như cọp, sư tử, hay gấu; lúc chúng còn bé, chúng tung tăng dưới ánh nắng mặt trời, cũng dễ thương làm sao!

Lại nói về cô Gái, tôi thật không thể hiểu nổi cô, tại sao lại đay nghiến các cháu trong khi chúng còn bé chẳng hiểu gì, như trong đoạn ông viết:

‘’Tôi vẫn lang thang với anh Cu Nhớn. nếu biết tôi đi câu, cô Gái chẳng cho tôi ngồi lâu. Có khi vừa tìm được một chỗ nấp kín đáo, cái phao đầu tiên vừa động đậy, anh Cu Nhớn đã huých tôi:

– Cô Gái gọi chú kìa!

Tôi lắng nghe. Từ phía nhà tôi vẳng lại tiếng réo của bà. Đã không gọi thì thôi, chứ đã gọi thì bà làm như hò đò sông Cái:

– Thư ơi, ơ Thư! Thưưư ơơơiii!

Tôi cuốn cần câu lại, thở dài.

Cô Gái chờ tôi ở thềm sừng sững như một cái phất trần:

– Đi đâu mà tao réo hết hơi mới chịu dẫn xác về, thằng kia? – bà thét lên – Ngữ mày rồi hỏng, tao truyền đời báo danh cho mà biết. Bé đi câu, nhớn đi hầu, già đi làm khách nợ.

Tôi cúi mặt xuống, nước mắt trào ra trước câu tiên tri tàn nhẫn về cuộc đời mình’’

Thật là phi lý, khi trẻ thơ phải nghe những lời chê bai, ruồng rẫy của người thân phải không ông? Tôi thấy hình như người Việt mình, hay đe nẹt con cháu bằng những lời rất nặng, đôi khi xúc phạm đến nhân phẩm đứa bé.
Tại sao cứ phải gay gắt, bạc bẽo với chính máu mủ ruột thịt của mình, ông nhỉ? Thay vì khuyến khích giúp đỡ khi con cháu làm đúng, hoặc la rầy, khuyên nhủ khi chúng làm sai.

Trong tình huống này, cậu bé đáng thương trong “Miền Thơ Ấu’’ chỉ muốn “thoát ly’’ là đúng lắm. Cậu ta bỏ nhà lang thang vào sâu trong các xóm, để biết đời sống dân làng cực khổ, hoặc cùng chị Phương, con gái đầu lòng của Bác Hai Thực đi cất vó tép, và chia sẻ ước mơ nhẹ nhàng thanh tịnh được trở thành nữ tu của chị. Hoặc cùng với các anh chị quây quần bên bác Hai Thực nghe bác kể chuyện Tam Quốc, Thủy Hử, để tránh Cô Gái có “trái tim tốt lành’’ nhưng khó tính.

Nhưng ông nhỉ, đúng là tuổi thơ tuyệt vời lắm, buồn đấy, vui đấy, y như con chuồn chuồn đậu trên ngọn cỏ, một chốc rồi bay, không để lại dấu vết hay tiếng động.

Như ông kể, ngày qua ngày, ngôi nhà cô tịch vắng vẻ của hai cô cháu đã trở thành thân quen, ấp ủ mối thâm tình ruột thịt. Nhất là khi cậu cháu đỗ cao trong lần thi kinh thánh. Tự ái, danh dự của cô Gái được vuốt ve, tình thương của cô dành cho cháu, theo đó cũng đầm ấm rộn rã. Câu tục ngữ: “Thương cho roi cho vọt’’ thế mà lại hay ông nhỉ? 

Nhưng khi đọc đến đoạn Ông và người anh họ chơi trò chơi giả làm Cha trong nhà thờ, cả ba anh em bị cô Gái cho một trận đòn chí tử, thì tôi lại sốt ruột quá. Tuổi thơ có những ý nghĩ ngộ nghĩnh và thừa can đảm để biến những ý nghĩ đó thành hành động. Do vậy, phải được răn dạy, nhưng nếu sự răn dạy này không nhằm để cho đứa trẻ hiểu biết hơn và tốt hơn, mà vì để bảo vệ một giáo điều đã bị xúc phạm, thì thật là tàn nhẫn quá. Ông viết: “Trận đòn của con chiên mẫu mực đánh con chiên ghẻ thực là khủng khiếp’’, khiến tôi nghĩ đến đòn thù của những kẻ theo chủ nghĩa giáo điều, họ thẳng tay triệt hạ những người chống lại hay xúc phạm giáo điều đó, bất kể máu mủ ruột thịt. Nhưng cũng chính sự tàn ác đã làm sống lại mạnh mẽ những nhận thức ngay thẳng và sáng suốt, để bùng lên thành một cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa giáo điều. Ông có nghĩ thế không? Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh, phải không ông?

Nghe ông kể về cô Thiệp, mới thương làm sao, ông viết rằng cô Thiệp thuộc loại người “khiếp nhược… sẵn sàng nhận lỗi nếu có ai đó đòi họ phải nhận lỗi, họ làm tuốt luột mọi việc, miễn sao gợi được lòng thương, hoặc ít nhất thì cũng là sự lãng quên của đồng loại, để được yên thân, để khỏi có ai động tới mình’’. Ông có nghĩ rằng, cái nghèo khiến con người ta dễ đánh mất quyền làm người của mình không? Khi đói, con người sẽ khó giữ được nhân phẩm không? Và có phải vì thế mà chủ nghĩa cộng sản đã bần cùng hóa người dân để tước đoạt quyền làm người của họ không?

Đọc đến đoạn ông tả cô Mỹ, thì thật là khác hẳn, chỉ vì cô ấy có sự tự tin, có tinh thần độc lập, có tính cương quyết và tư chất thông minh, nên đã tạo cho mình một uy tín và vị thế trong dòng họ cũng như ngoài làng xã. Nghĩ xa hơn, một khi người dân Việt Nam của mình trút bỏ được sự sợ hãi, tin vào chính mình, không chấp nhận khống chế áp bức, cương quyết đứng dậy đòi lại quyền làm người, thì tự do dân chủ sẽ không còn là ước mơ nữa phải không ông?.

Ông Hiên kính mến, ông viết về chuyện tiền để dành của cô Gái bị mối ăn, khiến tôi thương cô ấy quá. Tôi hoàn toàn đồng ý khi ông viết: “Tôi không chịu được bất cứ nỗi đau đớn nào mà tôi phải chứng kiến, dù nó phải hay nó trái…’’ Đây là cái tâm nhân bản của người Việt Nam, có thể hiện được cái tâm, cái đức này, thì dân tộc mới không bị tàn sát, đất nước mới có cơ hưng thịnh, phải không ông?

Rồi những lời xì xầm to nhỏ không tốt về cô Gái đã khiến tác giả “Miền Thơ Ấu’’ giận dữ:  “…tôi căm ghét cái thói đời khoái trá trước nỗi đau của người khác. Nó giống cái khoái trá của con chó dữ với dòng bọt mép sùi ra sau khi cắn rách tai con chó già ốm yếu không còn sức đánh trả và chẳng động gì tới nó. Đơn giản chỉ vì con chó trẻ ngứa mắt và ngứa răng. Tôi thương cô Gái của tôi, trong lòng, tôi đứng về phía bà.’’

Đúng vậy ông Hiên ạ, tuổi thơ thẳng thắn và có cái Tâm rất đẹp, biết quên mình để cứu khổ phò nguy, trừ gian diệt bạo. Không chấp cái ác, dù với lý do gì, và dưới hình thức nào.Tôi tin rằng cho đến bây giờ, tác giả của “Miền Thơ Ấu’’ vẫn giữ được cái Tâm này.

Từ tấm lòng nhân hậu, và can đảm, nhân vật chính trong “Miền Thơ Ấu’’ đã thực hiện được những việc khá to lớn với số tuổi của cậu ấy, như viết thư hộ cho ông Nhiêu Tuất có con đi lính thợ bên Tây, hoặc lén lấy gạo của cô Gái cho chú Khóa, là người trong họ nghèo khổ xác xơ. Nhưng ông Hiên ạ, bàn đến chuyện của chú Khóa, chẳng phải chỉ ngày xưa mới có, mà ngay thời này cũng vậy, nếu bảo là có lòng nhân, tại sao không cứu người trong lúc họ còn sống và đang đói khát, đợi đến lúc họ chết vì đói, thì mới bỏ tiền ra để  xin lễ cầu hồn? Tôi thật không hiểu nổi!

Ông Hiên kính mến,

Tôi đang say mê theo dõi cuộc đời “ba chìm, bảy nổi, chín cái long đong’’ của cậu bé trong “Miền Thơ Ấu’’, thì đột nhiên cậu ấy phải rời quê để trở về Hà Nội, ngay chính tôi còn cảm thấy hụt hẫng nữa là… Tôi đã lây cuộc sống gắn bó, nghèo nàn, của quê ông, tôi lây cái trí tưởng tượng phong phú tuyệt vời của cậu bé trong “Miền Thơ Ấu’’, để mà rằng, tác giả sẽ còn phải ở quê lâu hơn, và sẽ có nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh mới lạ, để sinh tồn giữa dòng họ Nội đông người, phức tạp, nhưng chân chất.

Ông viết khi về Hà Nội sau 3 năm sống ở quê: “Những ngày đầu tiên trở về nhà mình, trở về thành phố, tôi cứ bâng khuâng như thể trong tôi có cái gì không ổn. Mẹ tôi ngạc nhiên:

– Con nhớ cô Gái à?

Tôi đáp vâng, nhưng tôi biết rằng không phải. Tôi nhớ một cái gì đó lớn hơn’’.

Tôi tin như vậy ông Hiên ạ, mặc dù ông viết rằng: “Tôi cũng tin ở tình yêu có gốc gác từ thói quen. Tôi không tin cô Gái yêu tôi ngay khi tôi từ thành phố trở về quê nội… nhưng 3 năm sống với nhau, trong ngôi nhà một cô một cháu, bà đã quen với tôi đến nỗi bất thình lình phải chia tay với tôi, bà oà khóc. Tôi cũng chảy nước mắt, thút thít như khi tôi tủi thân; tôi cảm thấy thiếu bà…’’

Tôi tin rằng, không gian cô tịch và thân thiết của miền quê đã giữ tâm hồn ông, những “va chạm cuộc đời’’ trong 3 năm trời, đã là phần đời quan trọng của ông, ông trưởng thành từ phần đời ấy, ông đăm chiêu về vận mệnh đất nước cũng từ phần đời ấy, và cũng chính phần đời này, như ông viết: “Một thời, nó đã là người bạn tâm tình, là cái nạng cho tôi vịn vào mà đi trên con đường vô định..’’.

Cuối cùng, “Miền Thơ Ấu’’ không những là tác phẩm giá trị, đáng yêu, mà còn là hành trang hiếm quý trong cuộc đời tác giả, phải không ạ? Xin cảm ơn ông Hiên nhiều.

alt

Vũ Thư Hiên tại Paris

PDH
5/12